22 C
Hanoi
Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

“Dùng đèn LED chiếu sáng, khỏi cần xây 14 nhà máy điện than…”

Print Friendly, PDF & Email

Đó là nhận định của các chuyên gia năng lượng, theo quan điểm các chuyên gia: Nếu dùng đèn LED chiếu sáng công cộng, dân dụng, công nghiệp thì nước ta không cần xây thêm 14 nhà máy nhiệt điện than ở ĐBSCL với tổng công suất 18.000 MW, đến năm 2030, theo quy hoạch điện VII điều chỉnh do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 3/2016.

Môi trường bên Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải ở tỉnh Trà Vinh bị ô nhiễm trầm trọng
Môi trường bên Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải ở tỉnh Trà Vinh bị ô nhiễm trầm trọng

Theo quy hoạch đến năm 2030, tổng công suất nhiệt điện đốt than cả nước khoảng 75.000 MW, vốn đầu tư xây dựng chừng 170 tỉ USD. Tính toán của các chuyên gia, nếu dùng đèn LED trong chiếu sáng, nhu cầu về điện năng sẽ giảm rất lớn. Cụ thể, giảm 5.962 tỉ kWh chiếu sáng dân sinh, 5 tỉ kWh chiếu sáng công nghiệp và 3 tỉ kWh chiếu sáng công cộng. Từ đó, có thể giảm nguồn cung tương đương với việc không cần xây thêm 14 nhà máy nhiệt điện than, tiết kiệm chùng 33 tỉ USD đầu tư.
Khó khăn là các công trình công cộng được chiếu sáng bằng đèn LED nay mới bắt đầu. Nhà nước có nhiều văn bản định hướng, thúc đẩy ngành chiếu sáng phát triển đèn LED nhưng quá trình thực hiện có nhiều vướng mắc. Nên dùng đèn LED trong chiếu sáng công cộng ở các đô thị mới dừng ở một số tuyến đường.
Các đô thị lớn ở ĐBSCL có nhiều nỗ lực trong sử dụng đèn LED chiếu sáng công cộng nhưng tính ra cũng phải mất hàng chục năm để có thể đạt tới lợi ích mà công nghệ LED đem lại là giảm 50 – 60% điện năng chiếu sáng công cộng.
Những đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM tình hình cũng có nhiều khó khăn. Cty TNHH MTV Chiếu sáng và Thiết bị đô thị (Hapulico) cho biết, đến đầu năm 2016, quản lý 1.554 trạm đèn chiếu sáng với 128.451 bóng các loại, chiếu sáng cho 3.278 km đường trên địa bàn của 12 quận và 10 huyện Hà Nội. Tổng giám đốc Cty Hapulico Nguyễn Anh Tuấn cho biết, đèn LED chiếu sáng công cộng mới chiếm khoảng 5%. Hà Nội chủ trương kêu gọi đầu tư đèn LED cho chiếu sáng công cộng bằng hình thức xã hội hóa theo mô hình ESCO, nhà đầu tư thu hồi vốn và lợi nhuận trên cơ sở chia sẻ lợi nhuận từ tiết kiệm điện mà dự án mang lại. Tuy nhiên, còn gặp khó ở cơ chế quản lý chồng chéo.
Nếu thực hiện LED hóa chiếu sáng công cộng, không chỉ tiết kiệm 33 tỉ USD mà còn giữ được môi trường trong lành. Theo Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam và Liên minh Phòng chống Bệnh không Lây nhiễm Việt Nam (các tổ chức khoa học công nghệ, phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường), các nhà máy nhiệt điện than chiếm khoảng 50% nhóm dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, cần giám sát đặc biệt. Nghiên cứu hai năm qua, về tác động môi trường và xã hội của nhà máy nhiệt điện than tại tỉnh Trà Vinh và một số địa phương khác, cho thấy mối nguy hiện hữu cho môi trường, sức khỏe của người dân. Ở ĐBSCL, nhiệt điện than được đánh giá là hiểm họa lớn cho hệ sinh thái nước và nguồn lợi thủy sản. Nhận thức rõ rủi ro, gần đây lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã chủ động đề xuất rút nhiệt điện than Cái Cùng ra khỏi quy hoạch.

NGỌC DUYÊN

Bài viết liên quan