24 C
Hanoi
Thứ năm, 14 Tháng mười một, 2024

Ưu điểm của đèn tín hiệu giao thông sử dụng năng lượng mặt trời

Nắm bắt được ưu điểm, nhiều địa phương trên cả nước đã sử dụng đèn tín hiệu giao thông sử dụng năng lượng mặt trời…

Sở Giao thông vận tải tỉnh Hải Dương mới đây cho biết, hiện trên hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh này đã có 2 vị trí được lắp đặt đèn tín hiệu giao thông sử dụng năng lượng mặt trời. Đó là, nút giao đường 62 m với đường tỉnh 395 (Gia Lộc) và nút giao đường dẫn cầu Triều Km3+450 (Kinh Môn).

Được biết, kinh phí đầu tư hệ thống đèn tín hiệu sử dụng năng lượng mặt trời không chênh lệch đáng kể so với đèn tín hiệu sử dụng điện truyền thống, giúp tiết kiệm chi phí xây dựng hệ thống mương, cáp, đào cắt hoàn trả mặt đường. Đồng thời sử dụng nguồn năng lượng tự nhiên, thân thiện môi trường, hoạt động không bị gián đoạn khi có sự cố mất điện, sửa chữa điện lưới. Thời gian tới, Sở Giao thông vận tải tiếp tục rà soát những vị trí phù hợp để lắp đặt đèn tín hiệu giao thông sử dụng năng lượng mặt trời.

Ảnh minh họa

Theo báo Người lao động, từ những năm 2017, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ứng dụng, lắp đặt hệ thống đèn nháy màu vàng cảnh báo giao thông, hệ thống này cũng sử dụng năng lượng mặt trời.

Thiết kế của loại đèn này gồm hệ thống trụ đỡ bên trên gắn tấm pin năng lượng mặt trời, ắc quy, mạch điện, đóng trong một khối kín. Nhờ vào tấm pin nên đèn có thể hoạt động nháy 45-60 lần/phút. Không sử dụng điện, không tốn công sức vận hành.

Theo thống kê, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã lắp đặt 171 cột đèn tín hiệu chớp vàng sử dung bằng năng lượng mặt trời, tổng kinh phí khoảng 3,6 tỉ đồng, trích từ ngân sách của tỉnh.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, từ năm 2019, hệ thống đèn giao thông sử dụng pin năng lượng mặt trời ở các khúc cua, điểm đen, đoạn qua dân cư đông dọc Tỉnh lộ (TL) 6 từ thị trấn Phong Điền đến xã Phong Chương (11km) đã được lắp đặt.

Các trụ đèn này cao 2,5-6m, được gắn từ 1-2 bóng đèn led trắng công suất 40-50W. Trên đỉnh các trụ đèn là tấm pin sử dụng năng lượng mặt trời kích thước 30cm x 40cm để hấp thụ ánh sáng chuyển hóa thành điện năng giúp cho các bóng đèn led luôn sáng khi trời vừa tối đến suốt đêm.

Ông Trịnh Đức Hiệp, Phó Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Phong Điền khi đó cho biết, hệ thống sử dụng đèn năng lượng mặt trời trên TL6 được đầu tư từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học cơ sở. Tổng kinh phí triển khai ứng dụng mô hình hơn 140 triệu đồng, gồm chi phí lắp đặt thiết bị, cần, trụ đèn; tập huấn; bảo dưỡng… với 5 hệ thống trụ đèn lắp đặt tại đoạn đường cong qua khu vực thôn Khúc Lý (Phong Thu), cầu Thiềm (Phong Chương); khúc cua ngoặt dốc (Phong Hòa)…

Qua thời gian hơn 2 năm ứng dụng thực tế, hệ thống đèn này hoạt động hoàn toàn tự động nên tiết kiệm được chi phí duy tu, sửa chữa. Các trụ đèn giao thông sử dụng năng lượng mặt trời tích lũy năng lượng và duy trì hoạt động suốt đêm; do không sử dụng nguồn điện lưới nên việc lắp đặt đơn giản, không phải đào đường để đấu nối hệ thống điện, không lắp đặt đường dây, không trả phí tiền điện…

Nguồn: https://petrotimes.vn/uu-diem-cua-den-tin-hieu-giao-thong-su-dung-nang-luong-mat-troi-643042.html

Bài viết liên quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM NHIỀU NHẤT