23 C
Hanoi
Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

Đề xuất nhiều quy định mới về thời gian làm việc, nghỉ ngơi từ năm 2021

Print Friendly, PDF & Email

Quy định cụ thể về thời giờ làm việc được hưởng lương, việc nghỉ trong giờ làm việc, căn cứ tính thời gian làm việc, ca làm việc và làm việc theo ca…

Đây là một phần dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Bộ luật Lao động 2019 về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, đang được Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ xem xét và ban hành.

Việc xây dựng dự thảo Nghị định trên nhằm cụ thể hoá những quy định mới của Luật Lao động 2019, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Làm rõ khoảng thời gian làm việc

Theo quy định của Luật Lao động 2012, thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động. (Khoản 1 Điều 107 của Bộ luật Lao động).

Tuy nhiên, để làm rõ các “khoảng thời gian làm việc”, dự thảo Nghị định đã quy định về các nội dung sau: Thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương, ca làm việc và làm việc theo ca, nghỉ trong giờ làm việc.

Như vậy đây là khoảng thời gian nghỉ ngơi hoặc không trực tiếp làm các công việc ghi trong hợp đồng lao động, nhưng được trả lương hoặc tính vào giờ làm việc theo quy định của pháp luật.

Về giới hạn số giờ làm thêm

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định trước đó của Nghị định số 45/2013/NĐ-CP.

Cụ thể, dự thảo Nghị định sửa đổi để làm rõ về giới hạn làm thêm giờ vào ngày làm việc bình thường và ngày nghỉ; bổ sung thêm quy định giới hạn làm thêm giờ đối với trường hợp làm việc không trọn thời gian theo Điều 32 của Bộ luật Lao động;

Bổ sung thêm quy định việc giảm trừ khi tính vào số giờ làm thêm trong tháng. Đối với các khoảng thời gian không làm việc, trong năm để xác định việc tuân thủ giới hạn làm thêm giờ quy định tại Khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động.

Quy định trên được xây dựng trên cơ sở vẫn bảo đảm quyền lợi của người lao động khi làm việc, làm thêm giờ (được trả lương làm thêm…), nhưng bảo đảm không ảnh hưởng đến quỹ thời gian làm việc thực tế của người lao động, góp phần tháo gỡ vướng mắc của người sử dụng lao động khi tổ chức làm thêm giờ trong thời gian vừa qua.

Về ca làm việc và làm việc theo ca liên tục

Trước thực tế còn có nhiều cách hiểu khác nhau về “ca làm việc”, “làm việc theo ca” và “làm việc theo ca liên tục”, làm ảnh hưởng đến cách tính “thời giờ làm việc” và “thời giờ làm thêm” của người lao động.

Vì vậy, dự thảo Nghị định đã giải thích cụ thể các cụm từ này và quy định trường hợp “Làm việc theo ca liên tục”.

Đó là trường hợp tổ chức làm việc theo ca có đủ các điều kiện sau: Người lao động làm việc trong ca từ 06 giờ trở lên, thời gian chuyển tiếp giữa 2 ca làm việc liền kề không quá 45 phút, tương ứng với mức thời gian nghỉ giữa giờ cao nhất phải tính vào giờ làm việc tại Điều 109 của Bộ luật Lao động.

Điều này nhằm bảo đảm mục tiêu bảo vệ sức khỏe của người lao động, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng lao động cải thiện môi trường lao động, nâng cao năng suất lao động,

Về làm việc ban đêm

Theo quy định tại Điều 109 của Bộ luật Lao động thì: “…làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục”.

Tuy nhiên, Điều 106 của Bộ luật Lao động chỉ quy định khung giờ làm việc ban đêm, cụ thể: “Giờ làm việc ban đêm được tính từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau”.

Như vậy điều này có thể dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau khi áp dụng Điều 109 của Bộ luật Lao động, chẳng hạn chỉ cần 1 phút làm việc trong khung giờ làm viêc ban đêm là đã tính “làm việc ban đêm”. Nhưng cũng có cách hiểu phải làm đủ 8 giờ trong khung giờ làm việc ban đêm quy định tại Điều 106 của Bộ luật Lao động mới tính là “làm việc ban đêm”.

Để hài hòa quyền lợi giữa người lao động và người sử dụng lao động, dự thảo Nghị định chọn khoảng giờ làm việc ban đêm ở mức trung bình, tức là ít nhất 3 giờ làm việc.

Cụ thể: “Thời gian nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục theo quy định tại khoản 1 Điều 109 của Bộ luật Lao động được áp dụng đối với người lao động làm việc từ 6 giờ trở lên trong một ngày, trong đó có ít nhất 3 giờ làm việc trong khung giờ làm việc ban đêm quy định tại Điều 106 của Bộ luật Lao động.

Một số công việc có tính chất đặc biệt về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi

Dự thảo Nghị định quy định bổ sung thêm 3 nhóm công việc có tính chất đặc biệt về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi ngoài các trường hợp quy định tại Điều 116 Bộ luật Lao động theo đề nghị của các Bộ, ngành, đó là: Các công việc phòng chống thiên tai, hỏa hoạn và dịch bệnh; các công việc trong lĩnh vực thể dục, thể thao; sản xuất thuốc, vắc xin sinh phẩm.

Thanh Vân (Theo Dân trí)

 

Bài viết liên quan