24 C
Hanoi
Thứ Năm, 28 Tháng Ba, 2024

“Phát triển và thúc đẩy công nghệ LED cho chiếu sáng chung ở Việt Nam”

Print Friendly, PDF & Email

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) đang triển khai dự án “Phát triển và thúc đẩy công nghệ LED cho chiếu sáng chung ở Việt Nam” (gọi tắt là Dự án LED) được tài trợ bởi Quỹ môi trường toàn cầu (GEF), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và đồng tài trợ bởi các cơ quan/đơn vị liên quan của Việt Nam.

TS. Nguyễn Văn Thao – Giám đốc Ban Quản lý dự án phát biểu khai mạc khóa đào tạo
TS. Nguyễn Văn Thao – Giám đốc Ban Quản lý dự án phát biểu khai mạc khóa đào tạo

Được sự hỗ trợ của các chuyên gia tư vấn quốc tế và trong nước, Ban Quản lý Dự án (PMU) “Phát triển và Thúc đẩy Công nghệ LED cho Chiếu sáng chung ở Việt Nam”đã xây dựng một chương trình đào tạo về Công nghệ chiếu sáng LED (cơ bản và tiên tiến) cho chiếu sáng chung. Các giảng viên có kinh nghiệm ở trong nước và nước ngoài đã tham gia soạn thảo 14 bài giảng về các công nghệ nền và các vấn đề có liên quan đến thiết kế, chế tạo, sản xuất và ứng dụng các loại đèn LED dùng trong chiếu sáng chung. Hai khóa đào tạo sẽ được tổ chức tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (dự kiến tháng 26-28/04/2017) cho khoảng trên 100 cán bộ kỹ thuật, kỹ sư chuyên nghiên cứu tư vấn, thiết kế, chế tạo và ứng dụng các loại đèn chiếu sáng LED (trong nhà và ngoài nhà) trong cả nước.

LED hoá để tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường
Mục tiêu của Dự án là giảm thiểu lượng phát thải các khí nhà kính (GHG) thông qua chuyển đổi thị trường chiếu sáng hướng đến các sản phẩm chiếu sáng LED tại Việt Nam. Mục tiêu này sẽ được thực hiện bằng cách tháo gỡ các rào cản đối với việc tăng cường sản xuất và sử dụng các sản phẩm LED ở Việt Nam thông qua 2 hợp phần sau: Chuyển giao kỹ năng, tri thức và công nghệ sản xuất đèn LED tại Việt Nam vàTrình diễn việc sản xuất trong nước các thiết bị chiếu sáng LED mang tính thương mại, với chi phí hiệu quả.
Dự án sẽ được thực hiện trong thời gian 4 năm (2016 – 2019). Kết quả dự kiến của Dự án sẽ góp phần giảm lượng phát thải các khí GHG thông qua việc giảm phát điện từ các nhà máy chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Các doanh nghiệp sản xuất LED Việt Nam đã dành những khoản đầu tư khiêm tốn vào các phương tiện nghiên cứu và phát triển của chính mình, được vận hành bởi các chuyên gia Việt Nam. Các hoạt động nghiên cứu & phát triển hiện tại của họ gồm thiết kế các thiết bị chiếu sáng LED mới để sử dụng trong nhà cũng như ngoài trời có thể đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia mới và có giá cả cạnh tranh. Là một phần của Dự án CCIT do UNDP tài trợ,  các chương trình đào tạo về chuẩn bị và thực hiện các kế hoạch giảm nhẹ biến đối khí hậu cho các doanh nghiệp công nghiệp và kiểm toán năng lượng đã được xây dựng. Những hoạt động cơ sở này sẽ được bổ sung và quy mô sẽ được mở rộng thông qua sự trợ giúp gia tăng của GEF cho các chuyên gia nghiên cứu và phát triển công nghệ chiếu sáng LED của Ralaco, Điện Quang và các công ty sản xuất đèn LED khác tham gia Dự án. Mục tiêu thông qua hoạt động này, tăng cường năng lực để họ có khả năng thiết kế các sản phẩm chiếu sáng dựa vào công nghệ LED cho mục đích chiếu sáng chung. Những chương trình tập huấn này sẽ có sự tham gia của các kỹ sư chiếu sáng, kỹ sư môi trường, các chuyên gia về biến đổi khí hậu, chuyên gia điện, nhà thầu và nhà cung ứng, để thiết kế, xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo phù hợp với các hoạt động sản xuất đèn LED. Đồng thời qua hoạt động của Chương trình tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đối thoại giữa họ và các trung tâm nghiên cứu & phát triển về các sản phẩm chiếu sáng LED nhằm bảo đảm rằng các khái niệm về nghiên cứu & phát triển được phổ biến đến tận cơ sở sản xuất và được nghiên cứu kỹ càng để phục vụ việc thiết kế và có thể cho cả việc sản xuất thí điểm.
Phát biểu tại buổi khai mạc khoá học tại Hà Nội (ngày 28- 30/03/2017), ông Nguyễn Văn Thao – Giám đốc Dự án –  hi vọng dự án sẽ giúp tăng cường năng lực để các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng thiết kế các sản phẩm chiếu sáng dựa trên công nghệ LED cho mục đích chiếu sáng chung. GS.TS Phan Hồng Khôi mong muốn sau khi tham gia khoá học này, học viên sẽ có điều kiện thuận lợi để đối thoại với các trung tâm nghiên cứu và phát triển về các sản phẩm chiếu sáng LED nhằm bảo đảm rằng các khái niệm về nghiên cứu và phát triển được phổ biến đến tận cơ sở sản xuất và được nghiên cứu kỹ càng để phục vụ việc thiết kế, có thể cho cả việc sản xuất thí điểm.
luu niem(1)Tham dự và chia sẻ bài giảng đầu tiên của khoá đào tạo, ông Nguyễn Khánh Bình – nguyên Tổng giám đốc công ty Schreder Việt Nam – cho biết việc LED hoá hiện nay đang là một hướng đi tất yếu. Nếu một dự án không sử dụng đèn LED mà là những loại đèn cũ, chắc chắn dự án đó sẽ không bao giờ được phê duyệt. Và mặc dù số vốn đầu tư ban đầu dành cho LED là tương đối cao, nhưng lợi ích lại dài hạn và chắc chắn sẽ có lợi hơn nhiều so với sử dụng những loại đèn cũ.
Các bài giảng về Cơ sở điot phát quang (LED), các loại LED và LED màu trắng của GS.TS Nguyễn Đức Chiến. Công nghệ tiên tiến trong quản lý nhiệt và cách tản nhiệt của PGS.TS Vũ Doãn Miên,…. sẽ là cơ  sở cung cấp cho các học viên những kiến thức chuyên môn chính xác nhất về LED thấy được lợi ích từ LED để mạnh dạn thay đổi hoặc đầu tư vào LED cho các công ty quản lý chiếu sáng.
Về phía các học viên tham gia, qua những bài giảng đã hiểu về LED, về các công nghệ và về lợi ích mà LED là tiết kiệm năng lượng, qua đó tiết kiệm ngân sách và bảo vệ môi trường. Anh Hải, học viên của Công ty chiếu sáng công cộng Nam Định, cho biết anh rất tâm đắc với những bài giảng của các thầy, nhất là bài giảng Bảo vệ chống xung sét và xung chuyển mạch cho các hệ thống chiếu sáng LED của Tiến sĩ Trần Văn Thịnh. Sau khoá học này, anh sẽ đề xuất với lãnh đạo tỉnh đầu tư vào LED nhiều hơn.

Lợi ích từ việc LED hoá chiếu sáng công cộng
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở, các Ban quản lý dự án, UBND các quận, huyện, thị xã về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả (đèn LED) trong hệ thống chiếu sáng công cộng (CSCC) của thành phố. Hà Nội là một trong những địa phương đang dẫn đầu cả nước về việc sử dụng đèn LED trong chiếu sáng công cộng vì những lợi ích mà LED mang lại.
Hà Nội đang dự kiến kêu gọi đầu tư đèn LED cho CSCC bằng hình thức xã hội hóa theo mô hình ESCO, đó là việc các Công ty đầu tư công trình CSCC bằng LED sẽ đề xuất các giải pháp kỹ thuật, cam kết hiệu quả tiết kiệm năng lượng với Chính quyền thành phố. Nhà đầu tư sẽ thu hồi vốn và lợi nhuận dựa trên việc sẽ chia sẻ khoản lợi nhuận từ việc tiết kiệm điện mà dự án mang lại (so với việc dùng hệ thống chiếu sáng cũ) trong khoảng thời gian nhất định.
Mô hình ESCO không phải mới trên thế giới, nhưng vẫn đang gặp phải những rào cản nhất định ở Việt Nam vì cơ chế quản lý chồng chéo, trong khi tiền đầu tư cho LED cao, các công ty khó thu hồi vốn, không khuyến khích được họ đầu tư. Để thực hiện cần có cơ chế thống nhất giữa các cơ sở ban, ngành của TP và Bộ Tài chính để thu hồi vốn.
Phát biểu tại buổi bế mạc khoá học, PGS.TS Lê Văn Doanh một lần nữa nhấn mạnh về lợi ích mà LED mang lại, từ việc tiết kiệm điện năng,tiết kiệm tiền đến việc bảo vệ môi trường.Việc sử dụng đèn LED trong chiếu sáng chung là một hướng đi tất yếu của Việt Nam. Nhưng để đưa việc này vào thực tế, cần có những cơ chế rõ ràng và mở hơn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, các công ty sản xuất, kinh doanh cũng như các công ty chiếu sáng công cộng của các tỉnh, thành phố cũng cần luôn cập nhật công nghệ, thay đổi tư duy và cần được đào tạo bài bản hơn về công nghệ LED. Những lớp học như Khoá đào tạo “Các công nghệ LED cơ bản và tiên tiến cho chiếu sáng chung” cũng cần được tổ chức thường xuyên hơn.

Tiến Minh

Bài viết liên quan