22 C
Hanoi
Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

Nhiệt điện Hải Phòng nỗ lực vượt qua thách thức

Print Friendly, PDF & Email

Nhu cầu sử dụng điện năng cho các hoạt động kinh tế thời gian qua tăng mạnh, trong khi nguồn cung ngày càng hạn chế. Trở ngại lớn nhất  là lưu lượng nước về các hồ thủy điện sụt giảm nghiêm trọng, trước tình hình đó Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo các nhà máy nhiệt điện vận hành với công suất cao. Đây là cơ hội, cũng là thách thức đối với các đơn vị phát điện trong đó có Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng

Tự tin vươn lên

Năm 2019 vừa qua, lần đầu tiên kể từ khi đưa các tổ máy vào vận hành thương mại, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (Nhiệt điện Hải Phòng)  được giao sản lượng cao hơn thiết kế. Theo đó công ty được giao vận hành 7000 giờ các tổ máy, riêng các tháng mùa khô vận hành 4000 giờ với tổng sản lượng điện phát cả năm đạt 7.782 triệu kWh, đạt 104,1% so với kế hoạch. Nhờ các tổ máy vận hành ổn định đã đáp ứng yêu cầu vận hành của hệ thống điện, sản lượng phát đạt cao nhất từ trước đến nay. Kết quả này đã thể hiện sự năng động sáng tạo của tập thể lãnh đạo cán bộ công nhân viên của Công ty nhằm không ngừng đổi mới, sáng tạo, tập trung mọi nguồn lực để nâng cao độ khả dụng của các tổ máy.

Toàn cảnh Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng.

Năm 2020, Nhiệt điện Hải Phòng đặt kế hoạch sản lượng điện phát 8.150 triệu kWh, sản lượng điện giao nhận là 7.422 triệu kWh, tăng nhẹ so với sản lượng thực hiện năm 2019. Đây là một thách thức không hề nhỏ với doanh nghiệp. Ông Nguyễn Thường Quang – Tổng Giám đốc Nhiệt điện Hải Phòng cho biết, theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong việc nâng cao tính sẵn sàng, độ khả dụng của thiết bị tổ máy nhiệt điện để có thể phát tối đa công suất, nên công tác chuẩn bị đảm bảo than tốt cho sản xuất và dự trữ cao, các tổ máy đã được củng cố. Nhờ vậy, sản lượng điện quý 1/2020 của Công ty đạt 103% kế hoạch, lợi nhuận đạt 294 tỷ đồng đạt 31% kế hoạch cả năm”.

Còn nhiều thách thức

Hiện tại thời tiết khu vực miền Bắc trong tháng 5 bắt đầu đã có mưa, đây là tín hiệu tốt cho các nhà máy thủy điện, nhưng trong bối cảnh nắng nóng đã bắt đầu diễn ra trên diện rộng đã khiến nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao,  đây trở thành những thách thức không nhỏ cho các nhà máy điện. Đòi hỏi các nhà máy vừa phải đảm bảo nhiệm vụ chính trị vừa đảm bảo nhiệm vụ kinh tế nhất là đối với các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình cổ phần như Nhiệt điện Hải Phòng. “Để công tác sản xuất điện ổn định, an toàn, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng đã theo dõi sát sao tình trạng vận hành của thiết bị để đánh giá chính xác tình trạng hư hỏng của thiết bị để từng bước hoàn thiện kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng và tổ chức thực hiện nghiêm túc kế hoạch đã đề ra đảm bảo độ an toàn và tin cậy của thiết bị. Bên cạnh đó, Nhiệt điện Hải Phòng  thường xuyên bám sát kế hoạch sản lượng tháng, quý đã duyệt để từ đó chuẩn bị tốt vật tư tiêu hao, vật tư sửa chữa, theo dõi chặt chẽ thị trường điện để kịp thời có bản chào giá hợp lý, có lợi nhuận cao nhất ”, ông Nguyễn Thường Quang chia sẻ.

Bốc dỡ than phục vụ cho hoạt động của Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng.

Ngoài ra, Công ty cũng tăng cường công tác giám sát, quản lý kỹ thuật thiết bị, siết chặt kỷ luật, có biện pháp giảm suất hao nhiệt về định mức mà Tổng Công ty Phát điện 2 giao cho, không tăng sự cố. Duy trì hệ số khả dụng các thiết bị… nhằm đảm bảo sản xuất an toàn, vệ sinh, môi trường…

Ông Tạ Công Hoan- Chủ tịch Hội đồng quản trị của Nhiệt điện Hải Phòng cho biết, “…hiện than cho sản xuất vẫn được đảm bảo, chúng tôi đã làm việc với Tập đoàn than khoảng sản Việt Nam (TKV) cùng Công ty Than Đông Bắc để đảm bảo cung cấp than đáp ứng cho yêu cầu của sản xuất, công tác sửa chữa lớn mặc dù gặp không ít khó khăn do dịch Covid-19 nhưng hiện vẫn đang bám theo tiến độ và công tác này dự kiến sẽ hoàn thành theo đúng tiến độ nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt như hiện nay”. Vấn đề đáng quan ngại nhất hiện nay của Nhiệt điện Hải Phòng chính là tình hình dịch bệnh Covid-19, nếu dịch bệnh diễn biến xấu thì sẽ ảnh hưởng công tác cung cấp vật tư của các nhà thầu cũng như chuyên gia nước ngoài phục vụ cho công tác đại tu sẽ diễn ra vào đầu tháng 8/2020.

Hiện công tác sửa chữa lớn vẫn đang được triển khai theo đúng tiến độ, công ty sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh ký hợp đồng các gói thầu sửa chữa lớn 2020 và hoàn thành sự toán sửa chữa lớn năm 2021 cũng như đẩy nhanh thực hiện các đề án ứng dụng cách mạng 4.0 còn lại đồng bộ với đại tu, trung tu các tổ máy; đề án về môi trường theo chỉ đạo của EVN, đề án sắp xếp lao động…

Theo báo cáo của EVN, kế hoạch huy động nguồn điện cập nhật so với kế hoạch đầu năm, sản lượng các nhà máy thủy điện sẽ giảm khoảng 2,67 tỷ kWh trong năm 2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam dự kiến sẽ phải tăng sản lượng điện phát từ các nhà máy nhiệt điện than khoảng trên 1,9 tỷ kWh và từ các nhà máy nhiệt điện dầu khoảng trên 1,2 tỷ kWh.

 

                                                                                 Trường Ca – Ngọc Mi

Bài viết liên quan