Festival nghề Muối Việt Nam – Bạc Liêu năm 2025 “Hành trình 100 năm nghề muối – đời người” mang chủ đề “Nâng tầm giá trị hạt muối Việt Nam” vừa được khai mạc vào tối ngày 06/3, tại Quảng trường Hàng Vương tỉnh Bạc Liêu.

Về dự sự kiện trang trọng và ý nghĩa này, phía lãnh đạo Trung ương có đồng chí Trần Hồng Hà – Ủy viên Ban Chấp hành (UV BCH) Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Võ Văn Dũng – UV BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Lê Tấn Tới – UV BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh và Đối ngoại của Quốc hội. Sự kiện còn có sự tham dự của lãnh đạo tỉnh bạn Lào, lãnh đạo các địa phương trong vùng ĐBSCL và đại diện các HTX doanh nghiệp sản xuất muối trong nước.
Đây là sự kiện lớn nhằm giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế về kinh tế ngành muối của Việt Nam nói chung và Bạc Liêu nói riêng, quảng bá văn hóa, du lịch của địa phương; qua đó mời gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đến để cùng Bạc Liêu nâng cao giá trị hạt muối, giúp diêm dân có cơ hội vươn xa…

Trong diễn văn tại lễ khai mạc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Festival – Phạm Văn Thiều nhấn mạnh: Nghề làm muối ở Bạc Liêu có lịch sử lâu đời, được hình thành và phát triển qua nhiều thế hệ, Bạc Liêu từng được xem là “Thủ phủ muối” của Việt Nam. Nghề làm muối cũng là nét văn hóa, thể hiện bản sắc của người dân Bạc Liêu. Đặc biệt, việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Nghề làm muối ở Bạc Liêu là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” vào năm 2020, được xem là động lực, là lời nhắc nhở phải có trách nhiệm giữ gìn và phát triển nghề muối, nhằm góp phần tạo ra thu nhập, việc làm, vừa tạo ra động cơ và nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể này.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng khẳng định việc tổ chức Festival nhằm tôn vinh những giá trị của hạt muối, đồng thời thể hiện quyết tâm bảo tồn và phát triển nghề làm muối truyền thống, đưa muối Bạc Liêu nói riêng và muối cả nước nói chung được vươn xa hơn nữa.

Thay mặt chính phủ, phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng chính phủ -Trần Hồng đã ghi nhận Bạc Liêu không chỉ là nơi sản xuất muối lớn nhất cả nước mà còn là nơi gìn gữ nét văn hóa đặc sắc về nghề muối. Năm 2013, muối Bạc Liêu được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, năm 2020 nghề muối tỉnh Bạc Liêu được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đã khẳng định giá trị riêng biệt của vùng muối đất này. Với những nỗ lực của tỉnh trong việc bảo tồn và phát triển nghề muối, Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định Bạc Liêu đã có những hướng đi đúng đắn để nâng cao, kéo dài chuỗi giá trị hạt muối của Việt Nam.
Tuy nhiên với những thách thức và ngành muối Việt Nam còn nhiều khó khăn, Phó Thủ tướng Chính phủ – Trần Hồng Hà đã đề nghị cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại để ngành diêm nghiệp phát triển, khẳng định nâng cao năng suất, nâng tầm hạt muối là yêu cầu cấp bách hiện nay; đồng thời đề nghị các Bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố ven biển tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ đồng bộ – cũng là cam kết của Chính phủ cùng các Bộ, ngành và các địa phương sẽ thực hiện trong thời gian tới: Rà soát để phát triển vùng muối ở những nơi có điều kiện tự nhiên thuận theo hướng tập trung, quy mô lớn; hình thành vùng sản xuất công nghiệp gắn sản xuất với chế biến, đa dạng hóa các sản phẩm muối ở các địa phương; tập trung triển khai các giải pháp có tính đột phá, gia tăng giá trị cho các sản phẩm của muối.

Riêng với tỉnh Bạc Liêu, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ ngành và UBND tỉnh tiếp tục hoàn thiện tiêu chuẩn chất lượng, quảng bá muối Bạc Liêu ra quốc tế để không chỉ bà con trong nước mà cả bạn bè thế giới đã và sẽ biết đến hạt muối Bạc Liêu nhiều hơn; phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với sản xuất nông – diêm nghiệp; Chính phủ sẽ chỉ đạo có các chính sách tài chính riêng hỗ trợ diêm dân, quỹ để đảm bảo rủi ro cho bà con làm muối để bà con không còn lo lắng chuyện được mùa mất giá, hạt muối mặn đắng mồ hôi…
Theo khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Festival Muối Việt Nam – Bạc Liêu năm 2025 là thời điểm, dấu mốc để Chính phủ, các Bộ, ngành, các địa phương cùng bà con diêm dân nỗ lực đưa hạt muối vươn xa để ngành diêm nghiệp cùng đồng hành với đất nước bước vào kỉ nguyên mới. Festival sẽ là khởi đầu cho một trang mới của ngành diêm nghiệp Việt Nam.
Tại lễ khai mạc, có 18 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã được vinh danh, trao chứng nhận sản phẩm tiêu biểu từ muối và mô hình du lịch cộng đồng muối. Cũng nhân dịp này, lãnh đạo tỉnh đã trao bằng khen vinh danh 20 hộ gia đình tiêu biểu có đóng góp cho sự phát triển nghề muối trên địa bàn tỉnh.
Sau các nghi thức khai mạc là phần trình diễn nghệ thuật đặc sắc được dàn dựng công phu với chủ đề “Hành trình 100 năm Nghề muối – Đời người” gồm 3 chương: “Đẹp lắm quê hương ta”, “Đời muối, đời người” và “ Tinh hoa muối Viêt – Vươn tầm thế giới”, trong đó có nhiều bài tân, cổ nhạc do chính các tác giả Bạc Liêu sáng tác.
Với chủ đề “Nâng tầm giá trị hạt muối Việt Nam”, Sau thời gian dài chuẩn bị cho Festival Festival nghề Muối Việt Nam – Bạc Liêu năm 2025 “Hành trình 100 năm nghề muối – đời người, hơn 200 gian hàng tại Quảng trường Hùng Vương đã sẵn sàng đón khách tham quan và trải nghiệm giới thiệu, trưng bày sản phẩm muối, sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp; sản phẩm muối kết hợp du lịch, hợp tác xã sản xuất chế biến muối và các trang thiết bị, công nghệ sản xuất.
Dịp này, còn có rất nhiều những hoạt động nằm thu hút đại biểu, doanh nhân, HTX, doanh nghiệp và du khách như: trưng bày hình ảnh sản xuất, chế biến muối; trưng bày các loại muối đặc sản của các vùng miền; đặc biệt là nhiều hội nghị, hội thảo về các vấn đề liên quan đến nghề làm muối sẽ được các đơn vị, ban, ngành luân phiên tổ chức trong suốt những ngày diễn ra Festival tại Bạc Liêu, diễn ra từ ngày 6-8/3.
https://hoichieusangvietnam.org.vn/festival-nghe-muoi-viet-nam-bac-lieu-2025-no-luc-dua-hat-muoi-vuon-xa/