24 C
Hanoi
Thứ Năm, 28 Tháng Ba, 2024

Dán nhãn năng lượng đèn LED, dễ hay khó!

Print Friendly, PDF & Email

Một trong những hợp phần công việc mà Dự án "Phát triển và thúc đẩy công nghệ LED cho chiếu sáng chung ở Việt Nam" (Dự án LED) là hỗ trợ kỹ thuật, phối hợp với Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương trong việc triển khai Dán nhãn năng lượng (DNNL) hiệu quả và Cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm chiếu sáng LED. Công việc đã, đang được triển khai thực hiện và mang lại kết quả bước đầu, để hiểu rõ được phản ứng hiệu quả từ việc làm trên, chúng tôi ghi nhận một số ý kiến phản ánh của người tiêu dùng, nhà phân phối và nhà sản xuất về vấn đề này.
Cơ sở, thuận lợi
Theo ông Đặng Hải Dũng, Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương: Chương trình DNNL và lộ trình cho MEPS và HEPS của các sản phẩm chiếu sáng LED đã được áp dụng theo quyết định 04/2017/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2017. Theo đó, Lộ trình DNNL đã có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 theo hai giai đoạn: giai đoạn I (từ tháng 01 năm 2018 đến 31 tháng 12 năm 2019): Dán nhãn tự nguyện; và giai đoạn II (từ ngày 01 tháng 01 năm 2020): Dán nhãn bắt buộc. Chương trình DNNL áp dụng cho bóng đèn tròn LED, đèn LED không định hướng có bộ điều khiển, và bóng đèn LED hai đầu cho mục đích chiếu sáng chung, sử dụng với điện áp 220 V, tần số 50 Hz. Các chuyên gia tư vấn của Dự án LED đã nghiên cứu, xây dựng và đề xuất 02 văn bản để trình Bộ Công Thương ra quyết định phục vụ chương trình DNNL thí điểm bao gồm: “Quy định về yêu cầu kỹ thuật đối với đèn chiếu sáng LED tiết kiệm năng lượng” và Quy định của Bộ Công thương về “Yêu cầu kỹ thuật đối với đèn chiếu sáng LED tham gia chương trình dán nhãn tự nguyện”. Với Quyết định và lộ trình được ban hành trên, đây là cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp (DN), Nhà phân phối triển khai, thực hiện việc DNNL đèn LED.
Ông Đỗ Hải Triều, trưởng phòng Nghiên cứu thị trường Cty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông (Ralaco), cho rằng việc DNNL cho sản phẩm đèn LED là cơ hội rất tốt để minh bạch thị trường, giúp người tiêu dùng phân biệt giữa sản phẩm đạt chất lượng với sản phẩm kém chất lượng và trả lại sự công bằng, hỗ trợ thúc đẩy cho những DN ngành LED đầu tư, làm ăn nghiêm chỉnh phát triển. Việc DNNL tự nguyện lần này qui định dán nhãn đã có nhưng thay đổi phù hợp hơn. Chẳng hạn trước kia qui định 3 năm doanh nghiệp phải đánh giá lại một lần, thì nay doanh nghiệp chỉ đánh giá lại khi có thay đổi thiết kế sản phẩm. Đồng thời, theo Quyết định 04 của Chính Phủ Qui định dán nhãn mới chỉ áp dụng cho Bulb, Tube LED, thời gian triển khai tự nguyện đủ phù hợp để doanh nghiệp chuẩn bị.
Ông Nguyễn Thanh Hiếu, Trưởng phòng nghiên cứu và phát triển (R&D) công ty Hapulico cho biết: Chương trình DNNL cho đèn LED rất cần thiết, thiết thực đối với Hapulico. Cty là đơn vị quản lý, vận hành hệ thống CSĐT TP Hà Nội và sản xuất thiết bị đô thị và chiếu sáng đường phố, DNNL sẽ giúp cho Cty có cơ sở, để tư vấn cho UBND TP Hà Nội lựa chọn những đơn vị, sản phẩm LED đảm bảo tiêu chuẩn, quy định, loại trừ những sản phẩm đèn LED chất lượng thấp vào hệ thống chiếu sáng công cộng của TP, cũng như khẳng định chất lượng sản phẩm LED Hapulico.
Anh Hoàng Văn Hùng bán hàng tại 21 C trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội của nhà Phân phối Thế giới đèn LED cho biết: là một trong nhà phân phối sản phẩm đèn LED lớn ở Hà Nội, Denled.com luôn bán hàng chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, CO, CQ, chứng nhận xuất xưởng của các hãng trong và ngoài nước có uy tín như Rạng Đông, Điện Quang, Phillips, Duhan,.….. Sản phẩm chúng tôi bán đều đã được khẳng định chất lượng thực tế trên thị trường nhiều năm. Trên sản phẩm của chúng tôi đều có tem nhãn của nhà sản xuất. Tem bảo hành của Denled.com. Việc DNNL cho sản phẩm đèn LED càng tạo điều kiện cho chúng tôi khẳng định uy tín và thương hiệu hàng chất lượng của nhà phân phối đối với người tiêu dùng cũng như đảm bảo chũ tín với nhà sản xuất mà chúng tôi hợp tác.

Cửa hàng Photo của Anh Trần Vũ Thắng ở số nhà 11A Bùi Xương Trạch, Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội vừa trang bị lắp mới hệ thống chiếu sáng đèn LED của Rạng Đông. Ảnh Quang Trần

Anh Trần Vũ Thắng ở số nhà 11A Bùi Xương Trạch, Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội làm nghề dịch vụ văn phòng, photocopy cho biết: Gia đình anh vừa xây xong tòa nhà vừa làm của hàng, vừa để ở. Anh đã đầu tư, lắp đặt mới trên 200 bóng đèn Tuýt, Panel LED siêu sáng của Rạng Đông cho tòa nhà. Khi được hỏi tại sao anh chọn đèn LED siêu sáng Rạng Đông? Anh Thắng cho biết, trước khi đầu tư anh đã nghiên cứu, tìm hiểu về các thông số kỹ thuật như quang thông, tuổi thọ, công suất,…So sánh với các dòng cùng loại trên thị trường, bóng đèn LED Rạng Đông vẫn ưu việt hơn: về thương hiệu, chất lượng, chế độ bảo hành, hơn nữa nhà anh đã quen dùng bóng Rạng Đông từ lâu. Anh chọn đèn LED siêu sáng tuy có đắt gấp rưỡi đèn LED thường của Rạng Đông, nhưng nó đảm bảo sáng đều, chuẩn mầu, không bị chói, hại mắt, và bền hơn, điều đó đảm bảo tốt cho công việc hàng ngày của gia đình anh. Tất cả các thông số năng lượng, kỹ thuật,… đó được ghi nhận và in trên tem nhãn năng lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm LED Rạng Đông.

Khó khăn, hạn chế
Theo ông Đỗ Hải Triều, TP Nghiên cứu thị trường Ralaco, bên cạnh những thuận lợi trên, khi triển khai DNNL đèn LED, các doanh nghiệp sản xuất như Ralaco bị đội chi phí rất nhiều so với bóng đèn Compact, huỳnh quang trước kia.

Ông Tạ Quang Phục bán đèn LED số 119 Khương Trung, Thanh Xuân Hà Nội giải thích cho khách hàng về tiêu chuẩn đèn LED Rạng Đông với khách hàng. Ảnh Quang Trần

Nguyên do, đèn LED có nhiều chủng loại sản phẩm công suất khác nhau, liên tục ra đời các mẫu mã mới, mà chi phí để thử nghiệm đánh giá cao. Tiếp đến, khó khăn trong việc quản lý hàng hóa, bao bì sản phẩm, đây là khâu yếu của hầu hết các DN Việt Nam. Bên cạnh đó, hoạt động quảng bá, DN Việt không đủ sức, chi phí để quảng bá sản phẩm trong khi lãi suất, lợi nhuận ngày càng thu hẹp do sức cạnh tranh ngày càng khốc liệt không chỉ với Trung Quốc, các nước ASEAN, và các nước trong khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Là người thực tế trên thương trường chiếu sáng, ông Triều cho rằng: trong giai đoạn DNNL tự nguyện, trên thị trường việc chấp hành có DNNL hay không dán nhãn, chưa được DN coi trọng. Bên cạnh đó, công tác quản lý thị trường, kiểm soát sản phẩm DNNL không liên tục, thiếu đồng bộ. Cho nên người bán hàng chưa thấy rõ lợi ích kinh doanh sản phẩm LED DNNL hoặc tư vấn cho người sử dụng về sản phẩm đèn LED DNNL. Thực tế có quá nhiều sản phẩm chất lượng kém trôi nổi trên thị trường vẫn lưu thông phân phối bình thường. Do vậy, đổi với doanh nghiệp: DNNL phải tốn thêm chi phí nhưng lại không thúc đẩy bán thêm được hàng; còn doanh nghiệp có sản phẩm kém chất lượng vẫn lưu thông hàng hóa không phải tốn phí mà giá lại rẻ hơn dễ tiêu thụ hơn.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Hiếu Cty Hapulico, ông Trịnh Văn Sơn, PTGĐ Cty Tập Đoàn Quốc Tế Kim Đỉnh ở số 8 Âu Cơ, Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội cho rằng, hiện tại ở một số đô thị, nhiều tuyến đường chiếu sáng sau một thời gian thay thế đèn LED đã suy giảm rất nhanh, hiệu quả chiếu sáng còn thấp hơn đèn HPS cũ, do chất lượng đèn LED thấp, các cty vận hành quản lý phải thay thế, sửa chữa liên tục, mà chi phí thay thế sửa chữa còn cao hơn tiền đầu tư ban đầu.

Chị Đặng Thị Thanh,chủ của hàng Quốc Chính- đại lý Cty CP bóng đèn Điện Quang Tại 71A Nguyễn Công Trứ. Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh Quang Trần

Nguyên do, chủ đầu tư chọn sản phẩm đèn LED theo tiêu chí tiêu thụ điện năng thấp, giá thành hạ. Các đơn vị này kiến nghị, việc DNNL và Cấp giấy chứng nhận cho đèn LED chiếu sáng ngoài trời phải có hiệu suất quang thông và tuổi thọ cao hơn đèn LED nội thất. Đồng thời, song song với việc DNNL, các Bộ cần xây dựng những tiêu chuẩn bắt buộc kiểm nghiệm đối với đèn LED ngoài trời và có những phòng thử, kiểm nghiệm, hậu kiểm sản phẩm đèn LED ngoài trời. Qua tìm hiểu thực tế tại hai cửa hàng: đại lý Rạng Đông hộ ông Tạ Quang Phục số 119 Khương Trung, Thanh Xuân Hà Nội và đại lý Cty CP bóng đèn Điện Quang, hộ Chị Đặng Thị Thanh Chủ của hàng Quốc Chính Tại 71A Nguyễn Công Trứ, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội đều cho rằng: hầu hết khách hàng mua đèn LED tại cửa hàng chưa quan tâm đến tem, nhãn được dán trên đèn, và hiểu nhãn năng lượng là gì, mà họ chỉ quan tâm đến thương hiệu quen thuộc và phó mặc cho người bán hàng về chất lượng. “Cửa hàng chúng tôi vẫn nhập thêm cả đèn LED các hãng, kể cả LED giá rẻ Trung Quốc bán cho người có nhu cầu xây dựng công trình công cộng, nhưng số lượng loại này chỉ bán được khoảng 10-15% so với các loại đèn khác”, Chị thanh cho biết.

Còn nhiều băn khoăn
Đánh giá hiệu quả việc DNNL, theo ông Đỗ Hải Triều (Cty Ralaco) và ông Phạm Thế Quang (CtyCP Litec) cho rẳng: mục đích việc DNNL rất thiết thực với người tiêu dùng, giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo điều kiện cho những DN làm ăn chân chính phát triển. Tuy nhiên do nhiều lý do, như: việc thiếu đồng bộ, thống nhất trong phương thức chỉ đạo của cơ quan quản lý với DN, chế độ kiểm nghiệm, chế tài xử phạt, công tác tuyên truyền,… từ việc thực hiện dán nhãn bóng đèn Huynh quang, compact,… trước kia cho thấy, hiệu quả của việc DNNL chưa được như mong đợi. Bản chất vấn đề là: Người tiêu dùng không biết và không hiểu được sự khác biệt giữa sản phẩm DNNL hay là không dãn dán; Tem NNL chưa thực sự là “biểu tượng” để số đông người tiêu dùng căn cứ vào đó quyết định lựa chọn sản phẩm. Bên cạnh đó việc chấp hành DNNL hay không dán nhãn chưa được thực thi trên thị trường (mới đang ở giai đoạn DNNL tự nguyện, thí điểm); việc quản lý, kiểm soát sản phẩm DNNL của quản lý thị trường cũng chưa được coi trọng. Cho nên, người bán hàng không nhất thiết phải tư vấn cho người sử dụng về sản phẩm DNNL. Thực tế có nhiều sản phẩm đèn LED chất lượng kém trôi nổi trên thị trường vẫn lưu thông, phân phối bình thường.
Đại diện cho Cty CP Ilai chuyên kinh doanh đèn chiếu sáng ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, ông Nguyễn Văn Hải cho biết: là DN vừa, nhỏ, rất nhỏ (DNNVV), chúng tôi chưa được tiếp cận nhiều với việc Cấp nhãn, DNNL cho sản phẩm đèn LED, chúng tôi mong muốn Nhà nước nên có sự quan tâm cụ thể, tạo điều kiện cho loại hình doanh nghiệp này phát triển, đóng góp cho xã hội, mà các DN này chiếm số lượng trên nửa, trong tổng doanh nghiệp tham gia vào sản xuât, phân phối lưu thông đèn LED của Việt Nam.
Từ những khó khăn, hạn chế và những băn khoăn của các DN kể trên cho thấy: số đông các DN còn chưa chưa thực sự quan tâm do thiếu thông tin hiểu biết về lợi ích và các quy định, tiêu chuẩn về việc DNNL sản phẩm đèn LED. Nhất là nhóm các cửa hàng bán lẻ, nhà phân phối, đại lý, họ là cầu nối, tác động trực tiếp đến người tiêu dùng.
Theo lộ trình thực hiện, chỉ còn hơn 8 tháng nữa (1/1/2020) đến hạn bắt buộc các sản phẩm đèn LED phải DNNL khi lưu thông ra thị trường Việt Nam. Theo kết quả thu thập, chúng tôi ghi nhận được việc DNNL mới chỉ được các doanh nghiệp lớn sản xuất đèn LED và các nhà nhập khẩu phân phối, đại lý lớn: Rạng Đông, Điện Quang, Duhan, Phillip, Osram,…. quan tâm, triển khai thực hiện. Còn hầu hết các DNNVV trong nước hầu như vẫn “bình chân như vại” với lý do: chưa quan tâm và hiểu biết được thông tin lợi ích, tính cấp thiết của việc DNNL cho đèn LED khi tham gia thị trường.
Vấn đề đặt ra: đến 01/01/2020, những sản phẩm đèn LED của các DN trong nước để được DNNL phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, chất lượng: tiết kiệm điện, quang thông, tuổi thọ, độ rọi, chói, hoàn màu, độ bền…theo các quy định TCVN và các tiêu chuẩn quốc tế (khi tham gia xuất nhập khẩu). Liệu các DN có đủ năng lực, thời gian thực hiện đúng lộ trình hay không?
Để giải quyết vấn đề trên, bản thân các DN Việt hoạt động trong lĩnh vực chiếu sáng luôn phải chủ động, tuy nhiên với năng lực hạn chế, xuất phát điểm thấp, đặc biệt các DNNNV trong nước, rất khó tự mình thực hiện, làm chủ được thị trường một cách minh bạch, mà rất cần sự chung tay, đồng hành của cộng đồng. Theo chúng tôi, trước hết: cần triển khai đồng bộ, thống nhất trong phương thức chỉ đạo của cơ quan quản lý với DN, có chế độ kiểm nghiệm, kiểm định, chế tài khen thưởng, xử phạt nghiêm; đồng thời thực hiện tốt vai trò bà đỡ cho DN thông qua các hoạt động: công tác hướng dẫn, tư vấn,…. giúp DN, đảm bảo SXKD công bằng, minh bạch thị trường. Tiếp theo, cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông, xây dựng lộ trình tuyên truyền sâu, rộng, cụ thể, dễ hiểu về lợi ích và các quy định, tiêu chuẩn về việc DNNL sản phẩm đèn LED, …trong cộng đồng xã hội, có như vậy mới giúp người tiêu dùng hiểu rõ lợi ích của việc chọn mua và sử dụng các sản phẩm đèn LED có DNNL, bảo vệ quyền lợi cho mình, tạo điều kiện thúc đẩy các DN ngành chiếu sáng trong nước sản xuất và kinh doanh các sản phẩm đèn LED có chất lượng tốt, hiệu quả tiết kiệm năng lượng cao.

Quang Trần

Bài viết liên quan