Tỉnh Hậu Giang có vị trí địa lý khá điển hình cho ĐBSCL, từng xảy ra việc xả thải không phép gây ô nhiễm môi trường và khai thác tài nguyên nước không phép làm ảnh hưởng nhiều mặt, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động ngày càng mạnh. Theo yêu cầu của bạn đọc, phóng viên Tạp chí Ánh Sáng và Cuộc Sống phỏng vấn Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang Phạm Mạnh Phương.
Phóng viên: Công tác quản lý liên quan đến tình hình xả thải không phép ở tỉnh Hậu Giang đã triển khai như thế nào?
Phó giám đốc Phạm Mạnh Phương: Về công tác quản lý liên quan đến tình hình xả thải không phép. Trước ngày Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành (ngày 01/01/2022) việc xả thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được quản lý theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012 và Nghị định 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước. Theo quy định tại Điều 37 Luật Tài nguyên nước 2012 thì tổ chức, cá nhân xả nước thải vào nguồn nước phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 73 của Luật này cấp giấy phép, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân xả nước thải với quy mô nhỏ và không chứa hóa chất độc hại, chất phóng xạ thì không phải xin cấp giấy phép theo quy định tại khoản 5 Điều 37 Luật Tài nguyên nước.
Để đảm bảo các hoạt động sản xuất, kinh doanh có xả nước thải vào nguồn nước tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước, hàng năm Sở TN&MT tổ chức triển khai, phổ biến các quy định về tài nguyên nước đến các tổ chức, cá nhân liên quan để chấp hành đúng theo quy định về cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước. Qua việc triển khai, các tổ chức, cá nhân đã nắm được các quy định về xả nước thải và thực hiện thủ tục đề nghị cấp phép theo đúng quy định. Tính đến ngày 01/01/2022, tỉnh đã cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước đối với 109 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh, không phát hiện các tổ chức, cá nhân xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép.
Tại khoản 1 Điều 169 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định như sau:
- Bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 08/2017/QH14 và Luật số 35/2018/QH14 như sau
a) Bãi bỏĐiều 37 và điểm đ khoản 1 Điều 38;b) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 73 như sau:
“1. Bộ TN&MT, UBND cấp tỉnh thực hiện việc cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép về tài nguyên nước. Việc cấp giấy phép môi trường trong đó có nội dung xả nước thải vào nguồn nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường”.
Đối tượng phải có giấy phép môi trường, thời điểm cấp giấy phép môi trường được quy định cụ thể tại Điều 39 và khoản 2 Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Theo đó, các cơ sở đã đi vào vận hành chính thức trước ngày 01/01/2022 thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường thì phải có giấy phép môi trường trong thời hạn đến ngày 31/12/2024, trừ trường hợp đã có giấy phép môi trường thành phần (giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường, giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, giấy phép xử lý chất thải nguy hại, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi) được tiếp tục sử dụng đến hết thời hạn của giấy phép thành phần hoặc được tiếp tục sử dụng trong thời hạn đến 31/12/2026 trong trường hợp giấy phép môi trường thành phần không xác định thời hạn.
Thực hiện quy định Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Sở TN&MT đã có văn bản đề nghị các chủ dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh chủ động rà soát lại loại hình, quy mô, công suất của dự án, cơ sở mình để thực hiện lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường theo quy định.
Phóng viên: Còn công tác quản lý liên quan đến tình hình khai thác tài nguyên nước không phép, vượt lưu lượng được cấp phép hiện nay như thế nào?
Phó giám đốc Phạm Mạnh Phương: Tỉnh Hậu Giang có một hệ thống sông rạch chằng chịt với tổng chiều dài khoảng 2.300 km. Mật độ sông rạch khá lớn 1,5 km/km2, vùng ven sông Hậu thuộc huyện Châu Thành lên đến 2 km/km2. Hậu Giang nằm trong vùng trũng của ĐBSCL, là một tỉnh ở cuối nguồn nước ngọt của nhánh sông Hậu nhưng lại ở đầu nguồn nước mặn của vịnh Thái Lan. Chế độ thủy văn của Hậu Giang bị chi phối bởi 3 yếu tố: thủy triều vịnh Thái Lan, chế độ thủy văn của sông Hậu và mưa tại chỗ. Các yếu tố này tác động từng thời kỳ, từng vùng khác nhau làm cho chế độ thủy văn Hậu Giang diễn biến phong phú và đa dạng.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, tỉnh đã chú trọng công tác quản lý tài nguyên nước nói chung và quản lý cấp phép khai thác tài nguyên nước nói riêng. Việc quản lý cấp phép tài nguyên nước thời gian qua đã thực hiện đúng quy định pháp luật tài nguyên nước. Các chủ giấy phép chấp hành tốt các quy định giấy phép. Các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước thường xuyên rà soát và đôn đốc, nhắc nhở các đối tượng phải thực hiện đăng ký cấp phép liên hệ thực hiện thủ tục cấp phép khai thác. Hàng năm, tỉnh cũng triển khai các cuộc thanh, kiểm tra, trong đó có thanh, kiểm tra lĩnh vực tài nguyên nước. Qua theo dõi trong công tác quản lý và qua các cuộc thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật tài nguyên nước được thực hiện khá tốt, các trường hợp có vi phạm pháp luật đều được phát hiện, xử ký kịp thời.
Về khai thác vượt lưu lượng trên địa bàn tỉnh thời gian qua có xảy ra đối với một vài trường hợp như trạm cấp nước sạch phục vụ người dân. Nguyên nhân là do phải khai thác phục vụ nhu cầu dân sinh trong thời gian bị xâm nhập mặn, do nhu cầu bức xúc của cử tri, người dân đối với nước sạch… Các trường hợp này đều được báo cáo và Sở TN&MT cũng đã xử lý theo quy định pháp luật đồng thời hướng dẫn chủ giấy phép thực hiện đúng quy định pháp luật.
Phóng viên: Với vị trí địa lý của Hậu Giang, công tác quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững được chú trọng như thế nào, cụ thể là căn cứ theo quy định tại Điều 26 Luật Thủy lợi và Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/5/2018 quy định chi tiết một số điều Việc quản lý nguồn nước lưu vực của Luật Thủy lợi, trong đó có xem xét các quy định về trình tự vận hành công trình sông Mê Công gắn với việc lấy mặn, ngăn mặn, đẩy mặn, rửa mặn, rửa phèn, giữ ngọt, cải thiện mục tiêu phát triển bền vững chất lượng nước?
Phó giám đốc Phạm Mạnh Phương: Tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 39/KH-UBND ngày 21/3/2018 của UBND tỉnh hành động vì sự phát triển bền vững tỉnh Hậu Giang 2018-2020 theo Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Kế hoạch đã được triển khai đến các ngành, địa phương để thực hiện.
Việc thực hiện Điều 26 Luật Thủy lợi và Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/5/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi, thì để ứng phó xâm nhập mặn diễn biến phức tạp tỉnh đã xây dựng một số công trình cống ngăn mặn để đảm bảo nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn tỉnh chủ yếu công trình thủy lợi nhỏ và thực hiện vận hành công trình thủy lợi khi xảy ra hạn, hán thiếu nước, xâm nhập mặn đúng theo Điều 26 Luật Thủy lợi và theo thực tế nhu cầu sản xuất, cũng như khả năng chịu mặn của cây trồng, vật nuôi và nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Phóng viên: Nếu còn tình trạng xả thải không phép, khai thác tài nguyên nước không phép và vượt lưu lượng diễn ra trên địa bàn tỉnh thì trách nhiệm chính thuộc về cơ quan nào, có trách nhiệm của Sở TN&MT hay không và nếu có thì việc tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với các tồn tại, hạn chế như thế nào?
Phó giám đốc Phạm Mạnh Phương: Tùy loại hình, quy mô, công suất hoạt động dự án, cơ sở và mức độ nhảy cảm về môi trường mà thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Bộ TN&MT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện. Từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực đến nay, đối với cấp tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường của 31 dự án, cơ sở (trong đó đã cấp cho 14 dự án, cơ sở; 15 dự án, cơ sở đang hoàn thiện hồ sơ theo kết quả thẩm định; 02 dự án, cơ sở trả hồ sơ, không thông qua).
Hàng năm, Sở TN&MT tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Cuộc thanh tra, kiểm tra năm 2022 chưa ghi nhận trường hợp dự án, cơ sở xả nước thải không phép. Trong các cuộc thanh tra, kiểm tra trong thời gian tới, nếu có phát hiện trường hợp dự án, cơ sở xả nước thải không phép sẽ tiến hành xử lý theo quy định.
Thời gian qua, Sở TN&MT chưa nhận được thông tin phản ánh trường hợp cụ thể dự án, cơ sở xả nước thải không phép, cơ sở khai thác tài nguyên nước không phép, trái phép. Nếu có nhận được thông tin phản ánh trường hợp cụ thể, Sở TN&MT sẽ tổ chức thực hiện quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh theo quy định.
SÁU NGHỆ (Theo TC AS&CS số in tháng 6/2023)