CSGT được quyền dừng phương tiện trong bốn trường hợp, việc dừng phải đảm bảo an toàn, đúng quy định của pháp luật, không gây cản trở đến hoạt động giao thông.
Theo quy định, khi làm nhiệm vụ, CSGT phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về giao thông đường bộ và xử lý vi phạm hành chính; khi tiếp xúc với người dân và người có hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ phải có tác phong, thái độ, văn hóa ứng xử đúng mực và phù hợp.
Trường hợp nào được dừng xe
CSGT thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong các trường hợp sau:
– Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
– Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
– Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;
– Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Những lưu ý khi dừng xe
Việc dừng, kiểm soát phương tiện giao thông phải bảo đảm các yêu cầu sau:
– An toàn, đúng quy định của pháp luật, không gây cản trở đến hoạt động giao thông. Khi đã dừng phương tiện giao thông phải thực hiện việc kiểm soát, xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật;
– Khi dừng, kiểm soát tại một điểm, tại Trạm CSGT, phải đặt rào chắn bằng các cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng dọc theo chiều đường ở phần đường, làn đường sát lề đường hoặc vỉa hè để hình thành khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo quy định của Bộ Công an về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
– Khi dừng, kiểm soát phương tiện giao thông trên đường cao tốc tại một điểm, chỉ được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm tại các vị trí khu vực Trạm thu phí, điểm đầu, điểm cuối đường cao tốc;
– Khi tuần tra, kiểm soát cơ động chỉ được dừng phương tiện giao thông vào làn dừng phương tiện khẩn cấp để kiểm soát, xử lý vi phạm trong các trường hợp: phát hiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông nghiêm trọng, nguy cơ gây mất an toàn giao thông tức thời; phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm; tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện giao thông đang lưu thông trên đường cao tốc; phát hiện phương tiện giao thông dừng, đỗ không đúng quy định trên đường cao tốc. Khi giải quyết xong vụ việc phải thu dọn cọc tiêu, dây căng, biển báo hiệu và di chuyển ngay.
Hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông
Hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông của CSGT được thực hiện thông qua một trong các tín hiệu hoặc kết hợp đồng thời các tín hiệu sau đây:
– Gậy chỉ huy giao thông, còi, loa, tín hiệu ưu tiên của phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát;
– Các tín hiệu khác theo quy định của pháp luật, gồm: Biển báo hiệu, cọc tiêu, hàng rào chắn.
Hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông khi kiểm soát tại Trạm CSGT hoặc tại một điểm trên đường giao thông:
– CSGT lựa chọn vị trí phù hợp, đứng nghiêm, hướng về phía phương tiện giao thông cần kiểm soát;
– Phát hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông ở khoảng cách bảo đảm an toàn; tay phải cầm gậy chỉ huy giao thông đưa lên và chỉ vào phương tiện giao thông cần kiểm soát, đồng thời thổi hồi còi dứt khoát, hướng dẫn người điều khiển phương tiện giao thông cần kiểm soát dừng vào vị trí phù hợp để kiểm soát;
– Người điều khiển phương tiện giao thông khi nhận được tín hiệu phải giảm tốc độ và dừng phương tiện giao thông vào vị trí theo hướng dẫn của CSGT.
https://baomoi.com/4-truong-hop-csgt-duoc-dung-xe/c/43374557.epi