26 C
Hanoi
Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

Trên công trình kiểm soát mặn lớn nhất nước

Print Friendly, PDF & Email

Những ngày đầu năm 2021, hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé ở tỉnh Kiên Giang, công trình kiểm soát mặn lớn nhất nước ta, lao động không nghỉ. Hệ thống gồm 3 cống chính: Cái Lớn, Cái Bé và Xẻo Rô cùng nhiều cống nhỏ với các cầu giao thông trên cống, âu thuyền, đường nối quốc lộ có tổng vốn đầu tư hơn 3.309 tỷ đồng, kế hoạch tháng 11/2021 hoàn thành nhưng nay đang chuẩn bị vận hành một phần.

Thạc sỹ Vũ Đăng Tú bên cống Cái Bé đang hoàn thiện khâu cuối cho việc lắp cánh cống

Sôi nổi ngày đêm

Thạc sỹ thủy lợi Vũ Đăng Tú, Giám sát trưởng công trình cống Cái Bé, cho biết: “Công trình đã hoàn thành 75% khối lượng, giữa tháng 2/2021 sẽ lắp cánh cửa cống và vận hành để bắt đầu kiểm soát mặn vào đầu tháng 3, hỗ trợ vùng trong cống ứng phó hiệu quả với hạn mặn từ đầu năm nay”. Tiến độ thi công nhanh, Thạc sỹ Tú giải thích, nhờ linh hoạt “biến nguy thành cơ” khi đại dịch Covid-19 bùng phát, công nhân không được ra ngoài thì tập trung làm cả thứ bảy, chủ nhật, tăng thêm ca ban đêm.

Âu thuyền cống Cái Bé đã đón thuyền đi qua

Cách cống Cái Bé một cây số, cống Cái Lớn vươn cao hàng trụ khổng lồ cũng đã hoàn thành khoảng 65% khối lượng. Chỉ huy phó công trường xây dựng những trụ cao nhất là Kỹ sư Hoàng Đình Đệ của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính từ hà Nội vào. Kỹ sư Đệ chỉ trụ số 7 và số 8 cao nhất giữa sông giới thiệu: Đóng móng gần 500 cọc bê tông 0,4 x 0,4 m, dài hơn 20 m. Mỗi trụ có chân đế rộng 578 m2 (khối chân đế kể cả phần nối hai trụ có diện tích 1.500 m2), cao 60 m (dưới nước 12 m, vươn lên trời 48 m), tổng khối lượng bê tông xây dựng hai trụ là 7.500 m3. Kỹ sư Đệ cho biết thêm, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính huy động ra công trường lúc cao nhất hơn 110 công nhân, làm việc dưới mặt nước cả chục mét (có tấm thép bao quanh) nên lên được mét nào là mừng mét đó.

Những trụ lớn tiếp theo mang số 9, 10 và 11 do Công ty TNHH Hòa Hiệp từ Nghệ An vào thi công. Chỉ huy trưởng công trường của Công ty TNHH Hòa Hiệp là Kỹ sư Phạm Doãn Lĩnh học ở Nga về, cho biết, khoảng 80% công nhân phải điều từ Nghệ An vào, “chúng tôi xây 3 trụ và 4 dầm van, làm cống kiểm soát mặn lớn thế này phức tạp hơn làm cầu giao thông rất nhiều”.

Con đường nối hai cống ra Quốc lộ 61 dài khoảng 5 km do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thái Quảng ở thành phố Cần Thơ thi công. Chỉ huy trưởng ở đây là Kỹ sư Nguyễn Gia Diêm tươi cười, nhờ tập trung làm ngày làm đêm nên đến nay cơ bản xong, đã xử lý nền móng và trải đá cấp phối, chuẩn bị thảm nhựa.

Niềm vui đến sớm

Chủ đầu tư là Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 thuộc Bộ NN&PTNT, Giám đốc Lê Hồng Linh giải thích hai lý do chính đẩy tiến độ thi công nhanh. Thứ nhất là các nhà thầu “biến nguy thành cơ” như các vị đại diện đã kể. Lúc cao điểm trên công trường có 600-700 người, nội bất xuất ngoại bất nhập nhiều tháng, công tác phòng dịch triển khai nghiêm túc, đồng thời đẩy mạnh thi công. Thứ hai là được người dân và chính quyền địa phương ủng hộ. Hệ thống mở ra phải lấy đất của 250 hộ nhưng công tác đền bù giải phóng mặt bằng diễn ra nhanh gọn, sau khởi công là tập trung thi công đẩy nhanh tiến độ. Cũng theo Giám đốc Linh, kế hoạch vốn năm đầu tiên phải bổ sung thêm 30% và nay đã giải ngân được 92%.

Kỹ sư Hoàng Đình Đệ chỉ hai trụ cao nhất giữa sông của cống Cái Lớn có chân đế rộng 1.500 m2

Được người dân ủng hộ, việc tổ chức chuyên nghiệp còn tiết kiệm ngân sách. Giám đốc Linh cho biết, dự án tính toán ban đầu được bố trí hơn 3.309 tỷ đồng, tổ chức đấu thầu thực hiện cống Cái Lớn và Cái Bé chỉ hết 2.700 tỷ, phần kết dư đã được cấp trên cho xây dựng thêm cống Xẻ Rô 320 tỷ đồng và 8 cống nhỏ 250 tỷ đồng để tăng khả năng kiểm soát mặn cho vùng dự án. Cống Xẻo Rô khởi công tháng 9/2020, nay đã gần xong móng trụ, dự kiến cũng hoàn thành cuối năm 2021.

Tính toán của Giám đốc Linh, cống Cái Bé vận hành đầu năm nay sẽ hỗ trợ kiểm soát mặn ở vòng ngoài cho khoảng 20.000 ha, chủ yếu là vùng trồng lúa và cây ăn trái của huyện Châu Thành (Kiên Giang) nên hiệu quả sẽ cao. Thấy rõ nhất, khu vực này không còn phải đắp đập tạm ngăn mặn như nhiều năm qua, kéo dài từ đầu mùa hạn mặn tới tháng 6 khi có mưa nhiều, đỡ tốn tiền và không bít kênh rạch gây xáo trộn cuộc sống.

Cống Xẻo Rô đang thi công móng trụ

Hệ thống hoàn thành, theo Quyết định phê duyệt ngày 25/12/2018 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, sẽ kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định theo hệ sinh thái (ngọt, mặn – lợ, ngọt – lợ luân phiên) cho diện tích tự nhiên 384.120 ha. Các gói thầu ký hợp đồng ngày 10/10/2019, kế hoạch hoàn thành vào tháng 11/2019 nhưng với kết quả hiện nay, dự kiến sớm hơn 3-4 tháng.

Cống Cái Lớn có 11 khoang cống (mỗi khoang rộng 40 m) và 1 âu thuyền rộng 15 m, tổng chiều rộng thông nước 455 m. Cánh cửa cống bằng thép, đóng mở thẳng đứng bằng xi lanh thủy lực. Cầu giao thông trên cống rộng 9 m.

Cống Cái Bé có 2 khoang cống (mỗi khoang rộng 35 m), 1 âu thuyền rộng 15 m, tổng chiều rộng thông nước 85 m. Cánh cửa cống bằng thép, đóng mở thẳng đứng bằng xi lanh thủy lực. Cầu giao thông trên cống rộng 9 m.

Cống Xẻo Rô có cống âu rộng 31 m và 2 khoang bên mang cống (mỗi khoang rộng 5 m), tổng chiều rộng thông nước 41 m. Cánh cửa bằng thép, điều khiển bằng xi lanh thủy lực. Cầu giao thông trên cống rộng 10 m.

                                                                                                          SÁU NGHỆ

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan