26 C
Hanoi
Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030

Print Friendly, PDF & Email

Ngày 18-3-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 393/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, thay thế Quyết định số 1866/QĐ-TTg ngày 8-10-2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020.

Ảnh minh họa

Theo đó, chiến lược và các chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng được đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung – Tây Nguyên; có sự kết nối chặt chẽ với các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển, các thành phố lớn trong cả nước và khu vực Đông Nam Á, Châu Á – Thái Bình Dương; dựa trên việc khai thác và sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế, nhất là về tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng kinh tế biển, vị trí địa kinh tế và địa chiến lược quan trọng của thành phố Đà Nẵng trong vùng và cả nước.
Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng phải trên cơ sở đổi mới căn bản mô hình phát triển kinh tế, chú trọng phát triển theo chiều sâu, kết hợp với phát triển theo chiều rộng một cách hợp lý; phát huy mạnh mẽ vai trò của các thành phần kinh tế; coi nguồn lực trong nước là nền tảng và quyết định, nguồn lực nước ngoài là quan trọng. Nhận diện và phát huy tốt các động lực tăng trưởng mới, nhất là việc xây dựng chính quyền đô thị và phát triển kinh tế tư nhân, đẩy mạnh và phát huy hiệu quả kết nối, liên kết vùng, ứng dụng công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đặt quan điểm phát triển thành phố Đà Nẵng theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng; phát triển kinh tế nhanh và bền vững, coi việc nâng chất lượng cuộc sống của người dân đạt ở mức cao là nhiệm vụ trung tâm; tập trung phát triển 3 trụ cột chính: du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển; bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển, đảo, trật tự, an toàn xã hội.
Mục tiêu đến năm 2020, tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 đạt 8-9%/năm; khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng từ 64-65%, khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm từ 33-34%, khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng từ 1-2%. Dự báo dân số khoảng 1,6 triệu người (cả quy đổi), trong đó dân số chính thức (không bao gồm khách vãng lai) khoảng 1,17 triệu người; tỷ lệ việc làm tăng thêm từ 4-5%/năm, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 50% vào năm 2020. Trên lĩnh vực môi trường, đặt mục tiêu tỷ lệ chất thải rắn được thu gom xử lý đạt 95% (riêng huyện Hòa Vang đạt 80%); tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường đạt 60%; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt từ 95-97%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 43-44%.
Đến năm 2030, phấn đấu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2030 đạt 12%/năm; ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng từ 67-68%, công nghiệp và xây dựng 31-32%, nông nghiệp 1%. Dự báo dân số khoảng 2,5 triệu người (cả quy đổi), trong đó dự báo dân số chính thức (không bao gồm khách vãng lai) khoảng 1,5 triệu người. Tỷ lệ việc làm tăng thêm đạt 5-5,5%/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70% vào năm 2030. Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom xử lý đạt 100%, tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường đạt 80%, tỷ lệ cây xanh đô thị 6- 8m2/người; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%. Độ che phủ rừng đạt khoảng 45%. Một số dự án ưu tiên đầu tư gồm: đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu (bao gồm đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ cảng Liên Chiểu đến đường Hồ Chí Minh, đường vành đai phía Bắc); di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị; bảo vệ, nâng cao khả năng chứa tàu thuyền tránh bão của Âu thuyền Thọ Quang và khả năng thoát nước lũ, giảm ngập úng qua hệ thống thoát nước và hồ điều hòa của thành phố Đà Nẵng; đầu tư các phương thức vận tải khối lượng lớn như xe buýt nhanh BRT, tàu điện ngầm (metro), tàu điện (tramway)…; đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo các trường học đảm bảo phục vụ công tác dạy và học; dự án Khu giáo dục ngoại khóa và du lịch sinh thái khu vực Khe Răm; dự án Bệnh viện Đà Nẵng (cơ sở 2, Hòa Quý); mở rộng Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng (quy mô 1.000 giường); dự án chợ Đầu mối Hòa Phước; Trung tâm thương mại chợ Cồn; Khu du lịch Làng Vân; Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ hành Sơn; Khu tổ hợp công trình phục vụ lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng; dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn và hạ tầng kỹ thuật Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn; dự án mở rộng, nâng cấp Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng phục vụ nghiên cứu và phát triển vùng Nam Trung Bộ; mở rộng Khu công nghệ cao thành phố Đà Nẵng; đầu tư mới nhà máy nước Hòa Liên giai đoạn 1, giai đoạn 2; dự án mở rộng hệ thống cấp nước thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2012-2018 và các dự án Nâng cấp nhà máy nước cầu Đỏ, đầu tư mới nhà máy nước Hòa Trung… Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 sẽ được nghiên cứu, xem xét để lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành, như quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm của thành phố, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các dự án đầu tư trên địa bàn đến khi Quy hoạch thành phố Đà Nẵng được phê duyệt theo Luật Quy hoạch năm 2017.

Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (Ảnh minh họa)

Thủ trướng Chính phủ giao UBND thành phố Đà Nẵng căn cứ nội dung điều chỉnh Quy hoạch được phê duyệt, chỉ đạo công bố công khai điều chỉnh Quy hoạch, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện điều chỉnh quy hoạch theo quy định; lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch xây dựng, đô thị, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch kinh tế – xã hội 5 năm, hàng năm và các dự án đầu tư trên địa bàn theo quy định. Đồng thời, cân đối nguồn lực và lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trọng điểm; các dự án cụ thể vào kế hoạch hàng năm của thành phố để tập trung bố trí nguồn lực ưu tiên đầu tư một cách hợp lý. Nghiên cứu xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố và luật pháp của Nhà nước trong từng giai đoạn, nhằm thu hút, huy động các nguồn lực để thực hiện quy hoạch. Thủ trướng Chính phủ cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm hướng dẫn và giúp UBND thành phố Đà Nẵng trong quá trình thực hiện điều chỉnh Quy hoạch; trường hợp cần thiết phối hợp với thành phố nghiên cứu xây dựng hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực; khuyến khích, thu hút đầu tư theo mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội nêu trong điều chỉnh Quy hoạch. Bên cạnh đó, hỗ trợ thành phố Đà Nẵng trong việc bố trí và huy động các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài để thực hiện điều chỉnh Quy hoạch.
Hiện nay, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang trong quá trình hoàn thiện, chuẩn bị, báo cáo HĐND thành phố tại Kỳ họp bất thường vào tháng 4-2020, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.

Đắc Bình – Anh Minh

Bài viết liên quan