Ở Công ty Cổ phần Đô thị quận Cái Răng (thành phố Cần Thơ) có nhiều người quét rác bị đủ kiểu tai nạn trong lúc làm việc, cuộc sống đã nghèo càng khốn khó.

Chàng trai 20 tuổi Võ Văn Chương ở khu vực 2, phường Ba Láng, theo cha quét rác từ 10 tuổi. Khoảng 2 năm nay, Chương làm việc chính thức cho Công ty Cổ phần Đô thị Cái Răng nhưng chưa được kí hợp đồng lao động mà “làm ngày nào ăn ngày đó”. Thế nhưng, Chương cũng đã kịp bị tai nạn phải qua 2 lần phẫu thuật, nay vết thương mới lành đã lê đôi chân khập khiễng, cầm chổi và kéo xe rác đi khắp các ngõ hẻm chợ Cái Răng.
Cách đây hơn 6 tháng, Chương chạy xe máy kéo thùng chở rác vừa gom tại phường An Phú, lên dốc chiếc cầu hẹp. Đột nhiên xe chết máy, Chương không xoay trở gì được, xe rác nặng lôi tuột dốc trở lại. Hoảng hốt, Chương nghiêng mình nhảy khỏi xe và rơi xuống sông, bị một thanh sắt nhọn đã rỉ sét xốc vào xé bắp chân, vết thương dài cỡ gang tay. “Sáng đó, tôi chưa ăn gì, tính ráng làm cho xong để về nhà ăn cơm trưa luôn. Cũng vì đói nên tôi đuối sức, không xử lí kịp vì xe rác quá nặng”, Chương kể.

Sau một tháng nằm viện, vết thương chưa khỏi hẳn nhưng Chương đã phải đi quét rác. Chương buồn tủi: “Ngoài quét rác, tôi không biết làm việc gì, nghỉ lâu sợ mất việc”. Mẹ của Chương là bà Phạm Thị Lý rơm rớm nước mắt: “Con tôi vào bệnh viện phẫu thuật được 18 ngày, bị sốt do vết thương quá nặng, lòi cả xương, lại bị thanh sắt rỉ đâm nên nhiễm trùng, phải phẫu thuật lần nữa. Tới nay, mỗi khi làm nặng thì cái chân nó vẫn bị nhức”.
Ba của Chương là ông Võ Văn Tư, năm nay 62 tuổi, cũng từng 2 lần bị tai nạn trong khi quét rác, suýt chết. Ông Tư nhớ lại gần hai năm trước, sáng sớm ông đẩy xe đi gom rác trên đường Hàng Gòn trong quận Cái Răng, bị một thanh niên chạy xe máy từ phía sau đâm tới, ngã ra đường bất tỉnh. Tháng sau, ông quét gần xong tuyến đường, đang đứng thở thì một chiếc xe ngược chiều tông thẳng vào làm ông ngã đập đầu xuống đường. Hai hai vụ tại nạn, sức khỏe ông suy sụp. Ông bộc bạch “Tôi làm nghề này hơn 40 năm, sau 2 lần tai nạn tay chân tôi bị run, mắt cũng không thấy rõ nên cách đây một năm tôi xin nghỉ”.
Vợ chồng ông Tư có 4 người con trai đều theo nghề quét rác. Do nghèo, các con học hết tiểu học rồi lẽo đẽo theo ông nhặt ve chai kiếm sống, lớn lên nối ghề và nối luôn việc bị tai nạn của nghề quét rác. Ông Tư nói, nghề quét rác một mình trên đường cả ngày và đêm, bất kể mưa gió nên chịu đủ thứ tai nạn và ông tính, gia đình ông đã 4 đời quét rác, đều bị tai nạn.
Cũng ở Công ty Công trình Đô thị quận Cái Răng, ông Phạm Hải Triều, 55 tuổi, bị chính xe rác quật gãy sườn. Ông kể, hôm đó mưa to, đường bị ngập ngang gối, ông kéo thùng rác nặng gần một tấn từ trong hẻm đi ra. Nước ngập sâu không thấy mặt đường nên xe rác sụp hố, cả xe rác lật ngang, càng xe đập mạnh làm ông gãy một xương sườn. Vào viện mấy ngày, hơi đỡ đau, ông đã phải ráng đi làm vì sợ nghỉ lâu mất việc.
Vợ ông Triều là bà Nguyễn Thị Thới cho biết, suốt hai tháng ông Triều phải uống thuốc giảm đau mới đi làm được. Khu vực ông Triều phụ trách, hằng ngày phải thu gom 8 – 11 xe rác, có nhiều hẻm quanh co và nhiều cầu, đang bị thương mà kéo xe rác rất gian khổ nhưng ông và vợ vẫn cố gắng làm. Vợ ông Triều than thở: “Muốn nghỉ một ngày để nấu cho chồng bữa cơm ngon cũng không dám. Vì nghỉ thì phải nhờ người làm thay mà người ta không rành ngõ ngách nên bỏ sót rác. Hôm sau vừa bị chủ nhà la vừa làm nhiều thêm mệt”.
Lương của ông Triều một tháng chỉ được 3,1 triệu đồng, cuộc sống bình thường đã khổ, khi bị tai nạn phải lo thuốc men càng khổ. Vợ chồng ông đang tá túc trong cái chòi tạm bợ bên đường, những cọc tràm và được che bằng những mảnh ni lông cũ kỹ. Ông kể, nghề quét rác hằng ngày còn phải dùng tay phân loại rác nên da thịt hư hết. Gỡ đôi găng tay vải, ông Triều chìa bàn tay ra, 10 ngón tay không còn nguyên vẹn mà sần sùi, đen đúa, có ngón không còn móng.
Chủ tịch Công đoàn Công ty Công trình đô thị quận Cái Răng, bà Dương Thị Mỹ Anh cho biết: “Công nhân bị tai nạn, công đoàn cũng đến thăm hỏi, động viên để họ nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Còn về chế độ, đa số công nhân chưa kí hợp đồng lao động nên không được hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội, họ phải tự lo chi phí thuốc men. Công đoàn chúng tôi đã đề nghị Công ty có chính sách hỗ trợ công nhân bị tai nạn trong lúc làm việc nhưng chưa được giải quyết”.
Nhật Huy