23 C
Hanoi
Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

Đồng Tháp kết nối tiêu thụ hơn 18.000 tấn nông sản  

Print Friendly, PDF & Email

Chiều ngày 6/9, tỉnh Đồng Tháp họp đánh giá hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho biết, từ ngày 13/8 đến nay đã giải quyết được hơn 18.000 tấn nông sản tồn đọng cần hỗ trợ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn tại buổi họp chiều 6/9

Cụ thể, đã hỗ trợ kết nối tiêu thụ 13.587 tấn trái cây (chiếm 68,74% sản lượng tồn đọng cần hỗ trợ tiêu thụ) và 4.769 tấn thuỷ sản (chiếm 19,01% sản lượng tồn đọng cần hỗ trợ tiêu thụ).

Báo cáo của Tổ công tác hỗ trợ tiêu thụ nông sản tỉnh Đồng Tháp cho biết, từ ngày 13/8, điện thoại đường dây nóng của Tổ công tác đã tiếp nhận 596 cuộc gọi của người dân, chủ yếu đề nghị hỗ trợ tiêu thụ nông, thuỷ sản, thủ tục để qua các chốt kiểm soát. Các thông tin phản ánh được chuyển kịp thời đến người có trách nhiệm để xử lý. Cũng từ ngày 13/8 đến nay, Tổ công tác đã hỗ trợ đăng 35 thông tin bán nông sản trên trang website https://htx.cooplink.com.vn/ để kết nối với các đơn vị cần mua; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng combo nông sản cho người dân TP Hồ Chí Minh.

Thu hoạch trái cây ở HTX sản xuất nông sản sạch Vĩnh Thới, huyện Lai Vung

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn đánh giá cao Tổ công tác đã nỗ lực kết nối, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản. Việc vận chuyển nông sản qua các chốt kiểm soát đang dần đi vào nền nếp, ổn định hơn những ngày trước. Phó Chủ tịch Tuấn yêu cầu, trong phương án kết nối với đơn vị tiêu thụ, cần xác định nhu cầu của đối tác và cách thức tổ chức để đạt sản lượng lớn; đồng thời trên các lĩnh vực có hướng dẫn mới, đề nghị các địa phương áp dụng thực hiện.

Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp cũng đã gửi gần 100 tấn lương thực, thực phẩm tặng TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương

Cũng trong ngày 6/9, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp ban hành hướng dẫn tổ chức sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản, thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp trong điều kiện dịch Covid-19. Trong đó, hướng dẫn cụ thể đối với thu hoạch tại vùng nguyên liệu do địa phương, hợp tác xã, tổ hợp tác, người dân tổ chức thu hoạch; vùng nguyên liệu do doanh nghiệp tổ chức thu hoạch (Di chuyển đến vùng thu hoạch nông sản, chăn nuôi, thủy sản; Tổ chức 4 tại chỗ; di chuyển đi ra khỏi vùng thu hoạch nông sản, thủy sản). Việc kết nối tiêu thụ, UBND cấp huyện tổng hợp danh sách các loại nông sản trong kỳ thu hoạch và cần hỗ trợ tiêu thụ gửi về Sở Công Thương, Sở NN&PTNT để tổ chức kết nối với Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNTcùng hệ thống phân phối, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Trong đó, phát huy vai trò của hợp tác xã làm đầu mối tiêu thụ nông sản trên địa bàn, việc vận chuyển được tạo điều kiện thuận lợi.

                                                                                                SÁU NGHỆ

 

Bài viết liên quan