31.6 C
Hanoi
Chủ Nhật, 27 Tháng 7, 2025

Vụ kiện vé số độc đắc ở Kiên Giang: Ai làm ra tờ vé số giả?

Chiều 7/11, TAND tỉnh Kiên Giang xử phúc thẩm lần hai, tuyên sửa bản án sơ thẩm vụ kiện đòi tiền một tờ vé số được cho là trúng giải độc đắc, thành mua bán tờ vé số. Vụ kiện giữa bà Nguyễn Thị Tuyết với ông Ngô Xương Phúc ở TP Rạch Giá, sau tuyên án dân sự lại đặt ra nội dung hình sự.

Quang cảnh phiên tòa phúc thẩm tuyên án chiều 7/11.
Quang cảnh phiên tòa phúc thẩm tuyên án chiều 7/11.

Tòa tuyên mua bán tờ vé số giả
Vụ án được thụ lý gần 5 năm trước, ngày 2/11/2012, bà Tuyết kiện đòi ông Phúc trả 1,5 tỷ đồng cho một tờ vé số. Nguyên do, ngày 21/7/2011, con trai bà Tuyết có được tờ vé của Cty XSKT tỉnh An Giang, số 938368, trúng giải độc đắc. Ngày hôm sau, 22/7/2011, bà Tuyết cùng người thân đến đại lý Triều Phát ở thành phố Rạch Giá để đổi thưởng. Tại đây, ông Phúc kiểm tra, xác định tờ vé trúng giải 1,5 tỷ, đồng ý trả thưởng. Hai bên chuẩn bị giao tiền thì một người cháu của ông Phúc kiểm tra lại tờ vé số, phát hiện dấu vết cắt dán nên cãi nhau và đưa đến công an địa phương. Việc giám định sau đó cho biết, tờ vé có số nguyên thủy là 738362, được cắt hai con số nơi khác dán lên thành 938368.
Án sơ thẩm ngày 4/4/2016 của TAND TP Rạch Giá chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Tuyết. Bản án sơ thẩm này bị cấp phúc thẩm của TAND tỉnh Kiên Giang tuyên hủy vào ngày 4/10/2016. Tại phiên phúc thẩm, một người đàn ông được mời đến tòa, khai rằng, ông đã lĩnh thưởng giải độc đắc tờ vé có dãy số mà bà Tuyết đang kiện đòi ông Phúc. Người đàn ông này khai rõ nơi mua tờ vé số ở ngoài tỉnh Kiên Giang và lĩnh thưởng tại Cty XSKT An Giang, đúng ngày 22/7/2011, khi bà Tuyết và ông Phúc đang cãi nhau. Điều này phù hợp với công văn của Cty XSKT An Giang. Phiên phúc thẩm còn thu thập được 163 trang tài liệu từ Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang, khẳng định, ông Phúc không có hành vi tráo vé số.
Ngày 31/5/2017, TAND TP Rạch Giá xử sơ thẩm lần hai, tiếp tục tuyên ông Phúc phải trả tiền giải độc đắc cho bà Tuyết. Bản án cho rằng, hai bên đã xác lập giao dịch dân sự, khi bị vô hiệu thì phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, ông Phúc chưa trả tờ vé số độc đắc và cũng đã hết hạn trả thưởng nên phải trả bằng tiền cho bà Tuyết 1,5 tỷ đồng. Ông Phúc kháng án và Viện KSND TP Rạch Giá kháng nghị cấp phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm.
Tòa phúc thẩm nhận xét, bản án sơ thẩm lần hai “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”. Đó là, TAND TP Rạch Giá xác định quan hệ pháp luật không rõ ràng, trong thông báo thụ lý khi là vụ “tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại tài sản”, khi là “tranh chấp hợp đồng dịch vụ” và xét xử lại là “tranh chấp về giao dịch dân sự”. Việc áp dụng luật pháp cũng chưa đúng, vì áp dụng Khoản 2, Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015 (quy định về cách tính lãi suất đồng tiền) và Khoản 2, Điều 307 của Bộ luật dân sự năm 2005 (quy định trách nhiệm dân sự của hộ gia đình). Tuy nhiên, theo tòa phúc thẩm là không ảnh hưởng đến bản chất vụ kiện.
Bản chất vụ kiện, tòa phúc thẩm cho rằng, là giao dịch mua bán tờ vé số. Vì đại lý Triều Phát không được ủy quyền đổi vé trúng thưởng và ông Phúc cũng không phải là đại diện pháp luật của đại lý (người chị của ông Phúc mới là đại diện), ông với tư cách cá nhân mua tờ vé số để đem đi lãnh thưởng, nhận hoa hồng. Ông đã thỏa thuận mua tờ vé số nhưng chưa trả tiền thì nay phải trả. Tòa phúc thẩm tuyên sửa bản án sơ thẩm, buộc ông Phúc trả cho bà Tuyết 1,344 tỷ đồng (sau khi trừ thuế và hoa hồng của ông Phúc).

Bà Tuyết (bìa phải) cùng người thân vui mừng sau khi tòa tuyên án.
Bà Tuyết (bìa phải) cùng người thân vui mừng sau khi tòa tuyên án.

Ai làm ra tờ vé số giả?
Dư luận quan tâm càng băn khoăn: pháp luật có nên ủng hộ việc mua bán hàng giả và ai đã làm ra tờ vé số giả? Về vấn đề thứ nhất, ý kiến tranh luận tại tòa nêu vụ tương tự ở Bà Rịa-Vũng Tàu: đại lý trả thưởng, sau đó đưa tờ vé số đến công ty xổ sổ kiến thiết mới phát hiện vé giả. Hai bên kiện nhau ra tòa và được tòa án phán quyết, người đã nhận thưởng phải trả lại tiền cho đại lý vì không thừa nhận tờ vé số giả. Ở đây, công lý không chấp nhận sự giả dối.
Vấn đề thứ hai, kháng nghị của Viện KSND TP Rạch Giá cho rằng, nếu ông Phúc “lừa dối để không trả thưởng sẽ có dấu hiệu của tội phạm hình sự chứ không còn là tranh chấp dân sự nữa”. Phát biểu tại tòa, luật sư Nguyễn Trường Thành đại diện cho ông Phúc cũng kiến nghị, điều tra phục hồi vụ án hình sự đã đình chỉ, để tìm ra tội phạm lừa đảo.
Vụ này từng được cơ quan CSĐT khởi tố nhưng rồi đình chỉ vụ án. Khi sự việc chuyển lên Công an TP Rạch Giá, Cơ quan CSĐT xác định được những tờ vé số trúng độc đắc hôm đó bán sang Campuchia, không bán cho con bà Tuyết. Có 2 tờ do một người Việt sang đó mua và đã lĩnh thưởng (trong đó có tờ vé số không ký hiệu bà Tuyết đang đòi tiền với ông Phúc), còn 3 tờ không ai lĩnh thưởng. Ngày 12/10/2011, Cơ quan CSĐT TP Rạch Giá ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự và quyết định này được Viện KSND TP Rạch Giá đồng ý.
Bà Tuyết kiện ra tòa, TAND TP Rạch Giá thụ lý, trưng cầu giám định camera của đại lý Triều Phát, xác định tờ vé số ông Phúc nhận từ bà Tuyết với tờ giấy giống vé số đưa lại “không phải là một”. Tòa có công văn đề nghị khởi tố vụ án hình sự và ngày 13/11/2013, Viện KSND TP Rạch Giả hủy quyết định không khởi tố vụ án trước kia, yêu cầu Công an TP Rạch Giá chuyển hồ sơ lên Công an tỉnh.
Ngày 15/11/2013, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang khởi tố vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nhưng qua điều tra, xác định đại lý Triều Phát không tráo đổi tờ vé số nên đề nghị họp liên ngành tư pháp. Ngày 20/2/2014, liên ngành tư pháp tỉnh Kiên Giang họp, tồn tại hai luồng ý kiến trái ngược nhau là có và không dấu hiệu tội phạm, nên thống nhất xin ý kiến của Bộ Công an. Cơ quan CSĐT Bộ Công an nghiên cứu hồ sơ, hướng dẫn Cơ quan CSĐT tỉnh Kiên Giang họp liên ngành để đánh giá lại, “trong đó cần xác định hậu quả là gì, được thực hiện bởi hành vi nào, ý thức chiếm đoạt tài sản”.
Ngày 2/4/2014, liên ngành tư pháp tỉnh Kiên Giang họp và vẫn hai luồng ý kiến nên tiếp tục xin ý kiến liên ngành tư pháp Trung ương. Ngày 3/6/2014, Cơ quan CSĐT (C44B) Bộ Công an có công văn xác định “chưa đủ cơ sở để khởi tố bị can đối với ông Ngô Xương Phúc”. Ngày 17/7/2014, Viện KSNDTC (Vụ 1) cũng có công văn xác định “không có căn cứ kết luận đại lý Triều Phát đánh tráo tờ vé số”.
Ngày 7/8/2014, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang có kết luận điều tra khẳng định “không có việc đại lý Triều Phát tráo đổi vé số”. Cùng ngày, Cơ quan CSĐT ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự, nêu rõ “ông Ngô Xương Phúc không thực hiện hành vi tráo đổi vé số”.
Tòa dân sự trở lại xét xử theo đơn kiện của bà Tuyết. Sau 4 phiên tòa, vụ kiện đòi trả tiền trúng thưởng tờ vé số độc đắc, được phán quyết thành mua bán tờ vé số giả. Vấn đề nêu ra trong công văn ngày 17/7/2014, của Viện KSNDTC “ai đã cắt dán làm giả tờ vé số” lại hiện rõ. Cần nói thêm, con của bà Tuyết có tờ vé số đưa tới đại lý đổi thưởng là người bán vé số dạo.

SÁU NGHỆ

Bài viết liên quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM NHIỀU NHẤT