Tạp chí Ánh Sáng và Cuộc Sống từng phản ánh vụ “buôn lậu” gỗ trắc ở Quảng Trị và Đà Nẵng, khởi tố ngày 6/4/2012, TAND thành phố Đà Nẵng xử sơ thẩm hai lần đều trả hồ sơ vì chưa đủ căn cứ buộc tội. Mới đây, Viện KSNDTC (Vụ 3) có công văn giữ nguyên quan điểm truy tố theo cáo trạng trước đây, ngày 25/1/2016. Phóng viên trao đổi với ông Trương Huy Liệu (chủ Cty Ngọc Hưng) là bị cáo chính trong vụ án.

Cáo trạng ngày 25/1/2016 mà tòa từng trả, kết luận: “Trong các ngày 16, 17 và 18/12/2011 (là thời gian Cty Ngọc Hưng mở Tờ khai hải quan số 1505/NK/KD/BO33 ngày 17/12/2011 tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo), Cty Ngọc Hưng không nhập khẩu gỗ từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Densavanh, Lào và không có cá nhân hoặc doanh nghiệp nào của Lào xuất khẩu gỗ cho Cty Ngọc Hưng. Vì vậy không có hồ sơ lưu tại cửa khẩu Hải quan vùng 3, Lào và Hải quan cửa khẩu Densavanh này”, từ đó cáo buộc vợ chồng ông“nhập khẩu gỗ trắc và gỗ giáng hương không rõ nguồn gốc hợp pháp từ Lào vào Việt Nam”. Ông thấy thế nào?
Trong quá trình điều tra, lô gỗ đã bị Cơ quan CSĐT bán ngày 10/1/2014, giá 63 tỷ 619.706.500 đồng. Ông Liệu cho rằng, giá trị lô gỗ tại thời điểm bán là hơn 300 tỷ đồng. |
Tôi thấy cáo buộc như thế là vô lý, không đúng quy định của pháp luật Việt Nam! Rõ ràng, ngày 17/12/2011, Cty Ngọc Hưng đã mở tờ khai hải quan và nhận lô gỗ tại cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị). Cụ thể, lô gỗ chở trong 13 xe từ nội địa Lào tới, sau đó, chúng tôi đóng vào 22 cantainer để xuất sang Hồng Công, trên đường chở gỗ xuống tàu ở cảng Đà Nẵng thì bị bắt giữ.
Theo quy định, Cty Ngọc Hưng nhận gỗ tại cửa khẩu và chỉ tuân thủ luật pháp Việt Nam từ thời điểm đó trở đi. Còn trước nữa, Cty Ngọc Hưng không phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc lô gỗ ở Lào. Điều này được quy định trong Công văn số 1328/BCT-XNK ngày 8/2/2013, của Bộ Công Thương: “Trường hợp gỗ từ các nước xuất khẩu sang Việt Nam, doanh nghiệp nước xuất khẩu tuân thủ pháp luật của nước sở tại và thủ tục xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam do doanh nghiệp nước xuất khẩu chịu trách nhiệm. Doanh nghiệp Việt Nam chịu trách nhiệm thực hiện các quy định về xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất của Việt Nam”. Như vậy, doanh nghiệp Lào có làm thủ tục hay không làm thủ tục xuất khẩu thuộc trách nhiệm của họ, không phải của chúng tôi.
Công văn giữ nguyên quan điểm truy tố của Viện KSNDTC (Vụ 3) viết: “Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào không ký hợp đồng mua bán với Cty Ngọc Hưng”, kết luận vợ chồng ông có “hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu, và hồ sơ để nhập khẩu 614,672m3 gỗ trắc và gỗ giáng hương, trị giá 63.619.706.500 đồng không có nguồn gốc hợp pháp từ Lào vào Việt Nam”, nên đã “phạm vào tội buôn lậu”?
Công văn cũng viết: “Viện KSNDTC đã tiến hành yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự nhưng đến nay phía Lào vẫn chưa có kết quả trả lời. Các yêu cầu này của TAND Đà Nẵng chưa được đáp ứng”. Ở đây là mẫu chứ ký, con dấu của phía Lào trong hợp đồng bán gỗ cho chúng tôi, và dấu búa đóng trên lô gỗ. Chưa làm rõ được tài liệu mà lại kết luận chúng tôi buôn lậu thì là biểu hiện cao độ tính tùy tiện, duy ý chí, hoàn toàn không có cơ sở pháp luật!
Trong hồ sơ vụ án, có chứng cứ xác định doanh nhân Lào ký tên trên hợp đồng bán gỗ cho các doanh nghiệp khác là có thật, tại sao với Cty Ngọc Hưng lại là giả?
Đó chính là một lý do mà tôi phản đối việc truy tố chúng tôi. Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C44) trong trả lời yêu cầu của TAND Đà Nẵng về điều tra bổ sung lần thứ 4, đã nêu rõ: “Ngày 24/10/2016, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an có Kết luận giám định số 4312/C54-P5, kết luận: chữ ký đứng tên Khamfong Vorabout và hình dấu bát giác trên tài liệu cần giám định (hợp đồng kinh tế, hóa đơn thương mại, phiếu đóng gói, vận tải đơn, bảng kê lâm sản của Cty Ngọc Hưng) so với chữ ký mang tên Khamfong Vorabout và hình dấu bát giác trên tài liệu mẫu (hợp đồng kinh tế, hóa đơn thương mại, phiếu đóng gói, vận tải đơn, bảng kê lâm sản của Cty 407 và Cty Tâm Tâm) đều do cùng một người ký ra và do cùng một con dấu đóng ra”.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C44) và cả Viện KSNDTC (Vụ 1 và Vụ 3) đều kết luận hợp đồng kinh tế, hóa đơn thương mại, phiếu đóng gói, vận tải đơn, bảng kê lâm sản của Cty 407 và Cty Tâm Tâm là thật. Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào có xuất hàng và Cty 407 cũng như Cty Tâm Tâm có nhập gỗ là thật. Rõ ràng, cùng chữ ký và con dấu đó trên tài liệu mẫu của Cty 407 và Cty Tâm Tâm là thật; thì trên tài liệu cần giám định của Cty Ngọc Hưng cũng là thật, không thể là giả mạo!
Vụ án kéo dài đã hơn 5 năm, qua hai lần xét xử trả hồ sơ cùng nhiều tranh cãi của các bên liên quan, bây giờ ông có suy nghĩ gì?
Tôi thấy các cơ quan tiến hành tố tụng đã sai phạm trong suốt cả quá trình từ khởi tố vụ án, khởi tố bị can, xử lý vật chứng đến truy tố! Đến nay, chưa có cơ sở pháp luật để cho rằng vợ chồng chúng tôi “có hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu và hồ sơ để nhập khẩu gỗ trắc và giáng hương không rõ nguồn gốc từ Lào vào Việt Nam”. Tôi vẫn khẳng định vợ chồng chúng tôi không phạm tội “buôn lậu”.
SÁU NGHỆ(thực hiện)