23.7 C
Hanoi
Thứ Năm, 3 Tháng 7, 2025

Ủy ban Tư pháp Quốc hội chỉ đạo giải quyết vụ “buôn lậu” gỗ trắc

Ngày 28/10/2022, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có Công văn số 1350/YK-UBTP15 nêu “Ý kiến về Vụ án Buôn lậu và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại tỉnh Quảng Trị và thành phố Đà Nẵng” do Chủ nhiệm Lê Thị Nga ký gửi nhiều cơ quan. Đây là ý kiến thống nhất giữa Uỷ ban Tư pháp và Uỷ ban Pháp luật, Ban Dân nguyện, Văn phòng Quốc hội sau cuộc họp theo chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội để đề xuất giải quyết vụ án. Bởi vụ án đang được dư luận quan tâm, mong muốn ánh sáng công lý của pháp luật soi rọi, Tạp chí Ánh Sáng và Cuộc Sống từng thông tin nên đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, xin giới thiệu phần “Ý kiến của các cơ quan” trong Công văn.

Bà Lê Thị Nga ký Công văn số 1350/YK-UBTP15 ngày 28/10/2022 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội  

Về hồ sơ nhập khẩu, hồ sơ xuất khẩu gỗ

Các cơ quan đều tán thành nhận định của Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm rằng với các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, chưa đủ cơ sở kết luận Trương Huy Liệu và Trần Thị Dung làm giả hồ sơ nhập khẩu, xuất khẩu lô gỗ.

Về trình tự, thủ tục trưng cầu giám định

Ngày 27/7/2012, C44 đã ban hành quyết định trưng cầu giám định số 01/C44(P4) trưng cầu VSTTNSV – Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam giám định về quy cách, số lượng, khối lượng của từng chủng loại gỗ.

VSTTNSV có chuyên môn giám định về tên gỗ, chủng loại gỗ, nhưng không có chuyên môn giám định số lượng, thể tích gỗ. Lẽ ra, sau khi nhận được quyết định trưng cầu giám định trên thì VSTTNSV phải từ chối giám định về lĩnh vực không có chuyên môn theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 60 BLTTHS năm 2003 và khoản 3 Điều 28 Pháp lệnh Giám định tư pháp, để C44 tiếp tục trưng cầu cơ quan có chuyên môn xác định số lượng, thể tích gỗ (Kiểm lâm vùng 2-KLV2). Nhưng VSTTNSV lại ban hành công văn số 654 ngày 30/8/2012 và Công văn số 642 ngày 19/9/2012 mời KLV2 tham gia giám định là không đúng quy định của BLTTHS và Pháp lệnh Giám định tư pháp.

a) Về phương pháp giám định

Tại thời điểm xảy ra vụ việc có 02 văn bản pháp luật (Quyết định số 59/2005/QĐ-BNN ngày 10/10/2005 và Quyết định số 44/2006/QĐ-BNN ngày 01/6/2006 của Bộ NNPTNT) và tại thời điểm giám định có thêm 01 văn bản pháp luật đang có hiệu lực (Thông tư số 01/2012/TT-BNNPTNT ngày 04/01/2012 của Bộ NNPTNT thay thế Quyết định số 59/2005) quy định phương pháp xác định khối lượng gỗ.

Tại Điều 6 Quyết định số 59/2005/QĐ-BNN ngày 10/10/2005 của Bộ NNPTNT quy định phương pháp đo, tính khối lượng gỗ tròn, gỗ xẻ: “phương pháp đo, tính khối lượng gỗ tròn, gỗ xẻ thực hiện theo quy định của Bộ NNPTNT về quản lý, sử dụng búa bài cây và búa kiểm lâm. Đối với gốc cây, gỗ nhỏ đường kính đầu lớn dưới 25cm thì có thể được phép đo, tính bằng đơn vị khối lượng là ste rồi quy đổi: 1 ste bằng 0,5m3 đến 0,7m3 tùy theo từng loại, do chủ lâm sản xác định”.

Tại khoản 1 Điều 2 Quyết định số 44/2006/QĐ-BNN ngày 01/6/2006 của Bộ NNPTNT quy định: phương pháp đo, tính khối lượng và lập lý lịch gỗ: “a) Đối với gỗ tròn – Đo chiều dài… – Đo đường kính hoặc chu vi; b) Đối với gỗ xẻ, gỗ đẽo hộp: – Đo chiều dài. – Đo chiều rộng và chiều dày”.

Tại Điều 4 Thông tư số 01 cũng quy định việc xác định số lượng, khối lượng lâm sản: “1. Xác định khối lượng gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ đẽo hộp thực hiện theo quy định về quản lý và đóng búa bài cây, búa kiểm lâm của Bộ NNPTNT. “Đối với gỗ gốc, rễ, gỗ có hình thù phức tạp, gỗ dạng cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ bao gồm cả rễ, thân, cành, lá… không thể đo được đường kính, chiều dài để xác định khối lượng, thì cân trọng lượng theo đơn vị ki-lô-gam và quy đổi 1000kg =1m3 gỗ tròn hoặc đo, tính theo đơn vị ster và quy đổi cứ 1 ster bằng 0,7m3 gỗ tròn”.

Như vậy, cả ba văn bản pháp luật trên đều không quy định cân gỗ xẻ, gỗ đẽo hộp, gỗ xẻ thanh.

Tuy nhiên, khi giám định khối lượng gỗ, KLV2 đã cân: đối với gỗ trắc: cân Gỗ xẻ, đẽo hộp kích thước nhỏ (1.491 hộp với khối lượng 21.689kg); gỗ xẻ thanh (145.762 thanh với khối lượng 165.798kg); gỗ tận dụng gốc, cành, ngọn, gỗ lóc lõi rỗng ruột (tổng số 4.397 lóng, với khối lượng 144.749kg); sản phẩm gỗ trắc hình trụ tròn rỗng ruột có đáy (867 sản phẩm, với khối lượng 1.429kg). Đối với gỗ giáng hương: KLV2 đã cân gỗ xẻ thanh (19.657 thanh  với khối lượng 22.912kg).

Như vậy, KLV2 đã cân trọng lượng gỗ trắc xẻ, đẽo hộp kích thước nhỏ; gỗ trắc xẻ thanh; gỗ giáng hương xẻ thanh và cân gỗ xẻ thanh (19.657 thanh rồi tính ra khối lượng (m3), cứ 1000kg = 1m3 gỗ tròn) để xác định trách nhiệm hình sự là không đúng quy định pháp luật.

b) Không tính sai số cho phép về khối lượng được xác định cho từng lóng gỗ, tấm gỗ, hộp gỗ

Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Quyết định số 44 của BNNPTNT quy định: sai số cho phép về khối lượng được xác định cho từng lóng gỗ, tấm gỗ, hộp gỗ: đối với gỗ tròn là +-10%, gỗ xẻ là +-5%. Khi KLV2 tính khối lượng gỗ tròn, gỗ xẻ đã không tính sai số cho phép theo quy định trên là gây bất lợi cho doanh nghiệp.

c) Không áp dụng tỷ trọng đã xác định của gỗ giáng hương và gỗ trắc

Theo kết luận giám định số 783, VSTTNSV và KLV2 đã xác định tỷ trọng của gỗ giáng hương và gỗ trắc của lô gỗ tang vật tại thời điểm giám định là: Tỷ trọng của gỗ giáng hương là 0,9% và tỷ trọng của gỗ trắc là 1,09. Tuy nhiên, sau khi xác định tỷ trọng thực tế của 02 chủng loại gỗ như trên nhưng VSTTNSV và KLV2 không áp dụng mà áp dụng cân trọng lượng gỗ, rồi tính ra khối lượng (m3), cứ 1000kg=1m3 gỗ tròn, gây bất lợi cho doanh nghiệp.

Về việc Quyết định xử lý vật chứng bằng cách bán lô gỗ trong giai đoạn điều tra

Tại Điều 76 BLTTHS năm 2003 về xử lý vật chứng quy định: “1. Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do VKS quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Tòa án hoặc Hội đồng xét xử quyết định ở giai đoạn xét xử. Việc thi hành các quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản. 2. Vật chứng được xử lý như sau:…d/ Vật chứng là hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật”.

Xét thấy, lô gỗ là tang vật của vụ án, không phải là hàng hóa mau hỏng hay khó bảo quản. Vụ án đang trong giai đoạn điều tra và chưa có quyết định đình chỉ, nhưng các cơ quan vẫn cho bán đấu giá lô gỗ là có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án. Mặt khác, Tòa án cấp phúc thậm chí có căn cứ xử lý hình sự đối với Trương Huy Liêu và Trần Thị Dung về hành vi không Khai báo 78,872m3 gỗ, nhưng quá trình điều tra đã cho bán cả lô gô là sai. Cơ quan điều tra VKSNDTC đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 09/VKSTC-C1(P6) ngày 31/5/2019 về tội “Ra quyết định trái pháp luật” xảy ra tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an. Vụ án đang trong quá trình giải quyết theo quy định của pháp luật.

Về quyết định xử lý vật chứng

Tòa án cấp phúc thẩm đã quyết định xử lý vật chứng: “Số vật chứng còn lại 59.690.076.000 đồng được chuyển cho Tổng cục Hải quan để xem xét, xử lý về hành vi vi phạm hành chính do Công ty Ngọc Hưng khai sai với thực tế tên hàng theo quy định tại Nghị định số 97 của Chính phủ và Thông tư số 93 của Bộ Tài chính”.

Ngày 05/11/2019, Tổng cục Hải quan (TCHQ) đã có Quyết định số 3241/QĐ-TTTV tịch thu số tiền 59.690.076.000 đồng là tang vật vi phạm hành chính theo bản án hình sự phúc thẩm số 187/2012/HSPT ngày 26/7/2019 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng.

Đối với quyết định xử lý vật chứng này thì thấy, trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm đã khẳng định: chưa đủ cơ sở để kết luận Trương Huy Liệu, Trần Thị Dung chỉ đạo nhân viên Công ty Ngọc Hưng làm giả bộ hồ sơ để nhập khẩu lô gỗ Trắc vào Việt Nam và làm giả bộ hồ sơ để xuất khẩu lô gỗ này sang Hồng Kông, Trung Quốc. Theo Tờ khai hàng hóa nhập khẩu số 1505/NK/KD/B033 ngày 17/12/2011 thì Công ty Ngọc Hưng nhập khẩu 535,800m3 gỗ Trắc (gồm 180,380m3 gỗ Trắc xẻ, 39,964 m gỗ Trắc tròn và 315m gỗ Trắc tròn tận dụng gốc, cành, ngọn). Tòa án cấp phúc thẩm chỉ đủ cơ sở xử lý hình sự đối với hành vi không khai báo 78,872 m3 gỗ (trong đó có 23,828 m3 gỗ Giáng hương và 55,044 m3 gỗ Trắc). Do vậy, trong tổng số 614,672 m3 gỗ mà kết luận giám định đã xác định thì có một phần gỗ của Công ty Ngọc Hưng không vi phạm thì phải trả lại cho Công ty Ngọc Hưng. Việc TCHQ tịch thu toàn bộ số tiền 59.690.076.000 đồng là không đúng pháp luật, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, bản án phúc thẩm chỉ quyết định chuyển số tiền 59.690.076.000 đồng của Công ty Ngọc Hưng cho TCHQ để xem xét, xử lý về hành vi vi phạm hành chính do Công ty Ngọc Hưng khai sai với thực tế tên hàng theo quy định tại Nghị định số 97 của Chính phủ và Thông tư số 93 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, sau khi xét xử phúc thẩm thì đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính nhưng TCHQ vẫn quyết định tịch thu toàn bộ số tang vật của Công ty Ngọc Hưng (59.690.076.000 đồng) là không đúng pháp luật.

“Trong vụ án này, kết luận giám định là chứng cứ quyết định để các cơ quan tiên hành tố tụng xác định các bị cáo có phạm tội hay không. Theo quy định của pháp luật thì khi VSTTNSV nhận được trưng cầu giám định có nội dung không đúng chuyên môn thì phải từ chối, nhưng vSTTNSV đã không từ chối giám định là vi phạm quy định của BLTTHS và Pháp lệnh Giám định tư pháp. Do vậy, theo quy định tại khoản 4 Điều 100 BLHS năm 2015 thì: “Kết luận giám định của người được trưng cầu giám định thuộc trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ giải quyết vụ án”.

Qua việc nghiên cứu hồ sơ vụ án thấy rằng, việc trưng cầu giám định, phương pháp giám định và sử dụng kết quả giám định trong vụ án có những vị phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dẫn đến việc buộc tội các bị cáo chưa đủ căn cứ vững chắc; cần áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 371 BLTTHS để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, xem xét lại vụ án khách quan, toàn diện”.

 Kết luận của Công văn số 1350/YK-UBTP15

 

Ngày 17/12/2011, Công ty Ngọc Hưng nhập lô gỗ trắc từ Lào qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) khai báo 535,8 m3, làm thủ tục thông quan, nộp thuế và hôm sau làm thủ tục ở cảng Cửa Việt để xuất sang Trung Quốc qua cảng Đà Nẵng. Giữa đường đưa gỗ vào Đà Nẵng bị Tổng cục Hải quan bắt, khởi tố vụ án, chuyển C46 Bộ Công an điều tra nhưng C46 kết luận chưa đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu và trả hồ sơ về TCHQ. Hồ sơ được chuyển đến C44 Bộ Công an và C44 có quyết định khởi tố các bị can đồng thời bán lỗ gỗ vật chứng, sau đó kết luận tội buôn lậu.

TAND thành phố Đà Nẵng xử sơ thẩm, tuyên án ngày 23/8/2018, kết tội buôn lậu 21,234 m3 giáng hương (vì nhập và xuất chỉ khai báo gỗ trắc), phạt vợ chồng chủ Công ty Ngọc Hưng là ông Trương Huy Liệu 1 năm 16 ngày tù (bằng thời gian tạm giam) và bà Trần Thị Dung 9 tháng tù treo; 3 công chức hải quan bị xử tù treo

TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm, tuyên án ngày 26/7/2019, kết tội buôn lậu 78.872 m3 gỗ (khối lượng theo giám định 614,672 m3 –  535,8 m3 là khối lượng khai báo đã nộp thuế), phạt ông Liệu 7 năm tù, bà Dung 3 năm tù treo, các công chức hải quan tiếp tục tù treo. Từ đó, ông Liệu và bà Dung có nhiều đơn kêu oan; Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị và thành phố Đà Nẵng nhiều lần kiến nghị xem xét giám đốc thẩm.

 

                                                        SÁU NGHỆ – TC AS&CS số in tháng 11/2022

Bài viết liên quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM NHIỀU NHẤT