23 C
Hanoi
Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

TP.HCM sẽ đề xuất chính sách hỗ trợ học phí

Print Friendly, PDF & Email

Phụ huynh mong muốn lùi thời gian thực hiện còn TP.HCM cho hay sẽ có gói hỗ trợ học phí cho học sinh để cấp bù kinh phí cho các trường nếu thực hiện tăng học phí từ năm học tới.

Học phí tăng thêm từ 70.000 – 240.000 đồng

Căn cứ theo khung học phí năm học 2022 – 2023 quy định trong Nghị quyết 81 của Chính phủ đồng thời phân cấp HĐND cấp tỉnh quyết định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản xin ý kiến góp ý của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Sở LĐ-TB-XH và UBND TP.Thủ Đức, các quận huyện về mức học phí xây dựng cho năm học 2022 – 2023.

Cụ thể, Sở GD-ĐT xây dựng mức học phí theo 2 nhóm học sinh (HS) ở các khu vực địa bàn dân cư: Nhóm 1 là HS các trường ở TP.Thủ Đức, các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân. Nhóm 2 là HS các trường ở các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ. Mức thu học phí mỗi HS/tháng mà Sở GD-ĐT xây dựng và đưa ra lấy ý kiến góp ý của các sở ban, ngành để hoàn thiện tham mưu UBND TP trình HĐND TP thực hiện theo quy trình là: Nhà trẻ (nhóm 1: 300.000 đồng; nhóm 2: 120.000 đồng); mẫu giáo (nhóm 1: 300.000 đồng; nhóm 2: 100.000 đồng); tiểu học (không thu); THCS (nhóm 1: 300.000 đồng; nhóm 2: 100.000 đồng); THPT (nhóm 1: 300.000 đồng; nhóm 2: 200.000 đồng). Học phí hình thức học trực tuyến sẽ là 50% mức thu đã được ban hành.

Nếu so sánh mức thu hiện hành và mức thu đề xuất cho năm học 2022 – 2023 thì tùy từng cấp học, chênh lệch tăng thêm từ 70.000 – 240.000 đồng. Ở khối nhà trẻ, mẫu giáo, nếu nhóm 2 vẫn giữ nguyên mức cũ thì ở nhóm 1 mức thu đề xuất tăng thêm lần lượt 100.000 đồng và 140.000 đồng. Ở bậc THCS, THPT, mức thu đề xuất nhóm 2 tăng thêm gấp 2 lần còn nhóm 1 thì từ 2 – 5 lần so với mức thu hiện hành.

Tăng học phí, đặc biệt trong giai đoạn sau dịch Covid-19, cuộc sống còn khó khăn, là tăng gánh nặng cho phụ huynh ĐÀO NGỌC THẠCH

Con đến trường đâu chỉ có học phí !

Quan tâm đến việc tăng học phí từ năm học tới, chị Nguyễn Ngọc Hương (chung cư Giai Việt, P.5, Q.8, TP.HCM) có 2 con đang học mầm non và lớp 6, thở dài nói: “Gánh nặng cơm áo gạo tiền vốn đã trĩu đôi vai, nay lại tiếp tục tăng học phí thì không biết cuộc sống sẽ phải tằn tiện đến mức nào?”. Phụ huynh này cho biết các con đến trường thì không phải chỉ đóng mỗi khoản học phí, mà còn tiền đồng phục, tiền bán trú, tiền nước uống… và nhiều khoản thu khác.

“Học phí nghe có vẻ nhỏ, nhưng cộng dồn tất cả các khoản để con được đến trường như bao bạn thì cả hai vợ chồng đều phải tính toán từng khoản rất nhỏ”, chị Hương tâm tư.

Chị Hương lo âu: “Hai năm dịch bệnh, chúng tôi đã phải tằn tiện để sống. Bây giờ thì xăng tăng giá, mọi mặt hàng, cái gì cũng tăng, đến hộp sữa mua cho các con uống cũng tăng, rồi tới học phí bây giờ cũng tăng nốt, không biết phụ huynh phải sống thế nào?”. Chính vì vậy, chị Hương cũng như nhiều phụ huynh khác mong muốn chưa phải tăng học phí trong thời điểm khó khăn này.

Bà Huỳnh Lê Ý Nhi, giáo viên Trường THCS Đồng Khởi (Q.Tân Phú), cho hay ngoài việc chăm lo con em đến trường thì phụ huynh còn phải lo lắng cho cuộc sống hằng ngày. Khi con đến trường, học phí chỉ là khoản tiền bên cạnh các khoản thu khác như tiền học tiếng Anh, tiền ăn, bán trú… Trong khi, gần 2 năm nay, dịch bệnh đã khiến kinh tế gặp nhiều khó khăn, tác động đến đời sống của hầu hết các gia đình. Mấy tháng gần đây cuộc sống mới đang dần trở lại trạng thái bình thường nhưng chưa thể biết chính xác khi nào thu nhập của các gia đình mới trở lại như trước dịch.

Theo bà Nhi, đã là quy định của nhà nước thì phải thực hiện nhưng nếu có thể thì TP tính toán hỗ trợ học phí cho HS, đặc biệt với khu vực người dân chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, nên chăng Chính phủ lùi thời gian áp dụng khung học phí mới để người dân tập trung vào phục hồi công việc, kinh tế…

Tiếp tục cấp bù học phí cho HS cấp THCS

Về đề xuất tăng học phí trong năm học mới, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay thực hiện theo Nghị định 81 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo đã được Chính phủ ban hành tháng 8.2021 và có hiệu lực thi hành từ 15.10.2021. Năm học 2021 – 2022, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng nên HĐND TP.HCM đã đồng ý thực hiện việc cấp bù học phí cho toàn bộ HS các bậc học.

Học sinh THCS, đối tượng sẽ nhận được mức hỗ trợ nếu học phí tăng theo lộ trình ĐÀO NGỌC THẠCH

Trong năm học mới, thực hiện theo lộ trình học phí nhưng với tình hình kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Sở GD-ĐT TP.HCM đã đề xuất mức thu học phí thấp nhất (mức sàn) theo Nghị định 81 của Chính phủ. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành giáo dục TP.HCM nhìn nhận vẫn phát sinh chênh lệch mức thu giữa địa bàn quận nội thành và các huyện ngoại thành. Đặc biệt TP đang trong giai đoạn phục hồi kinh tế, người dân mới bắt đầu có việc làm trở lại, thu nhập chưa ổn định nên mức thu mới tăng so với mức thu cũ là vấn đề hết sức nhạy cảm, ảnh hưởng đến tâm lý và đời sống người dân.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng cho rằng mức học phí bậc THCS tăng cao nên Sở GD-ĐT đang xin ý kiến UBND để trình HĐND về mức hỗ trợ học phí từ năm học 2022 – 2023 đối với HS cấp THCS. “Với trách nhiệm của ngành giáo dục thì đề xuất việc hỗ trợ học phí THCS khi thực hiện Nghị định 81. Còn mức hỗ trợ như thế nào, 30%, 50% hay 100% tùy thuộc vào UBND và HĐND bàn bạc và tính toán, cân đối”, ông Hiếu nói.

Có tiếp tục đề xuất miễn học phí THCS ?

Trong khi đó từ năm 2018, TP.HCM đã có đề xuất miễn học phí đối với HS THCS. Vậy trong thời điểm này, khi dịch bệnh tác động nặng nề đến đời sống người dân, TP có nên đề xuất trở lại việc miễn học phí cấp THCS? Trước thắc mắc này, ông Hiếu lý giải luật Giáo dục quy định cấp tiểu học phổ cập bắt buộc nên phải miễn học phí. Còn cấp THCS là được giảm, miễn học phí theo lộ trình của Chính phủ. “Cho nên nếu giờ đề xuất miễn học phí cho HS THCS là không phù hợp với luật. Năm 2018 đề xuất cũng là không phù hợp với luật nên Bộ Tài chính không có cơ sở để tham mưu Chính phủ cho TP.HCM miễn học phí HS cấp THCS. Vì vậy chỉ có thể đề xuất cấp bù từ nguồn ngân sách địa phương, để HS không phải đóng học phí”, lãnh đạo ngành giáo dục TP.HCM cho hay.

Nhiều câu hỏi về việc tăng học phí

Hầu hết các trường công lập thỏa thuận với phụ huynh đặt ra các khoản thu tự nguyện, dùng sửa chữa nhỏ ở trường, lớp, mua sắm trang thiết bị dạy học; một số hoạt động trải nghiệm có huy động đóng góp của phụ huynh. Khi tăng học phí, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP. HCM cần bàn bạc kỹ với các phòng GD-ĐT, đơn vị trực thuộc, tính toán hợp lý để công khai, minh bạch về tăng học phí thì khoản thu tự nguyện có giảm?

Theo quy định, 40% học phí được các trường công lập dùng cải cách tiền lương. Còn lại, chi cho sửa chữa nhỏ, phục vụ giảng dạy, học tập. Phụ huynh với nghĩa vụ đóng thuế là đã góp phần vào ngân sách để chi trả lương của giáo viên trường công, nhiều hoạt động giáo dục tại trường, phụ huynh đều đóng góp ổn định. Vì vậy, tăng học phí trong bối cảnh đó liệu có dẫn đến tình trạng “thuế chồng thuế”, “đóng góp chồng đóng góp”?

Trong nhiều việc cần thực hiện công khai tại các trường công lập, có nội dung cam kết về chất lượng dạy học, giáo dục. Vậy, tăng học phí lần này, chất lượng dạy học có tăng?

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương

Theo TNO

Bài viết liên quan