23 C
Hanoi
Thứ Năm, 28 Tháng Ba, 2024

Tiêu thụ điện lại lập kỷ lục mới, nguy cơ thiếu điện chực chờ

Print Friendly, PDF & Email

Trưa 21/6, công suất tiêu thụ điện toàn quốc thiết lập mức đỉnh kỷ lục là 42.146 MW làm dấy lên lo ngại thiếu điện trong thời gian tới…

Trong tháng 6 này, có tới 3 lần mức tiêu thụ đỉnh được thay đổi, vào các ngày 2/6, 18/6 và 21/6.

Theo tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), diễn biến thời tiết nắng nóng cực đoan diện rộng ở miền Bắc và miền Trung từ ngày 16/6/2021 trở lại đây đã làm tiêu thụ điện của miền Bắc và toàn quốc không ngừng tăng lên.

Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) vào trưa nay 21/6/2021, công suất tiêu thụ điện toàn quốc lần đầu tiên vượt 42.000 MW và thiết lập mức đỉnh kỷ lục mới với con số là 42.146 MW.

Bên cạnh đó, công suất tiêu thụ điện của riêng khu vực miền Bắc và riêng TP. Hà Nội cũng đã lập mức đỉnh kỷ lục mới, với công suất đỉnh lần lượt là 18.700 MW và 4.700 MW.

Như vậy, trong những ngày vừa qua, tiêu thụ điện liên tục được thiết lập mức đỉnh và cũng nhanh chóng bị phá vỡ trong thời gian ngắn.

Ghi nhận, trong vòng hơn 1 tháng qua đã có 5 lần lập kỷ lục mới – đây là biên độ chưa từng có trong các mùa hè trước. Đặc biệt, trong tháng 6 này, có tới 3 lần mức tiêu thụ đỉnh được thay đổi, vào các ngày 2/6, 18/6 và 21/6.

Điều này dấy lên lo ngại nguy cơ thiếu điện đang chực chờ khi các nguồn điện mặt trời vẫn chưa có giải pháp lưu trữ, trong khi, các nguồn điện khác được bổ sung còn hạn chế…

Thực tế cho thấy, vào ngày 31/5/2021, tiêu thụ điện lập đỉnh ở mức công suất 41.549 MW xảy ra vào lúc 22h, tức là gần nửa đêm – đây là thời điểm không có sự tham gia của điện mặt trời.

Theo thống kê của A0, công suất lắp đặt của toàn hệ thống điện là gần 70.000 MW, trong đó có khoảng 17.000 MW điện mặt trời (bao gồm điện mặt trời trang trại lớn và áp mái nhà).

Như vậy, vào thời điểm không có sự tham gia của điện mặt trời (ĐMT), thì công suất đặt của nguồn điện chỉ còn lại khoảng 53.000 MW. Tuy nhiên, mức công suất này chỉ đảm bảo khi được đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đầu vào và không có nhà máy nào gặp sự cố…

Trong khi đó, để đảm bảo vận hành hệ thống điện thì phải đáp ứng có cả dự phòng mức 30-40% công suất đỉnh (tương đương mức tối thiếu 12.643 MW). Tức, mức công suất toàn hệ thống phải đạt ngưỡng không nhỏ hơn 54.789 MW (trong trường hợp không có sự tham gia của ĐMT).

Rõ ràng, nhiệt điện và thủy điện vẫn đang đảm đương việc đảm bảo nhu cầu tiêu thụ điện. Và nếu công suất đỉnh lại rơi vào thời điểm ĐMT không khả dụng thì nguy cơ thiếu điện đang lộ rõ…

PV

Bài viết liên quan