Như đã thông báo từ trước, từ tháng 8 này, ứng dụng Zalo chính thức triển khai 3 gói thuê bao cho người dùng tại Việt Nam với mức phí từ 2.800-55.000 đồng/ngày
Cụ thể, bắt đầu từ ngày 1-8, Zalo sẽ bắt đầu hạn chế một số tính năng của người dùng phổ thông. Để có thể sử dụng thoải mái, người dùng cần phải mua 1 trong 3 gói trả phí, gồm Standard (2.800 đồng/ngày), Pro (5.500 đồng/ngày) và Elite (55.000 đồng/ngày).
Nếu không sử dụng bản trả phí, người dùng sẽ bị giới hạn danh bạ tối đa 1.000 liên hệ. Cùng với đó, tài khoản không trả phí còn gặp một số hạn chế, gồm: mỗi tài khoản chỉ được trả lời tin nhắn từ người lạ 40 tin/tháng; sẽ không sử dụng được username; chỉ có 5 tin nhắn nhanh… Người lạ cũng sẽ không thể xem hoặc bình luận trên nhật ký, số lượng tìm kiếm người khác qua số điện thoại cũng giới hạn còn 40 lần.
Từ khi công bố sẽ tiến hành thu phí và vấp phải làn sóng phản ứng của một bộ phận người dùng Việt Nam, đến nay, Zalo không có động thái cập nhật lộ trình thực hiện hay thông tin liên quan nào khác. Đến cuối giờ sáng 1-8, các câu hỏi liệu Zalo đã chính thức áp dụng hay chưa, ứng dụng thu phí sẽ có thêm tính năng nào nổi trội đáng để khách hàng bỏ tiền ra mua… vẫn chưa được những người có thẩm quyền cung cấp thông tin thuộc Zalo giải đáp.
Trở lại với việc Zalo quyết định thu phí người dùng, đến giờ, động thái này vẫn gây tranh cãi. Một bộ phận khách hàng ủng hộ thu phí, trả tiền thuê bao tháng để duy trì các quyền lợi hiện có nhưng cũng không ít người cho biết sẽ xoá app, sử dụng ứng dụng khác thay thế nếu buộc phải trả tiền sử dụng app hằng ngày.
Ủng hộ phương án thu phí người dùng nhưng một chuyên gia công nghệ thông tin tại TP HCM cho rằng Zalo không nên thu phí trên những dịch vụ, tính năng mà khách hàng đang được dùng miễn phí, vì sẽ gây tâm lý bức xúc, thậm chí sẽ bị quay lưng. “Thay vì vậy, Zalo nên mở rộng dịch vụ, tính năng mới và tiến hành thu phí đối với những thuê bao muốn sử dụng các dịch vụ, tính năng này. Như vậy, người dùng sẽ dễ chấp nhận hơn” – chuyên gia này nhận xét.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Thanh Dũng, giám đốc 1 công ty về công nghệ có trụ sở tại TP HCM, ủng hộ việc thu phí. Theo ông Dũng, có nhiều nhóm khách hàng dùng Zalo. Hầu hết người bình thường chỉ có tối đa vài trăm liên hệ; tần suất tìm kiếm, nhận tin nhắn từ người lạ cũng không nhiều nên gần như không ảnh hưởng lớn từ chính sách “bóp” lại quyền lợi khách hàng không thu phí của Zalo. Nhóm người có trên 1.000 liên hệ, mỗi tháng có trên 40 tin nhắn từ người lạ… chủ yếu là những người kinh doanh đang sử dụng Zalo để giao dịch bán hàng online. Nhóm này có phát sinh doanh thu, lợi nhuận nhờ tận dụng kênh liên lạc bán hàng này thì việc trả phí để sử dụng dịch vụ là hợp lý.
“Zalo áp dụng thu phí thì mất đi tính cộng đồng. Tuy nhiên, bất cứ người kinh doanh nào cũng phải tìm cách để thu lợi nhuận. Hiện tại, Zalo chỉ có nguồn thu là chạy quảng cáo và ZaloPay. Hiệu quả thu hút quảng cáo trên Zalo không bằng Facebook nên nguồn thu từ đây cũng không bằng, khả năng không đủ đáp ứng mục tiêu lợi nhuận nên phải tìm thêm nguồn thu mới. Tâm lý người dùng luôn muốn được miễn phí nhưng doanh nghiệp cần có lợi nhuận để tái đầu tư, phát triển. Vấn đề là khi tiến hành thu phí thì đòi hỏi Zalo phải có giải pháp tăng tính bảo mật, đem lại nhiều giá trị gia tăng cho người dùng” – anh Dũng phân tích.
Số liệu vào tháng 2-2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, Zalo hiện là nền tảng tin nhắn miễn phí có lượng người dùng thường xuyên lớn nhất Việt Nam với 74,7 triệu. Zalo chính thức giữ ngôi đầu bảng vào năm 2021 khi chuyển đi 620 tỉ tin nhắn, 52 tỉ phút gọi video và 14 tỉ thông báo khẩn về Covid-19.
Nếu áp dụng thu phí, Zalo sẽ thu về một khoản không nhỏ.
Theo (NLĐO)