17 C
Hanoi
Thứ Ba, 19 Tháng Ba, 2024

Thời kỹ thuật số, tuột giá sức lao động

Print Friendly, PDF & Email

Một thống kê cho biết loài người hiện sống trong thế giới di động, khoảng 4 tỷ người năm 2018, tăng rất nhanh từ 414 triệu năm 2000. Ở nước ta có khoảng 95% dân số đang sở hữu thiết bị di động, trung bình người Việt sử dụng thiết bị di động mỗi ngày 7 giờ và khi mua hàng đã có 65% so sánh lựa chọn trên mạng.

Sơ đồ về giá trị con người đóng góp bằng sức lao động đang tụt dốc

Sức lao động mất giá
Thời kỹ thuật số, giá trị con người đóng góp bằng sức lao động đang tụt dốc, kết quả nghiên cứu trình bày tại https://futureoflife.org/wp-content/uploads/2017/01/Jeffrey-Sachs.pdf?x33688 Theo đó, vai trò chi phối của nguồn lực lao động suy giảm rất nhanh, trong giá trị sản xuất tạo ra nếu như năm 1900 gồm phương tiện sản xuất chiếm 25%, vốn tư bản 25%, nguồn lực lao động 50% thì đến năm 2017, cả ba yếu tố trên đã bằng nhau; dự báo năm 2050 phương tiện sản xuất sẽ chiếm 70%, còn vốn tư bản và nguồn lực lao động mỗi yếu tố chỉ còn chiếm 15%.
Rõ ràng trong tương lai, phương tiện sản xuất (máy móc, công nghệ…) chiếm phần lớn giá trị sản xuất, vốn tư bản và nguồn lực lao động chỉ còn chiếm phần nhỏ. Thời đại kỹ thuật số không còn chỗ cho câu nói từ xưa “cần cù bù thông minh”. Lúc đó nếu có nhiều đất đai cho thuê cũng không còn kiếm được giá trị lớn như bây giờ.
Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ DTT Nguyễn Thế Trung (thành viên tổ tư vấn chuyển đổi số của Chính phủ) phân tích, khi đó công nhân bị thay thế bởi robot; tầng lớp bị ảnh hưởng nhiều nhất là nhân viên văn phòng với kỹ năng thiếu sáng tạo, các nhà đầu tư sản xuất thế hệ cũ. Đối tượng hưởng lợi là người tiêu dùng, doanh nghiệp sáng tạo, các nhà đầu tư vào phát minh, các nhà nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực mới, các dịch vụ chất lượng cao phục vụ con người (du lịch, giải trí, giáo dục). “Quốc gia hưởng lợi cũng là các quốc gia trên toàn cầu có phát minh sáng tạo, có đội ngũ nhân tài”, ông Trung nhấn mạnh.
Kỹ thuật số trong sản xuất
Ông Nguyễn Thế Trung giới thiệu, công nghệ kỹ thuật số làm thay đổi hoàn toàn cả 06 giai đoạn sản xuất: Thiết kế sản phẩm, chế tạo và lắp ráp, điều khiển quy trình, tích hợp chuỗi cung ứng, sử dụng sản phẩm, nghiên cứu công nghiệp
Hiện nay, trong thiết kế sản phẩm ở nhiều nơi đã dùng phần mềm thiết kế tạo hình, kết hợp in 3D để cách mạng hóa thiết kế. Công viêc chế tạo và lắp ráp đã sử dụng in 3D, robot thế hệ thứ 2, tự động sản xuất chính xác.
Điều khiển quy trình được tối ưu hóa, bảo trì tiên đoán. Chẳng hạn, hãng xe BMW đã thiết lập một mục tiêu của việc biết tình trạng thời gian thực của tất cả các thiết bị sản xuất lớn tại mỗi công ty đó tạo ra các thành phần chính cho mỗi chiếc xe. Việc sử dụng sản phẩm thì kỹ thuật số cho phép dịch vụ qua sản phẩm như hãng Boeing khuyến cáo cụ thể với từng chiếc máy bay khi đến sân bay nào đó sẽ có “sẵn lốp khi hạ cánh” để thay thế cho những chiếc bánh đã hết hạn sử dụng. Còn hãng Rolls-royce đề cao “sức mạnh tính theo giờ” đảm bảo lắp ráp hoàn thiện một chiếc xe trong thời gian rất ngắn.
Trong nghiên cứu công nghiệp, AI giúp nghiên cứu khám phá các kim loại mới dùng cho máy bay phản lực, một công việc trước đây thường phải mất nhiều năm, bây giờ có thể đạt được kết quả trong vài ngày.

Hơn 30 quốc gia trên thế giới có chiến lược “công nghiệp 4.0”

Thế giới còn khó khăn
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặt ra yêu cầu đòi hỏi doanh nghiệp cần số hóa quy trình kinh doanh (một phần/toàn bộ doanh nghiệp) để sẵn sàng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tránh bị loại khỏi cuộc chơi. Doanh nghiệp cần số hóa để có thể tự động hóa dựa vào công nghệ thông tin (ảo hóa, robot, trí tuệ nhân tạo.. ) nhằm đưa ra dịch vụ nhanh hơn, đúng yêu cầu của khách hàng với giá rẻ hơn, cạnh tranh hơn.
Thế nhưng, lại có một thực tế ở cả phạm vi toàn cầu, chỉ những doanh nghiệp lớn mới có khả năng chuyển đổi số nhanh chóng. Các doanh nghiệp càng nhiều lao động càng sử dụng dịch vụ điện toán đám mây nhiều hơn.
Một cuộc khảo sát của các nhà sản xuất SME tại Hoa Kỳ trong năm 2017 thấy rằng 77% không có kế hoạch triển khai Internet of things. Ngay cả trong số các công ty AI nhận thức, chỉ có khoảng 20% sử dụng một hoặc nhiều kỹ thuật AI trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi hoặc ở quy mô lớn. Cả thế giới hiện mới hơn 30 quốc gia có chiến lược “công nghiệp 4.0”.
Chính sách tại Đông Nam Á theo gợi ý của OECD: Ưu tiên khuếch tán công nghệ, phát triển các kỹ năng phù hợp, làm cho hệ thống sinh thái kỹ thuật số tốt nhất có thể được. Ưu tiên khuếch tán công nghệ là chú trọng cung cấp các công cụ để giúp các doanh nghiệp biến đổi, đặc biệt hữu ích là thông tin về lợi tức đầu tư dự kiến cho các công nghệ mới. Phát triển các kỹ năng phù hợp nên tập trung tăng nhu cần đào tạo, quan tâm thực tế là trình độ càng thấp thì càng ngại đào tạo lại và hai phần ba số người được khảo sát thiếu các kỹ năng để thành công trong môi trường giàu kỹ thuật. Còn làm cho hệ thống sinh thái kỹ thuật số tốt nhất có thể được chính là mở rộng truy cập vào cơ sở hạ tầng ICT quan trọng, tăng sử dụng điện toán đám mây.

Công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam (chuyendoiso.com) gồm 9 lĩnh vực và 62 hạng mục

Chính sách của Việt Nam
Theo các chuyên gia, nước ta vào năm 2017 xuất hiện giai đoạn tăng trưởng cách mạng công nghiệp lần thứ 3, trong khi thế giới đang chuyển sang cuộc cách mạng lần thứ 4. Thách thức cho nước ta là chuyển kịp thế giới với đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Để thúc đẩy vượt thách thức, nước ta ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) dành ưu tiên riêng với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Ngày 15/06/2018, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 15/CT-TTg về tổ chức triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ.
Bộ KH&ĐT triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo (http://phattriendnnvv.mpi.gov.vn/Pages/default.aspx) với hạn mức chương trình là 100 tỷ đồng. Mức cho vay tối đa 10 tỷ, thời gian ân hạn trả gốc tối đa 24 tháng.
Bộ KH&CN có Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 (http://vpctqg.gov.vn/chuong-trinh-khcn-5) tập trung phát triển doanh nghiệp đổi mới công nghệ, làm chủ và tạo ra công nghệ tiên tiến. Bên cạnh là Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (http://vpctqg.gov.vn/chuong-trinh-khcn-7) tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
Bộ TT&TT có Đề án chuyển đội số quốc gia (đang dự thảo) nhằm chuyển đổi số nền kinh tế (kinh tế số), chuyển đổi số xã hội (xã hội số), trong đó tập trung vào các ngành trọng điểm như nông nghiệp, du lịch, điện lực, giao thông.
Để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyên gia Nguyễn Thế Trung cho biết, nước ta đã xây dựng Công cụ đánh giá doanh nghiệp (chuyendoiso.com). Dựa vào tài liệu của Andreas Schumacher và tham khảo các mô hình trên thế giới, chuyendoiso.com xây dựng công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng của mô hình tăng trưởng doanh nghiệp Việt Nam với cách mạng công nghiệp lần thứ 4 xoay quanh mô hình chuyển đổi số. Mô hình bao gồm 9 lĩnh vực và 62 hạng mục được đánh giá.

Theo chuyên gia Nguyễn Thế Trung, nguồn tham khảo tốt nhất trong khối ASEAN cho doanh nghiệp chuyển đổi số là các tài liệu được xây dựng khá hoàn chỉnh và đầy đủ, phục vụ miễn phí từ Singapore ở địa chỉ:
https://www.imda.gov.sg/StartDigital
https://www.smeportal.sg/content/tech- depot/en/home.html

NGỌC HUYỀN

Bài viết liên quan