26 C
Hanoi
Thứ Hai, 5 Tháng Sáu, 2023

Thị trường các-bon: Hành động cụ thể góp phần thực hiện phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050

Print Friendly, PDF & Email

TÓM TẮT

Luật bảo vệ môi trường năm 2020 số 72/2020/QH14 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022, trong đó đã quy định việc “tổ chức và thực hiện thị trường các – bon”. Như vậy việc triển khai xây dựng và vận hành thị trường các-bon sẽ là hành động cụ thể của Việt Nam góp phần thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050, phù hợp với chủ trương hoàn thiện thể chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một trong ba đột phá chính của Việt Nam cho giai đoạn 2021-2025 đã được đưa vào văn kiện Đại Hội Đại biểu của Đảng lần thứ XIII. Tuy nhiên sau một năm luật BVMT2020 có hiệu lực, thị trường các – bon vẫn đang quá trình xây dựng để đến năm 2025 thí điểm có sàn giao dịch tín chỉ các-bon. Muốn vậy đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các bên liên quan, nhất là nhiệm vụ của các Bộ, ngành đã được quy định trong luật BVMT, sự sẵn sàng tham gia của  các doanh nghiệp.

Ảnh Internet

Carbon market: Specific actions contributing to the achievement of net-zero emissions by 2050

ABSTRACT

 The environmental protection law 2020, No 72/2020/QH14, came into effect on January 1st, 2022, and included a provision for the establishment and operation of a carbon market. This will contribute to Vietnam’s commitment to achieving net-zero emissions by 2050 and align with the socialist-oriented market economy – one of the three main breakthroughs for Vietnam in the 2021-2025 period recorded in the XIII National Congress of the Communist Party. However, one year after the law came into effect, the carbon market is still in the development phase aiming to test a carbon-credit trading platform by 2025. Achieving this goal requires the participation of relevant stakeholders, especially government agencies outlined in the law and the willingness to participate in the business sector.

BON Luận giải về thị trường các-bon

Thị trường các-bon về nguyên lý được xây dựng dựa trên những nguyên tắc vận hành của thị trường cạnh tranh “thuận mua, vừa bán” và đôi bên cùng có lợi, khi tham gia vào thị trường này không bên nào bị thiệt, các bên cùng có lợi và thu được lợi nhuận. Mặt khác đối với giảm thiểu các – bon, nhà nước sẽ đạt được mục tiêu mong muốn giảm thiểu các – bon theo kế hoạch đã định của mình, chẳng hạn đến năm 2030 chúng ta dự định giảm 30% lượng các – bon phát thải đây là căn cứ để chúng ta xác định phát hành tín chỉ các – bon ra thị trường để đạt mục tiêu đặt ra. Theo cam kết đến năm 2050 lượng phát thải ròng các bon ở Việt Nam sẽ bằng 0, điều này có nghĩa tổng lượng các bon phát thải ra môi trường sẽ bằng tổng lượng các – bon giảm đi (thu về), như vậy số tín chỉ phát thải các bon ra môi trường sẽ đảm bảo phát thải ròng bằng 0.

Năm 1968, nhà kinh tế học người Canađa là Dales lần đầu tiên đưa ra đề nghị về một cơ chế trong đó một số lượng nhất định “quyền gây ô nhiễm” (bằng với mức ô nhiễm mà xã hội mong muốn) có thể được mua đi bán lại giữa những người gây ô nhiễm và người có khả năng giảm ô nhiễm.

“Quyền gây ô nhiễm” của các doanh nghiệp sẽ được ghi nhận bằng các “giấy phép xả thải”(hay còn gọi là tín chỉ các-bon) do cơ quan quản lý môi trường ban hành thông qua các giấy phép xả thải, thường một giấy phép tương đương 1 tấn các – bon (CO2) và được trao đổi mua bán trên thị trường. Nhà nước sẽ xác lập tổng khối lượng giảm thải cho quốc gia tương đương bao nhiêu tấn CO2, trên cơ sở khả năng giảm thải quốc gia và cam kết của quốc gia với quốc tế về lượng giảm thải CO2. Như vậy sẽ có một hạn mức nhất định giấy phép xả thải (hạn ngạch) được qui định phát hành cho các doanh nghiệp thông qua hạn ngạch tổng số lượng giấy phép xả thải sẽ được xác lập cho doanh nghiệp, mỗi giấy phép tương đương 1 tấn CO2 và giấy phép đó được quyền mua bán, trao đổi trên thị trường. Thị trường sẽ vận hành trên cơ sở mua bán giữa các doanh nghiệp và dịch vụ kèm theo (tổ chức trung gian) đối với giấy phép xả thải, việc trao đổi giấy phép sẽ diễn ra dựa vào doanh nghiệp nào muốn thải nhiều hơn so với hạn ngạch sẽ phải mua thêm giấy phép từ những doanh nghiệp dư thừa giấy phép theo hạn ngạch được cấp. Như vậy thông qua thị trường, doanh nghiệp nào có có công nghệ tốt, khả năng giảm thải tốt hơn so với hạn ngạch được cấp họ sẽ thừa ra một số lượng giấy phép nhất định và được bán số giấy phép thừa đó ra thị trường. Mặt khác những doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh không gây phát thải CO2 họ được quyền bán tín như doanh nghiệp thủy điện, điện gió, điện mặt trời… chỉ dựa trên cơ sở lượng tín chỉ CO2 họ có, hoặc đối với những doanh nghiệp họ chứng minh lượng CO2 họ thu về như trường hợp doanh nghiệp hoặc tổ chức trồng rừng được quyền bán tín chỉ CO2 trên thị trường.

Đối với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường không khí có phát thải CO2, xét về mặt lý thuyết, doanh nghiệp nên bán giấy phép khi chi phí giảm ô nhiễm cận biên của họ thấp hơn giá giấy phép và ngược lại doanh nghiệp nên mua giấy phép nếu chi phí giảm thải cận biên cao hơn giá giấy phép trên thị trường. Về lý thuyết giá giấy phép được xác lập dựa trên chi phí giảm thải cận biên của doanh nghiệp (Marginal Abatement Cost – MAC), đường MAC là đường cầu đối với giấy phép gây ô nhiễm. Động lực của thị trường giấy phép chính là cả người mua và người bán giấy phép đều có lợi; đồng thời tổng chi phí giảm thải của toàn xã hội sẽ giảm xuống.

Doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường Các – bon cần phải nắm bắt được nguyên lý của thị trường này và tính toán được chi phí giảm thải cận biên của doanh nghiệp, trên cơ sở đó xác lập nhu cầu mua, bán giấy phép xả thải. Những doanh nghiệp không gây ô nhiễm cũng cần tính được lượng CO2 tương đương mình giảm được như thủy điện, điện gió, điện mặt trời để tham gia thị trường các – bon. Những doanh nghiệp, tổ chức hay địa phương thu hồi được CO2 nhờ vào công nghệ thu CH4 từ bãi chôn lấp rác, hay trồng rừng cũng cần xác định được lượng CO2 tương đương để tham gia thị trường các – bon.

Quy định pháp luật về phát triển thị trường các-bon

Việc xây dựng và phát triển thị trường các – bon đã được quy định trong luật bảo vệ môi trường tại luật số 72/2020/QH14 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. Tại điều 139 quy định như sau.

Điều 139. Tổ chức và phát triển thị trường cácbon

  1. Thị trường các-bon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
  2. Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc danh mục quy định tại khoản 3 Điều 91 của Luật này được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và có quyền trao đổi, mua bán trên thị trường các-bon trong nước.
  3. Căn cứ xác định hạn ngạch phát thải khí nhà kính bao gồm:a) Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và chiến lược, quy hoạch phát triển khác có liên quan;

    b) Kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp quốc gia, lĩnh vực và cơ sở thuộc danh mục quy định tại khoản 3 Điều 91 của Luật này;

    c) Lộ trình, phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện của đất nước và cam kết quốc tế.

  4. Cơ sở phát thải khí nhà kính chỉ được phát thải khí nhà kính trong hạn ngạch đã được phân bổ; trường hợp có nhu cầu phát thải vượt hạn ngạch được phân bổ thì mua hạn ngạch của đối tượng khác thông qua thị trường các-bon trong nước.
  5. Cơ sở phát thải khí nhà kính thực hiện giảm phát thải khí nhà kính hoặc không sử dụng hết hạn ngạch phát thải được phân bổ thì được bán lại cho đối tượng khác có nhu cầu thông qua thị trường các-bon trong nước.
  6. Cơ sở phát thải khí nhà kính tham gia các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên được phép trao đổi tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon trong nước.
  7. Cơ sở phát thải khí nhà kính tham gia thị trường các-bon trong nước thực hiện trao đổi, đấu giá, vay mượn, nộp trả, chuyển giao hạn ngạch, tín chỉ các-bon; thực hiện các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
  8. Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính theo giai đoạn và hằng năm.
  9. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan thành lập thị trường các-bon trong nước.
  10. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các đối tượng theo quy định tại khoản 2 Điều này; tổ chức vận hành thị trường các-bon trong nước và tham gia thị trường các-bon thế giới.
  11. Chính phủ quy định chi tiết Điều này, chi phí phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính, lộ trình, thời điểm triển khai thị trường các-bon trong nước phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.

Trên cơ sở quy định tại điều 139, là căn cứ pháp luật cơ bản để xây dựng và phát triển thị trường các – bon ở Việt Nam. Các cơ quan liên quan theo quy định của luật phải tham gia thực hiện xây dựng và phát triển thị trường Các – Bon, trong đó đáng chú ý Bộ tài chính có vai trò chủ trì thành lập thị trường các – bon. Bộ tài nguyên và môi trường xác định tổng hạn ngạch phát thải CO2, tổ chức phân bổ hạn ngạch khí nhà kính, tổ chức vận hành thị trường các – bon trong nước và tham gia thị trường các – bon thế giới.

Liên quan đến phát triển thị trường các – bon trong luật BVMT 2020 còn được quy định tại điều 91, khoản 1 và 2 như sau.

Điều 91. Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

  1. Các khí nhà kính chính là carbon dioxide (CO2), methane (CH4) và nitrous oxide (N2O). Các khí có hàm lượng thấp nhưng có tiềm năng cao gây hiệu ứng nhà kính là hydrofluorocarbons (HFCs), perfluorocarbons (PFCs), sulphur hexafluoride (SF6) và nitrogen trifluoride (NF3).
  2. Nội dung giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bao gồm:a) Tổ chức thực hiện hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và hấp thụ khí nhà kính theo lộ trình, phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện của đất nước và cam kết quốc tế;

    b) Kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp quốc gia, cấp ngành, lĩnh vực và cấp cơ sở có liên quan;

    c) Kiểm tra việc tuân thủ quy định về kiểm kê khí nhà kính, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, việc thực hiện cơ chế, phương thức hợp tác về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính;

    d) Xây dựng và triển khai cơ chế, phương thức hợp tác về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

    đ) Tổ chức và phát triển thị trường các-bon trong nước.

  1. Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, cập nhật 02 năm một lần trên cơ sở tỷ trọng phát thải khí nhà kính trên tổng phát thải khí nhà kính quốc gia; điều kiện và tình hình phát triển kinh tế – xã hội; tiêu thụ nhiên liệu, năng lượng trên đơn vị sản phẩm, dịch vụ đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ”.

Việc quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính sẽ liên quan đến hoạt động của các doanh nghiêp, nhất là các doanh nghiệp phát thải CO2 và mối quan hệ với thị trường các – bon. Đối với các doanh nghiệp, họ cần biết việc kiểm kê khí nhà kính nói chung và khí CO2 nói riêng sẽ được tiến hành liên quan đến loại hình doanh nghiệp nào phát thải khí nhà kính và khí CO2 để làm cơ sở cho thống kê, phân bổ hạn ngạch và tham gia vào thị trường CO2 trong thời gian tới. Việc kiểm kê này được cập nhật 02 năm một lần.

Theo quy định của luật BVMT, sắp tới “số doanh nghiệp phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính là hơn 1.900 doanh nghiệp thuộc các ngành công thương, xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường. Đây là cơ sở để đánh giá nỗ lực của doanh nghiệp trong việc giảm phát thải khí nhà kính, làm tiền đề tham gia thị trường các-bon sau này”[1].

Về lộ trình cũng như quy định cụ thể liên quan đến tổ chức phát triển thị trường các – bon cũng đã được quy định tại Nghị định số: 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ  ngày 07/01/2022 về “quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ô – Dôn” tại Chương II, mục 2 từ điều 16-21, đối với doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ và nắm bắt được các quy định trong các nội dung điều khoản của Nghị định này, nhất là lộ trình thực hiện tại điều 17 như sau.

Điều 17. Lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường các-bon trong nước

  1. Giai đoạn đến hết năm 2027a) Xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon;

    b) Triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

    c) Thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon kể từ năm 2025;

    d) Triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường các-bon.

  2. Giai đoạn từ năm 2028a) Tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon chính thức trong năm 2028;

    b) Quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon khu vực và thế giới”.

Như vậy lộ trình quy định thời điểm triển khai thị trường các-bon đã rõ, từ năm 2025 bắt đầu thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon và đến năm 2028 chính thức vận hành thị trường này, ngay từ bây giờ các bước chuẩn bị đã và đang thực hiện từ nhận thức, đến việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng và con người để đến năm 2025 thí điểm có sàn giao dịch tín chỉ các – bon.

Một số kiến nghị phát triển thị trường các-bon hướng đến phát thải ròng băng 0 ở Việt Nam

Để hình thành và phát triển thị trường các-bon ở Việt Nam, một số kiến nghị được đề xuất như sau.

3.1  Đối với Bộ tài chính

Theo quy định của pháp luật, Bộ tài chính chịu trách nhiệm chủ trì thành lập thị trường các-bon ở Việt Nam, do vậy cần sớm xây dựng đề án thành lập thị trường các-bon trình Thủ tướng Chính phủ để chuẩn bị đến năm 2025 sàn giao dịch tín chỉ các-bon tiến hành vận hành thí điểm theo đúng như lộ trình thực hiện đã đề ra. Trên cơ sở đề án phát triển thị trường các-bon là căn cứ để tiếp tục thực hiện các nội dung liên quan đến thị trường các-bon.

 3.2  Đối với Bộ tài nguyên và môi trường

Theo quy định của pháp luật, “Bộ tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính theo giai đoạn và hằng năm”, phân bổ hạn ngạch, chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý và thực hiện “kiểm kê khí nhà kính”, do vậy Bộ cần sớm tiến hành triển khai kiểm kê khí nhà kính của hơn 1900 doanh nghiệp đã xác định, đây là căn cứ đầu tiên để làm cơ sở cho các doanh nghiệp khẳng định mình là đối tượng thuộc diện nào trong quy định hạn ngạch phát thải khí nhà kính để sẵn sàng tham gia vào thị trường các-bon.

3.3 Đối với doanh nghiệp

Về phía doanh nghiệp, bên cạnh việc nắm bắt những quy định pháp luật về thị trường các-bon đã có, thực hiện kiểm kê khí nhà kính, doanh nghiệp cần chuẩn bị khả năng tham gia của doanh nghiệp mình trên cơ sở tiềm năng thế mạnh của doanh nghiệp, (i) nếu là doanh nghiệp sản xuất phát thải khí nhà kính cần chủ động xác định lượng phát thải tại doanh nghiệp khối lượng là bao nhiêu, hạn ngạch phát thải chấp nhận được, số lượng tín chỉ cần có để chủ động đăng ký khi cần cho cơ quan quản lý nhà nước và tính toán khả năng tham gia thị trường mua hay bán khi thị trường các-bon trong nước đi vào vận hành trước năm 2025, (ii) nếu là doanh nghiệp trung gian kinh doanh thông qua dịch vụ thị trường tín chỉ các-bon cũng có sự chủ động chuẩn bị tìm hiểu thị trường, dự báo khả năng thị trường, nguồn lực đầu tư và hạ tầng kỹ thuật tham gia thị trường nhất là chuyển đổi số và công nghệ thông tin để chủ động tạo dựng sàn giao dịch hiệu quả nhất.

 3.4 Sự vào cuộc các bên liên quan

Những cơ quan có vai trò giúp đỡ doanh nghiệp như Hiệp Hội doanh nghiệp, Hội doanh nhân trẻ. phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI)…, chủ động giúp đỡ doanh nghiệp trong việc nâng cao nhận thức về thị trường các-bon, kết nối doanh nghiệp với nhau và tìm hiểu về thị trường các-bon, kinh nghiệm phát triển từ thị trường chứng khoán, những điểm giống và khác nhau giữa thị trường các-bon với các loại thị trường khác như thị trường chứng khoán, sự liên thông và kết nối với thị trường các-bon thế giới nhằm nâng cao hiểu biết và mức độ sẵn sàng tham gia của doanh nghiệp vào thị trường các-bon. Khi doanh nghiệp đã hiểu, nhất là chủ doanh nghiệp họ sẽ chủ động tham gia vì lợi ích của doanh nghiệp.

3.5 Công tác truyền thông

Truyền thông có vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển thị trường các-bon, vì đây là vấn đề mới đối với nước ta, mua bán những hàng hóa không nhìn thấy được, chỉ qua giấy tờ chứng nhận thông qua tín chỉ, xã hội nói chung và doanh nghiệp nói riêng gần như chưa hiểu biết về thị trường này, chính vì vậy công tác truyền thông có vai trò hết sức quan trọng đối với xã hội và doanh nghiệp. Kinh nghiệm cho thấy khi công tác truyền thông tốt, nhận thức doanh nghiệp đầy đủ về thị trường các-bon việc thực hiện mua bán tín chỉ các-bon trên thị trường sẽ tiến hành thuận lợi, ngược lại truyền thông không tốt việc triển khai thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn. Thời gian từ nay đến năm 2025 không còn nhiều cho tổ chức xây dựng và phát triển thị trường các-bon, do vậy công tác truyền thông càng hết sức quan trọng đối với xã hội và doanh nghiệp

 3.6  Sự vào cuộc của chính quyền

Sự vào cuộc của các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị tham gia thị trường các-bon có vai trò hết sức quan trọng như là động lực để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia thị trường các-bon từ cơ chế chính sách đến tổ chức thực hiện, hỗ trợ về hạ tầng và công tác hành chính để doanh nghiệp có cơ hội tham gia tốt nhất, chính quyền như bà đỡ cho doanh nghiệp tham gia thị trường các-bon.

3.7 Chuẩn bị tham gia thị trường tín chỉ các-bon toàn cầu

Việt Nam không chỉ hình thành và phát triển thị trường các-bon trong nước mà còn chuẩn bị những điều kiện cần thiết để tham gia vào thị trường trao đổi, mua bán tín chỉ các-bon trên toàn cầu từ khuôn khổ pháp lý đến hạ tầng kỹ thuật phục vụ và công tác quản trị, bởi lẽ cam kết của Việt Nam đến năm 2050 phát thải ròng bằng không là cam kết có tính toàn cầu, mặt khác tham gia vào thị trường các-bon tín chỉ toàn cầu sẽ mang lại những lợi ích nhất định cho Việt Nam trong bối cảnh chúng ta sẽ có những lợi thế nhất định như rừng nhiệt đới, ưu thế về năng lượng tái tạo từ năng lượng gió và mặt trời.

KẾT LUẬN

Phát triển thị trường các-bon đã và đang quá trình thực hiện ở Việt Nam, đến năm 2025 Việt Nam sẽ vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon, khởi đầu hình thành thị trường các-bon chính thức. Muốn vậy cần sự nỗ lực và triển khai kịp thời của các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là Bộ tài chính và Bộ tài nguyên và môi trường, sự tham gia của các bên liên quan, nhất là đối với các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần khẩn trương thực hiện kiểm kê khí nhà kính để chuẩn bị tham gia vào thị trường khi đã được phân bổ hạn ngạch tín chỉ các-bon.

————————-

TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. Ngọc Anh. “ Hội Nghị COP27: Thế giới chung tay ứng phó biến đổi khí hậu”. Tạp chí Kinh tế môi trường, số 200 tháng 12/2022.ISSN 1859 – 1906.
  2. TS.Nguyễn Thế Chinh (Chủ biên). Giáo trình “kinh tế và quản lý môi trường”. ĐHKTQD. NXBTK-2003.
  3. Chính phủ. Nghị định số: 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 07/01/2022 về “quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ô – Dôn”
  4. Quốc Hội. Luật bảo vệ môi trường năm 2020 số 72/2020/QH14 .
  5. Khánh Ly. ” Doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu về kiểm kê khí nhà kính”. Nguồn từ diễn đàn Diễn đàn “Thách thức và cơ hội cho Doanh nghiệpViệt Nam trong thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0”. 2022

[1] Khánh Ly. ” Doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu về kiểm kê khí nhà kính”. Nguồn từ diễn đàn Diễn đàn “Thách thức và cơ hội cho Doanh nghiệp Việt Nam trong thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0”.

Tác giả: PGS.TS.Nguyễn Thế Chinh – Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường. *Email: thechinh@gmail.com

Theo TC AS&CS số in tháng 03/2023

Bài viết liên quan