26 C
Hanoi
Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

Thành phố thông minh xu hướng phát triển ở Việt Nam

Print Friendly, PDF & Email

Có nhiều định nghĩa khác nhau về thành phố thông minh, nói một cách dễ hiểu “thành phố thông minh” là nơi ở đó công nghệ thông tin và truyền thông được ứng dụng vào mọi hoạt động đem lại hiệu quả trong quản lý nhà nước, trong phát triển kinh tế, xã hội, thương mại, văn hóa, giáo dục, y tế, cung cấp các dịch vụ thiết yếu (giao thông, cấp, thoát nước, cấp điện…) và cộng đồng. Thành phố thông minh là thành phố hướng tới con người, cung cấp tối đa các dịch vụ công hướng tới cải thiện và nâng cao chất lượng sống cho người dân, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền với người dân. Trong một thành phố thông minh, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền sẽ đóng vai trò trung tâm. Xây dựng Thành phố thông minh đang trở thành xu thế phát triển mạnh mẽ của thời đại và là cuộc cách mạng về quản lý đô thị ngày nay.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hệ thống đô thị Việt Nam phát triển nhanh về số lượng và quy mô
Trong những năm qua, với chính sách đổi mới, hội nhập và sự phát triển nhanh của nền kinh tế đất nước, hệ thống đô thị Việt Nam đã phát triển nhanh chóng về số lượng và quy mô, chất lượng sống của người dân đô thị từng bước được cải thiện. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng tính đến tháng 12/2016, hệ thống đô thị Việt Nam có 800 đô thị. Tỷ lệ đô thị hóa 36,6% (tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2015). Dự báo đến năm 2020 có 870 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 38% và dự báo đến 2025 có 1000 đô thị và tỷ lệ đô thị hóa khoảng 50%. Việc cung cấp các dịch vụ công (dịch vụ công cộng và dịch vụ hành chính công) đã có những cải thiện đáng kể góp phần quan trọng trong cải thiện và nâng cao chất lượng sống của người dân. Tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt trên 83,5%, tỷ lệ thất thoát khoảng 23,5%, mức đô tiêu thụ nước bình quân đạt 105l/ng.ngày; 100% đường phố chính được chiếu sáng công cộng; tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt 85%; đất dành cho cây xanh, nước thải được xử lý được cải thiện đáng kể; tỷ lệ sử dụng điện thoại di động, cố định, điện thoại thông minh (smart phone), kết nối internet và truyền hình cáp, phủ sóng Wifi ngày càng gia tăng… Mặt khác, trong thời gian vừa qua nhiều thủ tục hành chính đã được công khai minh bạch, nhiều thủ tục hành chính không phù hợp đã được rà soát bãi bỏ; việc ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông bước đầu ở một số lĩnh vực (quản lý hành chính, cấp các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy đăng ký, giấy kê khai…; thu các khoản đóng góp, thu phí, lệ phí; thu thập và trao đổi thông tin…) đã được triển khai ở cả cấp trung ương và một số địa phương bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên tốc độ phát triển đô thị nhanh không đi cùng với chất lượng đô thị và phát triển hạ tầng. Hạ tầng kỹ thuật phát triển không đồng bộ: Tình trạng ách tắc giao thông vẫn xảy ra thường xuyên (cho đến nay vẫn chưa có các giải pháp hữu hiệu để khắc phục); tình trạng ngập úng đô thị ngày càng trầm trọng (tại TP.Hồ Chí Minh, các đô thị ven biển Đà Nẵng, Huế, Quy nhơn; các đô thị vùng đồng bằng như Cần Thơ, Hà Nội… hoặc các đô thị vùng Tây Nguyên: Đà Lạt, Buôn Ma Thuột…); việc cung cấp nước vẫn còn hạn chế và tỷ lệ thất thoát cao; môi trường (nước, tiếng ồn, ô nhiễm nguồn nước, không khí…) chưa kiểm soát nổi; tình trạng rác thải, xử lý rác còn nhiều bất cập, nguy cơ ô nhiễm môi trường từ rác thải ngày càng ra tăng… Cung cấp các dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch còn nhiều hạn chế; tệ nạn xã hội có xu hướng gia tăng và trẻ hóa… Ngoài ra, dịch vụ hành chính công đã có hiệu quả nhất định song thực hiện vẫn còn chậm và chưa đồng bộ, cải cách hành chính vẫn còn chậm và gặp nhiều khó khăn với nhiều nguyên nhân khác nhau.

CNTT-TT đóng vai trò quan trọng nền kinh tế quốc gia
Hơn 10 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã xác định CNTT-TT đóng vai trò quan trọng nền kinh tế quốc gia và là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội đất nước và ứng dụng CNTT-TT trong quản lý và điều hành nhà nước đã và đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ  vì vậy nhiều văn bản quy phạm pháp luật từ luật, nghị định đến quyết định của cấp có thẩm quyền đã được ban hành qua đó thúc đẩy, tạo điều kiện cho lĩnh vực này phát triển.
Chính phủ đã được ban hành Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 về ứng dụng CNTT trong các hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trong đó đã quy định: Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước là việc sử dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của cơ quan nhà nước nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động nội bộ của cơ quan nhà nước và giữa các cơ quan nhà nước, trong giao dịch của cơ quan nhà nước với tổ chức và cá nhân; hỗ trợ đẩy mạnh cải cách hành chính và bảo đảm công khai, minh bạch. Người đứng đầu cơ quan nhà nước ở các cấp có trách nhiệm chỉ đạo việc ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý công việc, tăng cường sử dụng văn bản điện tử, từng bước thay thế văn bản giấy trong quản lý, điều hành và trao đổi thông tin. Các loại biểu mẫu hành chính cần thiết giải quyết công việc cho người dân, tổ chức từng bước được chuẩn hoá… và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước giai đoạn 2011-2015(QĐ số 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010) trong đó xác định các mục tiêu tổng quát bao gồm: (1) Xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử. (2) Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ của các cơ quan nhà nước, hướng tới nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí hoạt động. (3) Cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, trên diện rộng cho người dân và doanh nghiệp, làm cho hoạt động của cơ quan nhà nước minh bạch hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Ngoài ra các chỉ tiêu và nội dung của Chương trình cũng đã được xác định cụ thể.
Chính phủ có Cổng thông tin điện tử ở đó người dân có thể tiếp cận các thông tin cần thiết (văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách mới, tình hình thời sự…); Hàng tuần trên phương tiện truyền thông VTV… có mục người dân hỏi, Bộ trưởng trả lời…
Các Bộ, ngành Việt Nam (Tài Chính, Xây Dựng, Giao Thông Vận tải, Công Thương, Kế Hoạch và Đầu Tư…) đã và đang triển khai ứng dụng CNTT vào lĩnh vực mình quản lý nhằm phục vụ có hiệu quả cao hơn cho người dân, doanh nghiệp…
UBND các cấp bước đầu đã chỉ đạo nghiên cứu, từng bước ứng dụng CNTT-TT vào các hoạt động điều hành…

Xây dựng “Thành phố thông minh” ở Việt Nam
Song song với cấp Trung ương, nhiều thành phố đã tổ chức nghiên cứu, ban hành các quy định có liên quan đến ứng dụng CNTT-TT trong các hoạt động quản lý của mình, mặt khác tiếp tục cải cách hành chính, minh bạch các hoạt động để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Trong nhiều năm qua, các cấp chính quyền của TP Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực ứng dụng CNTT vào hoạt động của các cơ quan Nhà nước, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội của thành phố. Thành phố đang có kế hoạch triển khai xây dựng mạng diện rộng của thành phố (mạng MAN), phủ sóng Wi-Fi cho tất cả các không gian công cộng (tụ điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, khu thương mại, khu hội chợ triển lãm… kiểm soát giao thông, thiết lập hệ thống kiểm soát ô nhiễm nước thải, hệ thống giám sát chất lượng nước cấp, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm và cảnh báo thiên nhiên. Triển khai các dịch vụ cấp giấy chứng nhận điện tử (e-application) như giấy đăng ký xe máy, xe ô tô, đăng ký khám chữa bệnh qua mạng…
Tại Hà Nội, Quy hoạch phát triển CNTT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được xây dựng với quan điểm: Phát triển công nghệ thông tin là nhiệm vụ ưu tiên chiến lược của thành phố Hà Nội. Trong đó, một nội dung quan trọng là ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển hạ tầng đô thị thông minh. Xây dựng thành phố Hà Nội thành “thành phố thông minh hơn” với trọng tâm là “chính quyền điện tử” hiệu quả trong quản lý, điều hành; phát triển giáo dục, y tế, văn hóa giao thông… hướng tới hình thành và phát triển nền kinh tế tri thức; đưa Thủ đô tham gia vào các diễn đàn thành phố thông minh trên thế giới. 8 giải pháp đã được đặt ra, bao gồm một số giải pháp trọng tâm là: Xây dựng môi trường pháp lý; Giải pháp tài chính, thu hút vốn đầu tư; Giải pháp đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế.
Ngày 8/7/2015, tại hội thảo chuyên đề: “Thành phố Hồ Chí Minh – Hướng đến nền kinh tế tri thức hội tụ với Smart City” đã có nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý đô thị được giới thiệu. Theo đó, một số giải pháp đáng chú ý như: làm thế nào để ứng dụng hệ thống ITS (hệ thống giao thông thông minh) vào quản lý giao thông nội đô; quản lý môi trường thông minh, hệ thống điện – nước thông minh; hay như giải pháp kết nối hạ tầng cho một thành phố thông minh, điều khiển thông minh. Trên cơ sở đó xây dựng và phát triển thành phố theo hướng bền vững, thân thiện môi trường, trở thành một nền kinh tế tri thức hội tụ nhờ ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông.

Những khó khăn và thách thức
Việc xây dựng một thành phố thông minh đi kèm với nhiều thách thức đòi hỏi phải vượt qua đó là: (1) Nhận thức người quản lý và người dân: Thách thức lớn nhất là thay đổi tư duy quản lý của các cấp lãnh đạo, thành công phụ thuộc rất nhiều vào việc các lãnh đạo ở cấp điều hành hiểu rõ vai trò của CNTT và làm sao để phát huy được việc sử dụng công nghệ này trong các hoạt động về chỉ đạo, điều hành. Tất cả các lãnh đạo và công chức trong các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương phải nhận thức đúng và hiểu được tầm quan trọng của Chính phủ điện tử – Chính quyền điện tử… Công nghệ có thể đổi mới, nhưng người dân không thấy tầm quan trọng, không sử dụng, không ủng hộ, không quan tâm và không tham gia cùng chính quyền hay nhà quản lý và ngược lại, thì cũng chẳng thể tận dụng triệt để được lợi thế mà công nghệ có thể mang lại. (2) Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với sự hỗ trợ của CNTT-TT nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công: Thách thức là thay đổi tình trạng các cơ quan quản lý làm việc một cách độc lập theo các chức năng mà thiếu sự phối hợp có hiệu quả giữa các cơ quan như hiện nay. (3) Thủ tục hành chính còn nhiều và quy trình quản lý phức tạp cần phải được xem xét lại, đơn giản hóa và minh bạch. (4) Công nghệ thông tin – trang thiết bị, phần mềm sử dụng, kết nối mạng, an ninh thông tin, an ninh mạng được xem là quan trọng song vẫn còn nhiều khó khăn. Cơ sở dữ liệu còn hạn chế – nhiều dữ liệu chưa thống nhất (nhận dạng, các xác định…) chưa sẵn sàng kết nối, trao đổi. (5) Thách thức về nguồn lực bao gồm nguồn lực tài chính và con người. Con người ở đây phải có trình độ, năng lực và có trách nhiệm.
Định hướng trong thời gian tới: Cùng với với sự hỗ trợ cả về kinh nghiệm, tài chính và công nghệ của các nước trên thế giới, các tổ chức quốc tế đặc biệt Nhật bản, Hàn Quốc…. Việt nam cần phải có các bước đi phù hợp với trình độ, năng lực và điều kiên kinh tế, xã hội để có thể đẩy nhanh hơn việc xây dựng các thành phố thông minh:
Về thể chế: (1) Tiếp tục thực hiện Cải cách hành chính – đơn giản hóa các thủ tục hành chính đồng thời minh bạch nội dung, quy trình làm việc, chuẩn hóa nghiệp vụ để ứng dụng công nghệ thông tin.(2) Thống nhất về tiêu chuẩn, quy chuẩn ứng dụng CNTT. (3) Nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật vừa đảm bảo tính pháp luật vừa có tính khả thi. (4)  Đào tạo, nâng cao năng lực…
Về Xây dựng và quản lý đô thị: (1) Rà soát nội dung quy hoạch đô thị theo hướng quy hoạch đô thị thông minh (trong đó tập trung vào phân khu chức năng hợp lý, tăng không gian xanh với cây xanh, công viên, mặt nước và các khu vực vui chơi công cộng; bố trí các công trình hạ tầng kỹ thuật mà trong đó có hệ thống giao thông thuận tiện, hướng sử dụng năng lượng tiết kiệm, chiếu sáng hiệu suất cao, cấp nước an toàn và thoát nước bền vững; định hướng về tái chế, tái sử dụng chất thải…). (2) Xây dựng cơ sở dữ liệu về đô thị, ứng dụng GIS trong quản lý. (3) Hoàn thiện và nhân rộng các dịch vụ hành chính công có ứng dụng CNTT: cấp giấy phép xây dựng, chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép lái xe, hộ chiếu… các giấy tờ khác..,(4) Đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ, công chức quản lý đô thị. Nhân văn hơn, gần dân hơn.(5) Tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng – người dân có trách nhiệm hơn với thành phố mình đang sống. (6) Đầu tư theo hướng tiến thẳng hiện đại một số lĩnh vực: Giao thông thông minh (trung tâm quản lý GTVT, giao thông công cộng…); cấp nước ( bảo vệ nguồn nước, nâng cao chất lượng và kiểm soát cấp nước, đầu tư trang thiết bị phát hiện rò rỉ – thất thoát nước và sử dụng đồng hồ đo nước thông minh – người dân biết lượng nước tiêu thụ và trả tiền nước qua mạng; Thoát nước và xử lý nước thải (giám sát nước thải vào nguồn tiếp nhận, phát hiện ngập úng…); Cấp điện: đồng hồ đo tiêu thụ điện thông minh;sử dụng rộng rãi LED trong chiếu sáng công cộng…(7) Đầu tư cho công nghệ thông tin (thu thập, xử lý thông tin, ứng dụng thông tin..) theo hướng hiện đại nhưng dễ sử dụng, tăng cường an ninh, an toàn mạng…

Lời kết
Thành phố thông minh đã và đang thành hiện thực. Mọi nỗ lực xây dựng thành phố thông minh có ứng dụng CNTT-TT là nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền mặt khác việc nâng cao trách nhiệm của người dân với thành phố mình đang sống là rất quan trọng. Hy vọng qua các hội thảo sẽ thu được nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai xây dựng thành phố thông minh của mỗi quốc gia.

PGS.TS  Nguyễn Hồng Tiến
(Cục trưởng, Cục Hạ tầng kỹ thuật – Bộ Xây dựng)

Bài viết liên quan