Tạp chí Ánh Sáng và Cuộc Sống thời gian qua phản ánh bức xúc của người dân ở thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang về xây dựng khu dân cư-chợ không phép, bổ nhiệm “thần tốc” cán bộ. Sau đó, phóng viên làm việc với ông Lâm Quang Thi Phó chủ tịch kiêm người phát ngôn của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh An Giang và nhận được công văn trả lời do ông Thi ký. Tuy nhiên, sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, dẫn đến người dân có những hành động tự phát, tiêu cực ảnh hưởng không tốt đến địa phương, rất cần được UBND tỉnh quan tâm giải quyết kịp thời.

DÂN ĐỔ ĐẤT NGĂN ĐƯỜNG VÀO CHỢ
Ngày 10/10, ông Phan Ngọc Thanh thuê 2 xe tải chở đất đến đổ ngăn đường vào chợ xã Mỹ Khánh (Long Xuyên, An Giang) để mong chính quyền địa phương quan tâm giải quyết nỗi bức xúc của ông. Khu dân cư – chợ trung tâm xã Mỹ Khánh rộng hơn 5,3 ha, gồm 340 nền nhà và chợ bách hóa, chợ lương thực – thực phẩm, do Liên doanh Cty TNHH Xây dựng Tấn Vương-DNTN Cang Trường làm chủ đầu tư. Công trình khởi công xây dựng đầu năm 2016, cuối năm cơ bản hoàn thành để xã Mỹ Khánh đạt nông thôn mới.
Tuy nhiên, ngày 28/8/2017, GĐ Sở Xây dựng tỉnh An Giang Nguyễn Việt Trí ký công văn cho biết, “đến nay, Sở Xây dựng chưa nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng của chủ đầu tư”. Không chỉ vậy, chủ đầu tư cũng chưa có đầy đủ quyền sử dụng đất. Ông Phan Ngọc Thanh có gần 2,3 ha đất ở đây, bị chủ đầu tư lấy xây chợ và ông gửi đơn kêu cứu nhiều nơi nhưng đến nay chưa được giải quyết.
Những tiểu thương được đưa từ chợ cũ gần đó, vào chợ mới này cũng rất bức xúc, vì công trình lớn mọc lên ngoài vòng kiểm soát của chính quyền, gây ra nhiều khó khăn. Ông Dương Văn Phết bán đồ điện gia dụng và bà Nguyễn Thị Kim Hân bán quần áo đều than thở, có ngày không bán được đồng nào. San sát các gian hàng đóng cửa và bà Hân cho biết, chủ gian hàng đã bỏ đi làm thuê. Người dân và cả chính quyền cơ sở nóng lòng chờ chỉ đạo cụ thể của UBND tỉnh An Giang giúp vượt qua khó khăn kéo dài đã gần năm.
Nhưng đầu tháng 9, khi báo chí chuyển nỗi bức xúc của người dân đến UBND tỉnh An Giang thì công văn của UBND tỉnh do ông Thi ký, trả lời vẫn lòng vòng. Công văn viết: “Sau khi nhận nội dung báo cáo về sự việc trên, UBND tỉnh đã giao Sở Tài ngyên và Môi trường, Sở Xây dựng và UBND thành phố Long Xuyên rà soát việc thực hiện nhiệm vụ theo Quyết định số 32/2016/QĐ- UBND ngày 30/6/2016 của UBND tỉnh về Quy chế phối hợp trong giải quyết hồ sơ, thủ tục đầu tư theo cơ chế một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh An Giang để UBND tỉnh có hướng xử lý tiếp theo, theo quy định”.
Vì vậy, ông Thanh thuê xe đổ đất ngăn đường vào chợ để hy vọng có được sự quan tâm cụ thể. Công an xã Mỹ Khánh cho người đến yêu cầu ông Thanh dọn đất, trả lại lối vào chợ nhưng ông Thanh từ chối, cho rằng ông đang sử dụng đất có sổ đỏ đứng tên ông. “Nếu muốn dọn thì trước hết phải dọn ngôi chợ và những căn nhà xây dựng trái phép trên đất chủ quyền của tôi”, ông Thanh nói.

HAI BỨC XÚC KHÁC CẦN QUAN TÂM
Giữa thành phố Long Xuyên còn tồn tại một khu dân cư-chợ lớn hơn, xây dựng lâu hơn và đến nay cũng chưa có giấy phép, chưa hoàn thành thủ tục đất theo quy định. Khu thương mại dịch vụ và dân cư Mỹ Thới, rộng hơn 10,4 ha ở phường Mỹ Thới, của Cty TNHH Đầu tư và Chế biến Lương thực Thiên Ngọc. Ở đây có đến 4 chợ, một khu nhà cao tầng và chục cụm dân cư nhỏ. Chợ đi vào hoạt động từ cuối năm 2015, các cụm dân cư đã mọc lên nhiều nhà. Hiện đã bán khoảng 250 nền trong 300 nền rao bán.

Tại cuộc họp ngày 4/1/2017 do Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh An Giang tổ chức, Cty Thiên Ngọc thừa nhận: “Cty đã thực hiện thỏa thuận chuyển nhượng 104.400 m2 đất nhưng chưa thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất”. Theo hồ sơ, đất ở đây có hàng chục mảnh từ đất trồng lúa, trồng cây, chuyên dùng đến thổ cư. Còn các chợ hình thành trên cơ sở “được cấp phép cải tạo nhà kho hiện hữu”. Làm việc với ông Thi, phóng viên chuyển đến UBND tỉnh nỗi bức xúc của người dân buôn bán trong các chợ, người mua đất cất nhà và cả ở các khu phố kế cận bên ngoài, mong chính quyền địa phương xử lý đúng pháp luật, đảm bảo sự phát triển an toàn. Thế nhưng, nội dung này chưa được trả lời trong công văn do ông Thi ký.

Buổi làm việc với ông Thi, phóng viên còn đề cập việc bổ nhiệm “thần tốc” lãnh đạo Bệnh viện Mắt-Tai mũi họng-Răng hàm mặt An Giang. Chỉ trong mấy tháng giữa năm 2015, trong lúc bác sỹ Dương Hoài Phương đang đi học chuyên khoa 2 hệ tập trung, nhưng vẫn được bổ nhiệm PGĐ rồi PGĐ phụ trách bệnh viện, sai với các quy định hiện hành. Sau khi Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh có kết luận về những vi phạm, ngày 14/8/2017, UBND tỉnh đã tổ chức thu hồi quyết định bổ nhiệm PGĐ phụ trách và cả thông báo làm quy trình để bổ nhiệm GĐ đối với bác sỹ Phương. Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh còn cho biết, sẽ điều chuyển bác sỹ Phương đi đơn vị khác để tạo điều kiện cho bác sỹ Phương làm việc, chấm dứt tình trạng “ngồi chơi xơi nước” hiện nay và bệnh viện đỡ căng thẳng, vậy bao giờ thực hiện? Công văn của UBND tỉnh An Giang do ông Thi ký, cũng chưa trả lời.
SÁU NGHỆ