34 C
Hanoi
Thứ Hai, 28 Tháng 7, 2025

Mất đất sinh sống vì tòa và xã

Nhiều người dân ở thành phố Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng bị mất đất giá trị lớn gắn liền với cuộc sống, vì tòa án xử chưa xem xét đầy đủ quyền lợi được pháp luật bảo vệ của họ và chính quyền xã thất hứa.

Một trong những ngôi nhà lâu năm của “hộ Nguyễn Văn Sơn”.
Một trong những ngôi nhà lâu năm của “hộ Nguyễn Văn Sơn”.

Quên quyền lợi  của “Hộ”
Khu đất rộng gần 1,8 ha ở xã Trung Hưng (Cờ Đỏ, Cần Thơ), nơi sinh sống từ lâu của một đại gia đình. Đầu năm 2002, có 7 người làm văn bản cử ông Nguyễn Văn Sơn đại diện cho họ, thay cha đứng tên sổ đỏ và do đó, sổ đỏ khu đất được cấp cho “hộ Nguyễn Văn Sơn”. Hiện khu đất có 4 gia đình là cha mẹ, anh chị em làm nhà sinh sống.
Ông Sơn kể, năm 2013, mẹ già bị bệnh nên ông nhờ anh họ Nguyễn Đồng Hồ (Giám đốc Cty TNHH Một thành viên XNK Bảo Anh-Cty Bảo Anh-ở quận Thốt Nốt), giúp đỡ vay tiền để chữa bệnh cho mẹ. Ông Sơn được ông Hồ hướng dẫn đem khu đất bảo lãnh thế chấp, làm hợp đồng qua Văn phòng Công chứng Thốt Nốt, để ông Hồ vay tiền của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank). Ngay sau đó, ông Sơn cho biết, ông chỉ đại diện “hộ”, không có toàn quyền định đoạt khu đất nên đến LienVietPostBank yêu cầu hủy việc bảo lãnh thế chấp. “Nhưng LienVietPostBank không nghe, vẫn cho ông Hồ vay 900 triệu đồng và ông Hồ sử dụng toàn bộ, không đem cho tôi đồng nào”, ông Sơn nói.
Ngày 14/8/2013, ông Sơn khởi kiện ra TAND quận Thốt Nốt yêu cầu hủy hợp đồng bảo lãnh thế chấp trái luật. Việc xem xét kéo dài đến lúc ông Hồ vì nợ lớn nên bỏ trốn và ngày 20/1/2015, LienVietPostBank kiện đòi nợ Cty Bảo Anh thì TAND quận Thốt Nột nhập hai vụ kiện làm một và “hộ Nguyễn Văn Sơn” thành người liên quan.
Ngày 20/7/2016, TAND quận Thốt Nốt xử sơ thẩm, phán quyết, nếu Cty Bảo Anh không trả nợ thì LienVietPostBank có quyền đề nghị thi hành án phát mại khu đất. Nhiều người trong “hộ Nguyễn Văn Sơn” kháng án. Ngày 12/5/2017, TAND thành phố Cần Thơ xử phúc thẩm, nhận định, LienVietPostBank khi thẩm định cho vay, phát hiện nhiều gia đình có nhà trên đất mà không yêu cầu ký tên vào hợp đồng thế chấp là “chưa làm đúng và đầy đủ theo thủ tục quy định”. Tuy nhiên, án phúc thẩm chỉ “ngoại trừ” diện tích mấy căn nhà hơn 450 m2 để các gia đình ở, còn lại diện tích khu đất vẫn cho LienVietPostBank quyền phát mại, nếu Cty Bảo Anh không trả nợ.
Hai bản án không xem xét quyền lợi về đất của những người trong “hộ Nguyễn Văn Sơn”. Luật sư Nguyễn Trường Thành ở Đoàn Luật sư Cần Thơ khẳng định, quyền lợi của những người ủy quyền cho ông Sơn đứng tên sổ đỏ khu đất đầu năm 2002 được pháp luật bảo vệ. Khi ông Sơn tự ý đem khu đất thế chấp, không thông qua những người trong “hộ” là trái quy định của pháp luật. Và vì thế, Văn phòng Công chứng Thốt Nốt công chứng hợp đồng bảo lãnh thế chấp của ông Sơn, cũng vi phạm pháp luật.
Công chứng viên Ngô Công Minh giải thích, thời điểm công chứng, trong hộ khẩu ông Sơn không có tên cha mẹ, chị em ông Sơn nên “thấy đủ cơ sở công chứng”. Luật sư phản bác, thiếu sót của công chứng không thể là căn cứ để bác bỏ quyền lợi được pháp luật bảo vệ của những người khác.
Nên 8 người trong “hộ Nguyễn Văn Sơn” đang gửi đơn kiến nghị TAND và Viện KSND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh kháng nghị giám đốc thẩm “tuyên hủy các bản án sơ thẩm và phúc thẩm”.

Ông Khanh (thứ 2 từ phải) bị tạm giữ ngày 27/6/2017 .
Ông Khanh (thứ 2 từ phải) bị tạm giữ ngày 27/6/2017 .

Chính quyền xã thất hứa
Ngày 27/6/2017, ông Nguyễn Văn Khanh, 69 tuổi, ở xã Thiện Mỹ (Châu Thành, Sóc Trăng) bị chính quyền xã tạm giữ để lấy đất giao cho người khác. Ông Khanh kể, xã cho người đến đo đất, ông ngăn cản thì Chủ tịch UBND xã tuyên bố “đất bồi hoàn cho ông Khanh rồi, muốn bán hay cấp cho ai cũng được”. Thế rồi, đông người mặc thường phục cùng công an xã và công an huyện “cưỡng chế đánh tôi và lôi tôi vào phòng công an xã Thiện Mỹ khi không có quyết định và tạm giữ tôi hơn 26 tiếng”, tường trình của ông Khanh viết.
Đất của ông Khanh là câu chuyện kéo dài gần 30 năm nay, do sự thất hứa của chính quyền xã. Năm 1990, xã Thiện Mỹ xây chợ, mượn hơn 7.000 m2 đất của ông Khanh để các tiểu thương có nơi buôn bán tạm. Sau đó, xã lấy luôn đất của ông, hứa đổi lại cho ông 1,5 nền nhà ở phố chợ và 2.000 m2 đất ruộng, nhưng không thực hiện.
Ông Khanh khiếu nại đến giữa năm 2009, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng lập Tổ công tác kiểm tra. Ngày 12/10/2009, Tổ công tác có báo cáo, kiến nghị thu hồi và hủy bỏ các quyết định của nhiều cấp trước đó bác khiếu nại của ông Khanh, tiếp tục thực hiện lời hứa giao cho ông 1,5 nền đất ở phố chợ và 2.000 m2 ruộng.
Mãi không có đất giao cho ông Khanh, ngày 20/6/2010, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành quyết định bồi hoàn bằng tiền. Ngày 11/11/2013, UBND và Thanh tra huyện Châu Thành làm việc với ông Khanh, tính toán bồi hoàn cho ông tổng cộng 5.420.000 đồng. Trong lúc, đất của ông có một phần đã thành hơn 30 nền phố chợ, một số cấp cho cán bộ xã và huyện, họ không sử dụng mà bán lại mỗi nền trên 200 triệu đồng. Theo ông Khanh, những cán bộ được cấp và đã bán như ông Tư Đắc nguyên Bí thư xã, nay là Phó ban Dân vận Huyện ủy 3 nền; ông Ngư là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã 2 nền; ông Dũng là Chủ tịch UBMTTQ huyện, Mười Đồ là Trưởng phòng LĐTB&XH huyện, Tư Thắng nguyên Chủ tịch UBND xã mỗi người 1 nền…
Không chấp nhận giá bồi hoàn quá rẻ mạt nên ông Khanh tiếp tục khiếu nại và đề xuất, cấp lại cho ông một số nền còn trống trong dãy phố chợ vốn là đất của ông. Chính quyền địa phương không chấp thuận. Mới đây, chính quyền thu hồi khoảng 2.000 m2 đất của bà Trần Thị Ba để chuẩn bị xây trụ sở xã, bồi thường cho bà 5 nền phố chợ, là đất chưa bồi hoàn của ông Khanh. Ông ngăn cản nên bị tạm giữ và nay ông lại phải kêu cứu đến nhiều cơ quan.

SÁU NGHỆ

Bài viết liên quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM NHIỀU NHẤT