24 C
Hanoi
Thứ Năm, 28 Tháng Ba, 2024

Hội nghị ASEM về cùng hành động ứng phó với biến đổi khí hậu

Print Friendly, PDF & Email

Trong hai ngày 19 và 20/6, tại TP. Cần Thơ, diễn ra “Hội nghị ASEM về cùng hành động ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững-định hướng tương lai”, do Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức.

Các quan chức ngoại giao, trưởng đoàn và diễn giả chính.

Bốn nội dung chính
Tham dự buổi khai mạc có Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc Andrea Faulkner, Đại sứ Vương Quốc Bỉ tại Việt Nam Jehanne Roccas, quan chức Bộ Tài nguyên và Bảo tồn Môi trường Myanmar Sein Htoon Linn, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Christian Brix Møller. Dự hội nghị còn có khoảng 200 đại biểu từ 53 thành viên ASEM, các tổ chức quốc tế, khu vực.
Phát biểu chỉ đạo, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh: hội nghị sẽ thảo luận những vấn đề thực chất, đưa ra các giải pháp cụ thể để nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó có việc hình thành cơ chế hợp tác nhiều bên bảo vệ hệ sinh thái biển.
Có 4 nội dung chính được thảo luận tại các phiên toàn thể. Ngày 19/6, thảo luận 3 nội dung: Phát triển trong bối cảnh biến đổi khí hậu – gắn kết giữa hành động ứng phó biến đổi khí hậu với các mục tiêu phát triển bền vững; Xây dựng năng lực thích ứng biến đổi khí hậu: thực tiễn và bài học kinh nghiệm tại châu Á và châu Âu; Hành động ứng phó biến đổi khí hậu: vai trò và sự tham gia của các bên liên quan. Ngày 20/6, thảo luận nội dung: thúc đẩy quan hệ đối tác khí hậu Á – Âu vì phát triển bền vững sẽ diễn ra trong phiên toàn thể sáng 20/6.

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Võ Thành Thống hướng dẫn Phó thủ tướng Phạm Bình Minh thăm gian hàng triển lãm của ĐBSCL .

Các đại biểu đánh giá, biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ 21, ảnh hưởng sâu sắc và làm thay đổi toàn diện đời sống kinh tế – xã hội toàn cầu. Năm 2018 được xác định là năm then chốt hành động ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần triển khai Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Đây là vấn đề mà cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm. Giải quyết các thách thức, nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu có vai trò then chốt trong triển khai các mục tiêu phát triển bền vững trở thành ưu tiên của mỗi quốc gia. Trong thảo luận, các thành viên ASEM đánh giá cao nỗ lực và nhất trí tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt là 13 tỉnh ĐBSCL nhằm phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên lề hội nghị có triển lãm “Biến đổi khí hậu – Thách thức và cơ hội cho hợp tác Á – Âu”, gồm 13 gian hàng giới thiệu tiềm năng, giá trị tài nguyên môi trường, đa dạng sinh học và các dự án, công trình liên quan đến biến đổi khí hậu, những cơ hội đầu tư thúc đẩy hợp tác ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững ĐBSCL.
Trưa 20/6/2018, hội nghị đã thông qua Báo cáo để trình lên Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 12 (Brúc-xen tháng 10/2018) thống nhất tăng cường hợp tác giữa các quốc gia và từng lĩnh vực để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Đông đảo phóng viên báo chí theo dõi hội nghị.

Vai trò ASEM và Việt Nam
Diễn đàn hợp tác Á – Âu (Asia – Europe Meeting, ASEM) là cơ chế đối thoại, hợp tác hình thành từ năm 1996 đến nay có 53 thành viên, chiếm 60% dân số thế giới, đóng góp khoảng 60% GDP và khoảng 60% thương mại toàn cầu. Hội nghị Cấp cao, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM (họp 2 năm/lần) và kênh SOM là cơ chế điều phối chung của ASEM. Bên cạnh, 10 kênh Hội nghị Bộ trưởng khác (Tài chính, Lao động việc làm, Văn hóa, Giáo dục, Kinh tế, Môi trường, An ninh Năng lượng, Giao thông vận tải, Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Công nghệ thông tin và truyền thông) có vai trò điều phối hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành.
Hội nghị này là sáng kiến do Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đề xuất, được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM 13 (Mianma, 11/2017). Đây cũng là sáng kiến đầu tiên của ASEM trong thập kỷ hợp tác thứ ba về hành động ứng phó biến đổi khí hậu, gắn với phát triển bền vững.
Hội nghị thể hiện vai trò tiên phong của ASEM trong đóng góp vào nỗ lực quốc tế hiện thực hóa các cam kết về biến đổi khí hậu vì phát triển bền vững, đóng góp vào việc đề xuất tầm nhìn của ASEM trong thập niên mới khi bước vào thập niên thứ ba, góp phần đề cao vai trò, tính thiết thực của hợp tác ASEM. Các quốc gia thành viên phát triển hỗ trợ các quốc gia thành viên đang phát triển chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, trong tiếp cận tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển.
Đóng góp và mong muốn của Việt Nam qua việc tổ chức hội nghị: Khẳng định chính sách của Việt Nam tiếp tục coi trọng ASEM trong triển khai đường lối của Đại hội Đảng XII về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác đối ngoại đa phương. Làm sâu sắc hơn quan hệ với các thành viên, tranh thủ ủng hộ, phối hợp và hỗ trợ quốc tế của các thành viên thúc đẩy quan tâm của ta về ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần triển khai hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

THANH HẢI

Bài viết liên quan