24 C
Hanoi
Thứ Năm, 28 Tháng Ba, 2024

Giá gas tăng cao, doanh nghiệp lo lắng

Print Friendly, PDF & Email

Các doanh nghiệp cho biết từ năm ngoái, sức tiêu thụ mặt hàng gas đã giảm đáng kể, đến nay chưa hồi phục mà còn rớt sâu hơn

Thống kê từ đầu năm 2022 đến nay, giá gas có 2 lần điều chỉnh giảm nhỏ giọt vào tháng 1 và 5 nhưng có 3 lần tăng mạnh liên tiếp vào các tháng 2, 3 và 4. Giá gas đã lập đỉnh vào tháng 4 với giá bán lẻ tối đa được các công ty gas đầu mối công bố ở mức từ 518.000 – 550.000 đồng/bình 12 kg.

Theo ông Cao Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Ban Mai Việt Nam (chuỗi cửa hàng gas Ban Mai), so với trước dịch Covid-19, sản lượng gas tiêu thụ mới hồi phục 70%-75% dù đầu tháng 5, giá gas giảm 29.000 đồng/bình 12 kg nhưng giá gas các công ty đầu mối công bố vẫn xấp xỉ 500.000 đồng/bình 12 kg.

“Giá gas ở mức cao khiến người tiêu dùng rất tiết chế, thời gian đổi bình kéo dài. Nguy hại hơn là một số khách hàng chuyển sang sử dụng gas lậu vì giá bán rẻ hơn gas chính hãng đến 100.000 đồng/bình 12 kg. Khi chọn gas lậu, người tiêu dùng đối mặt với rủi ro bị nhân viên giao bẻ van, chọc lủng dây dẫn, làm hư bếp để tìm cách kiếm thêm. Việc cạnh tranh với gas lậu khiến các cửa hàng gas hợp pháp hết sức đau đầu” – ông Hải bày tỏ.

Ông Lý Hoàng Việt – chủ cửa hàng gas ở TP Thủ Đức, TP HCM – cho biết trước đây, mỗi ngày giao được khoảng 10 bình gas cho khách thì nay chỉ còn 6-7 bình. “Cho dù hiện nay đã bình thường trở lại, dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng nhiều gia đình vẫn giữ thói quen đặt thức ăn trên mạng như hồi còn dịch, hạn chế nấu nướng ở nhà” – ông Việt lý giải.

Nhiều doanh nghiệp, cửa hàng gas đang đau đầu tìm cách giữ chân khách hàng trong lúc giá gas bán lẻ vẫn ở mức rất cao. Ảnh: AN NA

Không chỉ hộ gia đình giảm sử dụng gas mà nhiều hàng quán hiện nay cũng chuyển sang dùng bếp điện nhiều hơn. Bà Cao Thị Huyền, chủ quán ăn ở TP Thủ Đức, cho hay từ khi giá gas tăng cao bà phải tìm mua nồi nấu bằng điện để thay thế. Theo bà Huyền, cho dù giá điện hiện nay vẫn cao nhưng sử dụng các nồi, chảo điện tính ra vẫn còn rẻ hơn so với xài bếp gas.

“Trước đây, mỗi tháng tôi xài khoảng 4 bình gas với tổng chi phí khoảng 1,4 triệu đồng (khi giá gas còn khoảng 350.000 đồng/bình 12 kg), khi giá gas lên 500.000 đồng/bình thì chi phí đội lên tới 2 triệu đồng. Từ khi chuyển sang dùng 2 nồi điện, mỗi tháng tôi chỉ tốn khoảng 1,2 triệu đồng tiền điện” – bà Huyền nói. Bà Trần Bích Hà – chủ quán cơm ở quận Bình Thạnh, TP HCM – cũng xác nhận từ khi chuyển từ bếp gas sang dụng cụ nấu nướng bằng điện, chi phí hằng tháng giảm 30%-40%.

Ông Nguyễn Văn Lân, chủ doanh nghiệp gas Nguyên Khê, cho biết không chỉ hộ gia đình giảm sử dụng gas mà cả những khách hàng lớn như bệnh viện, bình thường mỗi tháng tiêu thụ 4-5 tấn gas thì nay giảm chỉ còn trên dưới 1 tấn. Tương tự, trường học, bếp ăn tập thể cũng giảm rất mạnh.

“Bình thường, doanh nghiệp của tôi phân phối khoảng 170 tấn gas/tháng. Từ khi giá gas tăng cao, lượng hàng bán ra ngày càng giảm. Chẳng hạn như tháng 3, tôi bán được 120 tấn gas, sang tháng 4 giảm còn chưa tới 90 tấn. Dự báo tháng 5 này vẫn tiếp tục giảm do giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng còn quá cao” – ông Lân cho hay.

Tương tự, ông Chu Văn Tường, Giám đốc Công ty CP Gas Thủ Đức, cũng cho biết tiêu thụ gas của công ty mấy tháng nay giảm rất mạnh, từ 1.800 – 1.900 tấn gas/tháng còn khoảng 1.500 tấn/tháng.

Các doanh nghiệp kinh doanh gas nhận định dù sắp tới du lịch, dịch vụ ăn uống có phục hồi mạnh nhưng với giá gas không giảm thì tiêu thụ vẫn khó cải thiện. Để mặt hàng này tiêu thụ tăng trở lại thì giá phải giảm dưới 400.000 đồng/bình 12 kg, khi đó người tiêu dùng mới cân nhắc sử dụng gas.

Theo ông Lân, lượng gas tiêu thụ sụt giảm quá mạnh đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp, trong khi mọi thứ đều tăng từ điện, nước, cước vận chuyển… Nếu tình trạng này vẫn còn kéo dài, buộc ông phải cắt giảm nhân sự, tìm giải pháp quản lý khâu giao nhận, sắp xếp lại quy trình sao cho tiết kiệm nhất. Còn ông Chu Văn Tường cho biết tiết giảm tối đa chi phí để có mức giá bán ra tốt nhất nhằm giữ chân khách hàng, đồng thời tổ chức chăm sóc khách hàng tốt hơn, kể cả tìm kiếm thêm khách hàng mới.

Trong khi đó, để duy trì hoạt động chuỗi cửa hàng gas Bình Minh phải bán thêm các mặt hàng như: bếp điện, bếp từ… nhằm tận dùng mặt bằng và thêm doanh thu. Chuỗi cửa hàng này cũng giảm giá cho khách hàng từ chi phí bán hàng để giữ khách. Đồng thời, phối hợp các ngân hàng, ví điện tử triển khai thanh toán không tiền mặt với nhiều mã giảm giá để hỗ trợ người tiêu dùng. Nhờ vậy, giá gas mà người tiêu dùng thực trả chỉ còn 445.000 – 485.000 đồng/bình 12 kg, không ở mức tối đa như các doanh nghiệp công bố.

“Ngày 18-5, giá gas thế giới (CP) chốt theo ngày (các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu mua theo giá chốt cả tháng-PV) ở mức 766 USD/tấn, giảm 98 USD/tấn so với giá chốt tháng 5, nếu mức giá này giữ đến cuối tháng thì giá gas có cơ hội giảm đến 32.000 đồng/bình 12 kg. Ở mức giá này, cộng thêm các chương trình kích cầu của các doanh nghiệp gas và hệ thống phân phối thì tiêu thụ sẽ tốt hơn” – ông Cao Minh Hải nhận định.

Theo Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS), năm 2021 mặc dù giá dầu, gas CP tăng so với giá kế hoạch nhưng cùng với đó hoạt động sản xuất kinh doanh của PV GAS phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Đặc biệt, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài làm nhu cầu khí dùng cho sản xuất điện chỉ bằng 69% so với kế hoạch, gas công nghiệp giảm 25%-30%, gas hộ dân giảm 35%-40%. Bước sang năm 2022, nhu cầu huy động khí của khách hàng điện, khách hàng công nghiệp vẫn ở mức thấp so với kế hoạch và cùng kỳ năm trước, đặc biệt huy động khí cho sản xuất điện trong tháng 1, 2 rất thấp, chỉ đạt khoảng 70% kế hoạch. Ngoài ra, do gián đoạn chuỗi cung ứng do chiến sự Nga – Ukraine và những biện pháp phòng chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt tại Trung Quốc đã khiến chi phí cho các hoạt động tăng cao, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp.

Theo NLĐO

Bài viết liên quan