29.8 C
Hanoi
Chủ Nhật, 13 Tháng 7, 2025

Doanh nghiệp hành động và kiến nghị Chính phủ khắc phục Covid-19

Dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề, từ ngày 7/4 đến 13/4/2020, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ phối hợp với Báo điện tử VnExpress khảo sát 358 doanh nghiệp trên cả nước về các giải pháp chống suy thoái doanh nghiệp và chống thất nghiệp. Đồng thời, tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp với Chính phủ về những vấn đề cần quan tâm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các khó khăn đại dịch gây ra.

Chủ động phòng chống dịch

Khảo sát cho thấy 100% doanh nghiệp chủ động phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế như bắt buộc đeo khẩu trang, bố trí chỗ ngồi cách nhau 2m, trang bị nước rửa tay khử khuẩn… Trong đó, 15% doanh nghiệp kiểm tra nhiệt độ người lao động trước khi vào phân xưởng và khử khuẩn toàn bộ vật tư, phụ tùng phục vụ sản xuất, 13% doanh nghiệp cho phép lao động gián tiếp (văn phòng, tài chính, kế toán…) hoặc các vị trí có thể áp dụng trực tuyến được phép làm tại nhà để giảm tập trung đông người, 6% doanh nghiệp tổ chức nơi sản xuất thành “vùng cách ly” để đảm bảo an toàn và không đứt gãy hoạt động. Biện pháp cụ thể như tổ chức cho người lao động làm việc ở cơ sở trang trại nào cách ly tại đó, không giao dịch với các khu vực khác; bố trí hệ thống sát khuẩn hoàn chỉnh, bố trí ký túc xá tập trung có kiểm soát y tế cho người lao động.

Quy mô lao động của doanh nghiệp tham gia khảo sát

Số doanh nghiệp quyết định ngừng kinh doanh để phòng tránh bệnh tật lây lan hoặc do khó khăn trong mùa dịch chiếm 8% tổng số doanh nghiệp.

Giải pháp vượt khó kinh doanh

Một cuộc khảo sát đầu tháng 3/2020 cũng của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân nhận thấy chỉ có 3% doanh nghiệp sử dụng nền tảng internet trong bối cảnh đại dịch Covid-19 thì lần này đã tăng lên 52%. Các doanh nghiệp sử dụng nền tảng internet để nhân viên làm việc online, cung cấp dịch vụ trực tuyến như dạy học online, tư vấn online. Nhiều doanh nghiệp sử dụng nền tảng internet để đẩy mạnh hoạt động marketing, bán hàng.

Ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp tham gia khảo sát

Tìm khách hàng và thị trường mới, khảo sát đầu tháng 3/20201 chỉ có 7% doanh nghiệp chủ động tiến hành, nay đã tăng lên 16%. Một số doanh nghiệp thực hiện đồng thời các giải pháp như chuyển hướng kinh doanh (5% doanh nghiệp), giảm giá thành sản phẩm đi đôi với nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, cải tiến quy trình tăng hiệu quả sản xuất (khoảng 4%). Tỷ lệ doanh nghiệp trả lời không có giải pháp là 10%, con số này trong khảo sát đầu tháng 3 là gần 20%.

Tuy nhiên, những giải pháp mang tính dài hạn và có ý nghĩa tiên quyết với sự tăng trưởng của doanh nghiệp như tập trung cải tiến sản phẩm, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển thì chỉ có 3% số doanh nghiệp trả lời là có áp dụng. Cũng như vậy, năng lực xây dựng phương án kinh doanh phòng ngừa rủi ro của các doanh nghiệp cũng thấp, chỉ 2% doanh nghiệp trả lời đã thực hiện giải pháp này.

Duy trì việc làm cho lao động

Có 60% doanh nghiệp nỗ lực trả lương cho người lao động, trong đó ít nhất là đảm bảo mức lương tối thiểu hoặc lương bình thường và duy trì lao động như hiện tại cho đến khi doanh nghiệp hết khả năng, Có 26% doanh nghiệp cho lao động nghỉ việc tạm thời nhưng vẫn trả trợ cấp

Khảo sát hồi tháng 3/2020, có 40% doanh nghiệp trả lời về nguy cơ cần phải cắt giảm lao động để giảm chi phí sản xuất. Khảo sát lần này, doanh nghiệp đã thể hiện nhiều nỗ lực bảo vệ người lao động: Chỉ 4% doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động và 10% không có giải pháp; còn 27% doanh nghiệp chọn giải pháp giảm giờ làm, giảm lương nhưng vẫn duy trì số lượng lao động; 26% doanh nghiệp trả trợ cấp cho lao động nghỉ việc tạm thời; 17% doanh nghiệp vẫn trả lương bình thường.

Tỷ lệ doanh nghiệp trong ngành chế biến chế tạo tham gia khảo sát

Nếu dịch kéo dài thì 9% số doanh nghiệp có thể không đủ khả năng đảm bảo được nỗ lực mà doanh nghiệp đang cố gắng. Khoảng 3% doanh nghiệp tranh thủ thời gian hoạt động sản xuất kinh doanh suy giảm để dành thời gian đào tạo nguồn nhân lực.

Kiến nghị với Chính phủ

Có 83,7% doanh nghiệp ủng hộ Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19; đồng lòng trong việc kiên quyết ngăn chặn, dập dịch từ các nguồn lây nhiễm từ bên ngoài và các nguồn lây nhiễm trong cộng đồng.

Các doanh nghiệp cũng đưa ra hai nhóm kiến nghị. Thứ nhất, về việc chống thất nghiệp, các doanh nghiệp ủng hộ tinh thần của Chính phủ và các Bộ ngành thể hiện tại Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020. Tuy nhiên, thay vì các chính sách hỗ trợ khi doanh nghiệp đã “kiệt quệ” và đổ vỡ, doanh nghiệp đề nghị chính sách giúp cho doanh nghiệp giữ được dòng vốn trong lúc khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh đồng thời để duy trì việc làm cho người lao động. Cụ thể như, được hoãn nộp một số khoản như bảo hiểm tự nguyện, tiền đóng quỹ hưu trí và tử tuất hay phí công đoàn… trong vòng 12 tháng để có dòng tiền duy trì hoạt động, duy trì nhân sự nhằm thích nghi và tồn tại trong bối cảnh mới, thay cho chính sách vừa ban hành là người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất không quá 12 tháng nếu vì dịch bệnh mà phải cắt giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên.

Thứ hai, về việc chống suy thoái, kiến nghị các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 được giảm thuế TNDN, thuế VAT và các loại thuế khác và cho phép miễn lãi suất đối việc nộp chậm thuế, đồng thời cho phép miễn đóng BHXH trong thời gian dịch bệnh. Đồng thời, được hỗ trợ vốn vay ưu đãi với doanh nghiệp; giảm lãi suất các khoản vay hiện tại, khoanh nợ và giãn thời gian trả nợ vay. Bên cạnh là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nông nghiệp xuất khẩu hàng hóa; Thực hiện các thủ tục hành chính online để cắt giảm thời gian, chi phí thực sự cho doanh nghiệp.

Song song 2 nhóm kiến nghị trên, các doanh nghiệp đặc biệt phản ánh việc thực hiện giải pháp từ các bộ còn chậm, cũng như việc tiếp cận được các nguồn vay với lãi suất thấp hay các hình thức ưu đãi tín dụng khác là còn rất khó khăn khi thủ tục rườm rà, phức tạp. Một vấn đề hết sức đáng lưu tâm, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng chiến lược cùng các chính sách cho một trật tự kinh tế mới sau dịch để tận dụng tối đa các cơ hội.

SÁU NGHỆ

Bài viết liên quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM NHIỀU NHẤT