Ngày 08/7/2021 Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Trị gửi Công văn số 65/ĐĐBQH đến các cơ quan của Quốc hội “Kiến nghị giám sát vụ án buôn lậu gỗ trắc”. Trước đó, ngày 05/3/2021, Hội Luật gia tỉnh Quảng Trị có Công văn số 68/HLG-KN gửi Cơ quan điều tra VKSND Tối cao “Kiến nghị xem xét lại vụ án buôn lậu gỗ trắc”. Các công văn cũng được chuyển tới Tạp chí Ánh Sáng và Cuộc Sống để thông tin tới bạn đọc những vấn đề dư luận quan tâm nhiều năm qua.
Lược lại quá trình xét xử vụ án
Vụ án xảy ra tại tỉnh Quảng Trị và TP Đà Nẵng từ cuối năm 2011, được TAND TP Đà Nẵng mở 4 phiên xét xử sơ thẩm, TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm. Theo Công văn số 65/ĐĐBQH ngày 08/7/2021 của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, sơ lược quá trình xét xử vụ án như sau:
Phiên xét xử sơ thẩm lần thứ 4 từ ngày 14/8 đến ngày 23/8/2018, tại Bản án số 35/2018/HSST ngày 23/8/2018, TAND TP Đà Nẵng đã tuyên các bị cáo Trương Huy Liệu và Trần Thị Dung phạm tội “Buôn lậu”; các bị cáo Đỗ Lý Nhi, Lê Xuân Thành, Đỗ Danh Thắng phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tòa đã xử phạt Trương Huy Liệu 1 năm 16 ngày tù giam; Trần Thị Dung 9 tháng tù, cho hưởng án treo; Đỗ Lý Nhi, Lê Xuân Thành 9 tháng tù, cho hưởng án treo; Đỗ Danh Thắng 6 tháng tù, cho hưởng án treo. Bản án sơ thẩm đã bị kháng cáo và kháng nghị.
Từ ngày 03/7 đến này 26/7/2019, TAND cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa phúc thẩm vụ án trên. Kết thúc phiên tòa, Bản án phúc thẩm số 187/HSPT ngày 26/7/2019, đã tăng nặng hình phạt đối với Trương Huy Liệu 7 năm tù giam và Trần Thị Dung 3 năm tù cho hưởng án treo.
Các bản án sơ thẩm và phúc thẩm “đều nhận định: Công ty TNHH Ngọc Hưng không có hành vi làm giả hồ sơ nên ngoài số gỗ tang vật được cho là “buôn lậu” (dựa theo các kết quả của các Biên bản giám định tư pháp vi phạm nghiêm trọng về pháp luật) thì số gỗ còn lại (quy thành tiền đã được bán đấu giá một cách khuất tất, vi phạm nghiêm trọng pháp luật về quản lý, bảo quản vật chứng vụ án) thì trả lại cho Công ty TNHH Ngọc Hưng hoặc chuyển cho Tổng cục Hải quan xử lý vi phạm hành chính (nếu có) nhưng Tổng cục Hải quan lại ban hành quyết định tịch thu số tiền này (59.690.076.000 đồng). Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị thấy rằng đây là việc làm tùy tiện, không tuân thủ quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính”.
Kiến nghị của Đoàn ĐBQH
Công văn của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho biết: “Trong quá trình các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị (Khóa XIII và Khóa XIV) liên tục nhận được đơn kêu oan của Công ty TNHH Ngọc Hưng và các bị can liên quan đến vụ án. Qua giám sát tại phiên tòa phúc thẩm, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị nhận thấy quyết định của TAND cấp cao tại Đà Nẵng không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật trong quá trình tố tụng dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc đánh giá, áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án. Vì vậy, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đã có Báo cáo số 77/BC-ĐĐBQH ngày 05/8/2019 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan có liên quan đề nghị giám sát việc xét xử phúc thẩm vụ án nói trên, đồng thời có văn bản đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm”.
“Đồng thời, Đoàn ĐBQH đã tiến hành giám sát quá trình xét xử vụ án và đã báo cáo kiến nghị rất nhiều lần đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá lại toàn bộ vụ án có dấu hiệu oan sai và vi phạm nghiêm trọng pháp luật trong qua trình tố tụng nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, doanh nghiệp không để oan sai; xử lý nghiêm, đúng pháp luật các tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật trong quá trình tố tụng, vi phạm nghiêm trọng trong việc bán vật chứng vụ án đang trong quá trình điều tra.
Liên quan đến vụ án này, ngày 31/5/2019 Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 09/VKSTC-C1(P6) về tội “Ra quyết định trái pháp luật” quy định tại Điều 371 Bộ luật hình sự, xảy ra tại Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44) – Bộ Công an và đã tiến hành khởi tố bị can đối với ông Phan Văn Vĩnh – Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát, Bộ Công an.
Cùng với đó, các Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình và nhiều ĐBQH khóa XIV, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị…đã kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giám sát vụ án nêu trên nhằm tránh oan sai cho tổ chức, công dân”.
Công văn của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị kiến nghị: “Với trách nhiệm trước Nhân dân và vì sự thượng tôn pháp luật, một lần nữa Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị khẩn thiết kiến nghị Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giám sát vụ án trên đây và yêu cầu Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm Bản án hình sự phúc thẩm số 187/HSPT ngày 26/1/2018 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng”.
Ba vấn đề cần được làm rõ
Công văn của Hội Luật gia tỉnh Quảng Trị do Chủ tịch Võ Công Hoan ký gửi Cơ quan điều tra VKSND tối cao “Hoan nghênh với việc Cơ quan điều tra VKSND tối cao thụ lý điều tra, giải quyết vụ án hình sự số 09/VSKTC CA P6 ngày 31/5/2019 về tội “ra quyết định trái pháp luật”. Tuy nhiên, vụ án đã kéo dài gần 10 năm nhưng “dư luận chưa tâm phục, khẩu phục” – Công văn nhấn mạnh.
Hội luật gia tỉnh Quảng Trị phân tích và kiến nghị 3 vấn đề:
Hai Biên bản giám định của cùng một đơn vị cho ra hai số liệu khác nhau, cơ quan Tòa án chỉ sử dụng kết quả giám định bất lợi cho doanh nghiệp. Theo phân tích của Hội luật gia tỉnh Quảng Trị thì Công ty TNHH Ngọc Hưng ở Quảng Trị là doanh nghiệp kinh doanh được phép xuất, nhập khẩu gỗ. Việc nhập khẩu 535,8 m3 gỗ từ Lào về Việt Nam là hợp pháp. Công ty đã mở tờ khai Hải quan, đã nộp thuế VAT theo quy định của pháp luật nên đã được Hải quan Quảng Trị cho thông quan.
Khi bị công an Đà Nẵng bắt giữ, Hải quan khởi tố thì việc xác định lô gỗ này có hai số liệu khác nhau. Giám định lần 1 số lượng gỗ là 453,103 m3, giám định lần 2 thì số lượng gỗ lên đến 614,672 m3. Việc giám định đều do Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thực hiện. Điều đáng nói là so với với số lượng trong vận đơn (535,8 m3 gỗ) thì kết quả giám định lần 2 làm “dôi ra” 78 m3 gỗ, Cục Hải quan căn cứ vào đó để khởi tố. Tòa án khi xét xử cũng căn cứ vào kết quả giám định lần 2 để quy buộc 78 m3 gỗ là buôn lậu.
Về vấn đề này, Hội luật gia tỉnh Quảng Trị đã “đề nghị Cơ quan điều tra VKSND tối cao xem xét lại việc giám định khối lượng gỗ 2 lần của một cơ quan có số liệu khác nhau. Tòa án chỉ chấp nhận giám định lần 2 để qui buộc “Buôn lậu” 78 m3 là mâu thuẫn.
Bán vật chứng khi vụ án đang trong quá trình tố tụng: Theo Hội luật gia tỉnh Quảng Trị, vụ án đang trong quá trình điều tra, giải quyết có sự trả qua lại hồ sơ để làm rõ có buôn lậu hoặc không buôn lậu toàn bộ số gỗ mà Công ty TNHH Ngọc Hưng nhập khẩu, nhưng chỉ sau 2 năm từ khi bắt giữ (30/12/2011-27/12/2013), Cơ quan điều tra Bộ Công an cho bán đấu giá vật chứng của vụ án này. Mặc dù trước đó đã có kết luận của cuộc họp liên ngành là “chuyển toàn bộ lô gỗ vật chứng theo hồ sơ vụ án để các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp theo xử lý theo thẩm quyền”.
Việc bán vật chứng không chỉ vi phạm quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003, Thông tư liên ngành số 06/1998/TTLT-TANDTC-VKSNTC-BCA-BTP Hướng dẫn một số vấn đề về bảo quản và xử lý tài sản là vật chứng, tài sản bị kê biên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự. “Chúng tôi cho rằng đây là sự cố ý vi phạm vì chính các văn bản pháp luật liên quan đến xử lý vật chứng từ các cơ quan Tư pháp Trung ương xây dựng để ban hành nhưng chính mình lại vi phạm. Đề nghị Cơ quan điều tra VKSND tối cao xem xét làm rõ có động cơ lợi ích nhóm trong việc xử lý tang vật này để qui buộc Công ty Ngọc Hưng, mà đại diện là vợ chồng ông Liệu buôn lậu số lượng gỗ đã nhập khẩu hợp pháp và có tư lợi trong việc bán đấu giá vật chứng”. Công văn của Hội Luật gia tỉnh Quảng Trị nêu rõ.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự, Luật Tố tụng Hình sự khi giải quyết một vụ án, vật chứng là vật, tiền bạc thuộc sở hữu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân hợp pháp thì phải trả lại cho chủ sở hữu. Nhưng Tòa án lại tuyên số tiền bán đấu giá lô gỗ gần 64 tỷ đồng, tịch thu nộp ngân sách nhà nước số tiền hơn 4,1 tỷ đồng, số tiền còn lại hơn 59,6 tỷ đồng được chuyển cho Tổng cục Hải quan để xem xét xử lý về hành vi vi phạm hành chính do Công ty TNHH Ngọc Hưng khai sai thực tế về tên hàng theo quy định. Quan điểm của Hội Luật gia tỉnh Quảng Trị cho rằng cần thiết phải trả lại số tiền bán 535,8 m3 gỗ hợp pháp (theo giá trị hiện nay) cho doanh nghiệp. Các cơ quan tố tụng chỉ đúng khi tịch thu giá trị của 78 m3 gỗ bị coi là “chưa hợp pháp”. Quyết định trên của Tòa án “phải chăng để hợp pháp sai phạm bán đấu giá vật chứng trái pháp luật trước đó của cơ quan điều tra”?
Từ phân tích trên, Hội Luật gia tỉnh Quảng Trị “Kiến nghị Cơ quan điều tra VKSND tối cao trong khi xem xét việc ra quyết định trái pháp luật thì xem xét việc án phúc thẩm xử lý giải quyết tang vật của Tòa án theo quy định của pháp luật”.
Ngày 05/3/2021, đại diện Cơ quan điều tra VKSND tối cao có các buổi làm việc với Đoàn ĐBQH và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị.
Biên bản làm việc với Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho biết: “Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cung cấp cho Cơ quan điều tra VKSND tối cao các tài liệu thế hiện kết quả giám sát mà Đoàn ĐBQH đã thực hiện và các tài liệu có liên quan đến vụ án mà Đoàn đã thu thập được. Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị kiến nghị Cơ quan điều tra VKSND tối cao làm rõ vi phạm và xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật; đồng thời đề nghị Cơ quan điều tra xem xét dấu hiệu oan, sai để báo cáo cấp có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án”. Biên bản làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị ghi 4 vấn đề bức xúc của Hiệp hội: Thứ nhất, vật chứng là căn cứ rất quan trọng để cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành điều tra, truy tố, xét xử đối với vụ án hình sự nhưng ngay trong giai đoạn điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã bán toàn bộ lô gỗ là vật chứng của vụ án, gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc đánh giá bản chất và tính khách quan của vụ án. Bán trái phép lô gỗ như vậy có tồn tại động cơ vụ lợi gì hay không? Thứ hai, theo thông lệ của các nước trong khu vực ASEAN và Trung Quốc thì quy đổi trọng lượng, khối lượng gỗ Trắc là 1.300 kg = 1 m3 nhưng với vụ án này thì cơ quan tiến hành tố tụng quy đổi 1.000 kg = 1 m3 là bất hợp lý. Thứ ba, chính sách buôn bán gỗ giữa Lào và Việt Nam thời điểm năm 2011 là bình thường, doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu gỗ chỉ chịu trách nhiệm từ cửa khẩu trở vào Việt Nam. Thứ tư, Cty TNHH Ngọc Hưng nhập khẩu gỗ ngày 17/12/2011 với 535,8 m3 bị coi là “buôn lậu”; còn ngày 18/12/2011 nhập 538 m3 thì được xác định là không vi phạm, trả lại cho Cty TNHH Ngọc Hưng để xuất đi Trung Quốc. |
SÁU NGHỆ