23 C
Hanoi
Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

Cơ hội xuất khẩu thủy sản xuyên Thái Bình Dương

Print Friendly, PDF & Email

Sáng 21/3, tại TP. Cần Thơ, Bộ Công thương tổ chức hội nghị liên ngành triển khai Hiệp định CPTPP, phát triển thị trường các nhóm ngành hàng, trong đó nhấn mạnh đến thủy sản nước ta có lợi thế.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị.

Cửa thị trường rộng mở
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có 11 nước. Trong đó, 6 nước phê chuẩn đầu tiên là Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canađa, Australia, có hiệu lực từ ngày 30/12/2018; Việt Nam phê chuẩn ngày 12/11/2018, có hiệu lực từ ngày 14/01/2019; 4 nước còn lại là Brunei, Malaysia, Chile, Peru đang hoàn thành thủ tục trong nước. Mục tiêu, tất cả phê chuẩn trong năm 2019.
Khi CPTPP có hiệu lực, thị trường 10 nước với tổng kim ngạch nhập khẩu hàng năm hơn 2.445 tỷ USD được mở rộng cửa là tiềm năng lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, hiện mới 41,4 tỷ USD, chỉ chiếm gần 1,7%. Nhất là những cam kết rất “mở”, tạo thêm nhiều thuận lợi cho thủy sản nước ta, qua phân tích của Bộ Công thương:
Thị trường Canada, 100% thủy sản Việt Nam được xóa bỏ thuế quan ngay. Thuỷ sản vốn có thế mạnh của nước ta tại đây, nhiều chủng loại đã chiếm thị phần rất cao như cá tra chiếm gần 100%; tôm đứng đầu các nước xuất khẩu vào Canada và chiếm gần 1/3 thị phần nhập khẩu; cá ngừ chiếm 89% thị phần. Thủy sản Việt Nam được giảm thuế về 0% sẽ có nhiều cơ hội so với các đối thủ cạnh tranh chưa phải thành viên CPTPP là Thái Lan, Trung Quốc, Italy, Indonesia, Philippines, Ấn Độ.
Thị trường Mexico hàng năm nhập khoảng 351 triệu USD cá đông lạnh và 80 triệu USD tôm. Về cá đông lạnh, Việt Nam đang xuất khẩu lớn thứ 2 sau Trung Quốc. Còn tôm, Mexico đang cấm nhập khẩu từ một số nước châu Á trong đó có Việt Nam, khi lệnh cấm được xoá bỏ, chắc chắn Việt Nam sẽ chiếm lĩnh thị phần vì thuế về 0% trong khi mức thuế hiện tại khoảng 20%.
Thị trường Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế quan ngay với cá tuyết, surimi, tôm, cua. Người tiêu dùng Nhật Bản có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho tôm, cá ngừ, mực, bạch tuộc. Các đối thủ cạnh tranh với Việt Nam trên thị trường này là Brasil, Colombia, Trung Quốc đều không phải thành viên CPTPP nên không có ưu đãi thuế quan.
Thị trường New Zealand nhập thủy sản hàng năm khoảng 100 triệu USD, chủ yếu là cá phi-lê các loại, tôm đông lạnh, mực, bạch tuộc. Thủy sản Việt Nam xuất sang New Zealand khoảng 20 triệu USD hàng năm, trong đó, cá phi-lê chiếm thị phần ưu thế, còn tôm đứng sau Trung Quốc và Thái Lan. Hy vọng lợi thế CPTPP sẽ cho thủy sản Việt Nam bứt phá.
Ở thị trường Australia, hiện Việt Nam là một trong bốn nhà cung cấp thủy sản lớn nhất (sau Thái Lan, Trung Quốc và New Zealand), nhưng mới chiếm trên 11% thị phần nhập khẩu. Trong đó, Việt Nam cung cấp tôm lớn nhất thị trường này, chiếm 31,1% tổng giá trị nhập khẩu tôm của Úc. Cá tra Việt Nam gần như độc chiếm thị trường với phi-lê cá tươi và ướp lạnh.
Thị trường Malaysia, hiện Việt Nam xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 sau Trung Quốc và Indonesia. Còn thị trường Singapore, thủy sản Việt Nam chiếm lĩnh với các sản phẩm cá phi lê đông lạnh, cá chế biến thô (xay, thái lát).

Thông tin về các nước đối tác CPTPP của Việt Nam, số liệu năm 2017, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam thống kê giá trị CIF của nước nhập khẩu (nguồn Trademap)

Thách thức và giải pháp
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: “Để được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định CPTPP, nhà xuất khẩu phải bảo đảm hàng hóa đáp ứng đủ và đúng yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Qua họp với các hiệp hội ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam gần đây có thể thấy, hiểu biết cũng như sự quan tâm đối với CPTPP cũng như lợi ích CPTPP đem lại và cách tận dụng hiệu quả các lợi ích này còn chưa đồng đều giữa các hiệp hội, các doanh nghiệp. Ngoài ra, bên cạnh những lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, CPTPP còn đề cập đến một số vấn đề mới như lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước”.
Để vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội, các đại biểu thảo luận và thống nhất một số giải pháp cho từng thị trường cụ thể.
Với thị trường Nhật Bản: nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và quy định mới về bảo vệ môi trường của Nhật Bản. Đa dạng hoá cơ cấu thuỷ sản chế biến, phát triển một số loại thuỷ sản chủ lực mang tính đặc trưng của Việt Nam, có giá trị và sức cạnh tranh cao. Xây dựng danh mục sản phẩm thuỷ sản gắn liền với thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp xuất khẩu.
Thị trường Australia quy định nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm và an toàn sinh học. Trong khi đó, thuỷ sản Việt Nam vẫn còn một số trường hợp dư lượng kháng sinh và dư lượng thuốc diệt nấm. Để đẩy mạnh xuất khẩu, cần kiên quyết xoá bỏ tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm, kiểm tra nghiêm các lô hàng thuỷ sản xuất khẩu.
Thị trường New Zealand, thủy sản nhập khẩu hiện áp thuế 0% và không gặp khó khăn về rào cản kỹ thuật. Tuy nhiên, hàng thủy sản trên thị trường thường không được mang tên hiệu của nhà xuất khẩu Việt Nam, mà chỉ có xuất xứ và thương hiệu của nhà nhập khẩu trên bao bì nên khả năng nhận biết thương hiệu tại thị trường tương đối thấp. Do vậy, cần chú trọng xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu để thủy sản Việt Nam được biết đến trên thị trường.
Thị trường Malaysia và Brunei, quốc gia Hồi giáo nên thủy sản phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu về chứng nhận sản phẩm Halal. Doanh nghiệp phải thực hiện, bởi chứng chỉ Halal là một trong những yêu cầu tiên quyết để đưa thủy sản vào thị trường này. Các bộ ngành, trong khuôn khổ các diễn đàn hợp tác cần đề nghị các nước hỗ trợ phổ biến thông tin cho doanh nghiệp Việt Nam nắm quy định về chứng nhận sản phẩm Halal.

THANH THÚY

Bài viết liên quan