Giữa tháng 10/2020 đã vào mùa lũ ĐBSCL nhưng vùng rốn Đồng Tháp Mười ở tỉnh Đồng Tháp ruộng vườn vẫn khô ráo, khác lẽ tự nhiên trước đây nước ngập mênh mông. Vườn quốc gia Tràm Chim ở huyện Tam Nông, khu đất ngập nước điển hình của nước ta, cán bộ quản lý cho biết năm nay lũ kiệt, tức là lũ thấp hoặc không có lũ.
Rộn ràng chuyện xưa, nay
Lên chiếc tàu nhỏ chạy vào Vườn quốc gia Tràm Chim, những con kênh hai bờ vẫn khô ráo, hiện rõ gốc cây tràm. Nếu có lũ, các bờ kênh với gốc tràm đã chìm trong nước. Ông Đặng Văn Chuyên, người lâu năm gắn bó với Vườn quốc gia Tràm Chim (công tác từ năm 1983 và giai đoạn 2006- 2015 làm Giám đốc) cho biết, Vườn rộng 7.313 ha có 130 loài cá nước ngọt. Như thế, ở đây đang bảo tồn hơn 28% trong tổng số 462 loài cá nước ngọt của ĐBSCL.

Số liệu của Vườn, năm qua công tác giám sát thủy sản ghi nhận được 77 loài cá từ các hoạt động chất chà thu mẫu và theo dõi tại các miệng cống. Trong đó có 13 loài quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao và 3 loài ngoại lai. Những loài quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao là cá hô, ét mọi, leo, lóc bông, dày, duồng, ngựa nam, trèn bầu, trê vàng, trê trắng, mề rỗ, mây đá và thát lát còm. Còn 3 loài ngoại lai là cá lau kiếng, rô phi vằn và mè hoa. Cũng trong năm đã thả bổ sung các loài cá quý hiếm vào Vườn gồm 4.200 con cá hô và 50 kg cá trắm cỏ.
Một người sinh ra ở vùng rốn Đồng Tháp Mười, từng tham gia đoàn nghiên cứu ĐBSCL nhiều năm và nguyên Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp-khu chế xuất Cần Thơ, Kỹ sư Võ Thanh Hùng kể, gia đình ông mấy đời làm nghề chài lưới. Khoảng cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, ba của ông Hùng bắt được ở khu vực này (cách sông Tiền chừng 21 km) con cá hô hơn 20 kg, cá leo 11 kg. Đấy là hai loài cá đang được Vườn xếp vào nguy cơ tuyệt chủng.

Cá hô tự nhiên trên sông lớn cũng đã cạn kiệt dần. Theo ông Hùng, ở sông Tiền từ vài thập kỷ trở về trước thường bắt được cá hô hàng trăm ký, gần đây chỉ bắt được cá trên 10 kg; họa hoằn như hôm 7/9/2020 ông nhận được điện thoại của người thân cho biết vừa bắt được ở sông Tiền con cá hô 20 kg. Ở lĩnh vực nuôi, cá hô đã được các nhà nghiên cứu thủy sản Việt Nam lai tạo giống thành công và đang được nuôi nhiều, về giống quý phần nào dần đẩy lùi nguy cơ tuyệt chủng.
Còn cá ét mọi, ông Hùng kể, vốn có rất nhiều ở vùng Tam Nông. Vào những năm 1973-1974, ông còn đi học phổ thông, nhà nghèo nên vào các tháng từ 8 đến 10, thường cùng bạn bè đi đặt đáy. Lúc đó, cá linh và cá trắng khác nhiều vô kể, riêng con cá ét mọi bắt được là vứt bỏ, quăng xuống sông ngay. Cá ét mọi thuộc họ cá chép, sống vùng nước chảy mạnh và cá có nhiều xương, vị tanh nên dân địa phương không ăn; nó lại mau chết, bắt lên khỏi mặt nước là chết rất nhanh. Sau này phát hiện ra, con cá ét mọi tự nhiên từ 2 kg trở lên lại có thịt thơm, ngọt, béo. Cũng từ đó, cá ét mọi trở thành loài thủy sản nguy cấp, quí hiếm ngay tại Vườn quốc gia Tràm Chim. Giá cá ét mọi lên cao, đến 200.000 đồng/kg; nếu con 4-5 kg giá 400.000- 450.000/kg. Tuy nhiên gần đây, Trung tâm khuyến nông nhiều tỉnh đã cho sinh sản nhân tạo thành công và cá ét mọi được nuôi nhiều, nguy cơ tuyệt chủng cũng lùi dần.
Huyền thoại và bảo tồn
Lũ kiệt, nước trong Vườn quốc gia Tràm Chim thấp hơn lũ lớn khoảng 2-3m và nước trong những con kênh có màu xanh lạ. Kỹ sư Hùng cho biết, đó là màu xanh của nước phèn nhôm, rất độc với các loài cá, có thể làm nổ mắt chúng. Nước phèn Đồng Tháp Mười có hai loại, phèn nhôm màu xanh, phèn sắt màu đỏ; phèn sắt có thể dùng vôi để trung hòa còn phèn nhôm chưa xử lý được. Vườn quốc gia Tràm Chim thuộc vùng nước phèn nhôm.
Cho nên, lũ kiệt thì việc bảo tồn cá của Vườn quốc gia Tràm Chim càng khó khăn. Nhiều loài cá có thể trên sông Tiền, sông Hậu chưa nguy cấp nhưng trong Vườn đã phải bảo tồn ráo riết. Một vị cựu hiệu trưởng trường phổ thông ở thị trấn Tràm Chim, ông Đỗ Ngọc Hà kể lại thời “cá đầy sông” cách nay nửa thể kỷ. Hồi đó vùng này còn hoang vu xa xôi, từ trường lên huyện họp chừng 30 cây số chỉ có đi đò, nửa đêm dậy đón đò dọc và mờ sáng mới tới. Vì hoang vu nên hay nhậu, ngồi chờ đò cũng nhậu và may có nhiều cá dưới sông nên cứ nướng thơm lừng. Ông kể, chọn lúc nước đứng, giăng tay lưới mấy chục mét ngang kênh một hồi kéo lên được chục ký cá các loại, giữ con lớn để ăn, con nhỏ thả trở lại sông. “Chuyện thời đó nay như huyền thoại”, ông giáo già cười.
Việc bảo tồn cá trong Vườn quốc gia Tràm Chim thêm khó khăn do người dân xung quanh hay vào đánh bắt trộm. Vườn quốc gia Tràm Chim tiếp giáp 5 xã và 1 thị trấn với khoảng 60.000 người, trong đó số hộ nghèo còn trên 20%. Một báo cáo của Vườn cho biết, “phần lớn số hộ này này cuộc sống khó khăn nên thường xuyên xâm nhập trái phép vào Vườn để khai thác tài nguyên”, chủ yếu là bắt cá. Năm qua, tuần tra bảo vệ bắt nhiều vụ với “tang vật thu được gồm 20 cái bình ắc quy, 17 cái xung điện, 7 cặp cần chích và 30 chiếc xuồng”.
Bên cạnh cá, Vườn quốc gia Tràm Chim còn có nhiều loài chim, rắn, rùa, thực vật. Theo cựu Giám đốc Đặng Văn Chuyên, từ lâu rồi đã cấm hàng quán ở trong và xung quanh Vườn bán các loài rắn, rùa, chim và cá có nguy cơ tuyệt chủng. Kế hoạch năm 2020 của Vườn chú trọng công tác “bảo tồn và phát triển sinh vật”. Nhiều dự án hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước đang được triển khai tích cực, có cả dự án bảo tồn đa dạng sinh học thích ứng với biến đổi khí hậu.
SÁU NGHỆ