Đầu tư Cảng biển Trần Đề, mở ra triển vọng giải quyết “điểm nghẽn” cho vùng nông nghiệp quốc gia khi hơn 70% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của ĐBSCL đang phải vận chuyển bằng đường bộ lên các cảng ở TPHCM và miền Đông Nam Bộ.

Quy hoạch tổng thể cảng biển Việt Nam
Thông tin tại hội thảo do UBND tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Bộ GT&VT tổ chức cho biết quy hoạch tổng thể cảng biển Việt Nam gồm:
Hệ thống cảng cửa ngõ quốc tế có Khu bến Lạch Huyện và Khu bến Nam Đồ Sơn, Văn Úc với chức năng là cửa ngõ, kết hợp trung chuyển quốc tế. Khu bến Nam Nghi Sơn với tiềm năng trở thành cảng cửa ngõ khu vực Bắc Trung Bộ. Khu bến Liên Chiểu với tiềm năng cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực Duyên Hải miền Trung. Khu bến Trần Đề với tiềm năng cảng cửa ngõ Vùng ĐBSCL.
Hệ thống cảng trung chuyển quốc tế có Khu bến Bắc Vân Phong với tiềm năng phát triển thành cảng trung chuyển quốc tế. Khu bến Cát Lái – Phú Hữu trung chuyển hàng cho Vương quốc Campuchia. Khu bến Cái Mép với chức năng là cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế. Bến cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ (TPHCM).
Hàng hóa thông qua năm 2022 là 724,08 triệu tấn (Cont: 24,7 triệu TEU). Mục tiêu về hàng hóa thông qua vào năm 2025 là 927,4 – 1.004,8 triệu tấn (Cont là 31,6 – 33,6 triệu TEU); năm 2030 là 1.322 – 1.588,9 triệu tấn (Cont là 46,2 – 54,2 triệu TEU).
Ở nhóm 1 với cảng ở Hải Phòng phục vụ các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình. Nhóm 2 với cảng ở Thanh Hóa phục vụ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Nhóm 3 có cảng ở Đà Nẵng phục vụ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Nhóm 4 có cảng ở TPHCM phục vụ TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và cảng ở Vũng Tàu phục vụ Vũng Tàu, Long An. Nhóm 5 có cảng ở Sóc Trăng phục vụ ĐBSCL (trừ Long An lên Vũng Tàu).
Quy hoạch nhóm cảng biển số 5 ở ĐBSCL có tổng cộng 12 cảng là Cần Thơ, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Hàng hóa thông qua năm 2022 là 21,41 triệu tấn (Cont là 0,16 triệu TEU). Mục tiêu về hàng hóa năm 2025 là 39,5 – 48,6 triệu tấn (Cont là 0,21 – 0,26 triệu TEU); năm 2030 là 81,2 – 100,7 triệu tấn (Cont là 1,26 – 1,70 triệu TEU); đến năm 2050 có tốc độ tăng trưởng 5,5 – 6,1%/năm.
Tầm nhìn đến năm 2050: Hoàn thành đầu tư khu bến cảng cửa ngõ vùng ĐBSCL tại Trần Đề, các khu bến tại Định An, Cái Cui đáp ứng nhu cầu hàng hóa xuất, nhập khẩu cho vùng nông nghiệp quốc gia.
Quy hoạch Cảng biển Trần Đề
Tại hội thảo, ông Lê Tấn Đạt, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần tư vấn xây dựng công trình hàng hải (CMB) giới thiệu quy hoạch Cảng biển Trần Đề là cảng đầu mối vùng ĐBSCL tại khu vực ngoài khơi cửa Trần Đề, thuộc huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Địa điểm hấp dẫn trực tiếp với 8 tỉnh Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Cửa sông Hậu và tuyến vận tải thủy sông Mekong còn thu hút hàng trung chuyển từ Campuchia.
Tổng diện tích quy hoạch 5.400ha. Gồm diện tích quy hoạch bến cảng ngoài khơi 1.400ha và diện tích quy hoạch khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics, cảng trung chuyển hàng hóa phía bờ 4.000ha. Những chỉ tiêu chính của quy hoạch: Đê chắn sóng 8,3km, cầu cảng với 15 cầu/5,5km, cầu dẫn vượt biển 18km; phục vụ tàu Cont 100.000DWT hoặc lớn hơn (tương lai đến 200.000 DWT), tàu hàng rời đến 160.000DWT. Công suất thiết kế 80÷100 triệu tấn/năm.
Dự kiến khởi động đầu tư năm 2028 và năm này hoàn thành 2 bến cảng cho tàu hàng và tàu Cont, 2 bến phục vụ hàng than cho các nhà máy nhiệt điện trong vùng (bến cứng hoặc phao). Năm 2030 hoàn thành 4 bến cảng cho tàu hàng và tàu Cont, 2 bến phục vụ hàng than (bến cứng hoặc phao).
Cầu vượt biển dài 18km đến năm 2030 có quy mô 4 làn xe, rộng 16m; sau năm 2030 có quy mô 8 làn xe, rộng 32m. Tuyến đường sau cảng (kết nối từ QL 91C ra đến cầu vượt biển) dài 6,1km đến năm 2030 có quy mô 6 làn xe, rộng 32,5m; sau năm 2030 có quy mô 12 làn xe, rộng 65m.
Năng lực thông quan bến cảng ngoài khơi đến năm 2030 đạt khoảng 30-35 triệu tấn/năm, định hướng phát triển với công suất có thể đạt 80 đến 100 triệu tấn/năm. Tổng vốn thực hiện giai đoạn 1 khoảng 51.000 tỷ đồng, chủ yếu huy động các nguồn lực xã hội.
Triển vọng cho vùng nông nghiệp
Thông tin tại hội thảo cũng cho biết, ĐBSCL có diện tích đất liền 40,8 ngàn km2 (12,2% cả nước); Dân số 17,3 triệu người (18,8% cả nước). Tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 đạt 5,8%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt 56 triệu đồng (69% trung bình cả nước), GDP đóng góp vào 12% GDP cả nước (năm 2020). Hàng hóa xuất khẩu năm 2020 có kim ngạch chiếm 6,6% cả nước. Các mặt hàng chính là gạo chiếm 90% cả nước; thủy sản chiếm 60% cả nước; rau quả chiếm 70% cả nước. Hàng hóa nhập khẩu có kim ngạch tương đương 45% kim ngạch xuất khẩu. Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu phục vụ cho sản xuất, với các mặt hàng chính là nhiên liệu và nguyên liệu thô 5,2 tỷ USD chiếm 6,5% cả nước; máy móc 517,1 triệu USD chiếm 0,7% cả nước; hàng tiêu dùng 202,3 triệu USD chiếm 1,4% cả nước.
Hệ thống khu công nghiệp, khu chế xuất với diện tích khoảng 17.300ha, trong đó khoảng 9.000ha đã được xây dựng. Có 80 khu công nghiệp đang hoạt động (bao gồm 52 khu công nghiệp và 28 khu chế xuất), tỉ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt 53,5%.
Ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Đảng uỷ khối các cơ quan trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ GT&VT đánh giá Cảng biển Trần Đề có vị trí tốt nhất ở ĐBSCL. Bởi nằm giữa thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang) và thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau); cách thành phố Cần Thơ khoảng 60 km; thuận lợi kết nối với tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang và Bạc Liêu. “Xây dựng được Cảng biển Trần Đề thì cả khu vực xung quanh trong khoảng cách 50-70 km sẽ nhanh chóng hình thành được các khu, cụm công nghiệp. Trước mắt trong 10-20 năm, hàng hoá qua Cảng biển Trần Đề sẽ là nông thuỷ sản, sau đó phát triển hàng hoá công nghiệp”.
Với vai trò doanh nghiệp thủy sản chủ lực trong vùng, Chủ tịch HĐTQ Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta Hồ Quốc Lực cho biết, trong suốt 27 năm qua phải trung chuyển hàng hoá là tôm đông lạnh xuất khẩu qua các cảng ở TPHCM và tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, khiến chi phí vận chuyển (hai chiều) tăng thêm 700 USD cho mỗi container 40 feet. “Điều đáng lo ngại hơn là luôn tiềm ẩn nguy cơ hàng hoá không kịp tới cảng vì đường bộ thường xuyên xảy ra kẹt xe”.
Đại diện một số doanh nghiệp lúa gạo phân tích thêm, trung chuyển hàng hoá từ các địa phương ĐBSCL đến Cảng biển Trần Đề sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển khoảng 40% so với đưa lên các cảng ở miền Đông Nam bộ để xuất khẩu. Tính ra một năm tiết kiệm được hàng trăm triệu đô la Mỹ cho người dân và doanh nghiệp ở vùng nông nghiệp quốc gia.
NGỌC HUYỀN – Theo TC ASCS số in tháng 8/2023