23 C
Hanoi
Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

Bình Dương tập trung phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao

Print Friendly, PDF & Email

Tỉnh Bình Dương cần tập trung phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao, nâng dần tỉ lệ nội địa hoá sản phẩm xuất khẩu, giảm dần các ngành sử dụng nhiều tài nguyên và lao động phổ thông.
Đây là nội dung tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với tỉnh Bình Dương.
Thông báo nêu rõ, năm 2018, Tỉnh có 27/29 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 8,68%; thu nhập bình quân đầu người 130,8 triệu đồng; tỷ trọng công nghiệp chiếm 63,87%, dịch vụ chiếm 23,94%, nông nghiệp chiếm 3,08%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,11% trong cơ cấu kinh tế; thu ngân sách 50.373 tỷ đồng; xuất khẩu đạt 25,2 tỷ đô la Mỹ, tăng 15,6%; thu hút 2,204 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, lũy kế đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 3.523 dự án với số vốn đăng ký 32,3 tỷ USD (đứng thứ 3 cả nước).
Các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, việc làm có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm, chính sách người có công với cách mạng, các đối tượng xã hội, hộ nghèo được quan tâm. Đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn ngày một nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,62% và hộ cận nghèo chiếm 0,99% theo bộ tiêu chí giai đoạn 2018-2020 của Tỉnh. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 79,95%. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để doanh nghiệp, người dân sinh sống và sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, Tỉnh chưa khai thác hết lợi thế vị trí gần thành phố Hồ Chí Minh để phát triển các dịch vụ chất lượng cao, nhất là dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp và đô thị; cơ sở vật chất giáo dục, y tế, nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp và người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu; nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh và hội nhập quốc tế.
Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế – xã hội mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã đề ra; triển khai chương trình hành động với các giải pháp phù hợp triển khai, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ ngay từ những tháng đầu, quý đầu của năm 2019.
Bên cạnh đó, phát triển các ngành, sản phẩm dịch vụ có chất lượng cao, nhất là dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại điện tử, vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, bất động sản, đào tạo nhân lực, phấn đấu tăng trưởng dịch vụ phải cao hơn tăng trưởng GRDP; cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước và đội ngũ cán bộ công chức.
Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách người có công, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội; tiếp tục thành công và nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới; nâng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân và tỷ lệ bác sĩ, phát triển y tế chất lượng cao. Nhấn mạnh việc xây dựng các thiết chế văn hóa cho công nhân, người lao động. Chú trọng công tác tư pháp, thi hành án, nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân. Bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Về đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt kết nối vùng, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành thí điểm việc cắm mốc ngoài thực địa theo quy hoạch; chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Về việc bố trí các nguồn vốn đầu tư cho một số công trình giao thông kết nối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (cầu Bạch Đằng 2, đường Thủ Biên – Đất Cuốc), Bộ Giao thông vận tải chủ trì, làm việc với tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai về chủ trương đầu tư dự án này, xác định cụ thể địa phương là đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án, kiến nghị việc hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để thực hiện dự án.
Đối với việc sử dụng vốn ODA, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương xây dựng, đề xuất dự án cụ thể và thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

PV

Bài viết liên quan