25 C
Hanoi
Thứ Ba, 29 Tháng 4, 2025

Bạc Liêu thu hút thêm 10 dự án điện gió tổng vốn đầu tư 20.000 tỷ đồng

Nằm trong chuỗi sự kiện Festival nghề Muối Việt Nam – Bạc Liêu 2025, sáng 7/3, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2025. Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ – Trần Hồng Hà; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố, đại diện các cơ quan ngoại giao, Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, các vị khách quốc tế; các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu năm 2025.

Nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, thúc đẩy tăng trưởng GRDP đạt 2 con số. Tại hội nghị Xúc tiến Đầu tư, Tỉnh Bạc Liêu trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quan tâm đầu tư 26 dự án với tổng vốn 85.600 tỷ đồng, trong đó có 10 dự án điện gió. Các chứng nhận được trao cho 23 doanh nghiệp đầu tư và quan đầu tư  trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, có 10 dự án về điện gió của các nhà đầu tư và quan tâm thực hiện tại huyện Hòa Bình và Đông Hải với tổng công suất 550 MW, tổng vốn khoảng 19.800 tỷ đồng.

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết vào năm 2018, 2022, tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức thành công 02 Hội nghị Xúc tiến đầu tư, đây là nền tảng rất quan trọng để tiếp tục mời gọi thu hút các nguồn lực cho tỉnh. Với quan điểm phát triển bền vững, Bạc Liêu đã mạnh dạn mời gọi các dự án chất lượng, có giá trị gia tăng cao, đã giúp cho hình ảnh của Bạc Liêu nâng lên, được bạn bè trong và ngoài nước biết đến, ủng hộ ngày càng nhiều hơn và cho đây là một “điểm sáng” để đầu tư, phát triển bền vững. Lũy kế đến nay, tỉnh thu hút được 201 dự án, trong đó: 183 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 65 ngàn tỷ đồng; 18 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 4,7 tỷ USD.

Bí thư Tỉnh ủy – Lữ Văn Hùng và Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Văn Thiều trao Quyết định chủ trương đầu tư cho doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, địa phương là một tỉnh còn nghèo, vốn đầu tư công rất hạn hẹp, để Bạc Liêu đạt tăng trưởng GRDP 10 – 11%/năm thì việc khai thác tối đa tiềm năng lợi thế để mời gọi đầu tư, hầu như là con đường duy nhất để phát triển Bạc Liêu “trở thành tỉnh khá trong khu vực ĐBSCL vào năm 2025 và tỉnh khá trong cả nước vào năm 2030”. Với Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì Bạc Liêu còn nhiều dư địa để đầu tư phát triển và hạ tầng giao thông kết nối liên vùng.

Với khát vọng phát triển và tăng trưởng bền vững, chúng tôi cam kết sẽ hợp tác tích cực, giải quyết kịp thời với tinh thần trách nhiệm cao nhất; tạo môi trường đầu tư minh bạch, bình đẳng nhất và sẽ được hỗ trợ, ưu đãi tốt nhất theo phương châm “việc gì khó dành cho chính quyền, việc gì dễ dành cho Doanh nghiệp”. Sự thành công của quý doanh nghiệp chính là sự phát triển của Bạc Liêu, Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh.

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu trao chứng nhận quan tâm đầu tư cho 10 doanh nghiệp liên quan đến các dự án điện gió. Ảnh Trường Ca.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng Bạc Liêu là vùng đất trẻ trong vùng ĐBSCL, không chỉ nổi tiếng với những giá trị văn hóa đặc sắc, mà còn là vùng đất giàu tiềm năng về năng lượng tái tạo, nuôi trồng chế biến thủy hải sản và kinh tế du lịch.

Với lợi thế của địa phương, tỉnh nên chọn cho mình mô hình phát triển thông minh nhất, trong đó chú ý phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và dựa vào nguồn lực con người.”Bạc Liêu cần tiếp tục khai thác tiềm năng điện gió, mặt trời. Tỉnh đã có thương hiệu về năng lượng sạch, các sản phẩm của Bạc Liêu sẽ là chứng chỉ tốt nhất để kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước”. Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, các nhà đầu tư khi đến với Bạc Liêu phải có cam kết chung sức cùng phát triển. Hai bên cùng nghiên cứu để xuất khẩu năng lượng sạch.

Theo Phó Thủ tướng, Bạc Liêu đã xác định là một trong những trung tâm năng lượng tái tạo, tỉnh mạnh về kinh tế biển, nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến thủy sản. Để thực hiện mục tiêu đó, đặc biệt trong bối cảnh Bạc Liêu nói riêng và vùng ĐBSCL đang chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và tác động của việc khai thác tài nguyên nước của sông Mê Kông, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương đổi mới tư duy, kiến tạo, phát triển để chuyển mô hình tăng trưởng theo hướng gia tăng hiệu quả và giá trị. Bạc Liêu cần phải quan tâm phát triển hạ tầng đồng bộ, liên kết với các địa phương trong vùng ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh để mở rộng giao thương với các nước trong khu vực. Điều này sẽ đưa Bạc Liêu phát triển tương xứng, trở thành một tỉnh mạnh về kinh tế, có hạ tầng đồng bộ, môi trường tươi đẹp, xã hội phát triển hài hòa, đời sống Nhân dân nâng cao, là điểm đến hấp dẫn của vùng ĐBSCL, Phó Thủ tướng kỳ vọng.

Bạc Liêu có diện tích rộng khoảng 2.670 km2, gần một triệu dân. Với vị trí nằm cặp theo bờ biển Đông, có chiều dài bờ biển hơn 56Km, có 03 vùng sinh thái mặn – ngọt – lợ, trong đó, đất nuôi tôm chiếm gần 50% diện tích toàn tỉnh, nên Bạc Liêu xác định nuôi trồng thủy sản là mũi nhọn trong phát triển, trực tiếp là con tôm; phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến tôm, là trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước. Đồng thời, Bạc Liêu cũng định hướng ưu tiên liên kết sản xuất, bao tiêu lúa gạo, nâng cao chất lượng nông sản, với mục tiêu chung là phát triển nông nghiệp – nông thôn, nâng cao đời sống nông dân.

Bên cạnh đó, Bạc Liêu cũng xác định phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là trọng tâm của công nghiệp tỉnh nhà. Điều này xuất phát từ lợi thế thiên nhiên ưu đãi cho Bạc Liêu có đất đai bằng phẳng, rất ít bị bão lụt, thiên tai, lại có nắng và gió hầu như quanh năm với cường độ rất tốt, nhất là ở vùng ven biển, hội tụ nhiều điều kiện rất thuận lợi để phát triển điện gió, điện mặt trời.

Đến nay, Bạc Liêu đã thu hút được dự án Điện khí LNG 3.200 MW, có 08 dự án điện gió đã hoàn thành đi vào hoạt động, với công suất gần 470 MW, đứng thứ 3 cả nước. Đồng thời, tỉnh Bạc Liêu đang chuẩn bị các thủ tục để triển khai 550MW trong Quy hoạch điện VIII. Bạc Liêu cũng đang hướng đến mục tiêu đến năm 2030, trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của Quốc gia, với trọng tâm là điện gió, điện mặt trời và điện khí.

Năm 2025, Bạc Liêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế GRDP 8-9%; tăng kim ngạch xuất khẩu tôm; GRDP bình quân đầu người đạt 79 triệu đồng.

https://hoichieusangvietnam.org.vn/bac-lieu-thu-hut-them-10-du-an-dien-gio-tong-von-dau-tu-20-000-ty-dong/                         

Bài viết liên quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM NHIỀU NHẤT