22 C
Hanoi
Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

An Giang: Thử nghiệm hộ nông nghiệp làm điện mặt trời

Print Friendly, PDF & Email

Sáng 16/4/2021, khánh thành hệ thống điện mặt trời công suất 45 kWp trên 400 m2 đất sản xuất nông nghiệp của hộ ông Châu Hon ở ấp An Hòa, xã Châu Lăng (Tri Tôn, An Giang). Hệ thống hoàn thiện và đấu lưới từ tháng 12/2020, cho kết quả bước đầu rất khả quan.

Ông Châu Hon phát biểu “xin cảm ơn tất cả”

Xin cảm ơn tất cả

Mở đầu phát biểu tại buổi lễ, ông Châu Hon nói: “Tôi xin cảm ơn tất cả các cơ quan, đơn vị đã giúp đỡ gia đình tôi có kết quả hôm nay. Đó là Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) đưa Công ty TNHH Ý thức Khí hậu (Công ty CS) về đầu tư điện mặt trời. Đặc biệt là ngành nông nghiệp địa phương cử cán bộ đến hướng dẫn gia đình tôi kỹ thuật trồng cây, hệ thống tưới nước để có năng suất cao”.

Trao đổi riêng với phóng viên Tạp chí Ánh Sáng và Cuộc Sống, ông Châu Hon kể, vùng đất này trước đây thiếu nước, cuộc sống rất khó khăn. Từ khi nhà nước làm hệ thống thủy lợi, bơm nước từ sông lớn vô thì một năm làm được 3 vụ lúa, cuộc sống hơi đỡ nhưng vẫn vất vả, tiết kiệm lắm mới đủ ăn. Bình quân, một công đất làm lúa một năm lời 8-9 triệu đồng, vợ chồng ông có hơn 3 ha, tằn tiện mới nuôi được 3 đứa con nên vợ nên chồng. Gần đây, ông đào ao trữ nước, lên liếp trồng rau màu 2 công đất để có tiền xoay xở hàng ngày. Đầu năm 2020, GreenID đến trao đổi và đưa Công ty CS về đầu tư điện mặt trời trên 400 m2 đất.

Cắt băng khánh thành công trình tại nhà ông Châu Hon

Đây là mô hình hợp tác 3 bên: Người dân, doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận. Cơ chế chia sẻ lợi nhuận được thảo luận, thống nhất để đảm bảo quyền lợi các bên. Qua thảo luận, ông Châu Hon cho thuê 400 m2 đất để làm nhà lưới và lắp tấm năng lượng mặt trời theo tiêu chuẩn điện mặt trời áp mái của EVN, giá thuê một năm 11 triệu đồng. Công ty CS đầu tư và thu tiền bán điện cho EVN. Ngành nông nghiệp địa phương và GreenID nghiên cứu, hướng dẫn gia đình ông Châu Hon trồng loại cây phù hợp dưới các tấm quang năng. Việc trồng trọt gia đình ông Châu Hon trực tiếp làm và hưởng toàn bộ sản phẩm.

Sau khi điện mặt trời đấu lưới vào tháng 12/2020, sang năm 2021 gia đình ông Châu Hon trồng rau muống, rất xanh tốt nhưng thiếu thị trường nên cuối tháng 2 chuyển sang trồng dưa leo. Dưa leo dưới bóng mát tấm năng lượng mặt trời cũng rất xanh tốt, ít phải tưới nước, ít sâu bệnh, trái đẹp hơn trồng bên ngoài. Tuy nhiên trái chậm lớn hơn trồng bên ngoài. Từ ngày 1/4/2021 dưa leo cho thu hoạch một ngày 30-40 kg, bán giá 6.000 đồng. Thông thường dưa leo cho trái chỉ trong vòng 15 ngày nhưng trồng dưới tấm quang năng đã thu hoạch 15 ngày mà vẫn xanh tươi, ra nhiều nhiều hoa, hứa hẹn thời gian cho trái kéo dài cả tháng.

Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang Trương Kiến Thọ cũng cảm ơn các nhà đầu tư đưa điện mặt trời về nông hộ đã trực tiếp thúc đẩy chuyển đổi cây trồng tạo ra lợi ích kép. Tập huấn kỹ thuật cho nông dân và cả cán bộ quản lý với từng loại cây cụ thể kết hợp phát triển năng lượng sạch để nâng cao hiệu quả kinh tế, thật sự có ý nghĩa trên vùng đất khô cằn, thiếu nước sản xuất.

Giấc mơ thành hiện thực

Cũng tại buổi lễ, ông Koss Neefjes người Hà Lan là Giám đốc Công ty CS kể rằng, ông đến An Giang từ 3 năm trước mang theo giấc mơ tạo lợi ích cho nông dân vùng đất này. Công ty của ông nhỏ bé nên giấc mơ kết hợp năng lượng mặt trời với sản xuất nông nghiệp khi triển khai thực tế gặp nhiều khó khăn, thử thách. Nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ và người dân mạnh dạn tham gia mà các khó khăn, thử thách đang vượt qua.

Hệ thống điện mặt trời trên 400 m2 đất nông nghiệp của ông Châu Hon có vốn đầu tư 911.487.000 đồng; Công ty CS góp 76%, GreenID 24%. Sau khi đấu lưới, trung bình mỗi ngày sản xuất được 103 kwh tính đến ngày 7/4/2021. Tổng cộng từ tháng 1 đến tháng 3 đã bán được 4.471 kwh, hơn 22 triệu đồng.

Bà con địa phương đến thăm vườn dưa leo trồng dưới tấm năng lượng mặt trời của ông Châu Hon

Ông Koss Neefijes bày tỏ: “Đây là mô hình ban đầu nên chi phí đầu tư còn cao, chúng tôi đã rút được kinh nghiệm để đảm bảo các hệ thống sau sẽ giảm. Những bài học kinh nghiệm chúng tôi sẵn sàng phổ biến, mong nhiều nhà đầu tư đến với các hộ nông dân để phát triển mô hình rộng rãi, đem lại lợi ích ngày càng nhiều”.

Giám đốc điều hành GreenID Ngụy Thị Khanh cũng bày tỏ niềm vui khi bước đầu “giấc mơ đã thành hiện thực”. Bà kể trước đây, nghiên cứu tiềm năng điện mặt trời vùng ĐBSCL thấy rất lớn, nhiều người đã mơ ước đưa năng lượng xanh đến mọi nông hộ, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp để giải quyết thách thúc kép là biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Phát triển năng lượng sạch ở nông hộ còn mang lại sự công bằng, đó là các doanh nghiệp nhỏ cũng có cơ hội đầu tư, mọi nông hộ thì có thêm điều kiện nâng cao thu nhập. Hơn một năm tìm kiếm địa điểm mới dừng lại được ở hộ ông Châu Hon.

Mục tiêu nghiên cứu thực địa để tính hiệu quả năng suất các loại cây trồng bên dưới, tính toán sản lượng và lợi ích khi kết hợp giữa trồng cây với điện mặt trời áp mái. Lợi ích đã có thể thấy ở hộ ông Châu Hon, tự sản xuất điện và tiết kiệm năng lượng; tạo ra nguồn thu bổ sung từ sản xuất điện mặt trời; tận dụng tối đa diện tích đất canh tác để vừa tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân. Giảm xung đột trong sử dụng đất giữa sản xuất nông nghiệp và phát triển năng lượng tái tạo. Đồng thời, nâng sức cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường với các sản phẩm xanh.

Thỏa thuận hiện nay, thời hạn rút vốn đầu tư của Công ty CS là 10 năm. Sau đó, hệ thống giao cho GreenID và hộ dân quản lý sử dụng. Sau 20 năm, GreenID giao lại hộ dân toàn quyền sở hữu. Mô hình được mong đợi sẽ mang lại nhiều lợi ích đa phương về tài chính cho các bên tham gia và kêu gọi thêm nhà đầu tư mở rộng.

Nhóm dự án cho biết, tiếp tục phối hợp với viện nghiên cứu để tính toán mức độ sinh trưởng của nhiều loại cây trồng dưới các tấm quang năng. Từ đó, phân tích các phương án kỹ thuật và tài chính kết hợp điện mặt trời với trồng rau màu, chăn nuôi, thủy sản). Kết quả nghiên cứu sẽ được tài liệu hóa để chia sẻ với các bên liên quan và thúc đẩy quá trình ban hành chính sách phát triển. Mới bước đầu nhưng đã nảy sinh một số vấn đề cần thay đổi trong quy định. Chẳng hạn với một số cây trồng không cần thiết làm nhà màng, đặt tấm nhựa bên trên để tăng ánh nắng tới cây trồng và cho ong bướm vào thụ phấn, vừa giảm vốn đầu tư vừa tăng năng suất cây trồng.

“Mong trong 5 năm tới có chính sách phù hợp hơn khuyến khích ngân hàng-nhà đầu tư nhỏ-nông hộ tham gia rộng rãi, đem lại lợi ích lớn cho nông dân, nông nghiệp và đất nước”, bà Khanh kết luận.

                                                                                                                    SÁU NGHỆ

 

 

Bài viết liên quan