23 C
Hanoi
Thứ Năm, 28 Tháng Ba, 2024

Vaccine Covid-19 của Việt Nam hiệu quả tốt với virus biến chủng

Print Friendly, PDF & Email

Vaccine ngừa Covid-19 được nghiên cứu, sản xuất trong nước đang có kết quả thử nghiệm tốt. Với công nghệ tiên tiến nên vaccine Covid-19 của Việt Nam hoàn toàn thích ứng, phát huy hiệu quả phòng bệnh dù virus biến chủng. 

Tuy nhiên, để thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước rất cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp… Đó là những thông tin được ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), Chánh Văn phòng Chương trình quốc gia nghiên cứu phát triển vaccine, cho biết trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP.

Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), Chánh Văn phòng Chương trình quốc gia nghiên cứu phát triển vaccine
Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), Chánh Văn phòng Chương trình quốc gia nghiên cứu phát triển vaccine

PHÓNG VIÊN: Trong số các vaccine ngừa Covid-19 được nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam, vaccine Nano Covax của Công ty Nanogen đã hoàn thành giai đoạn 1 thử nghiệm lâm sàng trên người. Ông đánh giá như thế nào về kết quả thử nghiệm?

Ông NGUYỄN NGÔ QUANG: Vaccine Nano Covax đã hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho 60 người tình nguyện ở 3 mức liều: 25µg, 50µg và 75µg. Sau khi tiêm ở cả 3 mức liều trên, người tình nguyện không gặp bất cứ sự cố nghiêm trọng nào về sức khỏe. Đồng thời, người tình nguyện sau tiêm đáp ứng sinh miễn dịch, hiệu quả bảo vệ không bị mắc virus SARS-CoV-2 đến 90% và liều tối ưu là ở mức 75µg. Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia đã đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 của vaccine Nano Covax và khẳng định vaccine an toàn, có sinh miễn dịch tốt nên đã quyết định cho phép được chuyển sang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.

Giai đoạn 2 của việc thử nghiệm lâm sàng vaccine Nano Covax sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?

Việc thử nghiệm giai đoạn 2 cũng phải đảm bảo quy trình khoa học, an toàn tuyệt đối cho người tham gia. Đặc biệt, để đẩy nhanh tiến độ và rút ngắn thời gian nghiên cứu, Bộ Y tế đề xuất, không chỉ tổ chức triển khai nghiên cứu vaccine tại Học viện Quân y mà phối hợp với Viện Pasteur TPHCM cùng tham gia nghiên cứu, thực hiện tại huyện Bến Lức (tỉnh Long An). Trong giai đoạn 2, vaccine này sẽ được tiêm cho 560 người tình nguyện lứa tuổi 18-65 tuổi và chỉ tiêm 2 liều 50µg và 75µg. Theo kế hoạch, ngày 26-2 tới sẽ tổ chức tiêm mũi vaccine đầu tiên của giai đoạn 2 cho người tình nguyện ở Học viện Quân y và Long An. Tiếp đó vào cuối tháng 3 sẽ tiêm mũi vaccine thứ 2 và đến cuối tháng 4 có kết quả nghiên cứu của giai đoạn 2 để chuyển sang giai đoạn 3, dự kiến đầu tháng 5.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Nga đã tổ chức tiêm vaccine Sputnik V rộng rãi cho người dân khi vaccine này mới kết thúc thử nghiệm giai đoạn 2. Đối với vaccine Nano Covax, chúng ta có tính đến việc này?

Thông thường, để đánh giá hiệu lực của vaccine cần 24 tháng, nhưng để phục vụ cho tình huống đại dịch, chúng ta có thể triển khai tiêm rộng rãi, sau khi đã đánh giá được tính an toàn, sinh miễn dịch và liều tiêm tối ưu nhất. Sau đó, sẽ nghiên cứu thêm về hiệu quả bảo vệ vì cần thời gian lâu dài hơn. Do vậy, khi kết thúc giai đoạn 2 vào cuối tháng 4, nếu các dữ liệu nghiên cứu đáp ứng được yêu cầu liên quan đến tính an toàn và tính sinh miễn dịch, chúng tôi sẽ chuyển sang giai đoạn 3. Trong giai đoạn 3, vaccine Nano Covax có thể tiêm cho những người có nguy cơ cao như: nhân viên cảng hàng không, tiếp viên hàng không và các lực lượng trực tiếp tham gia chống dịch.

Virus SARS-CoV-2 đã có một số biến chủng khiến dịch bệnh phức tạp hơn. Các vaccine đang được nghiên cứu sản xuất trong nước liệu có hiệu quả trước virus biến chủng?

Cả nước có 4 đơn vị đang nghiên cứu, sản xuất vaccine ngừa Covid-19 với những cách khác nhau nhưng đều là công nghệ tiên tiến và tiến độ nghiên cứu theo đúng kế hoạch đề ra. Sản phẩm vaccine Nano Covax đang chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 và được sản xuất bằng công nghệ protein tái tổ hợp – là công nghệ khá linh hoạt đối với các biến chủng của virus SARS-CoV-2. Đồng thời, nhà sản xuất Nanogen đang phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, trong đó có Viện Pasteur TPHCM và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để kiểm tra thử trên các chủng mới. Hiện nay, kết quả thử nghiệm với virus SARS-CoV-2 biến chủng ở Nam Phi cho kết quả rất tốt. Chúng ta có thể tin tưởng vaccine ngừa Covid-19 của Việt Nam nghiên cứu sản xuất hoàn toàn có thể đáp ứng với các biến chủng của virus, tất nhiên, chúng ta vẫn cần thời gian theo dõi, đánh giá.

Bác sĩ Học viện Quân y chuẩn bị tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19 của Việt Nam. Ảnh: HỌC VIỆN QUÂN Y
Bác sĩ Học viện Quân y chuẩn bị tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19 của Việt Nam. Ảnh: HỌC VIỆN QUÂN Y

Hiện nay, đang có một số ý kiến cho rằng ngành y tế cần sớm có quỹ hỗ trợ phát triển nghiên cứu và sản xuất vaccine. Quan điểm của ông ra sao?

Nghiên cứu sản xuất vaccine có tính rủi ro rất cao, khó có thể khẳng định thành công 100%. Để có được nguồn kinh phí đủ mạnh phục vụ đầu tư và cho phép đầu tư rủi ro, rất cần nguồn lực từ các quỹ hỗ trợ. Bởi, nếu sử dụng ngân sách, hay các nguồn hỗ trợ khác của Nhà nước thì có những quy định chặt chẽ, rất bó buộc với nhà sản xuất, nghiên cứu. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia là họ lập ra những quỹ để đầu tư cho nghiên cứu sản xuất vaccine, hay các loại thuốc điều trị mới mà chấp nhận sự rủi ro và rất linh hoạt cho việc hỗ trợ đầu tư nghiên cứu, giảm sức ép cho các nhà sản xuất. Vì vậy, cơ quan quản lý rất mong muốn nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà tài trợ để xây dựng và phát triển được quỹ hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Hơn nữa, khi có sản phẩm vaccine trong nước sản xuất, cùng với quỹ này, chúng ta có thể sử dụng để mua vaccine hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế (người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa) không có khả năng tiếp cận vaccine phòng bệnh. Càng có nhiều người được sử dụng vaccine, hiệu quả phòng ngừa dịch bệnh, miễn dịch cộng đồng càng lớn.

Chúng ta đang thúc đẩy nhập khẩu vaccine Covid-19 nước ngoài để tiêm cho những đối tượng nguy cơ cao. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, việc chúng ta sớm có được vaccine nhập khẩu là rất tốt trong cuộc chiến với dịch Covid-19. Tuy nhiên, để chủ động được nguồn cung cấp vaccine, đảm bảo an ninh y tế và mở rộng cho mọi người dân được tiếp cận vaccine thì việc nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước vẫn là ưu tiên rất quan trọng. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, chúng ta đang vừa cố gắng tiếp cận để nhập khẩu vaccine đã được lưu hành trên thế giới vừa đầu tư cho nghiên cứu sản xuất trong nước.

Xin cảm ơn ông!

TTBC

Bài viết liên quan