18 C
Hanoi
Thứ Ba, 19 Tháng Ba, 2024

Trà Vinh: Nỗi đau hai chiều liên quan gia đình chính sách

Print Friendly, PDF & Email

Thanh tra tỉnh Trà Vinh vừa công bố kết luận về tình trạng trục lợi chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất để hỗ trợ các gia đình người có công cải thiện nhà ở gây thiệt hại ngân sách 131 tỉ đồng. Hàng trăm cán bộ liên quan vi phạm và nhiều người được đề nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm. Trong lúc ở tỉnh này trước đây, nguyên Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang ông Huỳnh Hiếu Bi sử dụng công quỹ thăm gia đình chính sách thì bị truy tố, xử tù.

Tràn lan trục lợi chính sách người có công

Chính sách dành cho người có công, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 118 ngày 27/2/1996 và số 117 ngày 25/7/2007 về miễn, giảm tiền sử dụng đất (từ đất lúa, đất trồng cây lâu năm… thành đất ở) để hỗ trợ các gia đình cải thiện nhà ở, ổn định cuộc sống. Tại tỉnh Trà Vinh, nhiều năm qua, chính sách bị trục lợi tràn lan.

Kết luận của thanh tra tỉnh Trà Vinh cho biết, tình trạng trục lợi xảy ra phổ biến ở TP. Trà Vinh và 7 huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú, Duyên Hải gây thiệt hại cho ngân sách 131 tỉ đồng. Tại TP. Trà Vinh thiệt hại gần 120 tỉ đồng; huyện Châu Thành thiệt hại gần 4,7 tỉ đồng; các huyện còn lại 6,3 tỷ đồng.

Để trục lợi, một số “cò” tìm cách mua tiêu chuẩn của người có công, lấy tiêu chuẩn của người có công mà người có công không biết, làm thủ tục qua phòng công chứng và cán bộ có quyền. Một số cán bộ có quyền hoặc thân nhân của họ cũng tham gia.

Nguyên Chủ tịch UBND TP.Trà Vinh Diệp Văn Thạnh bị bắt tạm giam do liên quan trục lợi chính sách đất đai

Hàng loạt “cò” bị thanh tra tỉnh Trà Vinh nêu tên. Điển hình như bà Nguyễn Thị Thu Vân là vợ ông Lê Thanh Vũ, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Trà Cú. Bà Vân sử dụng chính sách thương binh của ông Nguyễn Văn Đồng (ngụ cùng địa phương), trục lợi từ ngân sách gần 60 triệu đồng. Ông Nguyễn Hữu Phước, nguyên Phó bí thư Huyện ủy Cầu Kè “lén” dùng chính sách của người khác chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trục lợi hơn 500 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Nhanh, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Trà Vinh, trục lợi 70 triệu đồng.

Nhiều cán bộ ký hồ sơ gây thất thoát ngân sách cũng được thanh tra tỉnh liệt kê. Ở huyện Châu Thành: Ông Lâm Sáng Tươi là Bí thư Huyện ủy (nguyên Chủ tịch UBND) ký 1 hồ sơ, gây thất thoát 423 triệu đồng; ông Trần Văn Điều là Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy (nguyên Phó chủ tịch UBND) ký 26 hồ sơ, gây thất thoát hơn 2,6 tỉ đồng; ông Nguyễn Văn Nguyền là Phó chủ tịch Liên minh HTX tỉnh (nguyên Phó chủ tịch UBND) ký 9 hồ sơ, gây thất thoát hơn 1,2 tỉ đồng; ông Thạch Chiên là Phó chủ tịch UBND ký 2 hồ sơ, gây thất thoát 451 triệu đồng.

Ở huyện Trà Cú: Ông Lê Hồng Phúc là Chủ tịch UBND ký 7 hồ sơ, gây thất thoát gần 400 triệu đồng; ông Nhan NaNi là Phó chủ tịch UBND ký 7 hồ sơ, gây thất thoát 314 triệu đồng; còn mỗi người gây thất thoát dưới 100 triệu có ông Kim Ngọc Thái là Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh (nguyên Chủ tịch UBND); ông Thạch Phước Bình là Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh (nguyên Chủ tịch UBND).

Ở huyện Càng Long: Ông Ưng Hồng Hải là Phó chủ tịch UBND ký 1 hồ sơ, gây thất thoát 811 triệu đồng; ông Đoàn Trung Thống là nguyên Phó chủ tịch UBND (đã về hưu) ký 5 hồ sơ, gây thất thoát hơn 1,1 tỉ đồng.

Ở huyện Cầu Kè: Ông Ngô Thanh Xuân là Phó chủ tịch UBND ký 7 hồ sơ, gây thất thoát 924 triệu đồng; còn gây thất thoát dưới 100 triệu có ông Đoàn Minh Phương là Phó Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Trà Vinh (nguyên Chủ tịch UBND).

Ông Huỳnh Hiếu Bi ôm đơn đi kêu oan

Ở huyện Cầu Ngang: Ông Nguyễn Đức Mậu là Phó chủ tịch UBND ký 2 hồ sơ, gây thất thoát 227 triệu đồng. Ở huyện Duyên Hải: Ông Kiên Văn Dung là Phó Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Trà Vinh (nguyên Phó chủ tịch UBND) gây thất thoát dưới 100 triệu

Đến nay, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Trà Vinh đã khởi tố 13 bị can để điều tra về hành vi “vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” gây thiệt hại gần 120 tỉ đồng tại Phòng TN&MT TP. Trà Vinh. Trong đó có nguyên Chủ tịch UBND TP.Trà Vinh Diệp Văn Thạnh và Phó chủ tịch UBND TP. Trà Vinh Trần Trường Sơn.

Còn lại với gần 100 cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức có sai phạm, hầu hết được thanh tra tỉnh Trà Vinh đề nghị kiểm điểm trách nhiệm. Theo đề nghị này, những người trục lợi tự nộp tiền vào ngân sách; các cơ quan liên quan kiểm điểm trách nhiệm, cá nhân sai phạm lớn thì kỷ luật. Với các phòng công chứng, công chứng viên vi phạm, đề nghị Sở Tư pháp tỉnh nhắc nhở (!).

Con bà mẹ Việt Nam Anh hùng nghẹn ngào

Trong lúc, nguyên Bí thư huyện ủy Cầu Ngang Huỳnh Hiếu Bi là con Bà mẹ Việt Nam Anh hùng nghẹn ngào: “Còn tôi lúc làm Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang thăm hỏi các gia đình chính sách, cán bộ hưu trí theo kinh phí phân bổ của UBND tỉnh lại bị quy kết làm trái và xử tù”. Câu chuyện buồn mở ra lúc chuẩn bị Đại hội Đảng bộ huyện Cầu Ngang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2005 – 2010, ông Bi được quy hoạch làm Bí thư Huyện ủy và cơ cấu vào Tỉnh ủy Trà Vinh, thì xuất hiện đơn nặc danh vu khống ông tham ô. Dù vậy, ông vẫn được tín nhiệm bầu làm Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang từ tháng 9/2005.

Ông Bi kể, sau đó vẫn có người tổng hợp đơn nặc danh để tố cáo ông thời gian làm Chủ tịch UBND huyện tham ô nên có khối tài sản trên 5 tỷ đồng. Thanh tra tỉnh vào cuộc và đêm 26 rạng ngày 27/3/2006, phòng làm việc của Chủ tịch cùng các Phó chủ tịch UBND huyện có kẻ đột nhập, dấy lên dư luận ông Bi tẩu tán tài liệu. Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang lúc đó là ông Lê Thành Thái, em ruột của Giám đốc Công an tỉnh Lê Thanh Đấu. Một chuyên án liền được lập do Giám đốc Đấu làm Trưởng ban, thế nhưng, điều tra ra kẻ đột nhập trụ sở UBND huyện lại không xử lý. Ngày 22/6/2006, ông Bi làm “đơn tố cáo ông Đấu bao che tội phạm”. Khi đó, thanh tra tỉnh đã kết luận ông Bi không có hành vi tham ô nhưng Công an tỉnh vẫn khởi tố và bắt tạm giam ông Bi vào ngày 15/1/2008. Kết luận điều tra cho rằng ông Bi cố ý làm trái 800 triệu đồng và tham ô hơn 80 triệu đồng. Cáo trạng của VKSND tỉnh Trà Vinh ngày 28/8/2008, quy kết ông Bi cố ý làm trái 112.302.000 đồng, tham ô 51.879.316 đồng.

Vì quy kết không rõ ràng, ngày 26/11/2008, hồ sơ vụ án bị TAND tỉnh Trà Vinh trả lại để điều tra bổ sung. Sau đó, kết luận điều tra bổ sung cũng như cáo trạng đưa ra những con số cáo buộc ông Bi thiếu thống nhất và căn cứ. Phiên tòa sơ thẩm của TAND tỉnh Trà Vinh xét xử từ ngày 24 đến 26/12/2008, kết luận ông Bi cố ý làm trái 155.724.796 đồng, tham ô 8 triệu đồng, phạt ông 3 năm tù treo. Tòa phúc thẩm của TAND tối cao tại TPHCM xét xử ngày 27/5/2009, phạt ông 3 năm tù giam.

Uẩn khúc lớn nhất ở vụ án này, khi xử sơ thẩm, vì em của Giám đốc Công an tỉnh đang làm Chủ tịch UBND huyện nên ông Bi không được tìm tài liệu để chứng minh vô tội; ông trình bày thì không được xác minh; xin đối chiếu, đối chất cũng không cho. Sau đó, thay đổi chủ tịch UBND huyện, nhiều cán bộ huyện mới giúp ông Bi có được tài liệu chứng minh: hầu hết số tiền buộc tội ông thuộc kinh phí ở Phòng LĐTB&XH, đã chi cho đối tượng chính sách theo phân bổ từ UBND tỉnh. Tài liệu chứng minh được 93.025.000 đồng đã chi có địa chỉ rõ ràng, ngân sách hàng năm được quyết toán đủ.

Nhưng chứng cứ ông Bi cung cấp không được tòa phúc thẩm chấp nhận. Sau đó, ngày 6/5/2010 và ngày 23/3/2011, VKSND tối cao có kháng nghị, cho rằng tòa phúc thẩm không chấp nhận chứng cứ cung cấp tại tòa là vi phạm nghiêm trọng tố tụng nên đề nghị xem xét giám đốc thẩm, hủy hai bản án “để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật”. Kháng nghị này không được giám đốc thẩm chấp nhận.

Vụ án đã hai lần Chủ tịch nước có ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 931/VPCTN-PL ngày 16/6/2015 và Công văn số 769/VPCTN-PL ngày 29/5/2017, yêu cầu viện kiểm sát, tòa án xem xét đơn kêu oan của ông Bi. Đến nay chưa được xem xét mà chỉ có niềm an ủi với ông Bi là ngày 20/9/2017, TAND tỉnh Trà Vinh ra Quyết định số 01/2017/QĐ-TA miễn toàn bộ chấp hành án phạt tù còn lại cho ông để ông được làm thủ tục nghỉ hưu theo quy định.

“Tôi vẫn tha thiết đề nghị giải oan cho tôi bởi tôi không có tội cố ý làm trái và tham ô tài sản của Nhà nước. Hơn thế, tôi chỉ lo cho gia đình chính sách chứ không như nhiều cán bộ ở tỉnh Trà Vinh bây giờ có hành vi trục lợi chính sách gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng mà lại đang được đề nghị chỉ kiểm điểm trách nhiệm”, ông Bi nói.

Ông Huỳnh Hiếu Bi sinh năm 1955, tham gia cách mạng năm 1969, vào Đảng năm 1973, trải qua nhiều vị trí công tác và đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Dòng tộc của ông có trên 20 người hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, trong đó có 2 người anh ruột của ông. Mẹ của ông, bà Cao Thị Điệp là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Một lá đơn kêu oan gửi nhiều cơ quan địa phương và Trung ương, ông viết: “Tôi bị oan và làm đơn kêu oan này gửi đến các ông, bà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kính mong xem xét lại vụ án có dấu hiệu trả thù cá nhân, đề nghị làm rõ và giải oan, trả lại sự công bằng cho tôi. Tôi vẫn hy vọng, nỗi oan của tôi sẽ được giải và tôi được thanh thản sống cuối đời, không phải ôm hận xuống mồ”.

SÁU NGHỆ

Bài viết liên quan