22 C
Hanoi
Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

Quảng Trị: Đảo Cồn Cỏ điểm du lịch hấp dẫn

Print Friendly, PDF & Email

Những ngày đầu tháng 4 năm 2021, đoàn chúng tôi gồm những cựu phóng viên của một số tờ báo trong nước và đài truyền hình Hà Nội đã đến thăm Đảo Cồn Cỏ. Với vị trí đặc biệt quan trọng trong an ninh quốc phòng lúc chiến tranh nên từ năm 1954 đến đầu những năm 2.000, đảo Cồn Cỏ là  đảo quân sự nên số ít người có cơ hội được đặt cân đến đây. Đến năm 2004, huyện đảo được thành lập.

Đảo Cồn Cỏ là đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Quảng Trị, gọi là huyện đảo Cồn Cỏ, trước đây là đảo nhỏ thuộc huyện Vĩnh Linh, còn có tên gọi khác là Hòn Cỏ, Thảo Phù, Con Hổ, hay Hòn Mệ – theo cách gọi của ngư dân Vĩnh Linh. Đứng từ trên cao nhìn xuống, đảo như một con rùa khổng lồ, hướng đầu về phía Tây Nam. Chỉ với diện tích khoảng 230ha, độ cao trung bình 7-10m so với mặt nước biển Năm 1954, vĩ tuyến 17 chia đôi 2 miền đất nước, Cồn Cỏ trở thành vị trí tiền tiêu cho cả miền Bắc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Toàn cảnh đảo Cồn Cỏ ở Quảng Trị.

Trong thời gian chiến tranh, máy bay Mỹ ném xuống Cồn Cỏ trên 13.000 quả bom các loại, hàng vạn quả rốc-két; 172 lần tàu chiến pháo kích trên 4.000 quả đạn pháo lên đảo. Bình quân mỗi hecta đất trên đảo chịu 22,6 tấn bom đạn. Nhưng rồi, mọi âm mưu, thủ đoạn của quân thù đều thất bại khi quân ta anh dũng chiến đấu giữ đảo, bắn rơi 48 máy bay Mỹ các loại, bắn cháy và làm chìm 17 tàu chiến… Đảo Cồn Cỏ 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 3 lần Bác Hồ gửi thư khen ngợi.

Tiếp đoàn chúng tôi Phó Chủ tịch UBND  huyện đảo Cồn Cỏ Trương Khắc Trưởng ôn lại truyền thống hào hùng của đảo Cồn cỏ, đồng thời vui mừng thông báo những bước phát triển hứa hẹn của một đảo du lịch, với sự quan tâm của Nhà nước cơ sở vật chất của huyện đảo ngày càng hoàn thiện, đường sá đi lại trên đảo đã được bê tông và nhựa hóa trên 20km, có hai tàu công suất trên 1.000 mã lực để vận chuyển khách đi về từ đất liền ra đảo và ngược lại, hơn 400 giường ngủ đạt tiêu chuẩn cho khách lưu trú qua đêm.

Năm 2017, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã  bảo đảm cấp điện 24/24 giờ cho các nhu cầu trên đảo và lắp đặt thêm 2 tổ máy với công suất 1.000 KVA. Qua đó, tạo bước chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội và nhất là du lịch của địa phương . Cồn Cỏ đến nay đã xây dựng được một số cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh và dịch vụ du lịch gồm : hệ thống cấp nước sinh hoạt, trung tâm y tế, trường học, đường vòng quanh đảo, âu thuyền tránh bão, cầu cảng phục vụ tàu trọng tải lớn, kè chống xói lở…

Đến với đảo Cồn Cỏ diện tích không rộng, chưa có nhiều loại hình vui chơi giải trí phong phú nhưng Cồn Cỏ đã hấp dẫn du khách với những cái tên được ghi vào lịch sử như chòi canh anh hùng Thái văn A, hệ thống lô cốt, hầm hào trận địa chằng chịt , hầm quân y ẩn nấp dưới các vòm cây núi đá bí ẩn, hàng loạt cây phong ba,  cây bàng vuông 200 năm tuổi sừng sững cùng bão tố.

Ngoài ra du khách có thể tắm biển lặn ngắm san hô ở độ nông (không cần thiết bị lăn) nhìn ngắm các loại san hô đỏ quý hiếm còn lại dưới biển Cồn Cỏ, cùng với vẻ đẹp hoang sơ và tự nhiên môi trường trong sạch và hải sản tươi ngon không nơi nào có như tôm hùm, hàu cố Cồn cỏ…Những điều mới mẻ, lãng mạn và hấp dẫn đã mê hoặc nhiều du khách thích khám phá, mới vào đầu tháng tư bắt đầu mùa du lịch năm 2021 nhưng có ngày du khách đến với đảo Cồn Cỏ  hơn 200 người, từ mọi miền đất nước đến tham quan và nghỉ dưỡng, điều này càng khích lệ chính quyền và nhân dân trên đảo nổ lực hơn nữa để phát triển  du lịch đảo.

Đoàn của chúng tôi gồm có Nhà báo Nguyễn thị thu Hồng cựu biên tập viên Đài truyền hình Hà nội, Nguyễn Quốc Phong nguyên Phó Tổng Biên tập báo Thanh Niên, Nguyễn Doanh, nguyên Tổng biên tập báo Hoa Học Trò, Nguyễn Mai Trang, nguyên Biên tập viên Báo Hà Nội mới…mặc dù tuổi tác cao, vượt qua hơn 30km trên biển từ Cảng Cửa Việt ra đảo Cồn Cỏ bằng tàu thủy nhưng mọi người không ai cảm giác mệt mỏi, bước chân lên đảo là chúng tôi bắt đầu hành trình tham quan theo chương trình, ai ai củng bị cuốn hút theo những bãi biển đẹp, không gian trong lành của một miền đất hoàn toàn mới lạ.

Nhà báo Nguyễn Doanh, nguyên Tổng biên tập báo Hoa Học năm nay 73 tuổi rồi nhưng suốt ngày anh rất hào hứng tham quan và chụp rất nhiều hình ảnh đẹp bằng 2 chiếc máy chuyên nghiệp. sau bữa cơm tối anh còn tiếp tục tham gia chương trình đốt lửa trại và ca hát cùng với các chiến sỹ trẻ đến tàn cuộc sau 10 giờ đêm. Nhà báo Nguyễn Thị Thu Hồng cựu Biên tập viên Đài truyền hình Hà nội, người con của đất biển Triệu An, Triệu Phong, thành đạt tại Hà Nội, chị nói đây là lần thứ hai đến thăm đảo Cồn Cỏ.

Chị cho rằng, vì yêu thích đảo nên lần này chị rủ  bạn bè đồng nghiệp cùng ra tham quan đảo, đứng bên cây bàng vuông, đứng bên bãi Nghè, bên bãi Hương giang chị tâm sự nhờ làm nghề báo nhiều năm được tháp tùng lãnh đạo cấp cao đi nhiều nơi, nhiều danh lam thắng cảnh trong nước và nước ngoài nhưng đến Cồn Cỏ chị cảm thấy xúc động và quyến rủ lạ thường bởi vẻ đẹp hoang sơ và tự nhiên của đảo quê hương.

Được đến thăm đảo Cồn Cỏ thân thương, ôn lại những truyền thống anh hùng của một thời chiến tranh khốc liệt, được ngắm nhìn chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ đến nao lòng, được hít thở không trí trong lành và được thưởng thức những món đặc sản tươi ngon của biển đảo quê hương, trong mỗi chúng tôi càng thấy thêm yêu quê hương và biển đảo, mong ước cho đảo Cồn Cỏ mãi mãi thanh bình và không ngừng đi lên, đón tiếp rất nhiều đồng bào đồng chí đến tham quan và nghỉ dưỡng trong tương lai, củng là góp phần xây dựng biển đảo vững vàng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

                                                                                            Văn Hanh

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan