Kinh tế xanh là một nền kinh tế nhằm cải thiện đời sống con người và tài sản xã hội, đồng thời chú trọng giảm thiểu những hiểm họa môi trường và sự khan hiếm tài nguyên. Nằm ở cửa ngõ Tây Bắc của trung tâm Thủ đô Hà Nội, Bắc Từ Liêm có nhiều điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, văn hóa, lịch sử, cách mạng với nhiều công trình có giá trị văn hoá, kiến trúc và lịch sử quan trọng, nổi tiếng, nhiều sản phẩm nông nghiệp có bản sắc riêng… Đây là những yếu tố vô cùng thuận lợi có thể chuyển thành nguồn lực lớn giúp quận Bắc Từ Liêm phát triển đô thị hiện đại trên nền tảng phát triển kinh tế xanh trong những năm tới.
Hiện trạng, những nét cơ bản về kinh tế – xã hội Đô thị Bắc Từ Liêm
Sau khi được thành lập theo Quyết định số 132/NQ- CP của Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 01/4/2014, các tổ chức của hệ thống chính trị quận Bắc Từ Liêm – thành phố Hà Nội đã xác định chủ trương lãnh đạo, xây dựng và triển khai các biện pháp điều hành để đưa Quận và 13 Phường đi vào hoạt động theo đúng kế hoạch, đúng tư tưởng chỉ đạo của Thành phố và đáp ứng mong đợi của nhân dân. Toàn hệ thống chính trị đã chung tay thực hiện và xây dựng Quận Bắc Từ Liêm phát triển đô thị hiện đại trên nền tảng phát triển kinh tế xanh góp phần tạo lên thành công trên các lĩnh vực của quận.
Là quận có vị trí tương đối thuận lợi – cửa ngõ Tây Bắc của trung tâm Thủ đô Hà Nội; nằm dọc bờ nam của sông Hồng, phía Bắc giáp sông Hồng và huyện Đông Anh; phía Đông giáp quận Tây Hồ và quận Cầu Giấy; phía Tây giáp huyện Đan Phượng và Hoài Đức; phía Nam giáp quận Nam Từ Liêm. Quận Bắc Từ Liêm có diện tích đất nông nghiệp lớn, quỹ đất nông nghiệp hiện chiếm khoảng 1/3 tổng diện tích đất toàn Quận (còn khoảng 1.500ha). Hệ thống sông, hồ phong phú (trong đó có 8km sông Hồng) tạo lợi thế cho Bắc Từ Liêm trong việc phát triển đô thị sinh thái, tạo không gian mở, cảnh quan đẹp cho quận. Bắc Từ Liêm có hệ thống hạ tầng giao thông khá đa dạng, gồm các tuyến quốc lộ, đường sắt, đường sông (Trên địa bàn Quận có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng của Trung ương, Thành phố chạy qua: Quốc Lộ 32, đường 23 ven đê Sông Hồng, đường Phạm Văn Đồng, cầu Thăng Long; có 01 nhà ga và 14km đường sắt). Có nhiều dự án phát triển khu đô thị (KĐT) mới được triển khai, trong đó có một số dự án quy mô lớn: Trong 5 năm (2015-2020), Quận đã triển khai giải phóng mặt bằng 241 dự án. Trong đó có dự án trọng điểm của Thành phố và Quận như: Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu liên cơ quan Quận; dự án đầu tư mở rộng đường Vành đai 3 (đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long); trụ sở Quận ủy – HĐND – UBND Quận; tuyến đường Tây Thăng Long (đoạn Phạm Văn Đồng đến đường Văn Tiến Dũng)… Nhiều dự án phức tạp, khó khăn, vướng mắc tồn tại nhiều năm cũng được giải quyết như: Dự án xây dựng đường từ Đại học mỏ địa chất đi Phạm Văn Đồng, đường nối từ đường Đỗ Nhuận thuộc phía Đông khu Bắc ngoại giao với tuyến đường Xuân La, dự án xây dựng trạm trung chuyển đa phương thức….
Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Bắc Từ Liêm là một phần của đô thị trung tâm, nằm trong vùng nêm xanh của thành phố (khoảng 1/3 diện tích toàn Quận) nằm trong quy hoạch phân khu đô thị GS của thành phố Hà Nội; khu vực này được định hướng phát triển là một trong những khu trung tâm hành chính, văn hóa, thương mại, dịch vụ, tài chính, ngân hàng, giáo dục, thể thao, giải trí chất lượng cao.
Bên cạnh những thuận lợi trên, trong quá trình phát triển đô thị hiện đại trên nền tảng kinh tế xanh, quận Bắc Từ Liêm vẫn tồn tại một số những khó khăn, thách thức:
– Hệ thống giao thông khung của Quận đang trong quá trình hoàn thiện do đó chưa đáp ứng được nhu cầu giao thương của Quận, nhất là đối với ngành dịch vụ – thương mại.
– Vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm sông Nhuệ là một hạn chế lớn hiện nay.
– Một số dự án chậm triển khai, đặc biệt là các dự án xây dựng hạ tầng khung và các dự án xây dựng khu đô thị mới, gây khó khăn cho các hoạt động phát triển kinh tế của Quận, làm chậm cơ hội rút ngắn khoảng cách phát triển của Quận với các quận nội thành khác.
– Tốc độ đô thị hoá chưa cao, hoạt động phát triển kinh tế còn khiêm tốn, hạ tầng còn yếu kém, Bắc Từ Liêm có xuất phát điểm thấp hơn nhiều so với các quận nội thành và đây là thách thức lớn trong việc cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư lựa chọn Quận để đầu tư.
– Trong 5 năm tới, nhu cầu huy động vốn để phát triển đô thị, hoàn thiện hệ thống hạ tầng (đặc biệt là hạ tầng khung) quận Bắc Từ Liêm sẽ rất cao nhưng trước bối cảnh nền kinh tế nói chung và lĩnh vực bất động sản (BĐS) nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc huy động vốn đầu tư xã hội cho phát triển kinh tế trên địa bàn. Ngoài ra, việc chậm triển khai các dự án BĐS sẽ gây khó khăn lớn trong kế hoạch phát triển lĩnh vực thương mại – dịch vụ, đặc biệt là các loại hình dịch vụ chất lượng cao.
– Đặc biệt, trong 2 năm (năm 2020 và năm 2021), đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã có tác động không nhỏ đến nền kinh tế trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng cơ bản đã được kiểm soát, tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát, khi đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương, đặc biệt là các ngành cung ứng dịch vụ – thương mại.
Tuy nhiên, nhìn chung, Bắc Từ Liêm là địa phương có nhiều lợi thế, tiềm năng: Có những giá trị nền tảng (văn hóa, truyền thống lịch sử, cách mạng), nhiều tiềm năng có thể chuyển hóa thành nguồn lực phát triển (lao động, đất đai), có lợi thế riêng về vị trí địa lý, cảnh quan… để thành một đô thị hiện đại trên nền tảng phát triển kinh tế xanh. Tuy nhiên với tính chất của một Quận nội thành thì xuất phát điểm (cơ sở vật chất kỹ thuật, trình độ, cấu trúc phát triển…) của Bắc Từ Liêm khá thấp, trong ngắn hạn khả năng cạnh tranh không cao và gặp nhiều thách thức phát triển hơn các quận nội thành khác.
Một số quan điểm, định hướng phát triển và mục tiêu phát triển kinh tế, đô thị quận Bắc Từ Liêm trong thời gian tới
Một là, quan điểm, định hướng phát triển Quận đến năm 2030, tầm nhìn 2045: Phát triển quận Bắc Từ Liêm đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 trở thành đô thị xanh, sinh thái, giàu đẹp, văn minh, hiện đại của Thủ đô Hà Nội; là một trong những trung tâm hành chính, văn hóa, đối ngoại mới của Thành phố; có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại; kinh tế phát triển bền vững với tỷ trọng lớn là các ngành thương mại, dịch vụ, tài chính, ngân hàng, giáo dục, thể thao, giải trí chất lượng cao; có chất lượng cuộc sống tốt với đời sống văn hoá tinh thần phong phú, đa dạng, nếp sống đô thị văn minh; có môi trường sinh thái trong lành, cảnh quan đẹp; có hệ thống chính trị và bộ máy chính quyền các cấp vững mạnh, hiệu quả; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, an ninh chính trị, quốc phòng vững mạnh.
Hai là, mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế, đô thị giai đoạn 2021-2025: Xây dựng và phát triển quận Bắc Từ Liêm là đô thị phát triển của thủ đô Hà Nội; có nền kinh tế – xã hội phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, góp phần cùng Hà Nội thực hiện thắng lợi mục tiêu: Xây dựng thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại.
Từng bước xây dựng quận Bắc Từ Liêm thành đô thị xanh, sạch, văn minh, hiện đại của Thủ đô Hà Nội. Ưu tiên phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, các ngành dịch vụ chất lượng cao; tạo tiền đề nhằm từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng Dịch vụ – Công nghiệp – Nông nghiệp.
Đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông khung và hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ môi trường sinh thái.
Để phát triển đô thị hiện đại trên nền tảng kinh tế xanh, quận Bắc Từ Liêm cần tập trung thực hiện một số giải pháp đồng bộ sau:
Một là, về phát triển kinh tế: Phát triển kinh tế quận Bắc Từ Liêm với tốc độ ổn định, hiệu quả; ưu tiên phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, các ngành dịch vụ chất lượng cao; từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đô thị du lịch: Dịch vụ – Công nghiệp
– Nông nghiệp. Cơ cấu kinh tế giai đoạn này 2021-2025 được định hướng phát triển theo hướng Công nghiệp – xây dựng; Thương mại – dịch vụ; nông nghiệp. Trong đó:
– Phát triển công nghiệp – xây dựng: Phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân trên địa bàn Quận giai đoạn 2021-2025 là 12-13%. Định hướng phát triển công nghiệp của Quận là tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, thân thiện, không ô nhiễm môi trường. Tiếp tục phát triển những ngành công nghiệp có lợi thế của Quận: Công nghiệp sản xuất sản phẩm từ kim loại, công nghiệp may mặc, công nghiệp sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy…; nâng cao hiệu quả của các khu, cụm công nghiệp hiện có. Khuyến khích phát triển các loại hình HTX, tổ hợp, công ty cổ phần phục vụ nhu cầu xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà ở của dân cư và giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho dân cư trong Quận.
– Duy trì và phát triển làng nghề: Tạo dựng uy tín và phát triển thương hiệu bánh kẹo Xuân Đỉnh-Xuân Tảo; may Cổ Nhuế… thành một thương hiệu có vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Hỗ trợ cho các hộ sản xuất kiến thức, kỹ thuật, vay vốn; khuyến khích các hộ sản xuất đổi mới công nghệ, sản xuất theo công nghệ sạch đảm bảo chất lượng sản phẩm. Thực hiện các biện pháp xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường.
– Phát triển thương mại – dịch vụ: Thúc đẩy tốc độ tăng trưởng ngành thương mại dịch vụ, nâng cao chất lượng thương mại, dịch vụ theo hướng văn minh. Khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ cao cấp tại các khu vực phát triển hiện đại; chủ động phát triển các loại dịch vụ dựa trên nền tảng văn hoá, lịch sử và đặc điểm kinh tế – xã hội của Quận; đẩy mạnh các hoạt động thương mại, xây dựng các tuyến phố văn minh thương mại, xây dựng hài hoà các chợ truyền thống và các trung tâm thương mại. Ưu tiên phát triển các dịch vụ chất lượng cao trong thương mại, y tế, giáo dục, tài chính ngân hàng, du lịch, giải trí…
Từng bước nâng tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ và đưa thương mại, dịch vụ trở thành ngành có tỷ trọng lớn trong các ngành kinh tế của Quận. Phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất thương mại dịch vụ bình quân trên địa bàn Quận giai đoạn 2021 – 2025 là 16 – 17%/năm.
– Phát triển nông nghiệp: Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, giữ và duy trì các đặc sản của địa phương. Thực hiện các biện pháp chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị sản xuất trên một ha đất nông nghiệp và phù hợp với xu hướng đô thị hoá…
Hai là, về xây dựng và quản lý đô thị: Trong giai đoạn 5 năm 2021-2025, tập trung phát triển quận Bắc Từ Liêm kết hợp hài hoà giữa đô thị hiện đại và đô thị sinh thái với nhiệm vụ: Hình thành một số khu vực phát triển đô thị theo hướng hiện đại và cải tạo sông Nhuệ.
– Công tác quản lý đô thị được thực hiện theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, xây dựng bộ mặt cảnh quan Quận sạch đẹp, xã hội an toàn, ổn định. Ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý đô thị. Mọi thông tin về hạ tầng đô thị đều được tích hợp và quản lý trên bản đồ, trên máy tính. Thường xuyên tổ chức đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, thành thạo các kỹ năng xử lý bằng thiết bị hiện đại.
– Hạ tầng giao thông: Tiếp tục khắc phục các hạn chế, yếu kém; nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, tăng cường kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh việc đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn Quận (đặc biệt đối với hệ thống hạ tầng giao thông khung khớp nối, các tuyến đường giao thông có ý nghĩa quan trọng). Tiếp tục rà soát lại toàn bộ các công trình thiết chế công cộng (trường học, y tế, chợ, nhà văn hóa…), trụ sở làm việc của các cơ quan Đảng, HĐND, UBND các phường để tiến hành đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp đáp ứng nhu cầu làm việc…
– Hạ tầng cấp, thoát nước: Phát triển hệ thống cấp nước sạch, phấn đấu 100% số hộ được sử dụng nước sạch tập trung của Thành phố vào năm 2025 theo tiêu chuẩn. Duy trì, cải tạo trạm cấp nước sạch hiện có tại một số phường. Phát triển cấp nước sạch tập trung. Xây dựng quy hoạch dân cư đô thị, hệ thống thoát nước trong các khu dân cư đô thị, tổ dân phố khớp nối với hệ thống thoát nước chung của Thành phố. Cải tạo, xây dựng hệ thống thoát nước, từng bước giải quyết úng ngập, tăng cường xử lý nước thải sinh hoạt. Các làng nghề, khu cụm công nghiệp được thu gom và xử lý nước thải.
– Hệ thống nghĩa trang: Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, nhân dân trong việc quản lý sử dụng nghĩa trang, thực hiện an táng văn minh. Chỉnh trang, nâng cấp nghĩa trang hiện có phù hợp với quy hoạch, phù hợp với tín ngưỡng, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa và nếp sống văn minh hiện đại. Từng bước chuyển hình thức mai táng truyền thống sang hình thức mai táng sử dụng công nghệ mới, bảo đảm vệ sinh môi trường và tiết kiệm đất. Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện văn minh trong việc tang lễ, phấn đấu đến năm 2025 trên 85% người qua đời thực hiện hỏa táng. 100% số nghĩa trang trên địa bàn Quận được cải tạo, chỉnh trang, trồng cây xanh kết hợp tường bao cách ly và có quy chế quản lý.
TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. 2. Phạm Công Nhất: “Phát triển kinh tế – xã hội theo mô hình sinh thái bền vững ở nước ta hiện nay”, Tạp chí Cộng sản, bản điện tử, cập nhật ngày 15/08/2017. 3. Đảng bộ thành phố Hà Nội: Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. 4. Đảng bộ quận Bắc Từ Liêm: Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ quận Bắc Từ Liêm lần thứ II, nhiệm kỳ 2020-2025. 5. Đảng bộ quận Bắc Từ Liêm: Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ quận Bắc Từ Liêm lần thứ II, nhiệm kỳ 2020-2025. 6. Ủy ban nhân dân quận Bắc Từ Liêm: Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 của quận Bắc Từ Liêm. 7. Đảng bộ quận Bắc Từ Liêm: Chương trình số 02-CTr/ QU ngày 16/12/2020 của Quận ủy Bắc Từ Liêm về Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm giai đoạn 2021-2025 8. Đảng bộ quận Bắc Từ Liêm: Chương trình số 05-CTr/ QU ngày 16/12/2020 của Quận ủy Bắc Từ Liêm về Đẩy mạnh đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đất đai, quy hoạch, trật tự xây dựng, chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị; sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025. |
ThS Đào Thị Hoa – Nguyễn Thị Hảo (Quận ủy Bắc Từ Liêm – Hà Nội) Theo TC AS&CS số in tháng 10/2022