22 C
Hanoi
Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

Những mảnh ghép đa sắc màu của bức tranh tươi sáng

Print Friendly, PDF & Email

Đất nước đang vào xuân cũng là lúc chúng ta cùng nhìn lại những thành tựu cả năm 2022 của đất nước về mặt chính trị, kinh tế, xã hội để tự hào và vững tin vào một năm mới tươi sáng hơn nữa. Đại dịch COVID -19 trên khắp thế giới, cuộc xung đột khốc liệt giữa Nga và Ukraina, những bất ổn địa chính trị toàn cầu, thiên tai…không thể không tác động đến chúng ta. Nhưng, ý chí và nghị lực đã giúp chúng ta trở thành một “hiện tượng” của thế giới, tạo nên một bức tranh tươi sáng đa sắc màu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên. Ảnh TTXVN

Chúng ta không gặp khó khăn ư? Có và có nhiều là đằng khác. Chỉ cần nhớ đến cảnh ngay trước cuối năm, do những diễn biến phức tạp của thị trường dầu mỏ thế giới cộng với những bất cập trong công tác quản lý kinh doanh xăng dầu trong tháng 10 và 11, người dân ở nhiều địa phương phải xếp hàng dài để chờ mua xăng hoặc chỉ được mua xăng theo định mức, khiến người tiêu dùng bức xúc, tác động đến lạm phát, sinh hoạt của người dân và nguy cơ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội. Nhưng thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước đã gấp rút đưa ra giải pháp khắc phục. Hay như thiên tai khiến Đà Nẵng và một số tỉnh miền Trung bị ngập sâu do hoàn lưu sau bão kết hợp mưa lớn với lượng mưa lên đến  gần 700 mm trong 24 giờ. Triều cường diễn ra cùng thời điểm càng làm chậm quá trình thoát lũ khiến đời sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Trận lụt lịch sử này cảnh báo tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, đòi hỏi phải khẩn cấp có chiến lược phát triển thích hợp.

Mùa thu hoạch vàng xanh của người Dao huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.ẢNH TTXVN

Rồi thì do những yếu kém trong quản lý, một số vụ án liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp bị khởi tố khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp – kênh dẫn vốn trung và dài hạn bị ảnh hưởng tiêu cực Nhà đầu tư cá nhân bán lại trái phiếu trước hạn do lo ngại doanh nghiệp không trả được nợ. Trước tình hình đó để bảo đảm công khai, minh bạch, quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và an toàn, an ninh thị trường tài chính tiền tệ, Chính phủ đã gấp rút ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán trái phiếu doanh nghiệp; yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục rà soát sửa đổi Nghị định 65. Song song với đó, Ban lành đạo Đảng đã quyết định kiên quyết trong cuộc chống tham nhũng tiêu cực với việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh/thành về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Toàn bộ 63 Ban Thường vụ tỉnh ủy/thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của các địa phương. Với sự vào cuộc mạnh mẽ và đồng bộ của các Ban Chỉ đạo ở trung ương và địa phương, nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực có sự móc ngoặc, thông đồng từ trung ương đến địa phương, giữa một số lãnh đạo các cấp với doanh nghiệp, và đặc biệt các đại án có sự tham gia của các doanh nghiệp ngoài nhà nước như Việt Á, FLC, Tân Hoàng Minh, An Đông…, đã được đưa ra ánh sáng.

Điểm qua những yếu tố đó để càng thấy kỳ tích của Việt Nam khi duy trì được môi trường chính trị xã hội ổn đinh, đặc biệt với sự kiện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên mà Tổng Bí thư,Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp ngay sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, tiếp thêm động lực, củng cố tình láng giềng hữu nghị, tăng cường tin cậy chính trị và làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, được đánh dấu bằng 13 văn bản hợp tác thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó kinh tế chiếm phần lớn, đã được ký kết. Đồng thời, Việt Nam tiếp khẳng định uy tín và vị thế ngoại giao trên trường quốc tế.

Nhờ vậy, đất nước đã vươn tới kỳ tích tăng trưởng GDP vượt kế hoạch trong bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm, dự kiến đạt 7,5-8%, cao hơn so với kế hoạch đề ra là 6-6,5%; lạm phát được kiểm soát ở mức 3,1-3,3%; tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện khoảng 21 tỷ USD, tăng hơn 8% so với năm 2021. Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt khoảng 750 tỷ USD, tăng 12,18%. Rất nhiều tổ chức tài chính lớn trên thế giới, các quan chức nước ngoài và truyền thông quốc tế cũng bày tỏ ấn tượng về sự phục hồi nhanh chóng của kinh tế Việt Nam năm 2022, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn. Nhiều ý kiến cho rằng kinh tế Việt Nam trong năm 2022 có thể xem là “phép màu ở châu Á”, là “điểm sáng tăng trưởng kinh tế” trong số các nước châu Á – Thái Bình Dương, mà kết quả tích cực này đạt được nhờ chính sách điều hành kinh tế hợp lý và hiệu quả của Chính phủ Việt Nam.

Một sự kiện chính trị nổi bật thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước nữa là lần đầu tiên, Bộ Chính trị ban hành 6 nghị quyết về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 của 6 vùng kinh tế nhằm phát huy lợi thế của mỗi vùng, tăng cường tính liên kết nội vùng và liên kết vùng. Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao; đồng thời định hướng phát triển Vùng theo hướng: “Khai thác tốt hơn và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế – chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới…”. Theo đó, trong năm 2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành sáu Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh sáu Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: Trung du, miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng.

Mỗi vùng đều có những đặc điểm, tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức mang tính đặc thù riêng. Để phát huy được tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng và cả nước, bên cạnh những chủ trương, chính sách phát triển chung cho cả nước cũng cần phải có các chủ trương, chính sách phát triển cụ thể, sát hợp, phù hợp với từng vùng. Bộ Chính trị các khóa trước đã ban hành một số nghị quyết chuyên đề về phát triển vùng.

Điểm chung của sáu Nghị quyết về phát triển các vùng lần này đã nêu yêu cầu phải phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với quy hoạch quốc gia, phù hợp với Chiến lược phát triển bền vững, Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội cũng đã quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông trọng điểm, tạo đột phá về hạ tầng, kết nối không gian giữa các vùng trong cả nước.

Thành tựu về chính trị và kinh tế, giúp Việt Nam mở cửa biên giới, tổ chức thành công SEA Games 31. Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) đã diễn ra từ ngày 5-23/5, ngay sau khi Việt Nam quyết định mở lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3. Với thành công của SEA Games 31, Việt Nam được đánh giá cao về công tác tổ chức, thành tích chuyên môn cũng như công tác quảng bá hình ảnh đất nước, con người và du lịch Việt Nam sau hơn hai năm chiến đấu chống đại dịch COVID-19. Một thành tựu văn hóa – thể thao không thể không nhắc đến trong năm qua là Việt Nam lần đầu tiên lọt vào Vòng chung kết World Cup bóng đá nữ khi Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã trở thành một trong 6 đại diện của châu Á tham dự Vòng chung kết Giải vô địch bóng đá nữ thế giới 2023. Đây là lần đầu tiên Việt Nam góp mặt tại ngày hội bóng đá nữ lớn nhất hành tinh này. Tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31), đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã bảo vệ thành công ngôi vô địch.

TÂM GIAO (Theo TC AS&CS số Tết 2023)

Bài viết liên quan