23 C
Hanoi
Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

Một gia đình ủng hộ 5 tỉ cho Quỹ vắc-xin phòng COVID-19

Print Friendly, PDF & Email

Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 được chính thức ra mắt vào 20h10 tối nay tại Hà Nội. Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ phát biểu kêu gọi đóng góp cho Quỹ.

Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay: tính đến 17h hôm nay, 5-6, Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 đã nhận được 748 tỉ đồng đóng góp từ nhân dân trong và ngoài nước. Số tiền nói trên chỉ là tổng số tiền mà tài khoản của Quỹ ở Kho bạc Nhà nước, ngân hàng BIDV… nhận được.

Số tiền trên chưa tổng hợp các khoản mà doanh nghiệp, các tổ chức và người dân đóng góp cho Quỹ thông qua Bộ Y tế, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nếu tính thêm số tiền ở những nơi này thì Quỹ đã có hàng nghìn tỉ đồng.

Tối nay, Quỹ vắc-xin phòng chống COVID-19 sẽ chính thức ra mắt tại Hà Nội với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có bài phát biểu quan trọng kêu gọi đồng bào chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài chung sức đồng lòng với Chính phủ góp sức, góp tiền cho Quỹ vắc-xin để có vắc-xin sớm nhất tiêm cho nhân dân.

Trước đó, Bộ Tài chính cũng thông tin về kinh phí dự kiến mua vắc-xin để tiêm phòng COVID-19 cho 75 triệu người. Kinh phí dự kiến khoảng 25.200 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương bảo đảm 16.000 tỉ đồng, 9.200 tỉ đồng còn lại huy động từ ngân sách địa phương và doanh nghiệp, tổ chức…

Ngân sách Trung ương gồm 13.330 tỉ đồng gồm 12.100 tỉ từ nguồn năm 2020 chuyển sang 2021 và 1.237 tỷ đồng bổ sung cho Bộ Y tế nhưng chưa sử dụng và được chuyển nguồn sang năm 2021. Theo Bộ Tài chính, đến nay tổng cộng nguồn đã bố trí và dự kiến bố trí để mua vắc-xin là 14.570 tỉ đồng.

Bộ Tài chính cũng lưu ý: khi dịch COVID-19 kéo dài thì nhu cầu vắc xin hàng năm tăng cao, kinh phí sẽ mua vắc-xin lớn, nếu chỉ dựa vào nguồn NSNN thì sẽ khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch cho toàn dân. Đó cũng là lý do để Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 ra đời.

Mặt khác, hồi trung tuần tháng 5-2021, Bộ Y tế cũng có báo cáo về việc một số tập đoàn, công ty, doanh nghiệp, ngân hàng,… có văn bản đăng ký tài trợ kinh phí hoặc vắc xin phòng COVID-19. Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn việc tiếp nhận các khoản kinh phí tài trợ này.

Cuối tháng 2-2021, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đã đề xuất chuyển số kinh phí đã tiếp nhận ủng hộ cho phòng, chống dịch COVID-19 còn lại cho Bộ Tài chính để mua vắc-xin phòng COVID-19. Trong số hơn 2.200 tỷ mà Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam huy động được năm 2020, thì ở Trung ương Mặt trận còn hơn 482 tỉ đồng, ở Mặt trận địa phương còn 433 tỉ đồng.

Những đề nghị như vậy từ các cơ quan liên quan khiến cho việc thành lập Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 là cần thiết. Chính phủ ra nghị quyết và Thủ tướng quyết định thành lập Quỹ này trong bối cảnh như vậy.

Theo quyết định của Thủ tướng, Quỹ tự chấm dứt hoạt động và giải thể sau khi cơ quan có thẩm quyền công bố hoàn thành việc tiêm vắc xin phòng dịch COVID-19 cho người dân; số dư Quỹ (nếu có) được nộp toàn bộ vào ngân sách trung ương để bổ sung nguồn lực mua vắc-xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng của Nhà nước.

Một gia đình ủng hộ 5 tỉ đồng cho Quỹ

Theo số liệu thống kê từ Ban Quản lý quỹ vắc xin phòng COVID-19, tính đến 17g ngày 5-6 đã có 950 tổ chức và 124.600 cá nhân ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng COVID-19.

Trong số 950 tổ chức ủng hộ Quỹ, có 125 tổ chức ủng hộ Quỹ với số tiền gần 225 tỉ đồng. Mức ủng hộ của các tổ chức này từ 100 triệu đồng đến 50 tỉ đồng.

Trong đó, Công ty cổ phần tập đoàn Hòa Phát ủng hộ 50 tỉ đồng. Tập đoàn Bảo Việt Nhân thọ ủng hộ 30 tỉ đồng; Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam ủng hộ 23,2 tỉ đồng; Công ty cổ phần tập đoàn Đất xanh và Công ty cổ phần VNG ủng hộ 20 tỉ đồng. Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) ủng hộ 10 tỉ đồng. Bộ Tài chính cũng đã đóng góp số tiền 5 tỉ đồng.

Trong số 124.600 cá nhân đóng góp, ủng hộ quỹ, có 1954 cá nhân ủng hộ 5 triệu đồng trở lên. Gia đình cháu Nguyễn Bình An ủng hộ Quỹ 5 tỉ đồng. Tổng số tiền đóng góp của 1954 cá nhân này là trên 26,4 tỉ đồng.

Theo PLO

Bài viết liên quan