24 C
Hanoi
Thứ Năm, 28 Tháng Ba, 2024

Khuyến nghị giải quyết các xung đột về đất đai

Print Friendly, PDF & Email

Dự kiến năm 2021, Luật Đất đai 2013 sẽ được sửa đổi, bổ sung một số điều để giảm bớt tác động tiêu cực đến cộng đồng địa phương. Mới đây, nghiên cứu “Đánh giá sơ bộ Khung pháp lý của Việt Nam về thực hành kinh doanh có trách nhiệm” do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện đã phân tích và khuyến nghị một số vấn đề liên quan đến đất đai. Trưởng nhóm nghiên cứu là bà Nguyễn Thị Thanh Hải với hai thành viên là Dylan Van Tromp và Seán O’Connell.

Vấn đề đất đai

Nghiên cứu nêu vấn đề đất đai liên quan đến doanh nghiệp thường là việc dân cư không tự nguyện di dời – đây là hệ quả từ các dự án kinh doanh như phân lô và cấp phép sử dụng đất cho mục đích thương mại, đập thủy điện và các dự án khai thác hạ tầng dân sinh và khai thác khoáng sản khác. Trong nhiều trường hợp, các dự án kinh doanh yêu cầu di dời một số lượng lớn người dân hoặc toàn bộ cộng đồng, và điều này có thể tạo ra những rủi ro về vi phạm quyền con người, đặc biệt khi các dự án đó không tổ chức tham vấn hiệu quả với cộng đồng, không đảm bảo đồng thuận trước khi thu hồi hoặc bồi thường thỏa đáng cho việc di dời. Theo pháp luật Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu chung của toàn dân, do nhà nước đại diện quản lý, các cá nhân, hộ gia đình và các tổ chức có quyền sử dụng đất. Do đó, tại Việt Nam, luật pháp chỉ công nhận quyền sử dụng đất.

Nhiều hộ dân ở TP Phú Quốc (Kiên Giang) phản đối một dự án khu dân cư đẩy họ vào cảnh “tăm tối”

Theo Chỉ số công lý Việt Nam 2016, các quy định và thủ tục pháp lý chứng nhận quyền sử dụng đất rất phức tạp, dẫn đến hệ quả tranh chấp liên quan đến đất đai là nguyên nhân hàng đầu của tranh chấp dân sự và hành chính ở Việt Nam. Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2011 cho thấy, kể từ đầu năm 2010, các khiếu nại về giá đất khi bồi thường và tái định cư chiếm tới 90% tổng số khiếu nại của công dân từ nhiều chính quyền cơ sở. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có cơ chế giám sát hiệu quả để giải quyết các khiếu nại đó do hiện tại vẫn còn rất nhiều khiếu nại và xung đột liên quan đến đất đai. Mặc dù các khoản đầu tư thương mại vào đất đai đã góp phần tạo ra các triển vọng kinh tế cho Việt Nam nhưng các doanh nghiệp và các nhà đầu tư vẫn là nguồn cơn của những tranh luận và xung đột do tranh chấp đất đai và di dời dân cư cho mục đích phát triển và kinh doanh bất động sản.

Khung pháp lý về đất đai

Nghiên cứu cho biết, pháp luật về đất đai ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi đáng kể trong quá trình hiện đại hóa và công nghiệp hóa; và hiện đang bao gồm các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu đất, thu hồi đất, bồi thường đất, tái định cư, giá đất, sử dụng đất, quy hoạch tổng thể, và chuyển đổi đất.

Hiến pháp 2013 công nhận đất đai là một tài nguyên đặc biệt thuộc quyền sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý, các tổ chức và cá nhân được phép sử dụng. Kể từ thời kỳ Đổi mới, Việt Nam đã thông qua Luật Đất đai 1988, 1993, 2003 và 2013 – những đạo luật tập trung vào quản lý đất đai.

Bà Phan Thị Bảy ở TP Vị Thanh (Hậu Giang) kể gia đình sinh sống lâu đời nhưng chục năm nay rơi vào cảnh nghèo khó khi xuất hiện một dự án dân cư thương mại đòi thu hồi đất giá rẻ

Để thực thi Luật Đất đai 2013, Chính phủ đã ban hành một số lượng đáng kể các văn bản hướng dẫn thi hành. Hiện tại, có khoảng 27 văn bản quy phạm tại cấp trung ương, bao gồm luật, nghị định và thông tư hướng dẫn về đất đai. Các điều khoản liên quan đến sử dụng đất, đầu tư và quy hoạch được ghi nhận trong các luật, bao gồm: Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh Bất động sản 2014, Luật Quy hoạch Đô thị 2009, Luật Bảo vệ Môi trường 2014, Bộ luật Dân sự 2015, và Luật Quy hoạch 2017.

Luật Đất đai 2013 quy định trách nhiệm bảo vệ các cộng đồng thiểu số của Nhà nước, bao gồm: Thông qua các chính sách về đất ở và đất sinh hoạt cộng đồng cho các dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán và bản sắc văn hóa của cộng đồng và điều kiện thực tế của từng vùng; và thông qua các chính sách tạo điều kiện công nhận quyền sử dụng đất cho các dân tộc thiểu số trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp phải tuân thủ Luật Đất đai 2013 và các công cụ pháp lý liên quan khác khi doanh nghiệp sử dụng đất, trên cơ sở đảm bảo tôn trọng quyền và lợi ích của cộng đồng và chủ thể sử dụng đất khác.

Mặc dù đã có một số lượng lớn văn kiện pháp lý về đất đai được sửa đổi và thông qua, việc thực thi các quy định này vẫn tồn tại nhiều thách thức và không hiệu quả trong nhiều trường hợp. Các khuôn khổ pháp luật phức tạp và thường xuyên thay đổi khiến rất nhiều người, đặc biệt là những cộng đồng ở vùng sâu vùng xa, khó nắm bắt và nhận thức đầy đủ. Điều này khiến quyền lợi của họ có thể không được đảm bảo.

Một vấn đề lớn khác là các quy định quản lý chuyển đổi đất và thu hồi đất. Quá trình tăng trưởng kinh tế đã dẫn đến hệ quả là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất xảy ra trên khắp các khu vực đô thị đông dân cư và các khu vực đất đai nông nghiệp trù phú nhất. Luật Đất đai 2013 cho phép Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh cũng như để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích chung và lợi ích quốc gia. Đáng chú ý là vấn đề thu hồi đất cũng diễn ra trong các dự án phát triển kinh tế như dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu dân cư đô thị và nông thôn và cho các dự án đầu tư nước ngoài. Sự thu hồi này tạo ra một số lượng đáng kể khiếu nại của cộng đồng do thường xuyên xảy ra tranh chấp về quyền sở hữu và sử dụng đất với những người sử dụng đất khác, nhà đầu tư và Nhà nước.

Quá trình quy hoạch và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thường tạo thêm nhiều tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất. Nhà nước quản lý đất đai bằng nhiều công cụ pháp lý khác nhau, bao gồm các công cụ về quy hoạch, trong đó đưa ra quyết định về cách sử dụng đất, xác định bên sử dụng đất và các vai trò tương ứng của các bên theo quy hoạch. Do đó, quá trình quy hoạch đất có thể có tác động đáng kể đến quyền thụ hưởng hoặc phủ nhận quyền sử dụng đất hoặc các quyền khác đối với đất. Nếu quy trình hoặc quy hoạch dự án không minh bạch, xung đột giữa người sử dụng đất, cộng đồng, doanh nghiệp và Nhà nước dễ bị đẩy lên cao.

Khuyến nghị 5 nội dung

Nghiên cứu đưa ra 5 khuyến nghị cụ thể.

1/Thực hiện hiệu quả khuyến nghị của Ủy ban về các Quyền dân sự và chính trị của Liên Hợp Quốc (HRC), Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ   của Liên Hợp Quốc (CEDAW) và Công ước quốc tế về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt Chủng tộc (ICERD) liên quan đến việc phòng ngừa và giải quyết các xung đột đất đai để đảm bảo thực hành kinh doanh có trách nhiệm liên quan đến đất đai, bao gồm đảm bảo sự tham gia của cộng đồng vào mọi quá trình liên quan đến việc tái định cư của họ và việc tái định cư đó được tiến hành phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

2/Tăng cường khung pháp lý về xử lý khiếu nại và tố cáo liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, hoàn trả và tái định cư.

3/Tăng cường khung pháp lý quốc gia liên quan đến xác định bồi thường cho việc thu hồi đất, bao gồm xem xét cả giá đất.

4/Đảm bảo cơ chế giải quyết khiếu nại về đất đai cho các nhóm dễ bị tổn thương liên quan đến hoạt động kinh doanh, đặc biệt là quyền tiếp cận đất đai và đảm bảo người dân tộc thiểu số được thông báo trước, và tự nguyện đồng thuận (đối với các vấn đề liên quan).

5/Tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai, bao gồm quyền giám sát của công dân đối với việc quản lý, sử dụng đất đai theo Điều 199.

                                                                             SÁU NGHỆ (giới thiệu)

Bài viết liên quan