Hiện nay, trong giới trẻ có một số luồng suy nghĩ cho rằng thuốc lá điện tử không có hại hoặc tác hại ít hơn so với thuốc lá tự nhiên – đây là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Để làm rõ hơn tác hại của thuốc lá điện tử cũng như sự nguy hại của các loại hơi thuốc lá nói chung đến cộng đồng. Bộ Thông tin Truyền thông ( TTTT) đã tổ chức hội nghị “Tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại (PCTH) thuốc lá” vào sáng ngày 23/11/2023 tại 14 Trần Bình Trọng, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Tham gia hội nghị có ông Hồ Hồng Hải-Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông- chủ trì hội nghị; cùng các phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông, phòng văn hóa, thông tin tại Hà Nội.
Nội dung của buổi hội nghị gồm 4 phần:
Thứ nhất: Cập nhật tình hình hoạt động và một số vấn đề ưu tiên trong PCTH thuốc lá ở Việt Nam.
Thứ hai: Tác hại của thuốc lá điện tử; Cập nhật tình hình các ca ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử.
Thứ ba: Một số quan niệm sai lầm, sự thật, và kinh nghiệm quốc tế trong kiểm soát các sản phẩm thuốc lá mới .
Cuối cùng là, Khuyến cáo của WHO về quan điểm cấm các sản phẩm thuốc lá mới.
Một số nội dung quan trọng, hội nghị đã giải thích và làm rõ hơn về tác hại của các loại thuốc lá điện tử đang lây lan mạnh trong giới trẻ hiện nay. Như chúng ta đã biết, hiện nay có một số quan điểm sai lầm cho rằng thuốc lá điện tử không có hại hoặc ít có hại hơn so với thuốc là tự nhiên – đây là một quan điểm sai lầm. Bởi, thuốc lá điện tử là sản phẩm do con người tạo ra, được tạo nên bởi các loại hóa chất độc hại khác nhau, đồng thời thị trường cũng đang tiêu thụ rất nhiều loại thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc xuất xứ với tỷ lệ hàng giả, hàng nhái khó kiểm soát. Bởi vậy, tác hại của thuốc lá điện tử đến với người hút thậm chí còn hơn so với các loại thuốc lá tự nhiên.
Tại Việt Nam, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên đang gia tăng nhanh chóng. Xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm tuổi 15-24 tuổi với tỷ lệ là 7,3% so các nhóm tuổi: 25-44 tuổi (3,2%), 45-64 tuổi (1,4%) (nghiên cứu tình hình sử dụng thuốc lá tại 34 tỉnh năm 2020). Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã và đang thành công làm giảm tý lệ người hút thuốc lá tự nhiên. Tuy nhiên hiện nay, qua các số liệu điều tra, nếu không quyết liệt ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá nói chung sẽ gia tăng trở lại.
Bên cạnh việc giải thích rõ hơn về tác hại của thuốc lá điện tử, hội nghị cũng đưa ra những con số rất đáng lo ngại về tác hại của các loại thuốc lá nói chung đến cộng đồng. Hiện nay, uớc tính số người đang hút thuốc lá tại Việt Nam khoảng 15,4 triệu người (trong đó đa số là nam giới). Mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Tổ chức Y tế Thế giới dự báo đến năm 2030, sẽ tăng lên tới 70.000 người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện. Có đến 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như: đột qụy, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam.
Mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ khoảng 49.000 tỷ đồng để mua thuốc lá theo ước tính từ tổng tiêu thụ năm 2020. Chi phí điều trị 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa-hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra tại Việt Nam khoảng 1% GDP.
Một phóng viên đặt câu hỏi tại hội nghị liên quan đến luật hạn chế thuốc lá tại Việt Nam.
Với mong muốn hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá luôn được nâng cao, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT Hồ Hồng Hải phát biểu bế mạc hội nghị: “Với những thông tin của hôi nghị ngày hôm nay, Ban tổ chức hi vọng rằng, cung cấp nhiều thông tin mới tới các phóng viên, biên tập viên về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới; tăng cường sự phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá và các cơ quan báo chí; từ đó ngày càng nâng cao hiệu quả công tác truyền thông pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá”.
Đức Bình