26 C
Hanoi
Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

Hai luồng ý kiến về đập thủy điện Luang Prabang

Print Friendly, PDF & Email

Chính phủ Lào có kế hoạch xây đập thủy điện Luang Prabang trên sông Mê Kông và Ủy hội sông Mê Kông (MRC) đã thông báo cho Campuchia, Thái Lan, Việt Nam chuẩn bị quá trình tham vấn tối thiểu 6 tháng, bắt đầu từ ngày 8/10/2019. Dự án thủy điện này có Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) tham gia 38% vốn đầu tư và đang xuất hiện hai luồng ý kiến phản đối lẫn ủng hộ.

Sông Mê Kông đoạn qua Luang Prabang trong mùa hạn năm nay

Rộng khắp phản đối dự án
Dự án thủy điện Luang Prabang khởi động năm 2007, ước tính vốn đầu tư xây dựng cơ bản khoảng 2 tỉ USD; gồm Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) 38%, phía Lào 25%, các đối tác khác 37%. Lúc đó, dự kiến nhà máy thủy điện hoạt động thương mại vào năm 2014. Tuy nhiên, nhiều tổ chức liên chính phủ, phi chính phủ phản đối vì lo ngại tác động xấu cho môi trường, cùng cơ chế tính giá điện chưa rõ ràng nên kế hoạch xây dựng bị trì hoãn.
Giữa tháng 2/2019, Bộ Năng lượng và Mỏ nước của Lào làm việc với PV Power về các vấn đề liên quan để khởi động lại dự án. Tháng 6/2019, PV Power tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp xây dựng cơ chế chính sách đầu tư dự án thủy điện Luang Prabang. Ngày 31/7/2019, Chính phủ Lào chính thức có báo cáo kế hoạch xây dựng mới với Ủy ban Sông Mê Kông để chuẩn bị cho quá trình tham vấn.
Ngay sau đó, ngày 8/10/2019, Liên minh Cứu sông Mê Kông kêu gọi hủy bỏ dự án vì cho rằng sẽ gây thiệt hại to lớn cho dòng sông. Liên minh này nhận định, nếu được xây dựng, đập Luang Prabang với các đập thủy điện đã và đang được xây dựng là Pak Beng, Xayaburi và Pak Lay trên dòng chính sông Mê Kông sẽ biến đoạn sông vùng bắc Lào thành chuỗi hồ nước, gây thiệt hại khó tính toán. Khi đó, nhiều lợi ích kinh tế và xã hội dòng sông đang mang lại cho hàng triệu người dân sẽ bị mất, dòng sông trở thành kênh nước phát điện đem lợi ích chủ yếu cho các công ty thủy điện.
Ngày 10/10, Tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) ra thông cáo báo chí nhận định, thêm đập thủy điện Luang Prabang sẽ tạo ra cơn khát năng lượng trên dòng chính sông Mê Kông, đe dọa nghiêm trọng môi trường và sinh kế của hàng triệu người dân. Dự án thủy điện Luang Prabang chắc chắn làm trầm trọng hơn những tác động môi trường mà ĐBSCL đang phải đối mặt như suy giảm trầm tích, thiếu nước, xâm nhập mặn, di dân và nhiều diện tích tự nhiên bị tan rã.
Ngày 13/10, TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu ở Trường Đại học Cần Thơ nói với báo chí, tác động của các đập thủy điện trên dòng chính sống Mê Kông với vùng Đồng bằng song Cửu Long (ĐBSCL) gần như là tiêu cực hoàn toàn. “Từ chính quyền, cơ quan và cộng đồng người dân đều phản đối. Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Lào ngừng xây các đập thủy điện. Đập thủy điện Luang Prabang nếu được xây sẽ khiến rủi ro của vùng ĐBSCL ngày càng gia tăng, đây là điều chắc chắn”, TS Tuấn nhấn mạnh.

Một số thông tin về 11 đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông ở hạ nguồn, theo TS Tô Văn Trường

Phản đối PV Power tham gia
TS Lê Anh Tuấn cho rằng, PV Power tham gia đầu tư thủy điện Luang Prabang càng tạo thêm bất lợi cho Việt Nam, không khác gì “lấy đá ghè chân mình”. Theo TS Tuấn, lợi ích từ đầu tư không bù được cho những thiệt hại khác, nhất là khi phía trên Luang Prabang bị các đập của Trung Quốc khống chế, phía dưới lại có loạt đập khác nữa. “Sự đầu tư của PV Power là không nên, tôi trao đổi với các nhà khoa học thì hầu hết đều phản đối, việc này đã đẩy ĐBSCL vào thế bất lợi”, TS Tuấn nói.
Chuyên gia Mạng lưới sông ngòi Việt Nam Đào Trọng Tứ cũng đề nghị PV Power và các cơ quan chức năng xem xét lại việc đầu tư vào dự án thủy điện Luang Prabang tại Lào. TS Tứ phân tích, trên dòng chính sông Mê Kông ở Lào có 2 đập thủy điện đã và đang xây dựng là Xayaburi và Don Sahong. Còn thủy điện Luang Prabang có công suất 1.410 MW nằm cách thị trấn Luang Prabang Lào 30km. Các nghiên cứu của Đan Mạch, Ủy hội sông Mêkông đã chỉ ra, nếu xây dựng thủy điện Luang Prabang thì sự tác động xấu đến Việt Nam là rất rõ.
“Xây dựng thủy điện Luang Prabang còn nhiều tranh luận, phức tạp. Tuy nhiên, nếu các quốc gia đã chung nhau một dòng sông thì phải chơi theo luật, cần sự hợp tác để hạn chế những tác động xấu đến hạ lưu của Việt Nam. Việc tham gia đầu tư vào các đập thủy điện ấy của doanh nghiệp Việt Nam là cần xem xét lại”, TS Tứ kết luận.

Vị trí 11 đập thủy điện ở hạ nguồn sông Mê Kông

Ủng hộ PV Power tham gia
Ngược lại, chuyên gia môi trường Tô Văn Trường lại cho rằng: “Nếu Việt Nam không thể cấm xây dựng thủy điện ở Lào, thì nên chủ động tham gia yêu cầu họ từ khâu thiết kế đến quy trình vận hành đảm bảo việc nghiên cứu các chính sách cần phải thiết lập và các cơ chế giám sát mà qua đó chúng ta đòi hỏi việc xem xét dự án Luang Prabang là một phần của tổng thể hệ thống Mê Kông cho các yếu tố sau: Hệ sinh thái thủy sản gồm cả thượng và hạ lưu Luang Prabang; Việc suy giảm trầm tích và vai trò của Luang Prabang trong tổng thể; Việc duy trì dòng chảy tối thiểu và hệ thống vận hành các hồ chứa; Việc dự báo dòng chảy chống thiên tai: lũ, kiệt và xâm nhập mặn cũng như giao thông thủy”.
Theo TS Trường, trong các năm qua, Chính phủ và Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đã nhiều lần công khai kiến nghị chính thức với Chính phủ Lào, không nên hoặc hoãn xây dựng các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông. Câu hỏi được đặt ra là có thể cấm Lào khai thác tiềm năng thủy điện trên sông Mê Kông, trong khi Việt Nam đã xây dựng các nhà máy thủy điện trên sông Sesan-Srepok (thượng lưu sông Mê Kông của Campuchia). Chỉ có thể đòi hỏi Lào và các nước thượng lưu giải quyết những hậu quả xấu của các công trình và đảm bảo tính bền vững của phát triển dòng sông chung. Ngoài ra, xin lưu ý về bài toán “đánh đổi” cần chọn cái dở ít nhất trong những cái dở vì Trung Quốc sẵn sàng nhảy vào đầu tư chi phối các hoạt động của thủy điện ở Lào.
Cũng phân tích của TS Trường, hiện tác động lớn nhất là từ thủy điện Trung Quốc. Tương lai gần khi xong Xayabury thì diện tích lưu vực đến Xayabury là 277.500 km2, chiếm 34% diện tích lưu vực Mê Kông. Đặc biệt phần hứng nước trực tiếp của hồ này khi đó bằng từ chân đập Jinghong đến Xayabury tương đương 115.200 km2, khoảng 5% diện tích lưu vực. Như vậy tác động trực tiếp của hồ này chủ yếu từ nguồn phù sa và nước trên 5% diện tích lưu vực trực tiếp này, phần tác động gia tăng lên phần ảnh hưởng đã có từ sau tác động của chuỗi thủy điện Trung Quốc.

Trước đây, diễn ra các quy trình tham vấn cho 4 đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông ở Lào. Đó là Xayaburi (2010 – 2011), Don Sahong (2014 – 2015), Pak Beng (2016 – 2017) và Pak Lay (2018 – 2019). Cho đến nay hầu như không giải quyết được các lo ngại về tác động môi trường cũng như yêu cầu nghiên cứu và cung cấp thông tin bởi quá trình tham vấn có nhiều khiếm khuyết.
Dù còn nhiều vấn đề nhưng hồi tháng 6/2019, tại hội nghị toàn thể lần thứ nhất năm 2019 của Ủy ban Sông Mekong Việt Nam diễn ra ở Tiền Giang để xem xét báo cáo “Tham vấn cho dự án thủy điện Pak Lay của Lào dự kiến xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông”, Lào chính thức thông báo việc xây dựng Pak Beng, ngoài Xayaburi và Don Sahong đã và đang xây dựng. Đến ngày 31/7/2019, Lào đưa thêm kế hoạch xây dựng Luang Prabang để chuẩn bị cho quá trình tham vấn.

Với lập luận tương tự, khi chuỗi 11 hồ hoàn thành thì tác động trực tiếp của hồ Luong Prabang trên phần diện tích hứng nước trực tiếp của hồ này là 72.000 km2, tương đương 0,9% diện tích lưu vực, cộng thêm tác động gia tăng từ phần xả ra của hồ PakBeng thượng lưu hồ này….
“Điều mà chúng ta quan ngại nhất là thiếu chia sẻ thông tin vận hành từ các nước thượng nguồn và đặc biệt việc xây hồ Sambor và Stung Treng (nếu có). Chuỗi hồ thượng nguồn sớm muộn họ cũng xây, nên chủ động các giải pháp ứng phó còn kịp”, TS Trường kết luận.

SÁU NGHỆ

Bài viết liên quan