25 C
Hanoi
Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

Đôi điều về chương trình giáo dục môn Ngữ văn 2018- Cần phân biệt giữa SGK và chương trình

Print Friendly, PDF & Email

Gần đây, khi nhận xét về SGK Tiếng Việt lớp 1,  có một số ý kiến chưa phân định rõ sự khác nhau giữa Chương trình (CT) và Sách giáo khoa ( SGK). Vì vậy, để làm rõ vấn đề này, Ban biên tập đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Đỗ Xuân Thảo, với tư cách là một trong những tác giả xây dựng Chương trình GDPT tổng thể và Chương trình GDPT môn Ngữ văn 2018. Sau đây là ý kiến của PGS-TS Đỗ Xuân Thảo. Xin trân trọng gửi tới độc giả lời “giải mã” của người trong cuộc trong quá trình xây dựng CT GDPT môn Ngữ văn-trong đó có liên quan đến CT Tiếng Việt 1 khiến  dẫn tới những ý kiến trái chiều vừa qua.

PGS –TS Đỗ Xuân Thảo

Chương trình Giáo dục phổ thông nói chung, chương trình GDPT môn Ngữ văn nói riêng do một tập thể các nhà khoa học biên soạn. Chương trình 2018 được biên soạn trong hơn 2 năm và công bố vào tháng 12 năm 2018 nên gọi là CT 2018. Chương trình Ngữ văn 2018 sau khi biên soạn xong đã xin ý kiến của các chuyên gia văn học và ngôn ngữ; lấy ý kiến của tất cả các sở, các trường, nhất là của các nhà khoa học thuộc các Đại học Sư phạm trong cả nước. Bước tiếp theo, chương trình đã công khai trên mạng và đăng tải trên báo chí trong khoảng thời gian từ 45 đến 60 ngày để xin ý kiến công luận. Sau khi sửa chữa, bổ sung CT phải thông qua thẩm định. Hội đồng quốc gia thẩm định CT trải qua 3 lần. Sau khi Hội đồng Quốc gia lần thứ ba thông qua, chương trình được mới kết luận để lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo ký quyết định ban hành.

Một trong những điểm quan trọng của CT  Ngữ văn nói riêng, chương trình GDPT 2018 nói chung là CT mở.

Nhằm phục vụ cho chủ trương 1 CT nhiều SGK, vì thế chương trình chỉ nêu lên MỤC TIÊU; NHỮNG YÊU CẦU CẦN ĐẠT về bốn năng lực ĐỌC, VIẾT, NÓI và NGHE; phần NỘI DUNG, chương trình chỉ nêu một số nội dung cốt lõi của mỗi lớp, mỗi cấp bao gồm những nội dung cơ bản về Kiến thức tiếng Việt, Kiến thức văn học và Gợi ý ngữ liệu. Như vậy, việc dạy thế nào, bắt đầu từ đâu, sắp xếp kiến thức ra sao, kết cấu bài dạy và việc lựa chọn ngữ liệu thế nào?… hoàn toàn do tác giả các bộ sách giáo khoa quyết định. Tuy nhiên, dù các bộ SGK có cách triển khai rất khác nhau, nhưng tất cả đều phải hướng đến mục tiêu và đáp ứng được các yêu cầu cần đạt mà CT đã nêu.

Theo đó, mục tiêu và yêu cầu cần đạt của môn Tiếng Việt lớp 1 từ xưa tới nay đều có điểm thống nhất là: học hết lớp 1, HS biết đọc, biết viết (bên cạnh kĩ năng nói và nghe). Tuy nhiên, với phần lớn trẻ em người Việt học tiếng Việt thì vấn đề cơ bản là học cách dùng chữ viết để ghi lại âm thanh (kí mã âm thanh) với một hệ thống từ ngữ mà các em đã biết trước khi đến trường. Bởi vậy, việc tổ chức các bài dạy của SGK cũng như phương dạy học Tiếng Việt ở lớp 1 phải thoả mãn yêu cầu bằng cách nhanh nhất giúp học sinh làm quen với hệ thống tín hiệu mới là chữ viết để các em mau chóng sử dụng hệ thống tín hiệu này một cách hiệu quả trong học tập và giao tiếp.

Với yêu cầu này, có thể coi mục tiêu đặc biệt cần đạt của môn Tiếng Việt lớp 1 là chữ viết. Làm chủ được chữ viết, học sinh mới có thể biết đọc (giải mã văn tự ghi âm) để đọc SGK, tài liệu tham khảo, ghi chép bài giảng của thầy cô, từ đó có điệu kiện học tốt hơn các môn khác trong chương trình.

Muốn biết đọc, biết viết tiếng Việt, các em phải được học tất cả các âm – chữ cái ghi âm và hệ thống vần, học cách ghép vần trong tiếng Việt. Ghép vần để tạo thành tiếng, thành từ và tạo câu (thậm chí văn bản ngắn) phục vụ giao tiếp ở những mức độ nhất định tuỳ thuộc vào số lượng âm, vần các em đã học.

Vì thế CT bao giờ cũng dành nhiều thời lượng cho việc học đọc, học viết này. Sau mục tiêu biết đọc, biết viết mới đến việc giúp HS phát triển vốn từ, làm quen với những hiểu biết sơ giản về thế giới xung quanh mình thông qua các bài đọc.

Có thể nói yêu cầu trên là chung cho tất cả các CT học tiếng mẹ đẻ của mọi quốc gia. Nhưng biên soạn SGK và tổ chức dạy học thế nào để đạt được MỤC TIÊU và NHỮNG YÊU CẦU ấy là rất khác nhau đối với từng bộ sách. Chẳng hạn, về tốc độ dạy âm, vần có bộ sách chỉ tập trung trong học kì 1 để sang học kì 2, học sinh có thể tiếp xúc với các bài tập đọc theo chủ đề; có những bộ sách dạy kĩ hơn phần âm, vần nên đến giữa học kì 2, học sinh mới đọc bài đọc hiểu hoàn chỉnh.

Về ngữ liệu gợi ý, số lượng văn bản ở mỗi kiểu loại khác nhau, tuỳ theo yêu cầu cần đạt của chương trình ở từng lớp, nhóm lớp. Danh mục bao gồm văn bản mới và văn bản đã, đang được sử dụng trong SGK hiện hành (có sự phân bổ cho phù hợp với yêu cầu cần đạt ở mỗi lớp) nhằm đảm bảo kế thừa và đổi mới. Ở nhóm các lớp 1, 2 và 3 danh mục ngữ liệu gợi ý gồm các truyện, văn xuôi và thơ (mỗi thể loại khoảng 20 văn bản hoặc trích đoạn ). Ví dụ, tiêu biểu cho thể loại truyện, văn xuôi có: Bông cúc trắng (Truyện cổ Nhật Bản), Chú lính chì dũng cảm (Truyện cổ Andersen), Con quạ thông minh ( J La Fontaine), Cô bé quàng khăn đỏ (Truyện cổ Grim), Hồ Gươm (Ngô Quân Miện), Không nên phá tổ chim ( Quốc văn giáo khoa thư)… Tiêu biểu cho thể loại thơ có: Anh đom đóm (Võ Quảng), Bàn tay cô giáo (Nguyễn Trọng Hoàn), Cái Bống ( ca dao Việt Nam), Cái trống trường em (Thanh Hào), Cánh cam lạc mẹ (Ngân Vịnh), Cánh cửa nhớ bà (Đoàn Thị Lam Luyến), Đi học ( Minh Chính), Gió từ tay mẹ ( Vương Trọng), Hoa nắng ( Trương Nam Hương), Quả ngọt cuối mùa (Võ Thanh An)… Hệ thống ngữ liệu trên chỉ là những gợi ý, việc tuyển chọn ngữ liệu cho từng bài học, từng chủ đề tuỳ thuộc vào quá trình tổ chức dạy học của từng bộ sách nhằm thoả mãn các yêu cầu cần đạt mà chương trình đã đề ra.

Các nguyên tắc trong việc chọn ngữ liệu cho các bài dạy Tiếng Việt lớp 1:

Việc chọn ngữ liệu cho các bài dạy Tiếng Việt lớp 1, với bất kì bộ sách nào cũng phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

(1) Ngữ liệu không được chứa tiếng có âm, vần chưa học.

(2) Ngữ liệu có tần suất các tiếng có chứa âm vần cần ôn luyện ở tiết học đó nhiều nhất có thể.

(3) Ngữ liệu cần vào được hiện thực hoá trong bối cảnh sử dụng để trẻ có thể nhanh chóng biết cách sử dụng âm, vần đã học vào tình huống giao tiếp.

(4) Hệ thống ngữ liệu phân bố theo quy định về tỉ lệ giữa văn bản văn học và văn bản thông tin. Trong văn bản văn học lại phải đảm bảo sự phân bổ tỉ lệ giữa văn bản truyện (cổ tích, ngụ ngôn, truyện tranh, đoạn văn miêu tả) và văn bản thơ (bài thơ, đoạn thơ, bao gồm cả đồng dao …).

(5). Ngữ liệu phải đảm bảo độ dài quy định, ví như: Truyện và đoạn văn miêu tả miêu tả khoảng 90 đến 130 chữ; Thơ khoảng 50 đến 70 chữ; Văn bản thông tin khoảng 90 chữ.

(6). Ngữ liệu phải hợp với tâm lý của trẻ lớp 1, nghĩa là từ ngữ vừa có phải có ý nghĩa tích cực lại đảm bảo tính thú vị, hấp dẫn

(7). Việc chọn ngữ liệu phải đảm bảo tính thẩm mĩ, có giá trị nhân văn và có tính đến yếu tố vùng miền

Với ngần ấy nguyên tắc thì việc chọn ngữ liệu cho các bài đọc với tác giả soạn SGK lớp 1 quả là không đơn giản, nhất là với những bài học trong giai đoạn đầu học Âm – chữ ghi âm và vần. Vì người viết sách sẽ luôn phải lập một “ma trận” để chọn đúng tiếng / từ có chứa âm vần trẻ đã học. Tình hình này dẫn đến những câu gượng ép, những đoạn mà người đọc cho là ngây ngô. Kiểu như: Bờ đê có cỏ, bò bê no nê; Bố có bể cả, Hà có cá cờ…

Việc đưa nguyên tắc “ Ngữ liệu không được chứa tiếng có âm, vần chưa học” lên hàng ưu tiên số 1 là hoàn toàn hợp lí. Việc này phù hợp với quá trình thụ đắc ngôn ngữ của trẻ khi học tiếng mẹ đẻ. Vì đọc ở lớp 1 phải là hoạt động “giải mã văn tự ghi âm” như đã phân tích ở trên (ngược với viết là “kí mã âm thanh”) thực chất là trẻ phải hiểu được một cách thấu đáo, tường tận những gì đã thu nhận, chứ không đơn giản là “xướng” lên theo cô như cách “đọc” ở trường mẫu giáo. Nếu không đưa nguyên tắc này lên hàng ưu tiên, chúng ta sẽ lại lặp lại sai lầm như với cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 thời kì đầu cải cách giáo dục (thập niên 80 của thế kỉ XX) do tác giả Nguyễn Thị Nhất là chủ biên. Cuốn sách Tiếng Việt 1 CCGD này thất bại do những sai lầm trong quan điểm lựa chọn ngữ liệu. Sách lấy quan điểm “trực giác toàn bộ” kèm theo tư tưởng “bất học thi vô dĩ ngôn” làm tôn chỉ. Câu nói “bất học thi vô dĩ ngôn” được tác giả soạn sách hiểu là “không học thơ văn thì không học được ngôn ngữ” – ở đây là học vần. Và từ cách hiểu “không học thơ văn thì không học được ngôn ngữ”, các tác giả soạn sách đã đưa ra nguyên tắc “học văn” trước rồi mới “học vần”. Nghĩa là cứ cho trẻ tiếp xúc với những câu văn có lời hay ý đẹp bằng cách nhìn sách rồi “đọc” theo cô như kiểu học hát ở mẫu giáo. Sau đó từ câu khoá, tách ra từ khoá, tiếng khoá rồi “lòng thòng” theo sơ đồ hình quả trám mà tách ra âm hoặc vần cần học. Ví như muốn dạy vần “ong”, câu khoá sẽ là “long lanh đáy nước in trời”, tách ra từ khoá “long lanh”, rồi tách ra tiếng khoá “long”; sau đó theo sơ đồ hình quả trám mà tách ra vần “ong” để dạy đọc và viết vần “ong”.

Vì quá “duy mĩ ” khi tập trung vào việc tuyển chọn những câu thơ, câu văn có lời hay ý đẹp cho trẻ “đọc” rồi mới phân tích ra âm, vần cần học; vô hình trung sách đã kéo dài tiến trình đọc, khiến trẻ học vẹt… Và cái giá phải trả là sau cả năm lớp 1, trẻ thao thao bất tuyệt những câu văn hay, bay bổng mà việc đọc và viết đúng nghĩa thì “dậm chân tại chỗ”, khiến cuốn sách sau khoảng 10 năm triển khai với mấy lần chỉnh sửa đã phải “khai tử”.

CT GDPT 2018 có những điểm mới nào?

Có thể nói, điểm mới của CT GDPT 2018 là chuyển chuyển từ Dạy học định hướng nội dung sang Dạy học phát triển phẩm chất và năng lực. Dạy học định hương nội dung tập trung trả lời câu hỏi: Chúng ta muốn học sinh biết những gì? với cách tiếp cận chủ yếu dựa vào cấu trúc nội dung học vấn của khoa học bộ môn nên nặng về lí thuyết, tính hệ thống và thường mang tính “hàn lâm”. Dạy học phát triển năng lực tập trung trả lời câu hỏi: Chúng ta muốn học sinh có thể làm được gì từ những điều đã biết? với cách tiếp cận không chỉ quan tâm đến chất liệu (kiến thức, kĩ năng, thái độ) mà chú ý nhiều hơn đến cách thức, phương pháp giúp học sinh không chỉ mở mang tri thức mà còn hiểu và biết cách tìm ra tri thức đó, biết tri thức đó giúp được gì cho mình trong cuộc sống hàng ngày và trong tương lai…

Việc chuyển hướng dạy của CTGDPT 2018 là một bước tiến quan trọng theo hướng xã hội hóa, cập nhật với xu thế quốc tế. Trên bước đường thay đổi ấy sẽ gặp nhiều va vấp, những sai sót là khó tránh khỏi trong quá trình tiếp cận và triển khai không chỉ ở khâu biên soạn SGK mà còn ở quá trình tổ chức dạy và học, quá trình kiểm tra đánh giá kết quả người học…

Dù có nhiều ý kiến trái chiều về việc chọn ngữ liệu, nhưng bộ sách Cánh Diều được nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước lựa chọn bởi tính ưu việt, dễ dạy, dễ học   với mục tiêu “Mang cuộc sống vào bài học – đưa bài học vào cuộc sống” .

PGS –TS  Đỗ Xuân Thảo (ĐHSP Hà Nội)

Bài viết liên quan