Sáng 12/12/2023, tại tỉnh Hậu Giang, Bộ NN&PTNT phối hợp với tỉnh Hậu Giang tổ chức lễ phát động thực hiện đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, lãnh đạo các bộ ngành trung ương, địa phương cùng một số tổ chức quốc tế. Đề án đã được Chính phủ phê duyệt thực hiện ở 12 địa phương vùng ĐBSCL (trừ tỉnh Bến Tre) từ năm 2024 đến 2030.
Mục tiêu chung và diện tích tại các địa phương
Đề án cho biết, năm 2022, cả nước trồng lúa diện tích 7.115.000 ha, năng suất 6,01 tấn/ha, sản lượng 42.747.000 tấn; ĐBSCL có 3.802.000 ha, năng suất 6,19 tấn/ha và sản lượng 23.553.000 tấn. ĐBSCL đã cơ giới hóa làm đất 100%, thu nhoạch 95%, chăm sóc và bảo vệ thực vật 85%, gieo sạ 75%, thu gom rơm 30%. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đến sản xuất lúa: Gây hạn mặn, làm tăng phát thải nhà kính (methane chủ yếu từ canh tác lúa). Trong lúc, thu nhập người nông dân còn thấp, thống kê năm 2020 chỉ đạt 12,3 triệu đồng/hộ và không ổn định. Nguyên nhân chính do quy mô còn nhỏ, tổ chức sản xuất chưa hiệu quả, trình độ thấp và hao hụt trong sản xuất còn cao.
Đặc biệt, thiếu hệ thống kiểm soát phát thải khí nhà kính: Chưa có quy định cụ thể và khung hệ thống Đo đạc – Báo cáo – Thẩm định (MRV) quốc gia; Thực hiện MRV hiện còn dựa trên tinh thần tự nguyện; Thiếu thông tin, thiếu đồng bộ trong quản lý, thu thập cơ sở dữ liệu để thiết lập đường phát thải cơ sở và xây dựng các chỉ số giám sát; Các cán bộ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về MRV. Trong lúc, thị trường và nhu cầu tiêu dùng gạo trên thế giới ngày càng yêu cầu sản xuất xanh, bền vững, tiêu dùng xanh, thân thiện môi trường.
Đề án nhằm: “Xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở ĐBSCL mang tính đột phá trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, đóng góp vào tăng trưởng xanh và góp phần thực hiện các cam kết của Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26), hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.
Mục tiêu chung là hình thành 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế. Mục tiêu cụ thể, diện tích chuyên canh đến năm 2025 đạt 300.000 ha và năm 2030 đạt 1 triệu ha. Sản lượng lúa tại các vùng chuyên canh năm 2025 là 3,8 triệu tấn và năm 2030 là 13 triệu tấn.
Thực hiện các tiêu chí về canh tác bền vững ở năm 2025 và 2030: Lượng lúa giống gieo sạ dưới 80 – 100 kg/ha và dưới 70 kg/ha. So với canh tác truyền thống, lượng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học giảm 20% và 30%, lượng nước tưới đều giảm 20%. Diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững đều đạt 100%.
Về tổ chức lại sản xuất cũng với mốc thời gian năm 2025 và 2030: Liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, HTX hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đạt 100% diện tích. Tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất đạt trên 50% và trên 70% diện tích. Số hộ áp dụng quy trình canh tác tiên tiến bền vững trên 300.000 hộ và trên 1.000.000 hộ.
Về bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh ở năm 2025 và 2030: Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 10% và dưới 8%. Tỷ lệ rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và tái sử dụng, chế biến trên 70% và 100%. Giảm cường độ phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống đều trên 10%. Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo ổn định, đạt trên 30% và trên 40%. Tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa trên 40% và trên 50%. Lượng gạo xuất khẩu chất lượng cao, phát thải thấp trong vùng chuyên canh đều trên 20%.
Địa bàn triển khai đề án: Giai đoạn 1 (2024 – 2025): Năm 2024 triển khai cho diện tích đã áp dụng quy trình canh tác bền vững trong VnSAT khoảng 180.000 ha. Trên cơ sở vùng thuộc Dự án VnSAT, năm 2025 sẽ triển khai mở rộng và đạt 300.000 ha. Giai đoạn 2 (2026 – 2030): Đề án sẽ mở rộng để hướng tới mục tiêu đạt 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở ĐBSCL vào năm 2030.
Cụ thể diện tích năm 2030 ở 12 địa phương: An Giang có 200.000 ha, Bạc Liêu 45.000, Cần Thơ 50.000, Cà Mau 30.000 ha, Đồng Tháp 163.000 ha, Hậu Giang 35.000 ha, Kiên Giang 200.000 ha, Long An 120.000 ha, Sóc Trăng 77.000 ha, Tiền Giang 30.000 ha, Trà Vinh 45.000 ha, Vĩnh Long 20.000 ha. Tổng cộng 1.015.000 ha.
Kế hoạch triển khai
Năm 2024 bắt đầu triển khai trên diện tích vùng lúa thuộc Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững trong VnSAT. Đến năm 2025 đạt 300.000 ha và sau đó, mỗi năm tăng thêm 100.000 ha mở rộng dần dần tới mục tiêu 1 triệu héc ta vào năm 2030.
Tiêu chí lựa chọn vùng tham gia đề án: Được quy hoạch là đất chuyên trồng lúa trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2030, phù hợp với quy hoạch cấp tỉnh và quy hoạch vùng ĐBSCL, có diện tích liền mảnh tối thiểu 50 ha. Có hệ thống bờ bao hoàn chỉnh, hệ thống tưới tiêu chủ động. Hạ tầng điện, viễn thông và hậu cần đảm bảo hỗ trợ tốt cho sản xuất, chế biến kinh doanh lúa gạo.
Tiêu chí canh tác bền vững và tăng trưởng xanh: Vùng được đề xuất hiện có trên 20% diện tích lúa đã áp dụng một trong các quy trình canh tác bền vững hoặc các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận. Trên 70% diện tích canh tác lúa đã sử dụng giống lúa xác nhận hoặc tương đương. Có 100% hộ trong vùng cam kết thu gom rơm khỏi đồng ruộng để chế biến tái sử dụng.
Tiêu chí về tổ chức sản xuất: Diện tích đã liên kết đạt trên 30% tổng diện tích, trong đó có 50% số hộ trong vùng tham gia liên kết thông qua các HTX, tổ hợp tác và liên kết với doanh nghiệp. Trên 40% hộ trong vùng đã được tập huấn quy trình canh tác bền vững hoặc các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận. Có tổ chức khuyến nông tham gia hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân.
Tiêu chí doanh nghiệp tham gia liên kết: Có liên kết với HTX hoặc tổ chức nông dân ít nhất về bao tiêu sản phẩm. Doanh nghiệp cam kết tham gia đề án và có năng lực để tổ chức, giám sát quá trình sản xuất lúa gạo ở vùng liên kết.
Dựa trên các tiêu chí đăng ký tham gia đề án, các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với Bộ NN&PTNT rà soát diện tích đủ tiêu chí để mở rộng với 300.000 ha vào năm 2025, tiếp đó mở rộng để hướng tới mục tiêu 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở ĐBSCL vào năm 2030. Tổ chức lại sản xuất và đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho các hộ trồng lúa, HTX, doanh nghiệp đăng ký tham gia và cam kết thực hiện quy trình canh tác lúa bền vững, phát thải thấp. Hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm logistics gắn với vùng chuyên canh có sự tham gia của các HTX và doanh nghiệp. Xây dựng chương trình khuyến nông riêng cho phát triển sản xuất lúa phát thải thấp vùng ĐBSCL, trong đó ưu tiên nâng cao năng lực cho tổ chức khuyến nông cộng đồng.
Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại vùng chuyên canh: Nâng cấp các công trình thủy lợi hiện có và hoàn thiện hệ thống kênh mương kết hợp với giao thông nội đồng để chủ động tưới, tiêu, quản lý xâm nhập mặn, quản lý nước và thuận lợi cho máy móc vận hành, di chuyển. Rà soát mạng lưới kho, sấy, chế biến trong vùng chuyên canh lúa để tạo điều kiện về mặt bằng cho doanh nghiệp liên kết sản xuất – tiêu thụ mở rộng cơ sở sấy, chế biến nâng cao hiệu quả và quy mô liên kết. Hình thành các trung tâm logistics ở các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, bảo đảm cung cấp tốt các dịch vụ kỹ thuật, bảo quản sau thu hoạch.
Huy động nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ các quỹ tài chính các-bon, các quỹ hỗ trợ trên thế giới. Tiếp cận các nguồn hỗ trợ kỹ thuật và tài chính không hoàn lại từ nguồn tài chính Chuyển đổi Tài sản Các-bon (TCAF) của WB để hỗ trợ xây dựng hệ thống Đo đạc – Báo cáo – Thẩm định (MRV) làm cơ sở cấp tín chỉ các-bon cho các diện tích đã áp dụng quy trình canh tác lúa phát thải thấp, hướng tới thị trường tín chỉ các-bon trong và ngoài nước để tăng thu nhập cho nông dân và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm lúa gạo. Hình thành tổ chức, đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ MRV và cấp tín chỉ các-bon.
Cơ chế, chính sách hướng tới hiệu quả
Áp dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện hành: Ưu tiên chương trình tín dụng hỗ trợ thực hiện liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo. Xây dựng cơ chế chi trả tín chỉ các-bon. Xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường sản phẩm gạo.
Nguồn vốn thực hiện đề án từ các nguồn chính: Ngân sách nhà nước Trung ương và địa phương giai đoạn 2024 – 2025. Giai đoạn 2026 – 2030 là nguồn tín dụng, nguồn xã hội hóa trong và ngoài nước; Các nguồn vốn tài trợ không hoàn lại, nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn hỗ trợ quốc tế khác; nguồn vốn bán tín chỉ các-bon từ sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính trong vùng đề án, nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Tổ chức thực hiện: Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, UBND các địa phương ĐBSCL hướng dẫn tổ chức triển khai đề án; chịu trách nhiệm xây dựng Hệ thống Theo dõi và Đánh Giá (M&E) dựa trên các chỉ số đầu ra của đề án và các mục tiêu cụ thể. UBND các tỉnh, thành phố ĐBSCL xác định các vùng, đăng ký và xây dựng kế hoạch thực hiện đề án, bố trí kinh phí thực hiện, ban hành cơ chế, chính sách của địa phương để thu hút đầu tư của doanh nghiệp. Các hiệp hội ngành hàng vận động, hỗ trợ thành viên tổ chức liên kết với HTX, doanh nghiệp tham gia.
Doanh nghiệp tham gia vào đề án: Tham gia cung ứng/bán phân bón đến tận HTX thông qua hợp đồng mua bán, hỗ trợ số hóa vùng nguyên liệu thông qua các phần mềm quản lý của doanh nghiệp. Giới thiệu các sản phẩm và công nghệ mới. Nâng cao thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm.
Các viện, trường, trung tâm nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ KHKT tham gia xây dựng quy trình sản xuất lúa, giới thiệu và phổ biến các tiến bộ KHKT. Phối hợp toàn diện về kỹ thuật trong việc tổ chức, xây dựng và triển khai vùng nguyên liệu.
Hướng tới hiệu quả kinh tế: Giảm 20% chi phí sản xuất để góp phần giảm khoảng 9.500 tỷ đồng cho các hộ trồng lúa (với sản lượng 13 triệu tấn lúa). Theo mức giá bình quân 5,1 triệu đồng/tấn thì việc tăng giá 10% sẽ tăng doanh thu bán lúa 7.000 tỷ đồng/năm (với 13 triệu tấn lúa). Ước tính 1 triệu héc ta lúa sẽ tăng lợi nhuận hơn 16.000 tỷ đồng.
Hiệu quả xã hội: Hộ nông dân tham gia liên kết với các doanh nghiệp qua HTX, bao tiêu sản phẩm. Người trồng lúa được bảo vệ tốt trước thiên tai, dịch bệnh và được hưởng những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ như chính sách bảo hiểm, tín dụng, quản lý đất lúa.
Hiệu quả về môi trường: Việc áp dụng các quy trình canh tác bền vững, xử lý sau thu hoạch hiệu quả sẽ góp phần giảm phát thải khí nhà kính từ canh tác lúa. Kinh nghiệm từ dự án VnSAT và các dự án lúa giảm phát thải trước đây thì việc áp dụng các quy trình canh tác tại vùng chuyên canh có thể giúp giảm phát thải khí nhà kính trung bình 5 tấn CO2/ha. Việc quản lý rơm rạ tốt hơn, được thu gom và tái sử dụng sẽ không gây tác hại xấu đến môi trường mà còn góp phần tăng giá trị. Trung bình sản xuất 1 tấn lúa tạo ra 0,6 tấn rơm, với giá bình quân 300.000 đồng/tấn rơm thì sẽ thu được thêm trên 2.000 tỷ/năm nếu đạt tỷ lệ 100% rơm được thu gom và bán ra ngoài.
Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (Dự án VnSAT) được triển khai từ năm 2017, với hợp phần phát triển lúa gạo bền vững triển khai ở ĐBSCL có 8 địa phương tham gia: Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang và Long An. Nông dân tham gia được tập huấn kỹ thuật canh tác “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” đạt 175.442 ha. Ước tính phần diện tích này giảm được 1,5 triệu tấn carbon, đồng thời giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho người dân. |
THANH HẢI (Theo TC AS&CS số in tháng 11+12/2023)