26 C
Hanoi
Thứ tư, 4 Tháng mười hai, 2024

Bất động sản Tây Nam Bộ: “Đón cơ hội trong vận hội mới”

Chiều ngày 22/02/2024 tại Trung tâm Hội nghị Vạn Phát Riverside, Hiệp Hội Bất động sản TP Cần Thơ và Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam phối hợp tổ chức Chương trình Bất động sản Tây Nam Bộ 2024 “Đón cơ hội trong vận hội mới”;Nhằm lý giải rõ tiềm năng của thị trường bất động sản (BĐS) Tây Nam Bộ đến nhà đầu tư cả nước…

Ông Dương Tấn Hiển – Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ, biểu dương nỗ lực vượt qua khó khăn của Hiệp hội BĐS thành phố Cần Thơ và thông tin về triển vọng của thị trường BĐS trên địa bàn thành phố trong thời gian tới. Ảnh: Trường Ca

Báo cáo tổng quan tại hội nghị cho biết, năm 2023 vừa qua  thị trường BĐS Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: 1.286 doanh nghiệp giải thể (tăng 7,7% so với năm 2022); 3.705 doanh nghiệp tạm ngừng có thời hạn (tăng 47% so với năm 2022); hàng nghìn môi giới đã bỏ nghề, chuyển đổi sang các lĩnh vực khác (chỉ còn khoảng 20-30% môi giới đang hoạt động); sức khỏe nội tại các doanh nghiệp BĐS chưa đủ mạnh để ứng phó với khó khăn, thách thức đang hiện hữu…

Quang cảnh hội nghị

Từ thực trạng chung nêu trên, BĐS khu vực Tây Nam bộ trong đó có Cần Thơ cũng không tránh khỏi nhiều khó khăn của tình trạng  giao dịch trầm lắng của thị trường BĐS. Dù vậy, theo các chuyên gia ngành BĐS và ngành tài chính nhận định, năm 2024 là năm bản lề cho chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường BĐS Việt Nam, trong đó BĐS Tây Nam bộ được đánh giá là thị trường nổi bật, điểm sáng về biên độ lợi nhuận khi sở hữu mặt bằng giá BĐS thấp so với cả nước.

Theo Hiệp hội BĐS TP Cần Thơ cho biết “BĐS Tây Nam bộ hiện đang bước vào “vận hội mới” khi nhận được sự quan tâm từ nguồn vốn Chính phủ về phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên tỉnh, liên vùng tại ĐBSCL. Dự kiến đến năm 2025, toàn Vùng sẽ có 550 km đường cao tốc. Trong đó, 2 tuyến cao tốc trọng điểm của Vùng là tuyến cao tốc TP.HCM – Mỹ Thuận – Cần Thơ – Cà Mau và tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng. Đón đầu cơ hội phát triển của Vùng, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tích cực rót vốn đầu tư phát triển các khu công nghiệp, cao ốc văn phòng, các khu nghỉ dưỡng, trường học, trung tâm thương mại…

Các chuyên gia trao đổi về thị trường BĐS năm 2024 – Ảnh: Trường Ca.

Việc quy hoạch các tỉnh trong  vùng ĐBSCL được Chính phủ phê duyệt đóng vai trò vừa là khung pháp lý cho việc quản lý, đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, vừa là yếu tố then chốt cho giai đoạn phát triển của vùng trong thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050. Đây cũng là tạo nên cú hích cho thị trường BĐS của vùng có nhiều tiềm năng phát triển. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, kéo theo các doanh nghiệp trong và ngoài nước tích cực rót vốn vào đầu tư trực tiếp, thu hút lao động đến an cư lạc nghiệp”.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cao cấp cho rằng: “Năm 2023, Chính phủ và các bộ, ngành có nhiều nghị quyết, quyết định, nghị định, thông tư, chỉ thị, công điện với mục đích tháo gỡ khó khăn cho thị trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư BĐS và người dân. Một cuộc giải cứu “có một không hai” trong lịch sử phát triển của ngành BĐS Việt Nam. Việc sửa đổi 3 luật lớn bao gồm: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đất đai được đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến thị trường địa ốc”. Ông Dương Quốc Thủy, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Cần Thơ nhận định: “Khu vực Tây Nam Bộ là một trong những địa phương được hưởng lợi từ các yếu tố tích cực của thị trường BĐS, đặc biệt khi trong Vùng có hàng loạt các dự án hạ tầng trọng điểm được hoàn thành và khởi công trong giai đoạn 2023-2025. Ghi nhận tại thành phố Cần Thơ cho thấy, tổng lượng giao dịch BĐS năm 2023 đạt 7.155 lượt (giảm 20% so với năm 2022). Tuy nhiên, xét tới quý IV-2023, lượng giao dịch đã tăng 8% so với quý III-2023, cho thấy những tín hiệu của thị trường BĐS vùng Tây Nam Bộ đã có chuyển biến tích cực. Từ những yếu tố trân, tin tưởng rằng, BĐS Tây Nam Bộ đang có nhiều cơ hội để “cất cánh” trong vận hội phát triển của BĐS thời kỳ mới”, ông Thủy nhấn mạnh.

Ký biên bản ghi nhớ hợp tác giữa diện doanh nghiệp Hàn Quốc với Hiệp hội BĐS TP Cần Thơ về phát triển căn hộ thông minh. Ảnh: Trường Ca.

Dự báo của các chuyên gia về thị trường BĐS Tây Nam Bộ năm 2024, nguồn cung các dự án sơ cấp trong Vùng sẽ tiếp tục khan hiếm. Nguồn cung chủ lực tại trung tâm TP. Cần Thơ là phân khúc căn hộ bao gồm căn hộ nhà ở xã hội và căn hộ cao cấp, trung tâm các huyện thị là đất nền. Đặc biệt, các dự án đất nền đang triển khai trong năm 2024 sẽ chiếm lợi thế. Phân khúc đất nền sẽ tiếp tục khan hiếm và sẽ tăng giá mạnh trong năm 2024 bởi quy định không được phân lô bán nền ở các đô thị loại đặc biệt, I, II, III có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025.

Về nguồn cầu, những sản phẩm có pháp lý chuẩn, được triển khai bởi chủ đầu tư uy tín, đáp ứng đúng nhu cầu thực, có mức giá và chính sách tốt sẽ thu hút đông đảo khách hàng và nhà đầu tư xuống tiền sở hữu. Theo đó, người mua ở thực và nhà đầu tư chuyển hướng quan tâm phân khúc căn hộ chung cư phân khúc cao cấp các quận trung tâm.

Về giá BĐS, dự báo giá bán sơ cấp có xu hướng tăng, đặc biệt là phân khúc căn hộ tăng 5-10%; phân khúc căn hộ chung cư cao cấp trở thành xu hướng an cư và đầu tư mới, được đón nhận tích cực; giá bán thứ cấp đi ngang và có xu hướng tăng nhẹ.

Về triển vọng về thị trường BĐS thành phố Cần Thơ, thông tin tại hội nghị, Ông Dương Tấn Hiển – Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ cho biết:

Trong năm 2023, TP.Cần Thơ có 5 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, gồm 3 dự án nhà ở thương mại và 2 dự án nhà ở xã hội, điều này góp phần vào sự “tăng nhiệt” của thị trường BĐS của Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL. Về thu hút các dự án đầu tư, trong năm 2023, UBND tỉnh đã trao hơn 40 chủ trương đầu tư, trong đó có 20 dự án được công bố có tổng vốn hơn 110.000 tỉ đồng.

Trên địa bàn thành  phố Cần Thơ hiện nay có 7 khu công nghiệp, với tổng diện tích 987.6ha (trong đó khu công nghiệp Vĩnh Thạnh giai đoạn 1 vừa khởi công trong năm 2023 với diện tích 293.7 ha).

Định hướng quy hoạch đến năm 2030, thành phố Cần Thơ có 14 khu công nghiệp thuộc địa bàn các quận, huyện: Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh với diện tích khoảng 7.473 ha. Theo đó sẽ thành lập mới 7 khu công nghiệp với tổng diện tích tăng lên gấp 6,5 lần đạt 6,485.8ha (tập trung chủ yếu tại Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt, Cờ Đỏ và Thới Lai).

Các khu công nghiệp khi đưa vào khai thác sẽ thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước về đầu tư phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương và thu hút đông đảo người lao động từ các tỉnh thành lân cận, tạo điều kiện cho thị trường BĐS Cần Thơ phát triển mạnh mẽ và đa dạng phân khúc.

 

    Trường CaTheo cantho.gov.vn

Bài viết liên quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM NHIỀU NHẤT