26 C
Hanoi
Thứ Hai, 5 Tháng Sáu, 2023

Bàn về Bản quyền và vi phạm Bản quyền ngữ liệu văn học trong Sách giáo khoa lớp 1

Print Friendly, PDF & Email

Việc vi phạm bản quyền, đặc biệt là bản quyền trong  sách giáo khoa (SGK) lớp 1 hiện nay, đã khiến dư luận bức xúc. Mọi vi phạm, bất kể dưới hình thức nào đều không được phép.

VLCC không chỉ phổ biến pháp luật, chủ trương của Nhà nước trong lĩnh vực bản quyền tác giả

VLCC có nhiệm vụ Phổ biến pháp luật, chủ trương của Nhà nước trong lĩnh vực bản quyền tác giả; đại diện cho các Tác giả thành viên thực hiện trong việc cấp phép, thu tiền bản quyền đối với các đơn vị, cá nhân sử dụng tác phẩm văn học; bảo vệ quyền lợi của hội viên khi xảy ra vi phạm bản quyền; hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước cũng như hoạt động khác phù hợp với luật pháp và Điều lệ của Trung tâm.

Đến 2007 Luật Sở hữu trí tuệ mới có hiệu lực thực thi trên đất nước Việt Nam. Và, tuy Việt Nam ký kết tham gia công ước Berne ( Bơn) từ  2004.  Từ 2011 trở lại đây, các nhà văn tự nguyện ký ủy quyền cho VLCC trong việc bảo vệ và khai thác bản quyền đối với tác phẩm văn học của mình.  Trong đó có 720 hội viên Hội Nhà Văn VN. Kho tác phẩm của VLCC hiện nay có trên 10.000 tác phẩm văn học, trong đó có 4900 bản sách cứng và 4500 file mềm lưu giữ tác phẩm của hội viên. Mỗi năm, trung bình VLCC khai thác được số tiền từ 600.0000000,0đ ( sáu trăm triệu) đến 620.000.000,0đ ( sáu trăm hai mươi triệu VNĐ), cơ bản từ các đối tác là tổ chức tập thể sử dụng tác phẩm văn học. VLCC đã chi trả đầy đủ và kịp thời theo đúng hợp đồng.

Tác giả được bảo vệ khi tác phẩm bị xâm phạm bản quyền

Một số vụ vi phạm bản quyền được giải quyết như năm 2018, vụ tác phẩm văn học Thiếu nhi của nhà văn Trần Đức Tiến bị đổi tên tác phẩm, thay tên tác giả, khai thác 12 năm không chi trả nhuận bút. VLCC đã yêu cầu đối tượng vi phạm xin lỗi công khai trên báo, trả nhuận bút đầy đủ có tính lãi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, hoặc mới đây cũng tác phẩm văn học thiếu nhi của nhà thơ Nguyễn Trung Hiếu bị đặt tên khác, khai thác 8 năm không trả nhuận bút, VLCC cũng đã đấu tranh đòi đầy đủ các quyền lợi cho hội viên của mình…

Về văn bản luật thì trong thời kỳ hội nhập này, các nội dung luật về bản quyền, sở hữu trí tuệ… của các nước cơ bản giống nhau. Chỉ khác là thời gian, kinh nghiệm hoạt động. Nhất là nhận thức của người dân về lĩnh vực này. Nhiều nước đã có bề dày trên 100 năm, thậm chí có nước thực hiện luật về bản quyề đã hơn 300 năm, trong khi nước ta mới đi vào lĩnh vực này hơn 10 năm. Vì vậy, VLCC xác định: Vừa làm vừa tuyên truyền, để người dân cũng như các tổ chức sử dụng tác phẩm văn học nâng cao nhận thức, từ chưa biết, đến biết, từ biết đến làm quen rồi thành thói quen: Đó là bất kỳ khi nào, ở đâu, khi sử dụng các tác phẩm văn học đều phải nghĩ ngay đến Bản quyền của tác giả! Từ đó thực hiện các quyền của tác giả theo đúng văn bản pháp luật!

Bảo vệ quyền tác giả văn học còn gặp nhiều khó khăn:

Nói đến cái khó riêng của bảo vệ quyền tác giả văn học là: Khi bị xâm phạm hay bị sử dụng, khai thác nó âm thầm, không lộ diện( như âm nhạc) chỉ khi vô tình hay có điều kiện mới phát hiện ra. Vì thế cần có các phương tiện hữu hiệu để từ đó quản lý ngay từ khi xuất bản tác phẩm.

Cái khó nữa là hiện nay, sách báo giấy không còn độc tôn trên thị trường, sách điện tử( Ibook) sách nói( Audio Book) đang phát triển mạnh. Người bảo vệ quyền tác giả văn học cần có các phương tiện hiện đại, như phần mềm quản lý, đối soát… mới mong đáp ứng nhiệm vụ của mình.Mà phần mềm và máy móc thiết bị này cấn số tiền lớn mới trang bị được.

Nhà nước cũng phải có cái nhìn mới và cần có đầu tư nhiều hơn cho việc Bảo vệ quyền tác giả nói chung và tác giả văn học nói riêng. Cùng với các hoạt động xã hội hóa như của chúng tôi, cùng nhiều các hiệp hội khác chung tay… mới mong hoạt động bảo vệ quyền tác giả ở nước ta có được kết quả tốt hơn.

Quyền tác giả là duy nhất và thống nhất, được Pháp luật bảo hộ. Quyền Nhân thân của tác giả là vĩnh viễn

Không có bản quyền loại sách này hay bản quyền loại sách khác. Quyền tác giả là duy nhất và thống nhất, được Pháp luật bảo hộ. Pháp luật chỉ quy định giá tiền khi khai thác tác phẩm văn học vào từng loại hình khác nhau mà thôi. Quyền Nhân thân của tác giả là vĩnh viễn.

Khi dùng các tác phẩm văn học vào các mục đích khác nhau như in tuyển tập theo  một vài tiêu chí,  chọn từng phần hay toàn bộ tác phẩm  vào sách có mục đích, trích có phân tích hoặc trích từng phần vào ấn phẩm mới, chuyển thể sang loại hình phái sinh v.v.. đều phải được phép của tác giả hoặc của người đươc quyền đại diện.

Thời gian gần đây, các báo chí rầm rộ đưa tin phản ánh và dư luận bức xúc về bản quyền SGK tiếng Việt lớp 1 của NXB GD VN, không trích dẫn nguồn, rồi“ chế” tác phẩm khiến tác phẩm bị thay đổi, biến dạng về ngữ liệu và ý nghĩa… đều là các hành vi vi phạm sâu sắc quyền tác giả và các quyền liên quan!

Một số người hiện nay hiểu rất đơn giản về hiệu lực luât bản quyền. Họ cho rằng sau 50 năm ngày tác giả mất ( theo luật Việt Nam và một số nước) thì họ có quyền sử dụng vô tội vạ tác phẩm văn học của nhà văn. Họ cho rằng tác phẩm lúc này là của xã hội, họ muốn làm gì cũng được. Họ quên rằng Quyền Nhân thân của tác giả là vĩnh viễn. Đó là quyền công bố, quyền đặt tên tác phẩm, công bố một phần hay từng phần, đặt tên tác phẩm, tên tác giả hay bút danh, quyền thay đổi nội dung, chỉnh sửa, quyền cho, biếu tặng… không ai có thể làm thay tác giả hoặc người được thừa kế, ủy quyền. Còn quyền về Tài chính thì mới không phải trả nhuận bút khi tác giả ( dịch giả) mất trên 50 năm.

Không thể lấy sự tâm huyết với trẻ mà làm trái luật

Nếu chuyện này xảy ra đối với việc làm SGK hiện nay thì thật đáng buồn và phải xử lý theo đúng Luật sở hữu trí tuệ đã được Quốc Hội thông qua. Mà không ai khác, các cơ quan Bảo vệ pháp luật phải lên tiếng. Nhất là các tác phẩm văn học của các tác giả nổi tiếng trên thế giới hay các tác giả được yêu mến của Việt Nam bị cắt xén, phóng tác, chuyển thể… làm mất nội dung, tư tưởng của tác giả, thậm chí méo mó, biến dạng  tác phẩm thì đó là sự thụt lùi của nước ta về thực hiện quyền tác giả.

Gần đây có đại biểu Quốc hội và công luận lên tiếng về quyền nhân thân của tác giả trong SGK Tiếng Việt của NXB GD VN.  Nơi khác vi phạm bản quyền đã đáng trách, ở đây là những người am hiểu pháp luật, lại viết sách cho thế hệ tương lai, nếu sự vi phạm xẩy ra thì sự đáng trách tăng lên nhiều lần. Không thể lấy sự tâm huyết với trẻ mà làm trái luật. Càng không thể để tâm hồn trẻ bị các tác phẩm văn học méo mó, biến dạng xâm chiếm. Mà  sự làm biến dạng, méo mó đó lại là từ sự bất chấp, cố tình của người lớn, không ghi rõ nguồn.

Việc phóng tác nội dung làm mất đi ý nghĩa của truyện dân gian Tấm Cám trong SGK Tiếng Việt  lớp 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống đã khiến ý nghĩa  câu chuyện bị biến dạng, phản GD…

 

Ngữ liệu trong sách Tiếng Việt bộ Kết nối tri thức với cuộc sống của NXB GDVN không trích nguồn khi sử dụng tác phẩm “Thu điếu” của  nhà thơ Nguyễn Khuyến.

Thư chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhạ  của ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy ( đoàn Đà Nẵng) về việc vi phạm quyền SGK Tiếng Việt lớp 1 của NXB GD VN và yêu cầu Bộ trưởng sớm công khai ngữ liệu  sai sót của 4 bộ SGK của NXB  lên công luận  để sớm được  sửa chữa cho thầy trò được sử dụng sách chuẩn..

Không ít ý kiến cho rằng nhiều ngữ liệu văn học dân gian được đem sử dụng vào SGK lớp 1 hiện nay của NXB GD VN cho học sinh sử dụng, đều “chế” một cách tùy tiện, khiến nội dung, ý nghĩa biến dạng, phản GD. Khi  ngữ liệu làm biến dạng tác phẩm GD, khiến ý nghĩa câu chuyện hoặc sự trong sáng của tiếng Việt không còn nữa, cần phải được thay thế ngay lập tức. Trẻ em cần được học những tác phẩm trong sáng, chuẩn mực về ngôn ngữ, không thể ngụy biện rằng, để từ từ sẽ xem xét, sẽ đính chính, sẽ bổ sung sau…Nhất là SGK cho trẻ em lớp 1 nói riêng và học sinh nói chung.

Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam (VLCC), được thành lập theo công văn số 2118/ BNV-TCPCP ngày 23 tháng 8 năm 2004 của Bộ Nội Vụ và Quyết định số 80/QĐ- TCHV ngày 30 tháng 8 năm 2004 của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.  Như thế VLCC đã thành lập và hoạt động trên mười sáu năm.

Nhà văn Đỗ Hàn

(PGĐ Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam)

 

 

Bài viết liên quan