Chiều 13-10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV đã bầu Ban Chấp hành 9BCH) Đảng bộ tỉnh, lấy ý kiến đại biểu giới thiệu chức danh Bí thư Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2020-2025.
Ông Lê Tiến Châu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang được Bộ Chính trị, Ban Bí thư đồng ý giới thiệu để bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang (nhiệm kỳ 2020-2025).
Theo đó, các đại biểu tham dự Đại hội đã bầu 50 ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 trong tổng số danh sách 57 ứng cử viên do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII (2015-2020) giới thiệu. Đại hội cũng đã lấy ý kiến đại biểu giới thiệu chức danh Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025 đối với ông Lê Tiến Châu.

Trước khi tổ chức Đại hội, tỉnh Hậu Giang được Bộ Chính trị đồng ý phê duyệt quy hoạch chức danh Bí thư Tỉnh ủy gồm 5 đồng chí gồm: Lê Tiến Châu (Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh); Trần Văn Huyến (Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy); Đồng Văn Thanh (Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh); Nguyễn Thiện Nhơn (Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy) và Trương Cảnh Tuyên (Phó Chủ tịch UBND tỉnh). Trong đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đồng ý giới thiệu đồng chí Lê Tiến Châu để bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2020-2025.
Đến cuối giờ chiều 13/10, Ban kiểm phiếu đã công bố kết quả bầu cử BCH Đảng bộ tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2020- 2025 với 50 người trúng cử ủy viên Ban chấp hành khóa XIV. Trong đó, có 29 ủy viên Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2015-2020 tham gia tái cử đều tái đắc cử nhiệm kỳ mới.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, chính thức khai mạc vào sang ngày 13/10, với sự tham dự của 349 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 33.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đến dự và chỉ đạo Đại hội. Cùng dự Đại hội của Đảng bộ tỉnh Hậu Giang, có các đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam và lãnh đạo Bộ Nội vụ, Quân khu 9, Tổng Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Trung ương Đảng…

Phát biểu khai mạc đại hội, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, nhiệm kỳ vừa qua, toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị tỉnh tiếp tục ổn định, duy trì và phát huy truyền thống đoàn kết, đồng tâm hiệp lực, lãnh đạo cán bộ đảng viên và nhân dân đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Hậu Giang vẫn còn là tỉnh nghèo; đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, lại phải ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng; các lĩnh vực kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông còn yếu kém…
Ông Châu cho biết, nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh đã không ngừng phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực thực hiện đạt những kết quả tích cực, thu hút đầu tư có chuyển biến tích cực. Đến nay, tỉnh có 355 dự án đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 127.623 tỷ đồng. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài: Đến nay, thu hút được 30 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 553 triệu USD.

Trong 5 năm (2015-2020) toàn tỉnh có thêm 3.000 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký gần 15.000 tỷ đồng, tăng 76% về số doanh nghiệp và tăng 91% về số vốn đăng ký so với nhiệm kỳ trước, bình quân quy mô một doanh nghiệp khoảng 05 tỷ đồng, tăng 9% so với nhiệm kỳ trước. Đặc biệt nhiều nội dung trong 3 nhiệm vụ đột phá của nhiệm kỳ đạt kết quả nổi bật, hầu hết các chỉ tiêu đạt và vượt, hoàn thành mục tiêu nghị quyết. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của tỉnh đạt 6,3%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 49,96 triệu đồng (bằng 95,6% của bình quân vùng ĐBSCL và 76,1% cả nước), đạt 90,8% chỉ tiêu nghị quyết…
Một trong những mục tiêu của Hậu Giang nhiệm kỳ 2020-2025 là huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển, ưu tiên công nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khá trong vùng đồng bằng song Cửu Long. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6,5-7%/năm; GRDP bình quân đầu người 77-80 triệu đồng; Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực I, tăng tỷ trọng khu vực II và III, khu vực I còn dưới 22%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1%/năm; có 1.000 doanh nghiệp thành lập mới; chỉ số cải cách hành chính nằm trong nhóm 30 tỉnh dẫn đầu…
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính chúc mừng và biểu dương những thành tựu địa phương này đạt được trong thời gian qua, đồng thời chỉ đạo: biểu dương những thành tựu địa phương này đạt được trong thời gian qua, đồng thời chỉ đạo: “Đại hội tập trung thảo luận kỹ những hạn chế, yếu kém, phân tích sâu sắc hơn về công tác xây dựng Đảng; làm rõ nét hơn về nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và rút ra các bài học kinh nghiệm quý báu để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong nhiệm kỳ tới. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang cần phát huy hơn nữa ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, tinh thần đoàn kết; thi đua phấn đấu tạo nên sức mạnh tổng hợp, đưa Hậu Giang phát triển nhanh, bền vững hơn trong thời gian tới…”.
Gợi mở về định hướng phát triển kinh tế trong thời gian tới, đồng chí Phạm Minh Chính cũng lưu ý, tỉnh Hậu Giang muốn phát triển bền vững cần dựa vào tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh của địa phương. Vì vậy, phải có quy hoạch tốt và phát huy lợi thế nằm ở trung tâm tiểu vùng Tây sông Hậu, tiếp giáp Cần Thơ nên gần với sân bay, bến cảng lớn của vùng. Từ đó sẽ giúp Hậu Giang dễ dàng kết nối, hợp tác phát triển với các tỉnh trong khu vực và cả nước, để cụ thể hóa thành mục tiêu, phương hướng, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội cho phù hợp trong giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Đồng thời đổi mới toàn diện, phát triển kinh tế xã hội trong đó chú ý các giải pháp huy động các nguồn lực để phát triển, trọng tâm là 3 đột phá chiến lược: hoàn thành xây dựng và thực hiện Quy hoạch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tiếp tục tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ trọng điểm, nhất là giao thông kết nối liên vùng và hạ tầng khu, cụm công nghiệp.
Chú trọng phát triển đô thị dựa trên nền tảng phát triển công nghiệp – dịch vụ nhằm tạo công ăn việc làm cho người lao động, thu hút người dân đến công tác, sinh sống. Qua đó sẽ thúc đẩy lĩnh vực bất động sản tăng trưởng mạnh hơn, ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Theo chương trình Đại hội, ngày 14/10, Hội nghị lần thứ nhất BCH Đảng bộ tỉnh hậu Giang nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ bầu Ban thường vụ, các phó bí thư, Ủy ban kiểm tra và Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra. Chiều cùng ngày, đại hội bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc và thông qua dự thảo Nghị quyết Đại hội. Sau đó bế mạc kết thúc Đại hội.
Văn Ca – Phương Dung