Trong mối quan tâm về môi trường của năm 2016, nhà máy nhiệt điện than ở ĐBSCL nổi lên vị trí đặc biệt bởi nguy cơ gây ảnh hưởng nhiều mặt cho vựa lúa gạo, thủy sản và trái cây quốc gia. Cho nên, cũng đã diễn ra tranh luận và 10 nội dung thường gặp được đưa đến TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu của Trường Đại học Cần Thơ.
1/Phải chọn nhiệt điện than vì an ninh năng lượng quốc gia?
An ninh năng lượng phải bao gồm chuỗi các hoạt động từ nguồn cung nguyên liệu, lắp đặt nhà máy và thiết bị sản xuất điện, vận hành nhà máy, hệ thống truyền tải điện đến nơi tiêu thụ cuối cùng. Nếu trên 50% nguồn năng lượng cung ứng cho một hệ thống điện quốc gia phải nhập từ bên ngoài, nghĩa là chúng ta sẽ rơi vào thế lệ thuộc vào bên ngoài và chịu nhiều rủi ro.

Từ đó, rõ ràng, việc vận chuyển than từ xa xôi đến nơi đặt nhà máy ở ĐBSCL, chủ yếu bằng đường biển, sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Thực tế, hiện nay Việt Nam vẫn chưa có một hợp đồng dài hạn nào để nhập khẩu than cho tương lai vì vẫn chưa xác định nguồn nhập khẩu than từ nước nào, sẽ thoả thuận nhập với giá bao nhiêu, tất cả đều là ẩn số và chứa đựng nhiều bất trắc. Tương lai, khi nguồn than trong nước cạn kiệt, phải nhập than từ Indonesia và Úc, chủ yếu là than bitum. Với loại than bitum, các nhà máy trong nước phải điều chỉnh quy trình đốt và phát điện.
2/Chọn nhiệt điện than vì giá thành sản xuất rẻ, nhất là so sánh với điện từ năng lượng tái tạo?
Cần đánh giá lại lập luận này, vì có nhiều chứng cứ cho thấy là giá thành nhiệt điện than không hề rẻ, nếu không muốn nói là khá đắt! Nhiệt điện than tính theo giá bán sản phẩm điện hiện nay là giá không thật, có nhiều yếu tố “bao cấp”, như kiểm soát giá nhiên liệu (ví dụ như than và khí đốt), được chỉ đạo theo phê duyệt từ Nhà nước, không bao hàm giá cả thị trường tự do. Khi lắp đặt các nhà máy nhiệt điện than tại ĐBSCL và phải nhập khẩu than trong tương lai gần thì giá điện ra thị trường sẽ là 8,3 US$ cent/kWh. Nếu áp dụng thuế carbon từ sử dụng nhiên liệu hoá thạch (từ 5 – 10 USD/tấn) thì giá điện than còn cao hơn nữa, lên đến hơn 10 US$ cent/kWh. Cách tính giá này đều không xét đến chi phí môi trường và xã hội, cộng vào sẽ rất lớn. Ngoài ra những điều kiện cơ sở hạ tầng cho việc nhập khẩu than như cảng biển, trục giao thông để chuyển than đến nhà máy… vẫn chưa xác định rõ.
Đề xuất của Bộ Công Thương trình Chính phủ, giá điện gió hiện hành là 7,8 US$ cent/kWh, điện mặt trời quy mô lớn là 11,2 US$ cent/kWh và điện mặt trời lắp trên mái nhà là 15 US$ cent/kWh. Trong lúc, năm 2015, Công ty điện Enel Green đã ký một hợp đồng bán điện mặt trời cho Mexico với giá 3,6 US$ cent/kWh và giá 3 US$ cent/kWh ở Morroco. Ở Dubai (Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất) giá điện mặt trời chỉ có 2,99 US$ cent/kWh. Nếu so với giá điện mặt trời năm 2014 ở Mỹ là 5 US US$ cent/kWh thì chỉ sau 16 tháng, dự án điện 800 MW ở Dubai năm 2015 đã làm giá điện mặt trời ở đây giảm xuống 50%.
Nếu đưa giá xã hội liên quan đến carbon vào và so sánh lợi ích khi giảm thiểu sự phát thải khí nhà kính và các phí tổn phải trả trong tương lai theo tính toán của Sundqvist and Soderholm (2002) thì giá điện than trung bình có thể lên đến 18,75 US$ cent/kWh, trong khi điện gió giảm còn 0,41 US$ cent/kWh và điện mặt trời là 1,12 US$ cent/kWh.
3/Nguồn thuỷ điện ở Việt Nam (chiếm tỉ lệ lớn trong cơ cấu nguồn điện quốc gia) chịu tác động do biến đổi khí hậu nên phải có nhiệt điện than bù đắp?
Nhưng thay thế sự thiếu hụt hoặc giảm hiệu quả của thuỷ điện bằng nguồn nhiệt điện thì vấn đề chẳng những không được giải quyết căn cơ mà còn gánh thêm rủi ro. Thời tiết khô nóng khiến các quá trình giải nhiệt nhà máy khó khăn hơn, gió mạnh và đổi hướng bất thường tạo điều kiện cho quá trình phát tán tro bụi đi xa hơn và những trận mưa bất thường làm khả năng tạo mưa acid rộng hơn.
Còn sự gia tăng nhiệt độ đáng kể, mùa nắng có khuynh hướng kéo dài hơn, gió mạnh dần lên trong tương lai,… nếu xét kỹ, lại là lợi thế cho phát triển năng lượng tái tạo. Các mô hình toán học phỏng đoán biến đổi khí hậu theo các kịch bản phát thải khí nhà kính khác nhau, ĐBSCL mùa nắng sẽ kéo dài hơn khoảng 2 tuần, số ngày có nhiệt độ trên 35oC tăng từ 150 – 180 ngày/năm như hiện nay lên 180 – 210 ngày/năm, rất tốt cho khai thác điện mặt trời. Tốc độ gió của các tháng trong năm 2020 – 2050 trung bình tăng 10 – 20% so với hiện nay, nếu đầu tư xây dựng các nhà máy điện gió, nguồn cung ứng động lực cho các turbine gió ngày càng dồi dào.
4/Quy hoạch bố trí 14-15 nhà máy nhiệt điện than ở ĐBSCL là trên cơ sở xem xét vùng kinh tế trọng điểm, có nhu cầu sử dụng điện gia tăng?
Cần phải hiểu ĐBSCL là vùng kinh tế “ít sử dụng điện” vì sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản. Ngoài ra, vùng ĐBSCL có đặc điểm đa dạng sinh học cao, có nhiều khu đất ngập nước Ramsar, khu dự trữ sinh quyển, các vườn quốc gia nên rất nhạy cảm với ô nhiễm không khí, nguồn nước. Các hoạt động du lịch sinh thái ở những nơi này đều không có nhu cầu sử dụng điện cao. Tiêu thụ điện sinh hoạt ở ĐBSCL cũng thấp do phần đông người dân có thu nhập thấp và sống ở vùng nông thôn trên 70% dân số.
5/Các dự án điện than sẽ giúp tạo thêm việc làm và tăng GDP cho quốc gia và địa phương ở ĐBSCL?
Thực tế, tại các khu công nghiệp điện than, trước tiên người dân sở tại bị mất đất sản xuất và cư trú phải di dời vào các vùng tập trung chật hẹp và khó sống khác. Lời hứa tạo thêm công ăn việc làm chẳng qua là những công việc lao động tay chân mang tính thời vụ. Chủ đầu tư luôn lấy cớ là thanh niên nông thôn không có tay nghề, trình độ nên không được tuyển dụng. Người lớn tuổi cũng không được chọn trong khi nghề nghiệp chính của họ là làm ruộng, nuôi tôm cá không có cơ hội sản xuất. Các hoạt động du lịch sinh thái ven sông, ven biển bị thu hẹp và đe doạ lụi tàn. Một số nơi xa hơn, các nghề truyền thống của người dân địa phương như làm muối, chế biến nông hải sản, nuôi tôm cá, dịch vụ nông thôn cũng điêu đứng vì hoạt động xả thải của nhà máy. Việc đóng góp thêm cho ngân sách địa phương không thể nào bù được những mất mát sinh kế và tổn hại sức khoẻ của cộng đồng.

6/Bố trí 14 nhà máy nhiệt điện than ở ĐBSCL vì đất ở đây rẻ và chi phí đền bù mất đất cho người dân tại chỗ không đáng kể nếu so với các khu vực khác?
Tuy nhiên, cần phải xem xét các yếu tố khác. Đây là vùng sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản, bị thu hẹp sẽ trực tiếp đánh vào an ninh lương thực và xã hội của đất nước. Địa chất rất yếu nên chi phí nền móng công trình cao, tính ra đắt hơn tiền đền bù đất đai.
Ví dụ điển hình: Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 ở tỉnh Trà Vinh, phải hút 26 triệu khối cát ven biển để đắp nền, khiến tình trạng sạt lở ven biển Trà Vinh thêm mãnh liệt, nhất là đoạn nhà máy và kéo dài cả 14 km đường bờ biển chung quanh. Trà Vinh phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để làm kè gia cố đường bờ nhưng cũng chỉ là những giải pháp tạm thời.
7/Các cảnh báo, dự báo ô nhiễm không khí, gây bệnh tật, chết người từ các công cụ mô hình tính toán từ nước ngoài, có vẻ như được “thổi phồng”, gây tâm lý sợ hãi, chưa được kiểm chứng ở Việt Nam?
Nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học từ Đại học Harvard, Hoa kỳ (2015), dựa vào quy hoạch điện VII thì sự hiện diện các hạt PM 2.5 ô nhiễm từ nhiệt than tại Việt Nam đã gây ra khoảng 4.300 cái chết yểu trong năm 2011. Báo cáo nhấn mạnh, dự báo đến năm 2030, con số tử vong do nhiệt điện than ở Việt Nam hằng năm có thể sẽ lên đến 25.000 người.
Một số người tỏ ra nghi ngờ, cho rằng kết quả đã được thổi phồng, gây tâm lý sợ hãi. Nhưng về mặt khoa học, chưa có nhà đầu tư nhiệt điện, các nhà quản lý công nghiệp năng lượng hay ngành y tế nào phản biện hay phản bác chính thức kết quả này. Trong khi đã có những thông tin chính thống về những “làng ung thư” ở Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nơi phát triển nhiệt điện than.
8/Hiện nay đã có những công nghệ mới trong nhiệt điện than có thể áp dụng để giảm đáng kể ô nhiễm không khí, nước thải, tro bụi và xỉ than từ nhà máy?
Tuy nhiên, hầu hết các công nghệ này đều rất đắt đỏ, áp dụng phức tạp, khó thương mại. Gần đây nhất vào ngày 14/11/2016 tại COP22, Kiko Network (Nhật Bản) công bố kết quả nghiên cứu về công nghệ hiện đại nhất của nhà máy nhiệt điện than – Chu trình hỗn hợp khí hóa tích hợp (IGCC). Nghiên cứu chỉ rằng công nghệ này không thể giúp giảm phát thải triệt để và chi phí của nó quá đắt. Cụ thể, chỉ có thể giảm mức phát thải nhiều hơn 20% so với công nghệ đốt than phun truyền thống. Trong khi chi phí lại đắt hơn 35%. Ngoài ra, để áp dụng những công nghệ này, khi tăng nhiệt độ và áp suất, lò hơi phải sử dụng kim loại chịu nhiệt đặc biệt có chi phí cao. Thực tế, khả năng gây ô nhiễm dù có giảm nhưng nguy cơ vẫn cao và không thể khắc phục hoàn toàn.
9/Thế giới vẫn phát triển điện than, tại sao ta lại không?
Từ năm 2014 đến nay, nhiều quốc gia giảm dần hoặc chấm dứt phát triển các nhà máy nhiệt điện than. Tại Mỹ, nhiệt điện than đã giảm từ 50% vào năm 2006 xuống dưới 30% năm 2016. Tính tới tháng 12/2015, đã có 189/236 nhà máy điện than bị hủy bỏ. Tiến trình đóng cửa nhà máy điện than ở Mỹ có thể nhanh hơn kế hoạch vào năm 2022 và không dự kiến khôi phục loại hình phát điện gây ô nhiễm này.
Nhiệt điện than của Trung Quốc không tăng không giảm trong 2 năm 2013 và 2014. Theo cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA)28, lượng than tiêu thụ của Trung Quốc giảm từ năm 2012. Trong thời gian tới, nhiệt điện đốt than ở Trung Quốc được dự báo cũng sẽ giảm. Gần đây chính phủ Trung Quốc đã quyết định dừng xây dựng 30 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất 17GW.
10/Quy hoạch phát triển điện than đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phải theo đó mà thực hiện, không có thể thay đổi được?
Quy hoạch chẳng qua là một định hướng để triển khai các dự án và kế hoạch hành động tiếp theo. Sau khi Quy hoạch điện VII Điều chỉnh được phê duyệt tháng 3/2016 thì tỉnh Bạc Liêu đã đề xuất huỷ bỏ dự án Nhiệt điện Cái Cùng và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Trước đó, Quốc hội đã huỷ bỏ 2 dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A ra khỏi quy hoạch điện quốc gia và huỷ bỏ thêm 424 dự án thủy điện, chiếm 34,2% trong tổng số 1239 dự án được quy hoạch. Ngày 10/11/2016, Chính phủ trình Quốc hội việc dừng dự án điện hạt nhân Bình Thuận cho thấy, trước kia Bộ Công Thương cũng đã khẳng định phải xây dựng nhà máy điện hạt nhân như một chọn lựa không tránh khỏi, đồng thời quy hoạch điện hạt nhân cũng đã được đưa vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Không phải quy hoạch là bất biến.
THANH HẢI (thực hiện)