Cần định hướng thị trường gắn với sản xuất và tiêu thụ
Câu chuyện “được mùa mất giá” luôn nóng tại nghị trường mà chưa có hồi kết. Là đất nước có nhiều thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, nhiều sản phẩm nông nghiệp của chúng ta đã có vị thế, tạo dấu ấn ở thị trường xuất khẩu nhưng tình trạng được mùa mất giá vẫn xảy ra thường xuyên mà chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Không thể quy toàn bộ trách nhiệm cho nông dân mà cần xem lại công tác định hướng thị trường của ngành chức năng. Từ câu chuyện trái dưa, trái chuối, thực tế một bộ phận nông dân đã tự nghiên cứu, biết đặc điểm thị trường các nước khác cho nên đã chủ động sản xuất và bội thu; ngược lại, không nắm được quy luật, một số nông dân bị thua lỗ khi thị trường mà mình nhắm đến quá dư thừa. Ðể cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, bên cạnh các giải pháp vĩ mô, thiết nghĩ cần chú trọng nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu và định hướng thị trường, nhằm kịp thời khuyến cáo, giúp nông dân tránh tình trạng được mùa mất giá, sâu xa hơn là tránh tình trạng số lượng nhiều nhưng giá trị lợi nhuận không bao nhiêu!
Ðại tá NGUYỄN VĂN VẸN
(Hội Cựu chiến binh phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương)
Chưa nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp
Trong ba năm qua, số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực nông nghiệp đã tăng nhanh, từ hơn 3.000 doanh nghiệp lên 11.800 doanh nghiệp, trong đó có sự tham gia của nhiều tập đoàn kinh tế lớn. Các lĩnh vực đầu tư đa dạng, trải khắp các vùng, miền của đất nước, tạo động lực mới trong phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, số doanh nghiệp này cộng với khoảng 49.000 doanh nghiệp đầu tư gián tiếp chỉ chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp của cả nước, trong khi tiềm năng, lợi thế sản xuất nông nghiệp rất lớn.
Ngay tại Thủ đô Hà Nội, sau mười năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, sự đầu tư của doanh nghiệp trong nông nghiệp cũng rất hạn chế. Sản xuất nông nghiệp của Thủ đô vẫn nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu, không ít nông dân không mặn mà phát triển sản xuất, thậm chí bỏ đất hoang lãng phí. Vì thế, tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tham mưu với Chính phủ, Quốc hội ban hành chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất nông nghiệp. Ðồng thời, UBND thành phố Hà Nội cần có cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, nhất là về đất đai để thu hút các doanh nghiệp tích cực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.
CẤN VĂN DŨNG
(Xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội)
Chính sách dành cho nông nghiệp, nông dân chưa thỏa đáng
Phiên chất vấn đầu tiên của kỳ họp Quốc hội lần này sôi nổi, các ý kiến chất vấn và tranh luận của đại biểu Quốc hội đã phản ánh được mong muốn của nhân dân, nhất là nông dân trong thời điểm hiện nay. Như lời Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, ở khu vực miền trung các mặt hàng nông sản, thủy, hải sản vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng được mùa mất giá, mất mùa được giá. Nhiều mặt hàng ở miền trung, Tây Nguyên như dưa hấu, ớt, hồ tiêu, cà-phê, cao-su… thường xuyên phải “giải cứu” mỗi khi thị trường nước ngoài ngưng nhập, hoặc giảm thu mua. Có rất nhiều mặt hàng nông sản giá rẻ, nhưng người tiêu dùng trong nước vẫn không mặn mà, vì chất lượng thấp, dư lượng các hóa chất độc hại trong quá trình trồng trọt, bảo quản, chế biến còn cao vượt ngưỡng cho phép. Vì thế, theo tôi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan và Chính phủ cần có chiến lược dài hạn, cụ thể trong quy hoạch phát triển các vùng chuyên canh, trong khâu thu mua, chế biến. Ðặc biệt, cần tuyên truyền và có chế tài xử lý nghiêm đối với hành vi sử dụng chất độc hại, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt, chế biến và bảo quản.
NGUYỄN TUẤN
(Phường Nại Hiên Ðông, quận Sơn Trà, Ðà Nẵng)
Còn thiếu chính sách khuyến khích doanh nghiệp cơ khí chế tạo phát triển
Nhiều năm trước đây, TP Hải Phòng có ngành công nghiệp cơ khí phát triển khá mạnh. Nhưng những năm gần đây, các cơ sở công nghiệp cơ khí cứ mai một dần và không cạnh tranh được với các sản phẩm cơ khí của nước ngoài. Các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp cơ khí chế tạo luôn tâm huyết với nghề, vừa làm giàu chính đáng cho bản thân, doanh nghiệp, vừa góp phần xây dựng, làm giàu cho quê hương. Ðồng thời, hoạt động mở mang sản xuất cũng góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho người lao động, nhất là ở vùng nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói chung, doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước nói riêng đang gặp khó khăn khi cạnh tranh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Bởi hiện nay, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang được hưởng rất nhiều ưu đãi về đất đai và thuế. Chúng tôi đề nghị, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi công bằng hơn giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất. Ðồng thời, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong thời kỳ khởi nghiệp, sản xuất chưa ổn định trong vòng từ ba đến 5 năm.
ÐỒNG MINH TÚY
(Xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng)
Quản lý việc bán hàng đa cấp và qua mạng xã hội còn lỏng lẻo
Hiện nay, ở nhiều thôn, bản vùng cao, xuất hiện các đối tượng tới mời chào, vận động người dân mua các sản phẩm theo hình thức bán hàng đa cấp. Tôi được biết, ở tỉnh Bắc Kạn, có một số doanh nghiệp đăng ký bán hàng đa cấp nhưng vẫn còn có những đơn vị, cá nhân hoạt động mà chưa đăng ký. Hoạt động bán hàng đa cấp chủ yếu tập trung vào hai nhóm mặt hàng chính là thực phẩm chức năng và mỹ phẩm, là những mặt hàng rất khó xác định giá trị thật. Một số người dân bỏ ra số tiền lớn mua sản phẩm nhưng lại chỉ mang về thất vọng, bức xúc. Trên các mạng xã hội hiện nay xuất hiện nhiều người bán hàng online với đủ loại sản phẩm. Tình trạng người mua phải sản phẩm không như quảng cáo hoặc chuyển tiền rồi mà không nhận được sản phẩm có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng tới người dân.
Tôi đề nghị Bộ Công thương cần rà soát, bổ sung quy định về quản lý kinh doanh bán hàng đa cấp, kinh doanh trên mạng xã hội, bảo đảm việc kinh doanh này đúng quy định pháp luật, bảo vệ quyền lợi của người dân. Ðồng thời sớm có giải pháp quản lý đối với hình thức bán hàng online.
MA NGỌC TÚ
(Thôn Bản Lanh, xã Phương Viên, huyện Chợ Ðồn, tỉnh Bắc Kạn)
(Theo nhandan.com.vn)